Thursday, April 3, 2014

Tháng Tư Đen Và Binh Chủng Mũ Xanh



Hồi ký của Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến:

  • Nguyễn Thành Trí
Cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, biệt danh Tango, sinh năm 1935, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH từ 1972 cho tới cuối ngày 30 Tháng Tư 1975, đã trải qua 13 năm tù cộng sản, tới Hoa Kỳ theo chương trình HO., hiện định cư tại Houston Texas cùng vợ và 4 con.

Ngày 18 tháng Ba 1975, Đại tá Trí là Tư Lệnh Mặt Trận Tây Bắc Huế. Ngày 20-3, từ tuyến Mỹ Chánh trở vào vẫn nguyên vẹn. Mọi cuộc tấn công của Quân Bắc Việt vào phòng tuyến Thuỷ Quân Lục Chiến dọc hành lang sông Bồ và khu vực Cổ Bi đều bị đẩy lui. Nhưng rồi, chỉ 10 ngày sau những lệnh rút quân hoảng loạn từ thượng cấp, Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến tại Vùng I chiến thuật với quân số chừng 11,000, khi được Cơ Xưởng Hạm 802 đưa về đến Vũng Tầu, chỉ còn khoảng 4,000 binh sĩ.

Sau đây là chuyện Tháng Tư Đen, trích từ hồi ký "Ngày Tháng Không Quên", của một tư lệnh mặt trận, kể về những ngày giờ sau cùng của binh chủng mũ xanh thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
*
Ngày 1 Tháng Tư 75

Ngày 1-4-75 khoảng 16:00 giờ SĐ/TQLC về đến VũngTàu và được lệnh di chuyển về đóng quân tại trại Úc Đại Lợi ở Bãi sau. Trại này trước đây do lực lượng Úc tham chiến tại Việt Nam dựng theo lối kiến trúc tiền chế để làm nơi tạm trú đóng và dưỡng quân. Là một thị xã nhỏ về diện tích cũng như dân số, nhưng nhờ có ba bãi biển khá đẹp nên Vũng Tàu được coi như nơi thu hút du khách đến nghỉ mát. Tiểu đoàn 4/TQLC là đơn vị duy nhất trong Sư đoàn có hậu cứ tọa lạc tại Vũng Tàu kể từ năm 1962.

Ngày hôm sau Sư đoàn bắt tay ngay vào việc tái trang bị và bổ sung quân số cho các đơn vị. Theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu, việc chỉnh trang phải được hoàn tất trong thời gian tối thiểu và SĐ/TQLC phải sẵn sàng được đặt trong tình trạng ứng chiến trong vòng một tuần lễ. Quân trang quân dụng, vũ khí, đạn dược và các nhu cầu khác như thực phẩm, thuốc men… được chở từ hậu cứ các đơn vị hay Sư đoàn từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Trong vòng hơn mười ngày Khối bổ sung cũng đã cung cấp khoảng năm trăm quân nhân trong hai đợt để bổ sung cho các đơn vị. Quân số nói trên, ngoài thành phần Tân binh, Hạ sĩ quan và Sĩ quan mới ra trường, còn có các cựu quân nhân các cấp đã được nhập vào Khối bổ sung sau thời gian bị thương được chữa trị xong từ bệnh viện TQLC hay bệnh viện Cộng Hòa. Cựu quân nhân cũng như quân nhân mới ra trường đều được san sẻ giữa các đơn vị trong chiều hướng làm thế nào khả năng tham chiến của các đơn vị đạt được mức tương đối đồng đều nhau về lượng cũng như phẩm. Tổ chức của SD/TQLC có khác hơn các Sư đoàn Bộ binh là các Tiểu đoàn không trực thuộc các Lữ đoàn như thành phần hữu cơ. Một Tiểu đoàn có thể được BTL/SĐ tăng phái cho bất cứ Lữ đoàn nào để sử dụng trong nhiệm vụ chiến thuật và cũng có thể được thay thế bởi một Tiểu đoàn khác khi quân số bị hao hụt do hậu quả của các trận đụng độ lớn, hoặc đã hành quân trong thời gian quá lâu, cần được rút về hậu tuyến để nghỉ ngơi và chỉnh trang. Nhờ đó mà khả năng tham chiến cũng như tác chiến của các Lũ đoàn lúc nào cũng đạt được mức mong muốn.

Tưởng cũng cần nói thêm, khi SĐ/TQLC về đến Vũng Tàu thì Trung tâm huấn luyện TQLC cũng đang ráo riết xúc tiến chương trình huấn luyện cho gần một ngàn năm trăm tân binh và sẽ lần lượt đưa về khối bổ sung để phân phối cho các đơn vị. Còn điều đáng mừng nữa là một số các quân nhân được coi như mất tích trong các cuộc rút quân từ cù lao Vĩnh Lộc, Thừa Thiên và từ Đà Nẵng, cũng lần lượt trở về trình diện thẳng các hậu cứ đơn vị ở Sài Gòn hoặc tại BTL/SĐ/TQLC ở Vũng Tàu. Trong vòng khoảng mười ngày con số nói trên đã lên đến hơn năm trăm, và cứ theo đà này quân số đó có thể tăng gấp đôi hay hơn nữa trong những tuần lễ kế tiếp. Nhìn chung SĐ/TQLC không gặp trở ngại nào đáng kể trong việc bổ sung quân số, ít ra cũng cho hai Lữ đoàn. Vấn đề tế nhị còn lại là mối ưu tư chung của các cấp chỉ huy về các tân binh chưa có kinh nghiệm thực tế ngoài mặt trận trong khi chiến trường càng ngày càng trở nên gay go với hình thái qui ước rõ ràng. Mặt khác về hỏa lực yểm trợ pháo binh cơ hữu thì Sư đoàn chỉ mới được cấp phát có sáu khẩu đại bác 105 ly, đủ để trang bị cho một pháo đội. BTL/SĐ/TQLC luôn theo dõi và đôn đốc việc tái trang bị và bổ sung quân số cho LĐ258 và 468/TQLC. LĐ/468/TQLC được xếp ưu tiên một để lên đường tham dự bất cứ mặt trận nào khi có lệnh của Bộ TTM.

Khi Khánh Dương và Tuy Hòa rơi vào tay CSBV, số phận Nha Trang chỉ còn là thời gian: Khánh Dương là tiền đồn trọng yếu để bảo vệ Nha Trang về hướng Tây Bắc trong khi Tuy Hòa, giao điểm Liên lộ 7B và Quốc lộ 1, là tuyến ngăn chặn địch tràn xuống từ hướng Bắc.

Ngày 2-4-75 rồi 3-4-75 Nha Trang và Cam Ranh tuần tự bỏ ngỏ. QĐII không còn khả năng thực hiện được một cuộc trì hoãn chiến nào để làm chậm bước tiến của quân CSBV trên Quốc lộ 1. Sư đoàn 2 CSBV được lệnh tiến vào Nam. Chúng sử dụng tất cả các phương tiện chuyển vận của QLVNCH, kể cả chiến xa bỏ lại sau khi rút lui. Mặt khác, sau khi Đà Nẵng bị chiếm, CSBV đã điều động thêm hai Sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 từ Ninh Bình vào chiến trường trong Nam; và như thế, theo tài liệu của Bùi Tín, một Đại tá CSBV, thì miền Bắc chỉ còn lại có Sư đoàn 318 để "bảo vệ hậu phương lớn".

Trước đà tiến quân của CSBV, ngày 2-4-75, tuyến cố thủ Phan Rang được tổ chức dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh tiền phương QĐIII. Lãnh thổ từ Phan Rang trở xuống phía Nam, nguyên thuộc Vùng 2 chiến thuật, nay được sát nhập vào Vùng 3 chiến thuật. BTL Tiền phương QĐIII đóng tại sân bay Phan Rang. Lực lượng phòng thủ Phan Rang gồm các đơn vị thuộc SĐ2/BB rút về từ Vùng 1 chiến thuật, LĐ2 Nhảy Dù (về sau được Liên đoàn 31 BĐQ thay thế), lực lượng ĐPQ Ninh Thuận, một chi đoàn Chiến xa, SĐ6 Không Quân và một Duyên đoàn để kiểm soát và bảo vệ bờ biển.

Ngày 14-4-75, CSBV tung ra SĐ3 được tăng cường thêm một Trung đoàn để tấn công vào tuyến phòng thủ Phan Rang. Lực lượng phòng thủ Phan Rang được sự yểm trợ của Không quân đã chống trả mãnh liệt và gây cho địch tổn thất nặng nề. Địch tiếp tục duy trì mức độ pháo kích đồng thời chỉnh đốn lại lực lượng để chuẩn bị mở các đợt tấn công mới.
blank
Di Tản Từ Cam Rang Tới Vũng Tàu, Tháng 4-1975. Tàu Hải quân Việt nam số hiệu HQ-504 từ Miền Trung tới Cảng Vũng Tàu ngày 3 tháng 4-1975, chở hơn 7,000 lính và dân di tản. Tất cả các thành phố cảng phía bắc của Vũng Tàu lúc này đều đã thất thủ, và Vũng Tàu đã đón hơn 20,000 người di tản từ Cam Ranh qua các tàu Hải quân. (Photo STAFF/AFP/Getty Images)

Khoảng đầu trung tuần tháng 4-75, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, SĐ/TQLC tăng phái cho QĐIII tại Biên Hòa một Lữ đoàn TQLC. LĐ468/TQLC được lệnh lên đường với tổ chức lực lượng như sau:

- LĐ468/TQLC (Đại tá Ngô Văn Định, Lữ đoàn trưởng), BCH/LĐ và các đơn vị yểm trợ chuyên môn Công binh, Truyền tin, Quân Y…

- Đại đội Viễn thám.

- Pháo đội 105 ly/TQLC (thay vì một Tiểu đoàn vì chưa được cấp phát đầy đủ đại bác)

- Phân đội chống chiến xa106 ly.

- 3 TĐ/TQLC: TĐ1 (Thiếu tá Dương Văn Hưng, Tiểu đoàn trưởng), TĐ8 (Trung tá Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu đoàn trưởng), TĐ16 (Thiếu tá Đinh Xuân Lãm, Tiểu đoàn trưởng)

Quân số tham chiến của LĐ468/TQLC được khoảng trên 2.500. Đó là điểm đáng mừng vì quân số nói trên không bị sút giảm bao nhiêu so với thời gian trước khi có cuộc rút quân khỏi V1CT. Tuy nhiên đây chỉ nói đến vấn đề "lượng". Dù muốn dù không các đơn vị đang có nhiều tân binh, còn phải trải qua biết bao thử thách trong tương lai hầu có được nhiều kinh nghiệm thực tế trên chiến trường, sức chịu đựng bền bỉ về tinh thần cũng như thể chất. Nhìn các đơn vị tập họp lên xe hành quân mà lòng dâng lên niềm xúc động. Đã lâu rồi mới lại thấy được các đơn vị tập trung đông đủ tại một nơi như thế này.

Đoàn xe di chuyển tới Bà Rịa thì được lệnh quay trở lại Vũng Tàu. Lý do được biết là Sài Gòn đang có tin đồn đảo chánh nên mọi cuộc chuyển quân được tạm thời đình chỉ. Ngày hôm sau thì LĐ468/TQLC mới có lệnh rời Vũng Tàu để di chuyển lên Biên Hòa trình diện BTL/QĐIII. Lữ đoàn này đươc giao nhiệm vụ phòng thủ phía Đông và Đông Nam Biên Hòa, trong khu vực giới hạn phía Bắc bởi Quốc lộ 1 và phía Nam bởi Quốc lộ 15. Tuyến phòng thủ kéo dài từ ngã ba Thái Lan đến phía Nam Hố Nai ngăn chặn địch từ hướng Long Khánh và Long Thành.

Mặt trận Phan Rang thất thủ vào ngày 16-4-75, sau khi CSBV tung thêm Sư đoàn 325 tấn công dứt điểm. Trước lực lượng đông hơn về quân số tấn công, mạnh hơn về thành phần trừ bị, trong khi lực lượng phòng thủ Phan Rang gồm các đơn vị rút về từ QK1 hoặc từ các mặt trận của QK2 với quân số yếu kém, thiếu thốn phương tiện yểm trợ hỏa lực và nhất là tinh thần binh sĩ khá mệt mỏi, Phan Rang thất thủ là điều đương nhiên. Tại mặt trận này Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh tiền phương QĐIII, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh SĐ6 Không quân, Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ2 Nhảy dù, đã bị địch bắt. Ngày 19-4-75, ta lại mất thêm Bình Thuận, tỉnh cuối cùng của QK2 được sát nhập vào QK3.

Trong lúc này mặt trận Xuân Lộc càng ngày càng trở nên gay go khốc liệt. Xuân Lộc bắt đầu nổ súng khi Quân đoàn 4 CSBV tung ra 3 Sư đoàn 6, 7 và 341 tấn công vào ngày 9-4-75. Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh SĐ18BB, chỉ huy lực lượng phòng thủ đã cương quyết chống trả mặc dù Trung đoàn 52/SĐ18BB trong những ngày đầu đã bị thiệt hại khá nặng nề tại khu vực Tây Bắc Xuân Lộc.

Để đáp ứng nhu cầu tình hình, LĐ1 Nhảy dù được gởi đến tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc. Thấy được sự quyết tâm của SĐ18BB trong việc cố thủ Xuân Lộc, CSBV gởi thêm Trung đoàn 95/SĐ325 tăng cường cho Quân đoàn 4.

Ngày 16-4-75 khi nắm được tin tức một số đơn vị thuộc SĐ341 CSBV đang tập trung ở phía bác Dầu Giây, QĐIII đã ra lệnh cho Không quân ném hai quả bom CBU với sức tàn phá và sát hại cao, gây cho địch thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như vật chất. Không quân VNCH đã phải biến cải phi cơ C130 để có khả năng chuyên chở và thả xuống mục tieu hai quả bom này. Tiếc thay ta chỉ được Mỹ giao cho vỏn vẹn hai ngòi nổ, nên những quả bom còn lại chỉ như những đống sắc vô dụng. Hậu quả của hai quả bom CBU nói trên đã làm cho địch phải tạm thời ngưng cuộc tấn công để nghiên cứu lại đường lối hành động mới.

Trong khi chiến trường đầy sôi động thì Sài Gòn có những âm mưu đảo chánh. Những tin tức như thế chẳng có gì phấn khởi đối với các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Họ chỉ muốn được yên tâm, nắm vũng tay súng để giữ gìn phần đất quê hương càng ngày càng bị thu hẹp dưới bước chân quân thù.
Ngày 21-4-75, một LĐ/TQLC thứ hai được lệnh tăng phái cho QĐIII. Thiếu tướng Lân chỉ thị cho tôi tổ chức một BCH nhẹ SĐ để cùng với LĐ258/TQLC di chuyển về Biên Hòa trình diện QĐIII. Tổ chức lực lượng của LĐ258/TQLC như sau:

- LĐ258/TQLC (Đại tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng), BCH/LĐ và các thành phần yểm trợ chuyên môn Công binh, Truyền tin, Quân Y…

- Đại đội Viễn thám.

- Pháo đội 105 ly TQLC (thay vì một Tiểu đoàn vì chưa được cấp phát đầy đủ đại bác)

- Phân đội chống chiến xa 106 ly.

3 TĐ/TQLC: TĐ2/TQLC (Thiếu tá Trần Văn Hợp, Tiểu đoàn trưởng), TĐ4/TQLC (Thiếu tá Trần Ngọc Toàn, Tiểu đoàn trưởng) và TĐ6/TQLC (Trung tá Lê Bá Bình, Tiểu đoàn trưởng)

Đoàn xe chở các đơn vị đến Biên Hòa vào khoảng 11:00 giờ và tôi được lệnh vào trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh QĐIII, để nhận thêm chỉ thị. Trước tiên ông hỏi thăm về quân số của hai Lữ đoàn. Ông tỏ vẻ rất hài lòng khi biết quân số tham chiến của hai LĐ/TQLC ở mức cao trên năm ngàn. Sau đó ông cho biết tình hình tại Xuân Lộc rất nghiêm trọng và nặng nề. Ông ra lệnh cho tôi chịu trách nhiệm tổ chức phòng thủ phía Đông Biên Hòa với hai LĐ/TQLC đang có. (Lúc bấy giờ Tướng Toàn chưa cho tôi biết là SĐ18BB đang rút khỏi Xuân Lộc; có thể ông muốn giữ kín việc này vì sợ nó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của các đơn vị đang chiến đấu tại các nơi. Cho đến ngày hôm sau thì Tướng Lân mới gọi điện thoại báo cho tôi hay là Xuân Lộc đã bỏ ngỏ rồi. Ông lưu ý tôi phải cẩn thận vì lực lượng CSBV tiếp tục tiến về hướng Biên Hòa, Bà Rịa và Long Thành). Dựa vào tuyến phòng thủ của LĐ468/TQLC phía Nam QL1, LĐ258/TQLC tiếp nơi tuyến phòng thủ và kéo dài lên hướng Bắc cho đến sông Đồng Nai. Như vậy tuyến phòng thủ của 2 LĐ/TQLC được tổ chức cách tỉnh lỵ Biên Hòa 13 đến 15 cây số, bảo vệ phía Đông và Đông Nam cho tỉnh này, hướng về Trảng Bom và Long Thành. BCH/LĐ258 đóng tại trại tù Cộng sản Tam Hiệp, BCH nhẹ SĐ/TQLC đóng cạnh BCH/LĐ468 trong căn cứ Long Bình.

Buổi tối, một biến cố chính trị quan trọng xãy ra: đài truyền hình phát đi lần ra mắt cuối cùng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước đồng bào sau chín năm lãnh đạo quốc gia. Ông tuyên bố từ chức sau khi đọc một thông điệp dài hơn một tiếng đồng hồ. Theo Hiến Pháp, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ lên thay thế. (Buổi lễ nhậm chức Tổng Thống được cử hành sau đó hai hôm). Trong những ngày 23, 24-4-75 địch tạm ngưng các cuộc tấn công lớn nhưng vẫn duy trì mức độ pháo kích tại khu vực Biên Hòa như sân bay, BTL/QĐIII, căn cứ Long Bình, Trường Bộ binh Thủ Đức và Trường thiết giáp. Mặt khác chúng cũng cho tổ chức các cuộc tấn công có tánh cách thăm dò vào các tuyến phòng thủ của các đơn vị TQLC. Nhưng mọi nỗ lực của chúng chẳng gây được ảnh hưởng gì.

Trưa ngày 24-4-75 theo lệnh của BTL/SĐ/TQLC, Trung Tá Nguyễn Đằng Tống đến thay thế cho Đại tá Ngô Văn Định trong chức vụ Lữ đoàn trưởng LĐ468/TQLC. Đại tá Định trở lại Vũng Tàu để xúc tiến việc tái tổ chức LĐ147/TQLC. Hiện tại Vũng Tàu đã có Tiểu đoàn 14/TQLC với quân số và trang bị đầy đủ, đang ứng chiến tại chỗ. Tuy nhiên SĐ/TQLC cần tổ chức thêm hai tiểu đoàn nữa để LĐ147/TQLC có thể thành hình và sẵn sàng tham chiến.

Sáng ngày 26-4-75, tôi đi thăm tuyến phòng thủ của LĐ258/TQLC tại khu vực Hố Nai trên quốc lộ 1.

Nhìn anh em TĐ6/TQLC trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tôi cảm thấy rất yên tâm. Hệ thống phòng thủ được tu bổ sửa sang trông khá hơn những ngày đầu mới tới. Đó là công tác quen thuộc hàng ngày của họ, nhưng lần này họ đã ý thức được rằng họ sẽ phải đương đầu với một lực lượng địch đông hơn, chiến xa và pháo cũng hùng hậu hơn. Chi đoàn chiến xa tăng phái cho TĐ6/TQLC đã phối trí hơi lùi về phía sau và được ngụy trang che dấu thật kỹ. Các sinh hoạt dân chúng trong các ấp ở Hố Nai vẫn bình thường ngoại trừ các lực lượng võ trang do các cha xứ tổ chức đang gia tăng tuần tiễu và canh gác trong các ấp.

Tiếng súng đầu tiên để bắt đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tức chiến dịch tổng tấn công vào thủ đô Sài Gòn, đã nổ ra từ hướng Đông Biên Hòa vào lúc 17:00 giờ. Quân đoàn 2 CSBV đã tung ra sư đoàn 304 với chiến xa và đại pháo yểm trợ, tấn công vào Trường thiết giáp. Sư đoàn 325 với chiến xa và đại pháo yểm trợ, tấn công Chi khu Long Thành trên quốc lộ 15. Cùng lúc, địch pháo kích dữ dội vào sân bay Biên Hòa, căn cứ Long Bình Hố Nai. Một số phi cơ tại căn cứ không quân Biên Hòa phải cất cánh bay về Tân Sơn Nhất để tránh pháo kích. Song song với các cuộc tấn công của Quân đoàn 2 CSBV nói trên, về hướng Bắc, Quân đoàn 4 CSBV với các sư đoàn 6, 7 và 341 được tăng cường chiến xa và đại pháo, đồng loạt tấn công vào Trảng Bom, cách Biên Hòa khoảng 27 cây số về hướng Đông, do Trung đoàn 43/SĐ11BB trấn giữ. Tất cả mũi tấn công của địch thật sự đã gây cho ta bối rối lúc đầu, nhưng sau đó bị chặn đứng nhờ sự yểm trợ hữu hiệu của phi pháo. Tuy nhiên sau đó, ở phía Nam, Trường thiết giáp đã bị một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 304 tấn công và chiếm giữ. Dùng Trường thiết giáp làm bàn đạp, chúng triển khai đội hình về hướng Tây Nam với ý định chiếm Quốc lộ 15. Lập tức một Đại đội TĐ1/TQLC được tăng phái cho lực lượng chiến xa thuộc LĐ3KB mở ngay cuộc phản công. Trước hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh, chiến xa và sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ TQLC cũng như thiết giáp, sau vài giờ chống cự địch phải rút lui về hướng Đông, bỏ lại chiến trường 12 chiến xa và nhiều tử thương (theo tài liệu của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, tư lệnh LĐ3KB). Thiệt hại của ta được coi như là nhẹ. Trong khi đó địch tổ chức các hoạt động trinh sát trước tuyến của các Tiểu đoàn 4 và 6 thuộc LĐ258/TQLC, Tiểu đoàn 16 thuộc LĐ468/TQLC. Vài cuộc chạm súng nhỏ xãy ra, nhưng sau đó địch bỏ chạy. Những cuộc hoạt động trinh sát như thế thường là địch muốn điều nghiên địa thế, tìm hiểu cách phối trí quân của ta, chuẩn bị các hỏa tập cho cuộc tấn công trong tương lai. Các đơn vị TQLC đã quen thuộc với các loại hoạt động này của địch trong thời gian còn hành quân tại Quảng Trị.

Sáng ngày 27-4-75, Tướng Toàn yêu cầu tôi hướng dẫn đến thăm tuyến phòng thủ của LĐ468/TQLC trên Quốc lộ 15 tại khu vực của TĐ1/TQLC. Trong dịp này ông lưu ý tôi là địch sẽ còn mở ra những cuộc tấn công kế tiếp mạnh mẽ hơn và chỉ thị cần phải có kế hoạch sử dụng chiến xa cũng như pháo binh cho hữu hiệu. Tuyến phòng thủ do TQLC đảm trách phải dứt khoát được bảo vệ với bất cứ giá nào. Khoảng 13:00 giờ, tôi được Đại tá Lương, Tham mưu trưởng QĐIII, thông báo là sẽ có một Liên đoàn BĐQ đến tăng phái cho TQLC. Có lẽ đây là kết quả do lời trình bày của tôi với Tướng Toàn vào buổi sáng nay về việc 2 LĐ/TQLC đang phòng thủ trên một tuyến khá rộng trên 20 cây số, trong khi BCH nhẹ TQLC cần có một lực lượng trừ bị được tăng cường chiến xa và thiết quân vận, khả dĩ thực hiện được các cuộc phản công chớp nhoáng bất cứ nơi nào khi tuyến phòng thủ bị chọc thủng. Tôi thầm cám ơn Tường Toàn đã thấy được sự cần thiết phải có một lực lượng trừ bị và chấp thuận đề nghị của tôi. Tuy nhiên khi Trung tá Liên đoàn trưởng BĐQ trình diện thì ông cho biết là Liên đoàn của ông vừa rút về từ các mặt trận phía Đông nên quân số bị hao hụt, chỉ còn trên dưới 700 tay súng, trang bị cũng chưa được bổ sung đầy đủ. Tôi đề nghị với Trung tá Liên đoàn trưởng nên tổ chức đơn vị thành một Tiểu đoàn với quân số hùng hậu hơn là cứ giữ nguyên ba Tiểu đoàn mà khả năng và hậu quả tác chiến không đạt được đầy đủ và tương xứng với cấp đơn vị. Dù sao Liên đoàn này cũng cần được chỉnh trang và nghỉ ngơi trong vài hôm. Tôi rất thông cảm với tình trạng của Liên đoàn BĐQ này.

Buổi chiều Quân đoàn 2 CSBV tung ra thêm sư đoàn 3 (thuộc Quân khu 5 tăng phái) tấn công ồ ạt chiếm chi khu Đức Thạnh và sau đó chiếm luôn thị xã Bà Rịa do LĐ1 Nhảy dù trấn giữ. Trước lực lượng đông đảo của địch có chiến xa yểm trợ, LĐ1 Nhảy dù phải rút về hướng Vũng Tàu. Cầu Cỏ May trên đường Bà Rịa Vũng Tàu bị ta giật sập.

Vào lúc này Sư đoàn 325 CSBV cũng đã chiếm được Long Thành. Chúng đưa một lực lượng vượt qua Quốc lộ 15, theo liên tỉnh lộ 25 tiến về hướng Tây Nam đến Nhơn Trạch. Nhơn Trạch chỉ cách Sài Gòn 13 cây số đường chim bay và ngăn cách với Sài Gòn bởi con sông Sài Gòn. Tại đây đại pháo 130 ly của chúng có thể tác xạ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là nguyên nhân chính yếu khiến cho Sư đoàn 325 CSBV phải tranh thủ chiếm Long Thành cho bằng được càng sớm càng tốt.

Nóng lòng trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình chiến sự, khoảng 08:00 giờ ngày 28-4-75, tôi lên BTL/QĐIII để tìm hiểu tình hình chung của Quân đoàn ra sao, nhất là về mặt trận Trảng Bom vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến phòng thủ của LĐ258/TQLC. Những điều tôi muốn biết chỉ được các sĩ quan tham mưu Quân đoàn trả lời một cách chung chung úp mở. Có lẽ một phần họ muốn giữ kín theo lệnh cấp trên, một phần chưa nắm vững đầy đủ dữ kiện. Tuy nhiên tôi nghĩ Trảng Bom đã bỏ ngỏ rồi… Trên bản đồ trận liệt của trung tâm hành quân QĐIII, về hướng Bắc và Tây Bắc Biên Hòa, SĐ5BB và SĐ25BB đang chịu sức ép của Quân đoàn 1 và 3 của CSBV. Hướng Tây Nam Đoàn 232 với 4 Sư đoàn đang vây ép Hậu Nghĩa, Bến Lức, Tân An trên Quốc lộ 4. Tôi trở về BCH nhẹ SĐ giữa lúc căn cứ Long Bình đang bị pháo kích, lòng thấy không yên. Tôi mời các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ để thông báo những gì tôi biết được liên quan đến tình hình ta và địch, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến mặt trận phía Đông Biên Hòa. Tôi yêu cầu mọi người chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

*

Khoảng 09:30 ngày 28-4-75, giờ tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đều bị pháo kích. Trước tuyến LĐ258/TQLC địch cho chiến xa dẫn đường, Bộ binh theo sau, tiến vào vị trí của TĐ6/TQLC. Một phần khu vực của TĐ4/TQLC cũng bị tấn công. Cùng lúc, Sư đoàn 304 CSBV cũng tấn công vào tuyến của LĐ468/TQLC. Các tiểu đoàn thuộc LĐ468/TQLC đã sử dụng pháo binh tác xạ chính xác vào đội hình của địch khiến chúng phải chạy lui về phía sau. Ta bắt được một tù binh thuộc một đơn vị của SĐ304 CSBV. Riêng bên LĐ258/TQLC, địch cũng không thể tiến lên được trước hỏa lực mạnh mẽ của chiến xa và bộ binh của ta. Phi cơ lên vùng yểm trợ và oanh kích hữu hiệu vào đội hình của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Địch đã phải rút lui về phía Đông, bỏ lại hai chiến xa do chiến xa ta bắn cháy. Theo cung từ của các tù binh bị bắt, lực lượng tấn công gồm Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 270) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 266). Hai trung đoàn này thuộc Sư đoàn 341 CSBV.

Khoảng 14:00 giờ, Tướng Lân gọi điện thoại hỏi tôi về tình hình tại Biên Hòa ra sao. Tôi trình ông biết là tuyến phòng thủ của hai Lữ đoàn đang chịu áp lực nặng nề của Sư đoàn 341 và 304 CSBV. Cho tới giờ này anh em vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Trong dịp này ông lưu ý tôi hãy chuẩn bị tư tưởng vì có thể SĐ/TQLC sẽ phối hợp với "lực lượng bạn" (?) để bảo vệ an ninh trục lộ từ Biên Hòa về Vũng Tàu. Ông không nói thêm mục đích của công tác nói trên cũng như từ đâu có lệnh đó. Tôi không thể hỏi thêm gì dài dòng vì đang trên đường dây điện thoại và nhận thấy mọi việc cần phải được giữ bí mật trong lúc này. Trước khi chấm dứt điện thoại, Tướng Lân khuyên tôi nên đưa gia đình ra Vũng Tàu, ông sẽ lo liệu trong trường hợp phải di tản. Tôi cám ơn về sự quan tâm của ông, nhưng tôi chưa có ý định cho gia đình đi trong lúc này. Tôi suy nghĩ miên
man về những gì Tướng Lân vừa cho biết liên quan đến việc bảo vệ an ninh Quốc lộ 15. Trên thực tế cả Quân đoàn 2 CSBV gồm 3 Sư đoàn đang kiểm soát phần lớn Quốc lộ 15 đi Vũng Tàu. Muốn giải tỏa cần phải có một lực lượng lớn hơn và hành quân trong nhiều ngày với hỏa lực yểm trợ hùng hậu. Mặt khác phải có kế hoạch ngăn chặn Quân đoàn 4 tấn công vào Biên Hòa trên Quốc lộ 1, chưa kể Quân đoàn này còn có khả năng tăng cường cho Quân đoàn 2 CSBV trên Quốc lộ 15 bất cứ lúc nào.

Khoảng 15:00 giờ, Đại tá Lương, Tham mưu trưởng QĐIII, báo cho tôi biết là BTL/QĐ sẽ di chuyển về trại BCH Thiết giáp ở Gò Vấp vào lúc 16:00 giờ. Trước khi rời Biên Hòa ông muốn biết bên TQLC có cần gì không. Ông cho biết thêm là Trung tâm hành quân Quân đoàn vẫn còn để lại một toán nhỏ để làm việc. Tôi cám ơn ông và cho biết chúng tôi chưa cần gì bây giờ.

Buổi tối thì nghe tin Tổng thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ cho Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố rằng ông muốn hòa giải, tôn trọng Hiệp định ngưng bắn 1973, và đề nghị ngưng bắn để thương thuyết… Làm sao Cộng sản chịu ngồi xuống thương thuyết khi chúng đang ở thế mạnh?

Ngày 29-4-75, tôi được lệnh đến họp tại BTL/SĐ18BB vào lúc 12:00 giờ. Hiện diện gồm có Tướng Toàn, Tư lệnh QĐIII, Tướng Đảo, Tư lệnh SĐ18BB, Tướng Khôi, Tư lệnh LĐ3KB, và tôi. Sau khi nghe qua phần trình bày của các vị Tư lệnh và tôi, Tướng Toàn chỉ thị cho các đơn vị rút về gần Biên Hòa và Long Bình để tuyến phòng thủ được bảo vệ chặt chẽ và hữu hiệu hơn. Để có sự thống nhất chỉ huy, do hai LĐ/TQLC khi về vị trí mới thì nằm trong khu vực trách nhiệm của cả LĐ3KB ở phía Bắc và SĐ18BB ở phía Nam, nên LĐ258/TQLC sẽ được tăng phái cho LĐ3KB và LĐ468/TQLC sẽ được tăng phái cho SĐ18BB. Tướng Toàn lưu ý thêm là tôi vẫn chịu trách nhiệm chỉ huy cho đến khi nào các LĐ/TQLC về đến vị trí mới đầy đủ; khi đó phải báo cho ông biết.

Về đến BCH tôi chưa kịp mời các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ đến họp về việc rút quân thì địch lại mở cuộc tấn công vào khu vực của TĐ6 và TĐ16/TQLC. Lần tấn công này của địch có vẻ mạnh mẽ hơn. BCH nhẹ SĐ/TQLC liền xin phi cơ lên vùng yểm trợ đồng thời ra lệnh cho Liên đoàn BĐQ sẵn sàng tiếp ứng trong trường hợp cần thiết. Sau vài giờ kịch chiến, địch thấy không thể nào phá được tuyến chặn của ta hai bên Quốc lộ 1, trong khi bị phi cơ ta oanh kích trúng phía sau đội hình nên chúng đành phải rút lui. Trước tuyến của TĐ/16TQLC địch bỏ lại hai chiến xa còn đang bốc cháy.

Khoảng 15:30 giờ, tôi họp các Lữ đoàn trưởng TQLC và Liên đoàn trưởng BĐQ để phổ biến kế hoạch rút quân và tái phối trí để bảo vệ căn cứ Long Bình và thị trấn Biên Hòa. Các LĐ/TQLC phải đoạn chiến và rút về phía sau từ 10 đến 12 cây số. Liên đoàn BĐQ di chuyển vào bên trong căn cứ Long Bình, tiếp tục làm trừ bị. Thành phần chiến xa tăng phái cho các đơn vị không gì thay đổi. BCH nhẹ SĐ và BCH/LĐ/468 vẫn đóng tại chỗ. Sau khi các LĐ/TQLC về đến tuyến phòng thủ mới thì sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của LĐ3KB (đối với LĐ258/TQLC) và SĐ18BB (đối với LĐ468/TQLC). Phải có kế hoạch yểm trợ Pháo binh bắn chận khi cần thiết trong lúc rút quân. Tôi lưu ý các đơn vị trưởng là địch đang tấn công dữ dội vào hai Đại đội Nhảy dù có nhiệm vụ bảo vệ cầu Đồng Nai và căn cứ Hải quân cách Long Bình vài cây số về hướng Tây Nam.

Khoảng 18:00 giờ, sau nhiều lần phản công tái chiếm một vài vị trí đã bị mất, hai Đại đội Nhảy dù đã phải rút lui trước lực lượng đông đảo của đơn vị thuộc đoàn 116 đặc công của địch. Đường về Sài Gòn trên xa lộ qua cầu Đồng Nai đã bị cắt. Giờ đây chỉ còn lại chiếc cầu Đại Hàn duy nhất bắc qua sông Đồng Nai trên Quốc lộ 1 còn sử dụng được để về Sài Gòn, do hai Đại đội Nhảy dù khác đang bảo vệ.

Khi cầu xa lộ Đồng Nai bị chiếm, lực lượng Địa phương quân có nhiệm vụ canh gác các cổng ra vào, kho tiếp liệu, kho đạn… trong căn cứ Long Bình đã tự động rời bỏ vị trí, nhất là khi địch pháo kích vào dữ dội. Một vài cuộc chạm súng giữa một số binh sĩ giữ an ninh còn lại với các toán đặc công địch đã xãy ra tại một vài địa điểm khác nhau trong căn cứ. Lúc bấy giờ thật khó lòng mà xác định được nơi nào là bạn, nơi nào là địch. Tôi gọi điện thoại cho Đại tá chỉ huy trưởng căn cứ Long Bình nhưng không ai trả lời. Tôi gọi qua Trung tâm hành quân QĐIII tại Biên Hòa (toán liên lạc) để thông báo về tình trạng an ninh trong căn cứ Long Bình không còn kiểm soát được nữa và yêu cầu trình lên thượng cấp để có biện pháp trước khi tình hình trở nên xấu hơn. Một sĩ quan tại Trung tâm hành quân cho biết không còn ai có thẩm quyền tại đây; anh nói thêm Tướng Toàn đã lên trực thăng lúc 15:00 giờ và BTL/QĐIII ở Gò Vấp cũng không ai biết ông hiện đang ở đâu. Lúc bấy giờ nhiều tiếng súng nổ vang về hướng Biên Hòa. BCH nhẹ SĐ báo cho tôi biết một lực lượng địch đang tấn công vào phía Bắc sân bay Biên Hòa. Độ hơn nửa giờ thì địch bị lực lượng LĐ3KB và BĐQ đẩy lui.

Trước đi trời tối BCH nhẹ SĐ và BCH/LĐ468/TQLC di chuyển về khu vực gần cổng trại, cửa đi ra thị trấn Biên Hòa để việc phòng thủ được dễ dàng hơn đồng thời cũng kiểm soát được cổng ra vào quan trọng này. BCH Liên đoàn BĐQ cũng di chuyển theo về gần đó. Tại khu vực này một số văn phòng làm việc vẫn còn để máy lạnh, điện vẫn bật sáng, các máy điện thoại vẫn còn có thể sử dụng được bình thường, nhưng nhân viên chẳng còn ai cả. Mọi thứ vẫn còn bày biện trong văn phòng hay trên bàn làm việc chứng tỏ nhân viên đã rời khỏi nơi này không lâu lắm. Bức ảnh chụp gia đình của một Hạ sĩ quan Mỹ vẫn còn để nguyên trên một nóc tủ đựng hồ sơ, có lẽ trong lúc gấp rút anh ta đã quên mang theo bức ảnh kỷ niệm này.

Trong buổi họp lúc 12:00 giờ, khi nhận được lệnh rút khỏi tuyến phòng thủ về bảo vệ vòng đai gần Biên Hòa và Long Bình, chắc ai cũng tự hiểu rằng đây mới chỉ là giai đoạn một. Giai đoạn kế tiếp sẽ có thể là phòng thủ phía Tây sông Đồng Nai, rồi từ đó nếu tình hình nặng hơn, sẽ rút về quanh Sài Gòn. Nhưng giờ đây SĐ18BB, TQLC, LĐ3KB và các đơn vị khác trong khu vực, sẽ phải tự quyết định cách hành động tùy theo sự biến chuyển của tình hình, nhưng chắc chắn không thể nằm lại vòng đai phòng thủ lâu hơn khi không có cấp cao hơn để chịu trách nhiệm về sự thống nhất chỉ huy.

Trong những ngày qua nổ lực của Quân đoàn 4 CSBV trên Quốc lộ 1 có phần mạnh mẽ và tập trung hơn do nhu cầu cấp bách của Quân đoàn này phải kết hợp kịp thời với các cánh quân từ các hướng khác để cùng tiến về tổng công kích Thủ đô Sài Gòn. Quân đoàn này tập trung 3 Sư đoàn cứ đánh thẳng từ Đông sang Tây với ý định sau khi chiếm Trảng Bom thì tiếp tục tiến về Biên Hòa và Long Bình rồi sau đó về Sài Gòn. Trong khi áp lực của Quân đoàn 2 CSBV trên Quốc lộ 145 chỉ mạnh mẽ tại khu vực Trường thiết giáp trong lúc đầu với Sư đoàn 304, nhưng không thể nào tiến xa hơn về hướng Long Bình vì gặp phải tuyến phòng thủ của LĐ468/TQLC và lực lượng Thiết giáp. Riêng Sư đoàn 3 và 325 CSBV thì lo tấn công Long Thành và Bà Rịa. Sau khi chiếm được Long Thành thì Sư đoàn 325 CSBV phải tiếp tục băng qua Quốc lộ 15 tiến về hướng Tây Nam để chiếm Nhơn Trạch mà chúng đã có kế hoạch sẽ đặt pháo 130 ly tại đây bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi Sư đoàn 3 CSBV sau khi chiếm Bà Rịa thì tiếp tục triển khai đội hình về hướng Vũng Tàu.

Trong một ký sự lịch sử của Sư đoàn 7 CSBV (Binh đoàn Cửu Long) do nhà xuất bản Quân Đội nhân dân ấn hành tại Hà Nội năm 1986, có ghi đoạn nói về nhiệm vụ của Quân đoàn 4 CSBV như sau: "0 giờ ngày 30 tháng 4 cuộc tổng công kích vào Sài Gòn sẽ bắt đầu. Để cùng với tất cả các cánh quân tiến về Sài Gòn, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quyết tâm đánh chiếm khu liên hợp công nghiệp Biên Hòa trước 0 giờ đêm nay. Sư đoàn 6 được lệnh bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến đánh bên trái đường số 1, đánh chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 Ngụy và cầu Ghềnh, thọc sang bên kia sông chiếm đầu cầu giữ bàn đạp. Sư đoàn 341 chiếm sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 7 không chờ sang bên kia cầu mới tác chiến, mà phải đột phá tiếp trại tù Hố Nai, đục phăng cái lá chắn của địch ở Tam Hiệp, cố gắng đưa hết đội hình sang bờ Tây sông Đồng Nai trong đêm nay"… Xem qua đoạn trên, ta thấy lực lượng địch tấn công Hố Nai trong mấy ngày qua gồm các đơn vị của 3 Sư đoàn khác nhau xa luân chiến: đầu tiên là Sư đoàn 341, kế tiếp là Sư đoàn 6 và cuối cùng là Sư đoàn 7 CSBV. Nhưng chúng không thể nào vượt qua nổi tuyến phòng thủ của LĐ258 và lực lượng chiến xa của LĐ3KB.

Khi thấy LĐ258 và 468/TQLC đoạn chiến để rút về vòng đai Biên Hòa và Long Bình vào buổi chiều, địch đưa chiến xa và Bộ binh tiến vào Hố Nai trong đội hình tác chiến. Chúng tưởng rằng lực lượng phòng thủ đã rút về phía Tây sông Đồng Nai để lập tuyến phòng thủ ở đây. Không ngờ chưa ra khỏi thị trấn Hố Nai thì đã bị lực lượng phòng thủ chận đánh vào lúc 23:00 giờ. Trong ký sự lịch sử của Sư đoàn 7 CSBV có đoạn ghi trận đánh này như sau: "Bộ đội ta tiến lên trong màn đêm mưa pháo địch. Khi Trung đoàn 3 Sư đoàn 6 ra khỏi Hố Nai, tiến về Nam Biên Hòa, thì Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 (đây là Trung đoàn 165 của Sư đoàn 7, xin đừng lầm với Trung đoàn 165 của sư đoàn 312 mà ta đã đụng độ nhiều lần ở Quảng Trị năm 1972-1975) có 4 xe tăng dẫn đầu, thuộc phân đội đi đầu của Sư đoàn, cũng bắt đầu tiến vào Hố Nai. Đội hình lọt vào giữa hai dãy phố. Trung đoàn trưởng ra lệnh cho xe tăng nổ máy vọt lên. Nhưng bốn chiếc xe tăng vừa tiến lên được một đoạn thì bổng từ hai bên sườn và cả trước mặt nhiều chớp lửa xanh lè lóe lên, từng quả đạn đỏ lừ vun vút lao tới bốn chiếc xe tăng ta. Trung đoàn trưởng lệnh súng cối 120, pháo 85 giá súng bắn trả. Bốn khẩu pháo xe tăng cũng nhả đạn, nhưng mới bắn được vài quả đạn thì ba chiếc trúng hỏa tiển chống tăng của địch bốc cháy… Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Trung đoàn trưởng vừa báo cáo xin chỉ thị của Sư đoàn vừa tổ chức đội phá phòng tuyến… Sư đoàn trưởng phóng xe Honda tới hỏi luôn: "Tình hình ra sao rồi? Gặp khó khăn phải không? Một thằng tù binh vừa khai trước mặt Trung đoàn là LĐ258 lính thủy đánh bộ. Chủ yếu là Tiểu đoàn 6 với 60 xe tăng của Lữ kỹ binh 3 đấy". Trung đoàn trưởng Trần Quang Diệu báo cáo vắn tắt tình hình rồi trình bày ý định tác chiến của Trung đoàn. Sư đoàn trưởng gật đầu: "Tổ chức đánh ngay đi không muộn". Nhưng cũng như các cuộc tấn công trước, địch cuối cùng cũng phải rút lui về Đông với thiệt hại nặng nề mà không thể nào "đục phăng cái lá chắn" của lực lượng phòng thủ.

Khoảng 03:00 giờ ngày 30-4-75, LĐ258/TQLC báo cho BCH nhẹ SĐ một số chiến xa của LĐ3KB chạy qua cầu Đại Hàn để qua phía tây sông Đồng Nai và xin ý kiến. Tôi trả lời hãy giữ liên lạc chặc chẽ với LĐ3KB và thi hành theo sự điều động của LĐ3KB (vì LĐ258/TQLC đang được tăng phái cho LĐ3KB), tuy nhiên phải báo cáo mọi diễn tiến cho BCH nhẹ SĐ/TQLC để tiện theo dõi. Lúc bấy giờ BCH nhẹ SĐ, BCH/LĐ468/TQLCvà Liên đoàn BĐQ vẫn còn đóng trong căn cứ Long Bình. Tình hình có vẻ lắng dịu trong tiếng pháo kích cầm chừng của địch.

Khoảng 03:30 giờ, LĐ258/TQLC báo cáo bắt đầu di chuyển về phía Tây cùng với một số chiến xa của LĐ3KB và sẽ bố trí bên phía Tây sông Đồng Nai. Tôi gọi qua BTL/SĐ18BB để gặp Tướng Đảo, nhưng không ai trả lời. Tôi ra lệnh cho LĐ258/TQLC để lại một Tiểu đoàn bảo vệ phía Đông cầu Đại Hàn cho đến khi LĐ468/TQLC và Liên đoàn BĐQ rút qua hết.

Khoảng 06:30 giờ, khi các đơn vị thuộc LĐ468/TQLC qua gần hết cầu Đồng Nai thì BCH nhẹ SĐ, BCH/LĐ468/TQLC và Liên đoàn BĐQ bắt đầu di chuyển qua phía Tây Sông Đồng Nai. Hai Đại đội Nhảy dù vẫn còn canh gác cầu này. Điều đặc biệt là địch không còn mở ra cuộc tấn công nào nữa mặc dù các đơn vị của ta quan sát vẫn thấy chúng thấp thoáng cách khoảng 3 cây số về hướng Đông. Vào lúc này qua hệ thống máy ANPCR25, LĐ468/TQLC liên lạc được với SĐ18BB và được biết Tướng Đảo cùng với lực lượng của ông đang bố trí tại nghĩa trang quân đội trên xa lộ, cách cầu Đồng Nai hơn bốn cây số về hướng Tây Nam. Trong khi tôi băn khoăn chờ đợi xem có lệnh gì kế tiếp thì Trung tá Huỳnh Văn Lượm, Lữ đoàn phó LĐ258/TQLC đến gặp tôi trên Quốc lộ 1 gần đầu cầu Đại Hàn và cho tôi biết Bộ tổng tham mưu nhờ LĐ3KB làm trung gian chuyển lệnh cho các đơn vị như sau: TQLC về căn cứ Sóng Thần (CCST), LĐ3KB về Gò Vấp chờ lệnh tiếp. Không nghe nói lệnh cho SĐ18BB như thế nào, có lẽ Sư đoàn này nhận lệnh thẳng từ Bộ tổng tham mưu rồi. (Lúc bấy giờ Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng tham mưu trưởng QLVNCH. Ông vừa nhận chức vụ này vào chiều hôm qua.)

Tôi cảm thấy có điều gì không ổn bởi lẽ trong khi chiến trường đang sôi động, khoảng hơn 16 Sư đoàn địch đang siết chặt vòng vây vào Sài Gòn từ nhiều hướng, sao lại có lệnh cho TQLC về căn cứ Sóng Thần, hậu cứ của Sư đoàn? BTL/QĐIII giờ đây coi như không còn ai có thẩm quyền giải quyết được gì nữa. BCH nhẹ SĐ/TQLC thông báo lệnh này cho Liên đoàn BĐQ và yêu cầu Liên đoàn này liên lạc với các đơn vị liên hệ để có phương tiện di chuyển đến nơi nào tùy nghi. Nhiệm vụ tăng phái của Liên đoàn BĐQ cho BCH nhẹ SĐ/TQLC được coi như chấm dứt kể từ giờ phút ấy.

Tôi không nắm vững được tình hình của SĐ5BB ở hướng Tây Bắc Biên Hòa lúc bấy giờ ra sao. Nếu như cả Quân đoàn 1 CSBV tiếp tục ép xuống phía Nam dọc theo Quốc lộ 13, thì SĐ5BB sẽ khó lòng giữ được Bến Cát: Tỉnh Bình Dương, quận Lái Thiêu rồi sẽ mất. Cộng quân sẽ nhanh chóng tiến chiếm ngã ba Lái Thiêu và Quốc lộ 1. Căn cứ Sóng Thần nằm giữa Biên Hòa (phía Đông) và Lái Thiêu (phía Tây) sẽ trở thành một mục tiêu hoàn toàn bị cô lập. Sau khi thỏa luận với các cấp chỉ huy của hai Lữ đoàn và một vài Tiểu đoàn đang có mặt, tôi ra lệnh cho LĐ258/TQLC đưa một thành phần về thẳng trại Lê Thánh Tôn, bản doanh của BTL/SĐ/TQLC tại Sài Gòn, như là thành phần tiên phong để chuẩn bị nơi đóng quân cho các đơn vị. Sở dĩ chúng tôi có sự lựa chọn này là vì các lý do như sau: thứ nhất là để tránh trở thành mục tiêu bị cô lập tại căn cứ Sóng Thần như đã nói ở trên. Nếu địch tấn công và ta phải chống trả để cố thủ, thì các trại gia binh chung quanh đó sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng tai hại. Tại Sài Gòn vẫn có các trại sau đây mà các đơn vị TQLC có thể về tạm đóng quân: đó là trại Lê Thánh Tôn, trại Nguyễn Văn Nho và trại Cửu Long. Thứ hai là các thương bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh, tức bệnh viện của SĐ/TQLC tại CCST, cũng cần được di tản về Sài Gòn để họ được an toàn hơn. Thứ ba là nếu như Sài Gòn thất thủ, TQLC có thể rút về V4CT tương đối dễ dàng để cùng với lực lượng Quân đoàn IV tiếp tục chiến đấu.

blank
Di Tản Từ Cam Rang Tới Vũng Tàu, Tháng 4-1975. Tàu Hải quân Việt nam số hiệu HQ-504 từ Miền Trung tới Cảng Vũng Tàu ngày 3 tháng 4-1975, chở hơn 7,000 lính và dân di tản. Tất cả các thành phố cảng phía bắc của Vũng Tàu lúc này đều đã thất thủ, và Vũng Tàu đã đón hơn 20,000 người di tản từ Cam Ranh qua các tàu Hải quân. (Photo STAFF/AFP/Getty Images)

Đoàn xe chở thành phần về Sài Gòn do Thiếu tá Quách Ngọc Lâm, trưởng ban 4 LĐ258/TQLC chỉ huy. Trong khi không thể liên lạc được với BTL/QĐIII và Bộ tổng tham mưu, BCH nhẹ SĐ/TQLC tạm có cách giải quyết riêng hầu tránh được mọi nguy hiểm cho các đơn vị được chừng nào hay chừng ấy. Do quân xa tập trung được có hạn, nên các đơn vị của hai Lữ đoàn chỉ sử dụng được những phương tiện hiện có trong tay, tiếp tục chuyển quân về căn cứ Sóng Thần theo phương cách con thoi, sau đó sẽ có kế hoạch di chuyển về Sài Gòn. Vấn đề là làm sao rời khỏi phía Tây sông Đồng Nai càng nhanh càng tốt để tránh thiệt hại do địch pháo kích. Thời gian di chuyển từ Biên Hòa về CCST khoảng 30 phút theo đội hình đoàn xe.

Khoảng 09:30 giờ, BCH nhẹ SĐ/TQLC về đến CCST. Tôi ngạc nhiên khi thấy đoàn xe của Thiếu tá Lâm còn đang đậu trên xa lộ trước cổng CCST, binh sĩ xuống xe bố trí hai bên đường. Thiếu tá Lâm chạy đến cho tôi biết là có cuộc đụng độ dữ dội giữa địch và lực lượng ta tại khu vực ngã ba Lái Thiêu - Quốc lộ 1 và cầu Bình Triệu. Do đó đoàn xe phải quay đầu trở lại. Tôi cảm thấy đầy lo âu và thất vọng.

Toán Quân cảnh và binh sĩ canh gác nơi cổng ra vào CCST vẫn làm việc bình thường, quân phục gọn gàng, trông thật hùng dũng và kỷ luật, thể hiện tác phong đứng đắn của những chiến sĩ trong Binh chủng Mũ xanh. Tại BCH/CCST tôi gặp Trung tá Hoàng Ngọc Bảo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Truyền tin TQLC, Thiếu tá Tô Văn Cấp, Chỉ huy phó CCST và một số anh em sĩ quan khác. Mọi người tỏ ra đăm chiêu nhưng sau đó có vẻ yên tâm khi thấy các đơn vị hành quân di chuyển về càng lúc càng đông đảo. Tôi tìm cách gọi điện thoại về Vũng Tàu để trình cho Tướng Lân về tình hình đang xãy ra tại Biên Hòa cũng như tại CCST, nhưng đường dây không còn liên lạc được nữa.

Khoảng 10:00 giờ hơn, Trung tá Bảo từ ngoài cửa văn phòng bước nhanh vào và bằng một giọng trầm hẳn xuống, buồn bã, đầy xúc động, anh báo cho tôi: "Trình Đại tá mình đầu hàng rồi!" Tôi sửng sốt hỏi lại ngay: "Hả? Anh nói sao?" Trung tá Bảo nói tiếp: "Tổng Thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên cáo yêu cầu Quân lực VNCH hãy ở tại chỗ, tránh nổ súng và chờ lực lượng giải phóng đến bàn giao".

Tin sét đánh ngang tai. Tôi bàng hoàng không biết phải nói gì với mọi người đang có mặt, dù chỉ một câu thật ngắn ngủi; bởi quả tình tôi chưa hề chuẩn bị một chút tâm tư hay suy nghĩ nào cho những phản ứng trước một sự thật phũ phàng đến như thế; bởi mới hôm qua đây, bao nhiêu anh em vừa mới nằm xuống nơi chiến trường phía Đông không xa lắm, cũng chỉ vì hai chữ "DANH DỰ - TỔ QUỐC"; bởi hai chữ "đầu hàng" hay những cụm từ tương đương với ý nghĩa đó, không bao giờ có trong bất cứ binh thư sách vở nào nơi các quân trường… Nhưng biết làm sao đây, bao nhiêu anh em đang nhìn tôi như chờ đợi một giài đáp.

Tôi cho mời tất cả các đơn vị trưởng đang có mặt trong căn cứ đến họp để chính thức thông báo về lời tuyên cáo của Tổng thống Dương Văn Minh. Trước mặt mọi người tôi có vài lời vắn tắt như sau: "Chắc các anh em đã nghe lời tuyên cáo của Tổng thống, cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực VNCH. Chúng ta không thể làm gì hơn. Vi là quân nhân, chúng ta phải tuân theo kỷ luật. Yêu cầu các anh em hãy cố gắng tiếp tục đưa đơn vị của mình về CCST, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đồng thời giải thích cho họ rõ những điều tôi vừa nói để tránh mọi trường hợp đáng tiếc có thể xãy ra. Sau đó anh em có thể cho đơn vị giá súng vào kho và ra về với gia đình. Tôi xin gởi đến tất cả các anh em và gia đình lời chúc bình an và nhiều may mắn. Xin cám ơn tất cả anh em về sự chiến đấu anh dũng và không mệt mỏi trên mặt trận phía Đông Biên Hòa trong những ngày vừa qua"… Có những cặp mắt buồn bã nhìn nhau im lặng… và tôi cũng đã nghẹn ngào, không thể nói thêm được gì hơn.

Tôi nhờ Trung tá Bảo gọi bệnh viện Lê Hữu Sanh để tôi hỏi thăm về tình trạng thương bệnh binh ra sao. Một Y tá cho biết Bác sĩ Trần Công Hiệp, Y sĩ trưởng bệnh viện, hiện đang chữa trị cho các thương binh ở khu giải phẫu. Không muốn làm phiền Bác sĩ Hiệp trong lúc ông đang bận săn sóc thương binh, tôi hỏi anh Y tá số thương binh tại bệnh viện hiện giờ là bao nhiêu. Anh cho biết là khoảng gần tám chục người, không kể trên mười thương binh khác trong tình trạng nặng, được chuyển từ mặt trận Biên Hòa về khuya hôm qua và đã được khẩn cấp đưa đi bệnh viện Cộng Hòa điều trị. Bác sĩ Hiệp và các Y tá nam cũng như nữ, vẫn còn tận tụy săn sóc thương binh cho đến giờ phút cuối cùng này. Họ đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm, lương tâm của những chiến sĩ quân y TQLC. Sự hiện diện của họ trong lúc này đã xoa dịu phần nào nỗi đau trên thể xác lẫn tâm hồn của các thương bệnh binh. Bên cạnh những bàn tay "Từ mẫu" ấy, các thương bệnh binh hẵn cũng đã tìm được chút niềm an ủi, cảm thấy ấm lòng trong giờ phút đau buồn và tủi nhục nhất của đất nước.

Đến trưa thì Bác sĩ Hiệp cho phép các thương bệnh binh và y tá được rời khỏi bệnh viện Lê Hữu Sanh. Các thương binh, kẻ chống nạng, người trên xe lăn, các y tá và bệnh binh còn đi được, thì dắt díu hoặc cõng những thương binh khác, đã nhất quyết rời khỏi bệnh viện vì không muốn chờ kẻ thù đến sỉ nhục hay hành hạ mình. Vâng! Đã đến lúc những thương binh TQLC nói riêng và QLVNCH nói chung, thấy cần phải thể hiện tính khí khái, lòng can đảm và làm bất cứ điều gì mà họ có thể làm được, để bảo vệ danh dự và uy tín của tập thể, mặc dù họ biết chính họ là những kẻ thua thiệt hơn ai hết.

Trong giờ phút đầy lo âu và tuyệt vọng này, làm sao quên được những chiến hữu của chúng tôi hiện đang bị bắt làm tù binh hay còn lẩn trốn nơi nào đó ngoài Thừa Thiên và Đà Nẵng. Họ sẽ nghĩ gì khi biết rằng QLVNCH giờ này đã phải ngẩn ngơ buông súng, đầu hàng một cách nhục nhã theo lệnh của Tổng thống VNCH. Họ còn bám víu vào niềm hy vọng nào để tiếp tục phấn đấu trong hoàn cảnh đầy tối tăm ấy? Vợ con và gia đình họ rồi sẽ ra sao? Và cũng mỉa may thay, tôi cũng chưa có được câu trả lời nào dứt khoát cho trường hợp của chính bản thân mình…

Khoảng 15:30 giờ, Trung tá Bảo đến khuyên tôi nên ra về vì Căn Cứ Sóng Thần lúc ấy cũng đã vắng vẻ. Chúng tôi cùng một số anh em khác lên chiếc xe Jeep của Trung tá Bảo và hướng ra cổng trại. Điếm canh và vọng gác nơi cổng ra vào CCST lúc bấy giờ cũng đã bỏ trống…

Mũ Xanh Nguyễn Thành Trí

No comments:

Post a Comment

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975 đang bốc những người tỵ nạn từ những xa lan.  Đoàn tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ngo...