Tuesday, April 20, 2010

Cuộc di tản nhân đạo





Đỗ Văn Phúc

Ba mươi năm trước đây, nước Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử do sự tráo trở thất hứa của người bạn đồng minh Hoa Kỳ. Một trong nhiều nguyên nhân chính là ác ý của bọn nhà báo vô lương tâm đã xuyên tạc, bôi đen tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam để làm cho dư luận phản chiến Hoa Kỳ rầm rộ phản đối và mạt sát chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, dẫn đến sự biểu quyết của lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ đi từ cắt giảm viện trợ cho đến khi chém nhát dao cuối cùng chí tử vào chính phủ và nhân dân miền Nam.

Người còn sống mà còn bị bôi nhọ và vô phương chống đỡ. Nói chi đến người đã chết thì không còn cơ hội nào để biện minh. May mà những thập niên vừa qua, nhiều nỗ lực đã được thực hiện do các cựu tướng lãnh và các chính khách Hoa Kỳ vì bị thôi thúc bởi lương tâm mà đã lên tiếng để trả lại sự thật cho lịch sử; trong đó có vấn đề vãn hồi danh dự cho chính phủ và quân lực VNCH. Nhiều chính khách, quân nhân, nhà báo Việt Nam cũng hết lòng đóng góp vào nỗ lực trên qua hàng trăm bài báo, tài liệu, sách vở, và những bài tham luận đọc trước các hội nghị quốc tế về Viêt Nam. Tuy quá muộn màng, nhưng ít ra cũng giúp cho công luận thế giới thấy được chính nghĩa của miền Nam và sự man trá hung tàn của chế độ Cộng Sản để góp phần nào vào cuộc đấu tranh cho Tự do dân chủ tại Việt Nam hiện nay.

Mới đây, nhân nhớ lại ngày tang thương 30-4, nhiều người đã luôn dịp nhắc nhở đến kỷ niệm 35 năm ngày di tản hàng trăm trẻ em mồ côi do Hoa Kỳ tổ chức trong chiến dịch Baby Lift vào những ngày rối ren đen tối cuối cùng trước khi mất miền Nam. Trên tờ báo Người Việt Tây Bắc ngày 13 tháng 4, 2010 có đăng một bài của cô Hà Giang phỏng vấn bà Betty Tisdale về cuộc di tản nhân đạo này (Cô Hà Giang là phóng viên báo Người Việt tại Nam Cali, nên có lẽ bài viết này đã được đăng trên Người Việt).

Bà Tisdale năm nay 87 tuổi, là phụ nữ can đảm và nhân ái đã đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch di tản được 216 trong số khoảng 400 trẻ em của Viện Mồ Côi An Lạc vào ngày 12 tháng 4, năm 1975.

Tất cả những chi tiết trong đời bà Tisdale đều nói lên tấm lòng nhân ái bao la của người phụ nữ Mỹ Betty Tisdale đã có mặt ở Sài Gòn trong những ngày nguy hiểm nhất để thực hiện một việc mà phóng viên Hà Giang gọi là vô tiền khoáng hậu vì bà cho rằng:”Chỉ biết là tôi không thể để cho các em sống trong thế giới vô thần của chủ nghĩa Cộng Sản!”.

Tuy nhiên, khi nói về việc xin phép cho các em mồ côi được di tản, bà Tisdale đã kể lại rằng bà đem danh sách các em lên trình Bộ Xã Hội VNCH để xin phép. Tại đây, theo lời bà thì Bác Sĩ Phan Quang Đán, Thứ Trưởng Bộ Xã Hội đã nói:

“Chúng tôi sẽ cố thủ, chúng tôi không thể bỏ cuộc. Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.Tôi rất tiếc là không thể để cho các em đi được. Đó là quyết định của chính phủ tôi.”

(trích nguyên văn theo bài viết của Hà Giang)


Gần cuối bài phỏng vấn, bà lại nhắc câu nói của Bác Sĩ Phan Quang Đán một lần nữa:

“Tôi đã ra đi, bỏ lại gần hai trăm đứa con mình đã săn sóc cả mười bốn năm trời.Và lời nói của Thứ Trưởng Phan Quang Đán mãi cứ vang trong tai tôi. ‘Chúng tôi sẽ cố thủ. Chúng tôi không thể bỏ cuộc.Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.’”

Điều này làm chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng. Hơn hai mươi năm chiến tranh, có những giai đoạn thật tàn khốc, và khó khăn về tài nguyên nhân lực, chính phủ miền Nam chưa hề phải xử dụng đến các thiếu niên để cầm súng; trong khi đối phương chúng ta là phe Cộng Sản đã phải tuyển mộ nhiều thiếu niên mười lăm mười sáu. Hoặc trong các khu Việt Cộng kiểm soát, ngay các em bé 7, 8 tuổi và các cụ già gần đất xa trời cũng được huấn luyện để ném lựu đạn hay bắn súng. Sự khác biệt giữa chúng ta và đối phương là một bên là một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, biết tôn trọng luân thường đạo lý, và một bên kia là xã hội man rợ, chỉ biết dùng bất cứ phương tiện nào cho mục đích của họ mà thôi. Chính sách của các chính phủ miền Nam rất rõ ràng, chỉ động viên thanh niên trên 18 tuổi mà thôi. Trong thực tế, có nhiều trường hợp các em 16, 17 vì ham đời binh nghiệp, đã làm giấy khai sinh giả để đầu quân. Nhưng nếu quân đội phát giác ra hay do cha mẹ khiếu nại, các em đều được trả về với gia đình.

Để tìm hiểu sự thực về câu nói trên của cố BS Phan Quang Đán, ký giả LC của báo Chính Nghĩa (Atlanta) cùng chúng tôi gọi điện thoại đến bà Tisdale để tìm hiểu cho rõ vấn đề, thì được bà hứa sẽ trả lời nếu gửi bằng email cho bà. Bà đã cho chúng tôi địa chỉ email. Qua ngày thứ Ba 20-4-2010, chúng tôi không nhận hồi đáp, nên đã gọi điện thoại lần nữa. Lần này, bà đã than rằng bà quá già nên không nhớ hết mọi chuyện. Bà nói với chúng tôi “Nếu thấy sai gì thì xin cứ sửa!”

Thật khó xử cho chúng tôi. Làm sao chúng tôi có quyền sửa lại những điều do chính bà đã nói ra?

Vì thế, chúng tôi cũng có thể đặt vài giả thuyết. Hoặc bà đã không nhớ rõ, nên nói những điều không chính xác. Hoặc ký giả Hà Giang đã nghe lầm hay dịch từ lời của bà Tisdale qua Việt ngữ thiếu chính xác.

Chúng ta kính phục và biết ơn nghĩa cử của bà Tisdale. Nhưng chúng ta khó chấp nhận được một lời nói xúc phạm đến danh dự của một chính phủ, một chế độ Cộng Hoà, dù nó không còn hiện hữu. Chúng ta đã từng tả xung hữu đột để xoá tan những dư luận độc ác của truyền thông và phản chiến Hoa Kỳ; dĩ nhiên chúng ta sẽ rất đau lòng khi thấy sự ngộ nhận từ một phụ nữ mà nhiều người trong chúng ta khâm phục và biết ơn.

Chúng tôi mong rằng các tổ chức Cộng Đồng, các đoàn thể Quốc gia nên tìm hiểu thật kỹ và cùng lên tiếng về sự việc này. Chúng tôi không rõ cụ Phan Quang Đán hiện còn sống hay đã qua đời. Vì cụ là người đầu tiên có thể minh chính lời nói trên để gỡ oan cho chính phủ VNCH. Nếu chẳng may, cụ không còn trên thế gian này, thì chúng ta sẽ xin bà Tisdale vì lương tâm trong sáng mà có lời đính chính vậy. Chúng tôi trân trọng đề nghị ký giả Hà Giang của báo Người Việt nên tiếp xúc với Bà Betty Tisdale và cho cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản được rõ thực chất của vấn đề.

Đỗ Văn Phúc

1 comment:

  1. VỞ TUỒNG NHÂN ĐẠO


    Nhân đạo bay theo đường đại pháo
    Áo quan theo gót nhận mang về
    Đưa ma tống tiễn đầy nghi lễ
    Tình người sân khấu diễn làm chi
    Hết vở tích tuồng xem có lý
    Khán giả té hen khi quá khen
    Soạn giả thầy tuồng đang đánh chén
    Khen đào khen kép khéo vào vai.

    ReplyDelete

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975 đang bốc những người tỵ nạn từ những xa lan.  Đoàn tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ngo...