Wednesday, March 11, 2009
GĨA TỪ VŨ KHÍ
( Chân thành cảm ơn: Trung Tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ 12 BĐQ,
Đại úy Nguyễn Trung Tín , Y Sĩ Trưởng LĐ12 BĐQ
Đại úy Trần Văn Qui , Tiểu Đoàn Phó TĐ37/LĐ 12BĐQ
Đã bổ sung chi tiết liên quan đến thời gian, vị trí, những lần giao tranh, hành trình chuyển quân và sinh hoạt của Liên Đòan 12BĐQ trong tuần lễ từ 23-03 đến 29-03-1975 )
Thị Xã Tam Kỳ, Quảng Tín. Ngày Chúa Nhựt 23-03-1975
Sáng. Theo Trưởng Ban 4 vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 2 BB. Cuộc tiếp xúc thật nhanh, gọn vì không có kết quả như mong đợi. Con ai người nấy lo. Yêu cầu tiếp liệu cho đơn vị tăng phái lúc nào cũng phải nhường ưu tiên cho cơ hữu của Sư Đoàn, nhất là Trung Đoàn 5. Họ đang đụng nặng không kém .
Trưa. Theo đoàn xe tải đạn vào vị trí của Pháo Đội mà lòng buồn vô hạn. Những lời an ủi và giải thích, dù được người Pháo Đội Trưởng vui vẻ đón nhận, cũng chỉ để che dấu một thực trạng đau lòng: Quân Đội không đủ đạn cho chiến trường !
Bữa ăn thanh đạm với Đại úy Phương bị ngắt quãng liên tục vì anh phải lên máy theo dõi tác xạ của 4 khẩu 105 ly . Tiếng pháo kích của địch, tiếng phản pháo của ta, tiếng rè rè của máy PRC 25, tiếng nói như hét khi liên lạc, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp nhưng đặc thù của đời lính trận .
-Cánh 37 đang đụng nặng. Anh Phương buông máy, nói vội. Mình vừa ra lịnh ưu tiên cho Đại Đội 3. Ông Vương coi bộ mệt dữ. Thôi. Ăn tiếp đi Huy.
Cổ họng tôi đắng nghét. Cảm giác không khác gì đang nằm với trung đội ngoài kia. Vương Vũ đúng là cô đơn quá. Mấy thằng Em bây giờ chẳng còn ai bên cạnh. Lê Văn Hữu để lại nửa cái đầu ở Gò Nổi. Nguyễn Thanh Vân đang nằm liệt vì sốt rét rừng. Còn tôi đang thấp thỏm từ vòng đai Tiểu Khu. Bất lực. Các Trung Đội Trưởng bây giờ là ai,
Người mới bổ sung hay những cọp già dạn dày trận mạc của Đại Đội ?
Con đường nhựa đổi thành màu đất, chạy thẳng về hướng tây . Chíến trường chỉ cách quốc lộ non 3 cây số . Trên dãy đồi tung tóe khói, có đồng đội cũ đang cầm cự với địch .
Định nhờ máy của Pháo Đội để gọi thăm người Đại Đội Trưởng cũ nhưng lại thôi. Chỉ thầm mong an lành đến với mọi người .
Chiều. Nắng nhạt. Tam Kỳ hầu như chỉ còn một nửa dân số. Bưu điện đã ngưng mọi dịch vụ chuyển ngân từ hôm qua. Thị xã vắng lặng. Nhà cửa như bị bỏ hoang. Trường Trung Học Tỉnh lỵ trở thành Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 2 Bộ Binh ngay từ khi mất Tiên Phước. Tam Kỳ còn được chút sinh khí là nhờ những quán xá, khách sạn vẫn còn mở cửa .
Quán cà phê là khoảng sân của ngôi biệt thự khá bề thế, kiểu nhà mát của các villa Pháp , nằm ngay cạnh hậu trạm của Liên Đoàn. Xế trưa, quán vắng nên vị chủ nhân kiêm phục vụ viên vui vẻ ngồi lại trò chuyện. Khi được hỏi vì sao còn ở lại thì người trung niên có dáng dấp rất nghệ sĩ cho biết ông là một doanh nhân, ở lại một mình, còn vợ con đã ra Đà Nẵng từ mấy hôm trước.
- Tôi không có gì để lo sợ cả. Ông nói. Nếu không thì đã vọt mất rồi. Quán cà phê là để bà vợ tôi có việc gì đó để làm cho vui. Thu nhập không thành vấn đề, mặc dù công sức và tiền bạc bỏ ra cho ngôi vườn này cũng khá nhiều .
Tôi im lặng đảo mắt nhìn quanh. Đúng như lời ông nói. Quán đẹp là nhờ sự sắp xếp và bày biện cây kiểng: sạch sẽ và ngăn nắp. Quầy thâu ngân là một mái tranh thấp treo đèn và giỏ hoa. Giàn Akai nằm ngay trên quầy, cạnh tủ kiếng nhỏ bày bán thuốc lá. Quán có phong thái “Thạch Thảo “ đúng như tên gọi.
Thấy tôi trầm ngâm, người chủ nhân đứng dậy đi vào nhà. Tiếng nhạc Paul Mauriat dìu dặt vọng lại từ hai chiếc loa đặt trên tam cấp dẫn lên cửa chính. Không khí im lắng trong màu nắng nhạt làm tôi chợt nhận ra cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt ngoài kia bỗng nhiên ngưng hẵn tiếng súng từ lúc nào không biết. Phút an bình tạm thời của một ngày chúa nhựt, hay là sự im lặng ngộp thở của cơn bão đang dần đến ?
- Đang tìm hứng để làm thơ phải không ?
Tôi quay lại, mừng rỡ nhận ra Đỗ Văn Tuấn, bạn học kiêm đồng đội quân trường. Tuấn ngồi xuống ghế đối diện, không chờ hỏi đã lên tiếng trước .
- Tao hỏi cầu may một Đại úy. Ổng cho biết mày đang làm xếp hậu trạm. Rồi lính của mày chỉ tao qua đây. Thật là bất ngờ !
Câu chuyện hàn huyên đưa chúng tôi trở lại thời lạng xe cua đào hồi còn ở trung học rồi những buồn, vui quân trường , sau cùng là thực tại không có gì sáng sủa vì…
- Tụi tao như rắn không đầu. Hiện giờ đang lo bảo vệ Bộ Chỉ Huy tiền phương của Sư Đoàn . Đại Đội Trinh Sát coi như xóa sổ . Trung Đoàn 5 bây giờ cũng đang kẹt cứng . Nghe nói cánh Biệt Động Quân của mày cũng đụng nặng suốt hơn hai tuần nay.
Tôi gật đầu kể cho bạn nghe về những gì mình biết được. Tinh thần thì vẫn còn nhưng phương tiện thì nghèo đến mức cùng cực . Địch đang ở thế mạnh. Chiếm đâu, giữ đó. Còn mình thì chỉ thụ động phòng thủ, hay tấn công mà không có kết quả . Đạn dược nhỏ giọt. Dân chơi mà chỉ có tiền lẻ để xài. Thật là trớ trêu .
Tôi nhìn Tuấn, rồi chạnh nghĩ đến những bạn bè cùng lớp, những đồng đội cùng khóa ở Đồng Đế . Mới đó mà đã gần ba năm. Kẻ còn, người mất. Và giờ này chỉ có hai đứa ngồi bên ly cà phê nhắc chuyện xưa để buồn cho thực tại. Khi từ giả nhau, sau cái bắt tay chỉ là lời chúc lành cho những ngày vô định sắp tới.
Đêm. Dài vô tận. Thị xã im lìm trong cảnh nhá nhem của phố phường thiếu điện. Nặng nề và căng thẳng , không có chút sinh khí ngoại trừ tiếng quân xa qua lại đó đây và tiếng pháo rời rạc , có vẻ như thăm dò của đôi bên. Sinh hoạt hậu trạm vẫn chỉ là những công việc thường lệ của bố trí, gát đêm trong tình trạng sẵn sàn ứng chiến lẫn tác chiến. Im lắng lạ thường. Cảm giác như nghẹt thở .
Thứ Hai 24-03-1975 . Đêm về sáng
Bê ta ! Đúng là tiếng bộc phá của đặc công . Mọi người tỉnh giấc ngay sau tiếng nổ đầu tiên. Dàn tuyến phòng thủ. Nghe ngóng. Nhận định . Lên máy liên lạc với Liên Đoàn . Địch đang đột nhập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn . Chỉ vài trăm thước. Vài khu phố. Dăm ba cái ngã tư. Địch có thể xâm nhập qua đây bất cứ lúc nào . Tất cả đều sẵn sàng . Tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ dòn trong đêm. Một đêm mất ngủ. Đêm thật dài, và thật căng thẳng.
6h:30 . Đã có chút ánh sáng bình minh . Vẫn còn đụng độ quanh khu vực Trường Trung Học. Pháo bắt đầu nổ bên hướng Tiểu Khu và cả Bệnh Viện gần đó. Lệnh của Liên Đoàn : Nằm tại chỗ. Hậu trạm của các Tiểu Đoàn cho tin có đụng độ ở khu vực của 37 và 21 . Tiểu Đoàn 39 phía Tây Bắc không có báo cáo chạm địch. Nhưng Tam Kỳ đang bắt đầu hoảng loạn.
8h:00 . Không còn liên lạc được với Liên Đoàn qua điện thoại lẫn truyền tin. Không rõ vì sao . Chiếp Jeep duy nhất của Hậu trạm đã theo Đại úy Nhân về Đà Nẵng chiều hôm qua nên Trung Sĩ Năm phải lấy Dodge chạy qua Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn nhận lịnh trực tiếp. Khi trở về thì báo cáo của người Hạ Sĩ Quan Ban 4 không có chút lạc quan .
- Liên Đoàn Trưởng và Ban 3 bận máy liên tục . Truyền Tin và nhóm Tác Chiến Điện Tử đóng ở đâu không biết . Ban 2 của Thiếu Tá Vũ cũng không thấy ai . Chắc là theo Liên Đòan Phó qua Tiểu Khu họp khẩn cấp. Trinh Sát thì cũng chỉ biết lo bảo vệ khu ga xe lửa và phía tây của Bộ Chỉ Huy. Chỗ này là tùy Thiếu úy định đoạt. Bên đó cũng lộn xộn lắm vì không ai nắm rõ tình hình gì cả.
Tôi thở dài nhìn quanh . Mỗi hậu trạm chỉ có vài người, lại phải lo quân nhu, tiếp liệu lỉnh kỉnh . Xe mười chiếc, người thì trên dưới một Trung Đội, kể cả tài xế và quân nhân chờ trở lại đơn vị . “ Tùy Thiếu úy “ cũng có nghĩa là không còn trông chờ lệnh lạc gì của ai. Và ngoài kia , phía quốc lộ Một , đã rần rần tiếng xe và dòng người rút về hướng Bắc . Tiếng súng và tiếng pháo kích đã thật gần . Thêm một cố gắng để liên lạc với Liên Đoàn mà không được, nên tôi cho lệnh thu dọn lều trại.
Còn đang loay hoay nhổ lều, cuốn bạt, thì Liên Đoàn Trưởng từ đâu phóng xe tới. Bộ dạng hầm hầm, nhìn quanh, rồi gào lên :
- Mấy anh đang làm gì vậy. Định chạy làng phải không ? Ai chỉ huy ở đây ?
Tôi lật đật đến chào kính. Chưa dứt câu thì bản đồ trên tay ông đã vỗ lên nón sắt của tôi :
- ĐM ! Ngoài kia đang đánh đấm. Trong này tính vọt hả ?!
Ông trừng mắt nhìn tôi. Cả hậu trạm hết hồn đứng lặng người . Tôi cũng không nhận ra vị Trung Tá mới ba ngày trước đó đã gọi tôi trình diện và vui vẻ cho biết sẽ trả tôi về làm Chỉ Huy Hậu Cứ của Tiểu Đoàn 37 BĐQ. Hôm đó ông thân mật hỏi han chuyện Sài Gòn, và cả chuyện học hành của tôi trên Đà Lạt lúc chưa bị Tổng Động Viên . Hôm nay thì khác . Ông như chỉ muốn trút sự bực bội hay phẫn nộ gì đó, và tôi không may đã thành nạn nhân. Có lẽ là nạn nhân đầu tiên trong ngày.
Tôi cảm thấy nhục nhã vì bị đơn vị trưởng hành hung ngay trước mặt thuộc cấp của mình , nhưng vẫn giữ thế nghiêm và im lặng nhìn ông, không phân bua, không giải thích , và sau đó tôi lại thấy thông cảm cho ông. Xét cho cùng, quả là tôi cũng muốn bỏ cuộc. Tôi chỉ là tép riu, còn Liên Đoàn Trưởng của một đơn vị nổi tiếng mà chạy làng thì khó có thể chấp nhận được .
Không nhận được lời nào của tôi, Trung Tá An quay sang quát tháo mọi người cho đã nư rồi lên xe phóng đi sau câu chưởi thề như lúc mới tới. Mọi người còn im lặng đứng nhìn tôi, hoang mang. Nhưng tôi đã nhìn ra được nỗi tuyệt vọng và sự đau khổ tột cùng qua thái độ của Trung Tá An nên cho lệnh thu dọn thật nhanh.
Khi đoàn xe chuyển bánh thì tôi biết là cũng đã đến lúc phải bỏ Tam Kỳ . Quốc Lộ Một đông nghẹt mọi thứ xe cộ và người, dân cũng như quân . Khó khăn lắm mấy chiếc GMC của 21 và 39 mới quẹo ra được quốc lộ để nhập vào dòng di tản . Đến phiên Hậu Trạm Liên Đoàn thì chỉ lọt mấy chiếc GMC chở xăng, dầu, đạn dược. Xe Dodge vì kéo “ rờ mọt “ lương khô nên kẹt ngay giữa ngả tư . Loay hoay tới lui hoài không sau quẹo trái được. Toán Hậu Trạm của 37 đi sau cùng chờ lâu sốt ruột nên quay đầu tìm đường khác mà đi lúc nào không hay .
9h:30 . Phía trước chỉ còn lác đác vài nhóm thường dân và sau lưng vắng hoe. Lo tìm cách quay xe quẹo vào trục lộ mà quên luôn cả những giao tranh đâu đó thật gần . Trên chiếc Dodge bây giờ chỉ còn tôi và hai binh sĩ thặng dư “ theo Thiếu úy tới cùng “ . Tài xế thì vừa chưởi thề vừa cố gắng nhích tới nhích lui mà không có kết quả . Không thể bỏ xe, mà cũng không tháo đựơc “ rờ mọt “ để thoát thân .
Đang lo lắng cùng cực thì từ đâu xuất hiện một gia đình năm người, hai vợ chồng , hai con nhỏ và một lão niên. Người chồng có lẽ là một nghĩa quân, súng đeo vai, tay xách bị . Thấy xe, họ mừng rỡ đứng lại, nhưng rồi thất vọng khi thấy đang kẹt tại giữa đường .
- Phải chạy nhanh lên, Thiếu úy ơi . Nghe nói xe tăng của tụi nó đã qua cầu phía bên kia phố rồi .
Nghe anh lính nói, tài xế hoảng hốt nhấn ga. Chiếc xe kẹt lề, nhồi lên nhích xuống. Vô phương. Tôi tuyệt vọng lắc đầu. Chưa biết phải làm sao thì từ đâu xuất hiện thêm vài người lính Sư Đoàn 2 .Tôi hỏi thăm họ về Đỗ Văn Tuấn và tình hình bên Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn .
- Đặc công đánh vô Trường học từ sáng sớm . Một ngừơi lính kể lại . Tụi nó chỉ có mấy thằng nhưng liều mạng . Sau đó có thêm một toán nữa , có lẽ là du kích. Tới sáng thì mình bể tuyến, mạnh ai nấy rút. Tụi em kẹt lại sau cùng, chạy vòng phía sau rồi mới nhắm hướng bọc ra đây. Không còn ai nữa đâu. Tụi nó chiếm Trường học rồi.
Không suy nghĩ, tôi gọi họ cùng với mọi người khác phụ đẩy chiếc xe. Bảy, tám người góp chung sức lúc đang tuyệt vọng; nên kết quả là chiếc Dodge gầm rú, tới, lui vài lần rồi vọt ngay lên lên lề . “ Rờ mọt “ phía sau ngã qua, lắc lại tưởng chừng như muồn gãy cả trục bánh .
Tài xế cho xe yên vị trên đường . Mọi người hối hả leo lên . Hai cháu bé và cụ già ngồi trong cabin, hai người lính Hậu Trạm đeo hai bên hông , những người còn lại đứng phía sau, kể cả tôi. Lúc xe chuyển bánh mới hay khu vực trong tầm mắt, trước, sau ,đều vắng lặng. Mới hơn 10 giờ sáng mà Tam Kỳ đã bỏ ngõ từ lâu. Tiếng súng lớn, nhỏ vẫn còn, nhưng ngoài tiếng xe Dodge đang rồ ga vì kéo nặng , tôi không nghe được tiếng xích sắt của T 54 mặc dù Trường Trung Học và chiếc cầu phía nam Thị xã chỉ cách chúng tôi vài trăm thước .
Đến gần Khu Hành Chánh và Tiểu Khu thì chúng tôi bắt kịp đoàn người di tản . Pháo của địch đang làm tình làm tội những nơi trọng yếu , kể cả Bệnh Viện. Con đường huyết mạch trở thành “ Quốc Lộ kinh hoàng “ . Đáng buồn nhứt là là những người dân không có phương tiện. Họ lết bết đi hai bên lề, đưa cặp mắt thèm thuồng pha lẫn van xin nhìn đoàn xe đủ loại đang ngược bắc.
Vừa ra khỏi Tam Kỳ thì cảnh tượng càng tang thương hơn. Quốc lộ bình thường khá rộng, bây giờ trở nên chập hẹp với mọi thứ trên đời vung vãi trên đường: từ quần áo, vật dụng linh tinh, kể cả xăng dầu của xe cộ bị hư hỏng, đến những nhầy nhụa khác không thể phân biệt là thứ gì. Măc kệ. Xe vẫn cứ chạy. Người vẫn cứ đi. Không phải không khí chiến tranh mà là hình ảnh của một bi kịch thoát hiểm.
Tiếng hò hét,chưởi bới, tiếng súng bắn mở đường hay xua đuổi những ai chắn lối, hoặc hù dọa những người muốn nhào lên xe để được sướng thân , hòa lẫn với tiếng kèn xe chói tai và liên tục, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp, rối bời nhưng khẩn thiết. .
Xe đò, xe nhà, xe hàng, xe gắn máy, quân xa, cơ giới đủ loại, lớn, nhỏ, hai bánh, ba bánh, bốn bánh v/v.. . Mọi thứ đều cố bò, cố nhích về phía trước. Bò, nhích là phải, vì lòng đường chật ních các lọai xe và người. Xe hư là khốn nạn cuộc đời, vì chắc chắn phải bị bỏ lại. Sang, hèn như nhau. Dân, quân cũng không khác. Mọi thứ phương tiện, có động cơ hay không, đều được tận dụng tối đa để chở người, chở của .
Mạng người cũng rẻ rúng như bèo. Súng tha hồ bắn. Xe tha hồ lách, chạy, càng xa càng tốt. Giờ phút này ai nấy đều muốn đến nơi an toàn , và Đà Nẵng là mục tiêu tối hậu . Quốc Lộ 1 như con rắn khổng lồ . Đuôi còn lòng thòng nơi nào đó tận trong phố Tam Kỳ không chừng, còn đầu thì không biết đã tới đâu.
Trưa. Con đường từ Tam Kỳ về Thăng Bình, quận cực bắc của Quảng Tín , bình thường chỉ mất mười lăm, hai chục phút xe chạy là tới nơi. Hôm nay thì khác. Đôi khi chỉ có người ( và vật ) còn có thể di chuyển. Xe cộ thì nằm cứng một chỗ mỗi lần có chiếc nào đó hết xăng hay hư máy nửa chừng. Khổ sở lắm mới ủi được qua một bên để lấy lối cho xe chạy tiếp.
Giữa dòng thác người và xe đang chậm chạp tiến về phía bắc là một sĩ quan không rõ cấp bậc, đứng chận những quân nhân có lẽ là thuộc cấp của ông, đẩy họ vào lề, nơi đã có một số quân nhân khác đang xớ rớ đứng, ngồi. Chung quanh họ là vợ con, là người thân lớn, nhỏ. Mọi người đều lộ vẻ hoang mang, lo lắng. Chỉ có đám trẻ con còn được vài nụ cười thật ngây thơ và hồn nhiên khi tụm năm, tụm ba với nhau.
Nhìn lại xe Dodge mới hay gia đình người lính Tiểu Khu và nhóm quân nhân Sư Đoàn 2 cũng đã bỏ đi hồi nào không biết. Đoàn xe Hậu Trạm tìm được nhau nên cùng dừng lại để kiểm tra quân số, tiếp liệu phẩm và lên máy liên lạc với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Nửa ngày trời dang nắng làm con người khô khốc, nhưng lại không thấy khát , không thấy đói. Chỉ hút thuốc, hút liên tục đến mềm môi, rát cổ, để tạm trấn áp nỗi lo lắng, buồn bực .
Tôi buột miệng chưởi thề khi có người đề nghị chạy luôn về hậu cứ, và ra lệnh nằm tại chỗ chờ tin tức của Liên Đoàn. Đành là giữa lúc hỗn quan, hỗn quân thì mình có tòan quyền quyết định . Nhưng cả buổi chỉ thấy vài nhóm đồ bông lẻ tẻ, đa số đeo theo xe hậu trạm mà đi. Các Tiểu Đoàn chắc chắn còn phía sau.
Tôi đã quyết định không sai. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đang ở phía trước không bao xa, ngay trong căn cứ Hương An. Chỉ vì lo điều động đại đơn vị nên bây giờ “ Xếp “ mới nhớ tới chúng tôi. Mất liên lạc suốt nửa ngày đồng nghĩa với đoán già, đoán non, hay đồn nhảm những tin tức không có ích lợi gì cho tinh thần chiến đấu của đơn vị.
Giờ này Liên Đoàn Phó còn đang điều động hai Tiểu Đoàn 21 và 37 cùng với một Chi Đoàn Thiết Vận Xa triệt thoái theo chiến thuật , lấy quốc lộ làm trục chính tiến về hướng bắc. Họ là những người sau cùng rời khỏi Quảng Tín. Kỳ An ơi Kỳ An ! Đất lành của hiền nhân Phan Chu Trinh đành bỏ lại cho địch. Ba cây số để ra tới quốc lộ phải trả bằng máu xương giữa nắng trưa hực lửa.
17h00. Dang nắng cả ngày ngoài trời, tinh thần căng thẳng cực độ. Sau cùng, hậu trạm được lệnh vào Hương An nằm chung với Liên Đoàn. Lại kiểm điểm nhân sự và tiếp liệu, phân chia vị trí cho từng hậu trạm Tiểu Đoàn, trực máy để liên lạc thẳng với Liên Đoàn Trưởng . Công việc thường lệ , quen thuộc, nên đâu vào đó rất nhanh, gọn . Thì giờ còn lại là nghe ngóng tình hình . Nhất là tin tức về các Tiểu Đòan .
Không có dấu hiệu truy kích của đại quân địch khi đã ra khỏi Tam Kỳ. Chỉ là những hoạt động quấy rối của du kích địa phương dọc theo lộ trình di tản. Cứ vậy mà hai Tiểu Đoàn BĐQ cùng Chi Đoàn Thiết Vận Xa di chuyển về tới quận Thăng Bình và bắt tay với một đơn vị của Sư Đoản 3 BB vào lúc gần nửa đêm.
Cùng lúc đó, Trinh Sát và ban 4 làm công việc của Kiểm Soát Quân Sự, đồng thời tìm xem còn đồng đội nào rơi rớt hay lạc lõng ở phía sau hay không. Hai chiếc GMC chầm chậm lăng bánh . Gío tháng 3 bắt đầu trở lạnh . Dân chúng đã tản mác đâu hết. Quốc lộ vắng lặng. Nhà cửa hai bên đường không có dấu hiệu còn người sinh sống. Có lẽ họ đã bỏ đi hay không muốn lên đèn, mở điện. Lác đác có vài bóng người đi dọc theo con lộ. Họ chỉ quay đầu nhìn theo xe, rồi lầm lũi bước tiếp. Dù sao đi nữa thì Thăng Bình hòan toàn yên tĩnh. Một dấu hiệu đáng mừng, hay đáng lo ?! .
Đêm. Dài lê thê. Đêm căn cứ thật yên lắng, đủ để nghe tiếng truyền tin rè rè đâu đó. Lại cà phê, lại thấp thỏm. Vài nhóm nhỏ chụm đầu bàn tán, trao đổi tin tức, hỏi han tình hình . Lại một đêm hút thuốc đến vàng tay. Một ngày trời gần như quên lững miếng ăn mà vẫn không thấy đói. Thêm một đêm chong mắt chờ sáng trong dằn vặt, âu lo .
Thứ ba 25-03-1975 .
Sáng họp khẩn với Liên Đoàn mới hay Pháo Đội 12 của Đại úy Phương và Trạm Xá của Y Sĩ Đại úy Nguyễn Trung Tín đã về tới Phú Lộc hôm qua. Ban 4 hành quân rời Hương An ngay sau khi liên lạc và điều động đoàn xe Quân Vận đến bốc toàn bộ Liên Đoàn về hậu cứ. Đoàn xe thật ra chỉ là vài chiếc tăng phái vì nhu cầu đâu phải chỉ có Bịệt Động Quân. Vì vậy xe hậu trạm rồi cơ hữu của từng Tiểu Đoàn cũng được xử dụng tối đa.
Tuy không kẹt xe và hỗn loạn như hôm qua , nhưng quốc lộ vẫn một nhịp hối hả, cấp bách của cơ giới đủ loại, nhứt là xe nhà binh. Về ngang Duy Xuyên đã thấy dòng người từ trong Trà Kiệu túa ra đủ để gây khó khăn cho giao thông trên lộ chính . Xe và người cứ thế mà dồn về Đà Nẵng . Vĩnh Điện cũng bị kẹt cầu , kẹt lộ, vì xe từ Tỉnh lộ nối với Giao Thủy, Đại Lộc cũng rần rần nhập vào .
Nhưng về tới Miếu Bông, Câu Lâu, Cây Lan, Phước Tường thì sự hớt hãi mới rõ nét với những lo lắng, hoang mang trên mặt người và sự dồn nén, bế tắc lưu thông trên công lộ. Phải dùng đến sự thị uy của Quân Cảnh trên Commando Car mới giải tỏa trật tự và an ninh phần nào trên đường dẫn vào phố chính. Xe từ Huế xuống, từ Quảng Tín lên . Người theo xe nườm nượp . Đà Nẵng đã trở thành ốc đảo, thành chiếc phao và thành niềm hy vọng sau cùng của Quân và Dân Quân Khu 1 .
Không kể thời gian chờ đợi, rồi thứ tự lên xe, thì phải mất hơn bốn tiếng mới đưa được toàn bộ Liên Đoàn 12 BĐQ về tới Phú Lộc, nhưng không phải ai cũng suông sẻ và may mắn như những chuyến đầu tiên. Đoàn xe sau cùng, võn vẹn có 6 chiếc dành cho Tiểu Đoàn 37 và số quân nhân còn lại của 21, đã bị phục kích tại cầu Bà Réng, cửa ngõ vào Đà Nẵng từ hướng nam, ngay trong vùng trách nhiệm của Trung Tá Võ Vàng, lúc đó đã về chỉ huy một lực lượng Địa Phương Quân của Tiểu Khu .
Một xe GMC tan tành vì B40 ! Lại đổ máu và chiến đấu trong điều kiện nghiệt ngã nhứt: mỗi người một gắp đạn phòng thân đã cầm cự rồi đẩy lui đám du kích chừng 20,30 tên. Đường về lại chia hai ngả: kẻ qua Tổng Y Viện Duy Tân để được ướp lạnh hay băng bó, người vào Phú Lộc trong sự rời rã đến tột cùng.
Phú Lộc của những hân hoan lúc dưỡng quân, của hạnh phúc khi xum họp, đã thật nặng nề với bất ổn và xôn xao cũng như bất cứ nơi nào khác. Nụ cười quen thuộc trong các trại gia binh đã nhường chỗ cho ánh mắt âu lo, bồn chồn, những giọt nước mắt xót xa cho những ai hy sinh hay trọng thương trong giờ phút cuối. Hậu cứ Liên Đoàn chưa bao giờ căng thẳng và buồn tẻ như lúc này.
Sắp xếp đâu đó xong xuôi là đã chập choạng tối. Ăn tạm mì gói bên Câu Lạc Bộ, về xem công điện và văn thư mới nhận thì Đại úy Quỳnh vào thông báo Ban 4 trực chính nên có công tác khẩn cần thi hành ngay. Tôi giao việc lại cho Ông Quỳnh, rồi đến gặp Trung úy Long, Ban 5, nhận một Tiểu Đội Kiểm Soát, và 2 GMC để ra Đà Nẵng tảo thanh , tước khí giới và bắt giữ những quân nhân bất hảo đang phá phách ngoài phố.
Đà Nẵng đang gặp nhân mãn. Người và xe đầy nghẹt trên đường. Thành phố đang lên cơn sốt vì dòng người di tản từ hai đầu Bắc, Nam dồn vào không ngớt. Cảnh sát sắc phục đã biến mất. Chỉ còn dân Dã Chiến và Quân Cảnh Tiểu Khu đang cố vãn hồi trật tự từ
trên các Commando Car. Đã có lệnh nổ súng bắn bỏ những ai vô kỷ luật và phá rối trị an . Đã có những thương vong và bất hạnh vì những phát súng vô tội vạ hay cướp bóc lẻ tẻ .
Ngoài đường bây giờ lính tráng tới lui tấp nập. Dân chúng cũng xuôi ngược ồn ào. Lại thỉnh thoảng kẹt xe . Đôi lúc phải dừng lại để “ hỏi thăm sức khỏe “ phe ta : những anh em thuộc Liên Đoàn 14 và 15 BĐQ từ hướng tây bắc rút về. Tội nghiệp cho những con Cọp tan đàn không còn nanh vuốt đang lạc lõng giữa phố thị.
Lính thì không gom một ai. Vũ khí, đa số là M16 , thì cũng được nửa sàn xe . Một vòng phố chính cũng mất hơn hai tiếng đồng hồ. Đủ để chứng kiến cảnh hoang mang của dân tình và vẻ thất thểu của những người lính không còn đơn vị. Sự sụp đổ nhanh quá. Như Domino trên bàn cờ. Không có gì giữ lại được. Kể cả sự cố gắng ổn định tình hình của Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, một dũng tướng ngày đêm sát cánh với mọi đơn vị .
Đà Nẵng bây giờ là một cái rọ khổng lồ không hơn không kém. Hèn chi địch không cần truy đuổi ráo riết. Cứ để sợi thòng lọng từ từ siết lại. Tuy vẫn còn tiềm năng và đang cố vãn hồi trật tự, nhưng Đà Nẵng không khác gì cá nằm trên thớt, như con mồi đang tuyệt vọng vẫy vùng trong chiếc lưới đang dần dà phủ chụp .
23h00. Xe về Phú Lộc. Khu gia binh nhìn thoáng qua thì vẫn như lúc bình thường: tối tăm và im vắng sau khi máy đèn ngưng chạy. Nhưng chắc chắn trong từng nhà là những thao thức triền miên vì chỉ chưa có lần nào Liên Đoàn rối rắm như hiện nay, kể cả Lam Sơn 719 và Mùa Hè Đỏ Lửa. Ba năm, hai lần lui binh khẩn cấp, nhưng lần này thì tình hình tồi tệ đến mức không ngờ. Buồn thay!
Hai chiếc GMC nằm ngay giữa sân cờ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn .“ Chiến lợi phẩm “ để nguyên trên xe. Toàn là súng không có đạn. Mọi thứ khác, kể cả lựu đạn, được mang vào văn phòng ban 4. Ai nấy đều mệt nhoài. Hai ngày mất ngủ đang bắt đầu hành hạ tôi. Chỉ kịp hoàn tất bản báo cáo là hai mắt đã híp lại không cách gì cưỡng được. Trước khi thiếp đi, tôi cũng còn đọc thấy mảnh giấy trên bàn : 8 giờ sáng 26-03 họp với LĐT.
Thứ tư 26-03-1975.
Đêm ngủ ngon nhưng sáng dậy cả người khô ran. Câu Lạc Bộ vẫn đông nhưng câu chuyện đã không ồn ào như mọi khi. Ai nấy cũng đều có vẻ trầm ngâm một cách bất thường. Vài gương mặt quen thuộc của Tiểu Đoàn 37 cũng có mặt. Thì ra cuộc họp có các Đại Đội Trưởng về tham dự.
8h00 : Phòng họp đang xì xào to nhỏ tự động lắng ngay xuống khi Liên Đoàn Trưởng xuất hiện. Vào hàng. Phắc. Chào kính. Trình diện. An vị. Lại im lặng. Không khí thật nặng nề. Trung Tá An trợn mắt nhìn khắp phòng rồi bất ngờ gào lên :
- Nếu tôi là Đại úy Phương thì ra ngoài sân cờ tự vận cho rồi.
Mọi người bàng hoàng chưa biết chuyện gì xảy ra, thì Liên Đoàn Trưởng đã chạy đến đấm túi bụi vào mặt người Pháo Đội Trưởng . Nhưng ông chỉ đánh trúng chừng hai bạt tai là đã bị Liên Đoàn Phó giữ lại từ phía sau, rồi kéo trở lại bục thuyết trình . Im lặng hồi lâu. Mọi người cũng nín thở sau phút giây bất ngờ. Một lát sau, Trung Tá An mới chậm rãi chỉ vào Đại úy Phương mà nói :
- Người này đã làm nhục cho binh chủng vì chưa có lệnh mà đã rút chạy về hậu cứ trong khi mọi người còn ở hành quân .
Tôi lạnh người vì lời buộc tội này. May quá ! Nếu không vì chiếc xe Dodge bị kẹt ngay giữa phố Tam Kỳ thì không biết ai vọt trước ai. Và không chừng tôi cũng chịu chung số phận như Đại úy Phương hôm nay, nếu không cương quyết ở lại Thăng Bình .
Như muốn an ủi con chiên bị tế thần, đồng thời nói về tình trạng hỗn loạn lúc còn ở Quảng Tín , Liên Đoàn Phó ôn tồn giải thích với mọi người là sau cuộc họp khẩn cấp với Tiểu Khu vào sáng ngày 24-03-1975 thì ông trở về BCH/ LĐ 12BĐQ, đóng tại Ga xe lửa Quảng Tín, để thông báo cho Tr/ Tá An biết về cuộc triệt thoái ra khỏi Tỉnh.
Sau đó BCH/LĐ di tản khẩn cấp về hướng Đà Nẵng. Và đó cũng là lần gặp mặt cuối cùng trong ngày của ông với Liên Đoàn Trưởng vì ông bận rộn với việc điều động các đơn vị trực thuộc ( 2 TĐ/ BĐQ và Chi Đoàn TVX ) rời vị trí đóng quân để di tản về hướng bắc. Trong ngày 24-03-1975 ông không liên lạc được và cũng không nhận được một lệnh gì của Tr/ Tá An.
Theo lời Trung Tá Hòang Phổ thì 24-03-1975 là một ngày xáo trộn về mọi mặt. Tiểu Khu không liên lạc được với Sư Đoàn 2 BB nên đã họp các đơn vị còn lại, dưới sự chủ tọa của Đại Tá Đào Mộng Xuân, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín. Sau khi thẩm định tình hình chung, tất cả sĩ quan đại diện các đơn vị đồng lòng chấp thuận giải pháp di tản khẩn cấp ngay sau đó.
Kết quả là Trung Tá Hoàng Phổ cùng với Bộ Chỉ Huy Nhẹ ( 6 quân nhân ) và hai Tiểu Đoàn 21 và 37 về đến Thăng Bình sau một ngày di chuyển, và sau khi Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ đã yên ổn nằm trong căn cứ Hương An từ lâu rồi. Đến lúc đó , Chi Đoàn Thiết Vận Xa mới rời LĐ 12 BĐQ để tăng phái cho Trung Đoàn 56 của Sư Đoàn 3BB.
Sau đó, buổi họp được tập trung vào việc thông báo tình hình chung và tổng kết báo cáo của từng Ban và từng Tiểu Đoàn . Và cuối cùng là nhận lệnh ứng chiến tại chỗ cũng như chờ đợi bổ sung về mọi mặt. Không khí rõ ràng là căng thẳng. Trong ngày, có tin Liên Đoàn nhận lệnh trực tiếp của Tướng Trưởng để cùng với Sư Đoàn 3 khai thông đoạn đường từ Non Nước đi Hội An . Nhưng rồi chờ mãi cũng không thấy gì .
11h00. Điện thoại từ Văn Phòng Liên Đoàn Trưởng gọi đích danh tôi qua trình diện. Trung Tá An ngồi yên tại bàn viết chờ tôi chào kính. Ông có mệt mỏi và xanh xao thấy rõ.
- Bận quá nên tôi quên . Đây là Sự Vụ Lệnh về lại 37 để coi hậu cứ cho Thiếu Tá Gio . Cố gắng nhé .
Tôi nhận Sự Vụ Lệnh rồi trở về ban 4 ngồi thừ người. Đây là mơ ước từ lâu nhưng bây giờ thì đã trễ. Trung Tá An có lẽ chỉ muốn giữ lời hứa với đàn em mà thôi, vì ông dư biết trong điều kiện như hiện nay thì khó có thể nhận lãnh trách nhiệm mới.
Tuy vậy, tôi cũng lội qua hậu cứ của Tiểu Đoản 37, theo đường tắt vòng ngang trại gia binh. Hậu cứ vắng tanh. Không gặp ai quen biết mặc dù chỉ vài tiếng trước đây còn ngồi họp với nhau bên Liên Đoàn. Qua văn phòng của Đại Đội 3 cũng trống trơn. Vào Câu Lạc Bộ thì chỉ gặp những người không quen. Hỏi thăm về Nguyễn Thanh Vân, người về đơn vị sau tôi chừng một tháng, cũng không ai biết đang ở đâu, một người lính cho biết đã thấy Vân theo Trung Sĩ Tuấn, Trung Đội Phó của Vân ra Đà Nẵng từ lâu .
Tôi xuống trại gia binh, định vào thăm gia đình Trung Sĩ Chế Việt, một người bạn văn nghệ, và thăm chị Hương, vợ Thiếu úy Vũ Thành Công, người đã nằm lại trên một ngọn đồi nào đó tại Quảng Tín hai tuần trước. Cả hai nhà đều đóng cửa im lìm. Tôi buồn bã về lại Liên Đoàn, lòng thầm nguyện vài lời kinh cho Phê Rô Vũ Thành Công, người bạn và cũng là người anh đã hết lòng chỉ dẫn tôi mọi điều .
Chiều. Dạo một vòng qua hậu cứ 21 và 39 định tìm Cốc A Sam và Nguyễn Văn Ước, hai người bạn cùng khóa, về đơn vị cùng ngày. Cả hai hậu cứ cũng lác đác người ra, kẻ vào . Không ai biết hai người đồng khóa của tôi ở đâu. Lệnh ứng chiến coi như vô hiệu lực. Gía súng vẫn ngay ngắn nằm im trong các sam, nhưng người cầm súng thì tản mác đâu không thấy. Tình trạng thật đáng buồn .
Tôi như kẻ vô gia cư. Trên nguyện tắc, là đã về lại Tiểu Đoàn 37, nhưng thực tế thì không ai màng tôi muốn ở đâu. Thiếu Tá Gio không có công điện triệu hồi. Ban 1 Liên Đoàn chắc là chưa cắt giảm quân số nên Hỏa đầu vụ vẫn thoải mái “ Mời Thiếu úy ăn trưa “ .Bữa ăn trưa không có tiếng hỏi han, bàn bạc tình hình . Vắng mặt hầu hết mọi người. Không khí thật buồn nản gì đâu!
Vì vậy tôi quyết định ra Đà Nẵng, một mình . Mấy hôm nay nắng đẹp, trời trong, nhưng lòng người thì héo úa. Nhịp sống Đà Nẵng vốn đã vội vàng, sôi nổi, nay lại càng dồn dập hơn, và cuống cuồng hơn bao giờ hết.
Bưu điện ra thông báo ngưng mọi dịch vụ chuyển ngân, bưu phẩm v/v... Tình hình trầm trọng đến vậy sao ? Vậy là lương tháng nằm gọn trong túi, không còn cơ hội gởi chút ít về cho gia đình như thông lệ. Chờ gần một tiếng mới tới phiên gọi điện thoại . Thằng bạn thân lo lắng hỏi han đủ thứ và cho biết Sài Gòn có tin đồn sẽ bỏ Đà Nẵng. Nhờ hắn nhắn tin tôi vẫn bình an đến gia đình và vài lời tâm tình vụn vặt khác, là đành gác máy để còn nhường cho người kế tiếp. Số người chờ gọi điện thoại, chờ gởi điện tín, đứng đông nghẹt cả tiền sảnh, lao nhao và bất an thấy rõ.
Tôi trở ra đường, lòng nặng trĩu. Đâu cần phải chờ SàiGòn tung tin, ngay tại Đà Nẵng này cũng đã nhìn thấy được phần nào cuộc diện. Thành phố hỗn loạn hơn bao giờ hết. Ngoài đường bây giờ lính đông hơn dân. Họ đi thành từng đoàn, từng nhóm, đa số vẫn còn vũ khí. Cướp bóc xảy ra càng ngày càng nhiều hơn. Nhưng Đà Nẵng vẫn gượng sống. Hàng quán vẫn xôn xao. Chợ búa vẫn sô bồ. Sinh hoạt nói chung vẫn như mọi ngày mặc dù tình hình đang đến hồi chung cuộc.
Bước chân đưa tôi dài theo Độc Lập, ra Hùng Vương để hướng về Chợ Cồn . Vừa đi ngang cà phê Diên Hồng, ngay Ty Thông Tin thì gặp Nguyễn Văn Kiệt, anh chàng vừa theo Liên Đoàn 15 BĐQ rút về rừ mặt trận tây bắc đèo Hải Vân.
- Đi đâu lang thang vậy cha. Hai thằng kia đâu ? Kiệt “ Mã Tấu “ hỏi tôi trước.
- Tao đi một mình. Không gặp Cốc A Sam và thằng Ước. Tôi vừa trả lời, vừa bắt tay chào những người ngồi chung với Kiệt. Không ngờ mày cũng biết chỗ này. Hai chị em cô hàng là hoa khôi ở đây đó.
- Tao và mấy thằng em đi lòng vòng chơi. Tình cờ thấy hai em này bảnh quá nên nhào vô luôn. Sẵn dịp ngồi nhìn qua khách sạn Ô Kê mà nhớ hồi tụi mình mới ra nhận đơn vị. Mày còn nhớ không ?
Tôi gật đầu rồi gọi cà phê. Anh chàng trưởng toán Chuẩn úy “ sữa” của gần hai năm trước vẫn không thay đổi: ồn ào , ruột để ngoài da và thoải mái chấp nhận mọi tình huống.
Chúng tôi trao đổi tin tức về Liên Đoàn 15 vừa di tản vào hôm qua, về tình hình của Đà Nẵng của và những bạn cùng khóa.
- Kệ mẹ nó. Tới đâu thì tới. Ai sao mình vậy. Cho tới giờ phút này tụi mình còn nguyên vẹn là đã tốt số lắm rồi. “ Mã Tấu “ nhà ta khẳng khái kết luận .
Hai chữ nguyên vẹn làm tôi chợt nghĩ tới Đại Đội Trưởng của tôi thời còn ở Tiểu Đoàn 37. Khi rút khỏi Kỳ An , ông bị trúng mìn cụt chân, được đệ tử cõng và Tiểu Đoàn Phó chận xe, chuyển thẳng về Đà Nẵng và đang nằm trong Duy Tân . Tôi rủ Kiệt vào thăm Đại úy Vương . “ Mã Tấu “ gật đầu ngay và nói thêm .
- Tao có đọc thư của mày nói về một trong những người hùng trận Sa Huỳnh, kiêm “ Bố Gìa “ thương mày như con, nên muốn xem mặt ổng cho biết.
17h30 . Quân Y Viện Duy Tân ! Vườn Hoa Tình Thương của Quân Đội. Nơi xoa dịu những nhức nhối cả thể xác lẫn tinh thần của người chiến sĩ . Niềm hạnh phúc vô bờ của những ai đả bỏ lại máu ,thịt, xương của mình ngoài mặt trận . Bệnh viện tối tân đứng hàng thứ nhì của cả nước chiều nay tất bật không kém đường phố ngoài kia. Sôi nổi nhưng trật tự. Thật đáng khâm phục.
Đại úy Vương còn đau và mệt sau cuộc giải phẫu, nên chúng tôi không nói chuyện nhiều , chỉ an ủi và bày tỏ sự thông cảm đồng thời trấn an nhau về tình hình hiện tại. Mãnh hổ một thời, nay chỉ là cọp già ba chân nên không dấu sự lo lắng cho vợ con. Tôi hứa sẽ làm hết sức cho gia đình ông và ngay sau đó cảm thấy xấu hổ vì biết là mình sẽ không giữ được lời .
- Nhưng ít ra mày cũng đã mang tới cho ổng một tia hy vọng. Kiệt “ Mã Tấu “ thở dài khi chúng tôi ra cổng . Hy vọng là liều thuốc bổ về mọi mặt !
Tôi im lặng, trong lòng vẫn còn áy náy. Tép riu như tôi thì làm được gì !? Ngay lúc này tôi cũng là ” Con Bà Phước “ như Kiệt mà thôi. Thấy tôi không vui,” Mã Tấu “ cũng không bắt chuyện. Khi về tới Chợ Cồn mới kéo tôi đi ăn .
Cầu Vồng. Quán cơm bình dân. Con đường Nguyễn Hoàng dẫn về Ga xe lửa, qua Trần Cao Vân, vào Tam Tòa . Hai đứa lội một vòng sau bữa ăn chiều nhưng không tìm được hai người bạn Tiếp Liệu của tôi, với chủ đích là rủ nhau ra quán mà thôi. Người nhà của họ cho biết là hai bạn đó đã không thấy về từ hôm qua.
Lộng Ngọc. Lại là quán cà phê quen thuộc của dạo nào chân uớt chân ráo mới ra Đà Nẵng. Ngồi cầu may xem có tên nào “ tung cánh chim tìm về tổ ấm “ hay không. Rốt cuộc cũng chỉ có Kiệt và tôi ôn cố tri tân cho đến lúc quán đóng cửa .
- Tao hứa với một thằng em là về nhà nó ngủ , nhưng bây giờ thì trễ quá rồi .
- Nhà ở đâu? Tôi hỏi lại.
- Ông Ích Khiêm .
- Xa quá . Thôi, bụi đời đêm nay đi. Mai tính .
Khách Sạn Ô Kê . Lại là Ô Kê ! Một đêm thân tình với mọi thứ trên đời đem ra kể cho nhau nghe . Mới hôm nào cả đám gần 40 chục tên quai chảo quậy tứ tung lúc mới vừa từ Sài Gòn ra . Sau đó là 8 tên thức trắng để sáng chia tay ra đơn vị ngay sau đêm Noel 1973. Bây giờ chỉ có hai đứa chúng tôi nằm rù rì cho quên niềm ưu tư, lo lắng.
Thứ năm 27-03-1975.
Sáng. Chia tay với Kiệt mà lòng bùi ngùi . Hai thằng Sài Gòn gần như thức trắng đêm để bàn loạn đủ mọi điều liên quan tới thời cuộc để rồi chỉ nhìn nhau thở dài. Lại bắt
tay chúc bình an như hai năm trước. Lại hẹn gặp nhau, nhưng địa điểm là tại…Sài Gòn !
Hẹn, mà trong lòng rưng rứt, bán tín bán nghi vì…
Đà Nẵng trong cơn hấp hối đã trở thành ngựa chứng. Hỗn loạn đến cùng cực. Tình trạng tồi tệ đến mức rối rắm. Không cách gì vãn hồi được trật tự. Nhà cửa ngoài phố đã có dấu hiệu vô chủ. Quân xa và cơ giới vẫn chạy nghẹt đường. Lại thêm một ngày gượng sống
để chờ phép lạ, hay đúng hơn là chờ được di tản vào Nam trước khi địch tràn vào.
Con đường từ quốc lộ vào Phú Lộc bình thường chỉ toàn in bánh xe ôm hay lác đác vài GMC hoặc Jeep ra vào, nhưng sáng nay thì mù mịt bụi cát vì một đoàn quân xa đang từ hậu cứ chạy ra. Không phải chuyển quân, mà dẫn đầu là chiếc Dodge của Trạm Xá. Tôi chua xót nghĩ thầm: không lẽ …
Đúng như tôi dự đoán. Khi về tới Liên Đoàn là nhận được tin Tổng Y Viện Duy Tân đang di tản. Xe ra đón thương binh rồi đưa họ thẳng xuống tàu Hải Quân để vào Sài Gòn trước. Tàu hải quân đậu ở đâu, bến nào ? Không ai biết. Cứ cho xe ra nhận thương binh thì có chỉ thị tại chỗ ngay.
Thiếu úy cóc cắn như tôi mà còn biết là đã tới ngày cáo chung của Quân Đoàn 1 và Đà Nẵng, huống chi các đàn anh cấp lớn hơn .Cho nên tới phiên Liên Đoàn rơi vào tình trạng vô chủ. Cả hậu cứ vắng tanh dù chỉ mới hơn 10 giờ sáng .
Gặp Đại úy Phương tại ban 4 thì được biết sáng nay không có họp gì cả vì Liên Đoàn Trưởng và Liên Đoàn Phó cùng với các ban trực thuộc hành quân đều không thấy đâu . Chắc là đi họp bên Sư Đoàn 3. Các ban khác thì chỉ làm việc cho có rồi mạnh ai nấy chạy lo gởi gấm gia đình trên những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng . Ban 4 thì lo giúp Bác Sĩ Tín di tản thương binh. Các Tiểu Đoàn, Pháo Đội 105 ly và Đại Đội Trinh Sát vẫn án binh bất động, cũng có nghĩa là bất khiển dụng.
Bữa cơm trưa trong phòng ăn chỉ võn vẹn có năm người. Đại úy Phương, Trung úy Long, ban 5, Thiếu úy Hướng, ban tài chánh, tôi, và người Hạ Sĩ Quan ẩm thực. Không có ai muốn gợi chuyện hay bàn luận, kể lể, nên bữa ăn thật buồn tẻ. Hầu như ai nấy cũng chỉ cầm hơi và cố nuốt để không phụ lòng một quân nhân hết lòng với bổn phận và hết tình với quân đội là người đã lo chu toàn hai bữa cơm cho chúng tôi.
- Có gì đâu Thiếu úy. Bổn phận mà. Trung Sĩ Kính cười nhẹ khi tôi ngỏ lời cám ơn sau bữa ăn.
Một vòng hậu cứ của 39 và 21 rồi cả khu gia binh Phú Lộc mà vẫn không tìm được Nguyễn Văn Ước và Cốc A Sam nên tôi lững thững lội ra tận ga Hòa Khánh, thăm gia đình người chủ quán cà phê Hương Xưa.
Quán trưa, người vắng . Anh Quyến, một Sĩ quan Cảnh Sát còn kẹt đâu đó trong Ty Nội An . Tiếp tôi là chị Quyến và Hương, em anh Quyến. Chúng tôi ngồi tại chiếc bàn quen thuộc, trong góc, sát quầy thu tiền. Nơi mà chỉ mới một năm trước đây là chỗ tụ tập của nhóm nhỏ ưa thích văn nghệ đủ mọi thành phần, đủ loại sắc phục trong vùng .
Chiếc bàn có khắc tên những người đã vĩnh viễn ra đi, là nhân chứng của một chuyện tình dễ thương và lãng mạn không thua gì tiểu thuyết, phim ảnh giữa một lao công đào binh, Hồ Huy Đăng và Hương, cô nữ sinh Trung Học Hòa Khánh .
Hồ Huy Đăng, người lao công gốc Tiểu Khu Gia Định, dân nhà giàu ham vui ,thích làm binh nhì hơn đi học khóa Sĩ Quan chỉ vì làm lính thì dễ xin về gần Sài Gòn hơn làm quan , tay đàn ghi ta ngọt như Trung Nghĩa, thầy dạy nhảy của hầu hết những ai thích nhót ở Tiểu Đoàn 37 BĐQ, hai lần trúng đạn khi tải thương tại Phong Thử và Tiên Phước, là linh hồn của ban Văn Nghệ Tiểu Đoàn.
Lần nào về dưỡng quân, anh cũng ra đây ngồi mỗi ngày. Cả đơn vị đều tin tưởng anh nên thả lỏng anh muốn đi đâu thì đi, không hỏi han, dò xét và không sợ anh bỏ trốn, dù biết là người nhà đã có lần vào tận hậu cứ để thuyết phục anh vọt ra Đà Nẵng để xuống tàu người anh rể, một Sĩ Quan cấp tá đang công tác tuần duyên tại vùng Một .
- Dù sao nó cũng có học. Tại gàn bướng và nghệ sĩ quá nên cứ là lính suốt đời.
Thiếu tá Gio đã từng công khai bày tỏ sự thương tưởng của mình đối với một lao công đào binh đa tài, đa năng. Buồn thay, chỉ một ngày sau khi được phục hồi danh dự,cố Binh Nhứt Hồ Huy Đăng đạp mìn banh xác tại Trà Kiệu, cuối tháng 7 -1974, để lại những trái tim đẫm lệ tại Phú Lộc, Hòa Khánh và cả Sài Gòn .
- Hồi đó vui quá. Chị Quyến chép miệng thở dài .
- Ngày nào cũng ca hát tới khuya. Hương cũng gật đầu phụ họa. Mọi người đều nói chưa bao giờ khu này dễ thương đến như vậy.
Tôi cũng góp lời nhắc những chuyện tưởng chừng như không thể nào thực hiện được trong môi trường và điều kiện của đời quân ngũ. Trong một lần dưỡng quân . Nhằm phiên tôi trực Đại Đội nên phải dẫn cả Trung Đội qua nằm bên hậu cứ Liên Đoàn ứng chiến. Tối hôm đó cả nhóm văn nghệ tiểu đoàn hẹn nhau ra Hương Xưa để họp mừng Sinh Nhật của Hương. Kẹt một người cũng mất vui, nên tôi bỏ nhỏ với anh em là nếu có gì cần thì chạy ra quán gọi tôi về ngay.
Buổi họp mặt thật thân tình. Quán cà phê thành sân khấu văn nghệ. Mọi thực khách, từ bạn học của Hương cho tới hàng xóm của anh chị Quyến, vốn là những người lính Sư Đoàn 3, Chi Khu và cả Nhân Dân Tự Vệ trong khu vực, đều hát hò với nhóm BĐQ một cách thân mật và tất nhiên, người vui nhứt là cô nữ sinh vừa tròn 17 tuổi, và nổi bật hơn hết là Hồ Huy Đăng.
Vui quá nên quên cả giờ giấc và ngoại cảnh . Đến khi tan hàng thì tôi điếng hồn khi nhận ra cả đám em út với súng đạn đầy đủ đang cười cười đứng ngay ngoài cửa chờ chúng tôi về chung . Thấy tôi nhăn nhó, người Tiểu Đội Trưởng khinh binh trấn an.
- Chuẩn úy đừng lo. Họ chỉ cần vài người theo tăng cường cho Kiểm Soát Quân Sự thôi , nên ông phó cho tụi này ra đây, cả buổi tối mà nằm treo võng trong đó thì chán chết.
May quá. Đúng như lời anh ta nói. Không có gì trục trặc trong suốt mấy tiếng đồng hồ vui chơi ngoài quán. Thật là một kỷ niệm khó quên !
Tôi từ giả chị Quyến và Hương sau vài lời an ủi về sự lo lắng tất nhiên cho một tương lai mờ mịt. Nói với họ mà cũng như nói với chính mình vì trong hoàn cảnh hiện nay thì ai cũng như ai. Mọi người đều là nạn nhân của thời cuộc. Cách này hay cách khác .
Chiều. Hậu cứ vẫn một nhịp điệu lây lất cho hết ngày. Thưa thớt người qua lại. Chỉ có khu vực Phòng Tài Chánh là còn một số thân nhân tử sĩ ngồi chờ thủ tục giấy tờ.Và quân xa ra vào để lấy nhiên liệu để lo việc chuyển tải thương binh. Các nơi khác đều vắng tanh. Bên Câu Lạc Bộ thì từng nhóm vài ba người ngồi bàn tán công khai tình hình chiến sự. Tôi gặp lại Đại úy Phương tại đây.
Anh Phương ngồi một mình tư lự, tay xoay xoay ly cà phê một cách vô thức trong khi mắt dán vào khoảng trống ngoài cửa sổ kế bên. Thoáng thấy tôi, anh vẫy tay gọi lại ngồi chung bàn .
- Huy còn ở lòng vòng với Liên Đoàn hả ?
- Thì cũng như Đại úy thôi.
- Tôi thì khác. Dù sao cũng còn mấy tấn sắt vô dụng vì chẳng còn đạn, nằm bên kia chưa biết giải quyết ra sao. Còn Huy thì đã hết bổn phận ở đây rồi mà.
Tôi cười, nói đại khái về tình hình bên Tiểu Đoàn 37 và cả hai Tiểu Đoàn còn lại cho anh biết rồi kết luận .
- Hậu cứ chẳng còn gì để bàn giao. Dù có thì cũng chỉ là con số trên giấy tờ mà thôi. Giữ sự vụ lệnh lại làm kỷ niệm còn hơn.
Chúng tôi cùng im lặng hồi lâu. Anh lại nhìn ra cửa sổ, còn tôi châm điếu thuốc, dựa lưng vào tường, thả bâng quơ vài vòng khói trắng, trong đầu trống rỗng. Một lát sau, tôi nghe tiếng anh thở dài .
- Sáng hôm qua …
- Tôi rất thông cảm cho Đại úy. Mọi người cũng nghĩ như vậy. Vã lại, tôi cũng là nạn nhân của “ Bố già “ như anh.
Đại úy Phương nhướng mày, ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm mà chỉ tiếp lời vừa bị tôi cắt ngang.
- Tôi biết Ông An đang đau lắm. Tôi không hận ông ấy đã đánh tôi. Mình là vật tế thần để ông ấy đỡ mất mặt với mọi người. Xem như đó là cách trả ơn cho Quân Đội và gánh cái nhục chung với thượng cấp. Trong hoàn cảnh như hiện nay, nếu tôi là “ Xếp”, thì cũng phản ứng như vậy thôi.
Tâm sự của Đại úy Phương làm tôi suy nghĩ về chính mình trong ngày rời bỏ Tam Kỳ. Và mặc dù vẫn thấy Liên Đoàn Trưởng hơi quá đáng , tôi cũng đồng tình với anh Phương khi nghĩ về nỗi lòng của Trung Tá An .
Câu nói của Đại úy Phương về chuyện trả ơn cho Quân Đội cứ lảng vảng trong đầu sau khi từ giả nhau. Mãi nghĩ ngợi lan man mà không biết tôi đã đi hết chiều dài của Phú Lộc và đang trên đường vào hậu cứ Tiểu Đoàn 37. Nhưng thay vì quẹo phải để tới cổng chánh thì tôi đi thẳng, xuyên qua ngôi làng nhỏ, ngay trước mặt hậu cứ để ra tới biển .
Tôi nằm dài trên cát, dưới bóng mát của hàng dương, nhìn ra khơi. Xa xa là vài chiếc thuyền con đang hướng về chân trời, nơi có những chấm đen chập chờn trong khói sóng. Là tàu Hải Quân như lời đồn hay là ảo giác của hy vọng mong manh ? Mặc kệ . Tôi nhắm mắt, thiếp đi trong tiếng sóng đều đặn vỗ bờ và tiếng rì rào nhè nhẹ như âm nhạc của hàng dương cao, rậm.
Giấc ngủ ngắn nhưng thật say, không mộng mị, đủ lấy lại sức sau mấy ngày biếng ăn, mất ngủ. Nước biển mát lạnh làm tôi tỉnh hẳn khi vốc mấy bụm rửa mặt. Trở ra theo con đường cũ, tôi lững thững vòng qua hậu cứ Tiểu Đoàn 37. Vừa tới cổng thì gặp Nguyễn Thanh Vân và Trung Sĩ Tuấn, làm phó cho tôi một thời gian, bây giờ là Trung Đội Phó của Vân, cùng đi ra.
- Về nhận bàn giao trễ vậy ông. Vân nói đùa. Phải khao đó nha.
Tôi hỏi thăm tình hình thì được biết hậu cứ chỉ còn cái vỏ. Mỗi ngày điểm danh cho có lệ . Chỉ có trực gát là còn quy củ nhà binh, mọi thứ khác, kể cả lệnh cấm trại và ứng chiến tại chỗ coi như đã không còn hiệu lực. Bằng chứng là hai chàng đang trên đường rời hậu cứ để ra Đà Nẵng.
Vân rủ tôi cùng đi. Tôi gật đầu. Cả ba chúng tôi đi tắt xuống khu gia binh, băng qua đám ruộng và khu nghĩa trang cũ của người Hoa để ra Phú Lộc. Chừng nửa tiếng sau là chúng tôi có mặt ngoài Chợ Cồn . Trong những ồn ào của thành phố đang tuyệt vọng, có ba chàng độc thân lang thang, hòa lẫn vào dòng thác ngược xuôi của đám rắn không đầu, của đám cọp không còn móng vuốt .
Một Sư Đoàn Bộ Binh còn nguyên vẹn, hơn một Trung Đoàn Bộ Binh từ Huế vào, Ba Liên Đoàn Biệt Động Quân, Một Trung Đoàn của Sư Đoàn 2, không kể hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở vùng Hà Nha, Thường Đức và các đơn vị của Tiểu Khu Quảng Nam, Quảng Tín cùng với những đơn vị và binh chủng khác đều đang tập trung tại Đà Nẵng. Nửa triệu người. Trong số đó có ít nhứt 20 ngàn tay súng còn đủ khả năng tác chiến. Vậy mà Đà Nẵng không có sức kháng cự và sắp rơi vào tay địch. Vì sao !?
Chúng tôi không có thì giờ và cũng không muốn nhức đầu vì những vì viễn ảnh đen tối nên tận dụng thời gian để lòng vòng phố xá . Vui được lúc nào hay lúc đó. Nên lại quán hàng lê la, lại cà phê, bi da cả buổi tối rồi vòng trở lại Phước Tường , tìm đến nhà Trung Sĩ Lộc, một thời cũng làm phó cho Vân.
Trung Sĩ nhứt Lộc “ điếc “ niềm nở tiếp chúng tôi và bày ngay một chầu nhậu dã chiến để “ lãng quên đời “ . Chưa có cuộc nhậu nào “ êm ái “ như lần này vì cả bốn người không ai buồn mở miệng nói, đùa như thường lệ. Chỉ rót cho nhau rồi yên lặng nâng ly.
Cứ như vậy mà uống cho tới khi chị Lộc nhắc mọi người đi ngủ thì cũng đã gần sáng.
Thứ sáu 28-03-1975. 8h00.
Lộc “ điếc” quyết định không vào hậu cứ. Trung Sĩ Tuấn cũng về nhà tận trong Tam Tòa. Chỉ có Vân và tôi đón xe lam vào Phú Lộc dù không biết là sẽ làm gì sau đó.
Lại một ngày dài đang bắt đầu trong hối hả. Đà Nẵng như đang chạy đua với thời gian. Địch gia tăng pháo kích vào Phi Trường, đài Kiểm Báo và căn cứ Hải Quân bên Sơn Trà .
Phố vẫn đông nghẹt người và xe. Vẫn là nỗi hớt hãi như những ngày qua, nhưng hôm nay thì trầm trọng hơn .
Chúng tôi chia tay khi vào tới Phú Lộc. Vân theo đường tắt, băng ruộng vào Tiểu Đoàn 37. Tôi quyết định vào Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Vắng ngắt. Chỉ lẻ tẻ một vài người còn ngồi đâu đó trong các văn phòng. Hình như không còn ai muốn làm việc. Câu Lạc Bộ cũng không có ai. Tôi rảo một vòng rồi về lại văn phòng ban 4. Chỉ có Trung Sĩ Năm đang xớ rớ trước cửa .
Tôi hỏi thăm về Đại úy Quỳnh, Trưởng Ban 4, và về cuộc di tản thương binh cả ngày hôm qua. Trung Sĩ Năm lắc đầu .
- Tội nghiệp Ông Quỳnh lắm. Ổng lo đủ thứ. Chạy tới chạy lui với Bác Sĩ Tín để lo cho anh em ngoài Duy Tân. Nhưng khi xuống tới bến phà thì không thấy tàu nào vô được. Tụi nó pháo quá xá. Bên phi trường còn tệ hơn, cũng bị pháo tưng bừng. Chết nhiều lắm. Nghe nói mình xin cho thương binh nằm tạm trong Bệnh Viện Việt Đức để chờ tải thương tiếp. Sáng nay Ổng có vào đây một chút để lo xin thêm xe của Quân Vận rồi vọt ngay về nhà để lo cho gia đình. Công việc ở đây chỉ có tôi. Mấy anh em khác thì cũng ở nhà luôn từ lâu nay rồi.
Tôi nghe nói mà cảm thấy xấu hổ vì mấy hôm vừa qua chỉ biết thở vắng than dài và lòng vòng cho qua ngày giờ. Vì vậy tôi quyết định ở lại ban 4 biết đâu chừng còn có thể làm được chuyện gì đó. Trung Sĩ Năm giao cho tôi mớ công điện mới nhận và những báo cáo mới thảo xong rồi từ giả ra về .
Tôi vừa xem báo cáo vừa quay điện thoại gọi qua hậu cứ Tiểu Đoàn 37, mục đích là thăm Thiếu Tá Gio và giải thích vì sao tôi có Sự Vụ Lệnh mà không về nhận bàn giao.
Bên kia đầu giây là Thiếu úy Tuấn , người tạm thay thế Thiếu úy An để coi hậu cứ từ tháng giêng đến nay .
- Ông Huy ơi là Ông Huy. Đi đâu mất biệt vậy ?! Tuấn reo lên .
Tôi giải thích việc Liên Đoàn giữ tôi ngoài ban 4 hành quân để Đại úy Quỳnh lo cho ban 4 hậu cứ. Sau đó “Xếp “ quên luôn nhu cầu của Tiểu Đoàn 37, mãi cho tới hôm kia mới có lệnh trả tôi về. Tiếc là đã quá trễ .
- Nhờ hồng phúc của ngài, Tuấn đùa, nên tui hưởng nhàn mấy tháng nay. Khỏe chuyện này nhưng nhức đầu chuyện khác huynh trưởng ơi.
Chúng tôi nói thêm vài chuyện nữa rồi gác máy. Người bạn khóa 59 Rừng Núi Sình Lầy, có gốc cỡ cổ thụ vì bố là công chức cao cấp, dân kỳ cựu làm tại Tòa Hành Chánh Tỉnh. Từ lề đường Bạch Đằng, thoải mái buớc xuống sông Hàn là có ghe đưa ngay ra tàu hải quân, vậy mà Tuấn vẫn chung thủy ngồi tại hậu cứ trong lúc chung quanh chẳng còn ai. Thật đáng nể phục.
Có bóng người đến ngay trước cửa . Là Nguyễn Thanh Vân, với ba lô mini đeo một bên vai, trên nắp ba lô là hai trái “ măng cụt “ M26. Lựu đạn tròn khó cầm nhưng dễ lăn.
- Ông đi hành quân hả ? Tôi cười .
- Tui tính đi luôn nhưng nghĩ tới ông nên vô đây từ giã.
Tôi hỏi Vân định đi đâu . Người bạn khóa 6 /72 Thủ Đức nói ngay là xuống Thanh Bình, ra bờ biển tìm ghe đánh cá, mướn họ ra khơi. Cùng lắm là cướp ghe . Tôi hỏi sao không thưc hiện chuyện này ngay tại làng chài Phú Lộc thì Vân lắc đầu .
- Họ chỉ có ghe nhỏ không đủ mạnh để nhồi sóng, nhứt là khi có đạn pháo kích rớt nổ kế bên. Vã lại quen nhau quá. Làm liều, trở mặt cướp ghe thì …
Vân bỏ lững câu nói, nhưng tôi hiểu. Dù trong hoàn cảnh sống chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc thì người lính cũng nghĩ đến chút tình quân dân. Huống chi đây lại là những người rất thân quen với Biệt Động Quân từ bao lâu nay.
Tôi biết Vân không còn tiền, vì lương tháng 3 đã xã láng từ lúc còn nằm trong Trạm Xá của Bác Sĩ Tín khi bị sốt rét ở Tam Kỳ , nên móc túi đưa cho anh chàng một ít. Anh bạn gốc Long Xuyên từ chối. Tôi nhét đại vào túi áo của Vân .
- Coi như cho mượn. Nếu về được Sài Gòn ông thì ghé đưa cho bà già tôi.
Vân ngập ngừng rồi gật đầu. Chúng tôi từ giả nhau sau lời chúc bình an và cái siết tay thật chặc. Khi ra tới cửa, Vân bất chợt quay lại hỏi tôi.
- Tụi mình đi chung nha ?! Ông đâu cần phải ở lại đây.
Tôi lắc đầu, không trả lời. Chỉ cười tiễn chân bạn, lòng thầm chúc bình an cho Vân. Người bạn Trung Đội Trưởng đi chưa bao lâu thì có một chiếc Jeep ghé lại. Bước xuống xe là một Trung Tá. Tôi ra cửa chào ông. Vị Sĩ Quan Sư Đoàn 3 cho biết Ông thuộc Phòng Một, vừa chạy một vòng hậu cứ Liên Đoàn .
- Như đi vào chỗ không người. Lính tráng hầu không còn ai. Nơi này cũng vậy. Thiếu úy là sĩ quan duy nhất còn trực văn phòng.
Tôi không giải thích hoàn cảnh của mình, mà chỉ hỏi thăm vị Trung Tá về sự có mặt của ông thì được biết là Sư Đoàn cần nắm chắc khả năng tác chiến của đơn vị, kể cả tăng phái, để có kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng. Ông cho biết đại đơn vị của Sư Đoàn đang từ vùng Đức Dục và Đại Lộc rút về . Mặt trận vùng Nam Ô, và ở phía tây bắc thì hy vọng vào Tiểu Khu và Liên Đoàn 12 BĐQ.
- Nhưng với tình hình này thì coi như tuyệt vọng rồi. Ông thở dài, nhìn quanh một vòng rồi ra xe.
Tôi thừ người ngồi nhìn mớ giấy tờ bề bộn trên bàn, lòng trống rỗng . Một lát sau bỏ ra ngoài đi một vòng khu vực sân cờ . Đã quá trưa nên cả hậu cứ đã vắng càng thêm vắng. Bước chân đưa tôi thả dài qua Câu Lạc Bộ rồi ra cổng chính . Trại gia binh và con đường ngoài Phú Lộc đang rần rần người qua lại. Không thấy ai quen . Cũng không biết phải làm gì nên tôi trở vào ban 4, nằm trên chiếc ghế bố trong góc phòng, định nghỉ mệt một chút rồi đi kiếm gì ăn, không ngờ lại ngủ một giấc ngon lành.
Chiều. Bụng đói khi thức dậy. Lại mì gói bên Câu Lạc Bộ. Cà phê và vài hơi thuốc cho tỉnh táo rồi ngồi đó mà vẩn vơ nghĩ ngợi về tình trạng của đơn vị và tình hình chung . Rối rắm và mù mờ về mọi mặt. Bỏ đi, hay ở lại ?! Chỉ có bấy nhiêu thôi mà lấn cấn, phân vân thật nhức đầu. Sau cùng, tôi trở qua bên văn phòng.
Vừa đi ngang qua khu Tài Chánh thì đã thấy Đại úy Phương và người tài xế của anh . Xe đang nổ máy. Anh Phương mang nón sắt và cả áo giáp như đi hành quân. Thấy tôi, anh xuống xe kéo tôi lại.
- Huy hay gì chưa ?
- Hay chuyện gì, Đại úy .
-Thượng Sĩ Chấn ôm tiền vọt rồi. Bây giờ Ban Tài Chánh trống trơn. Thiếu Tá Bộ cả ngày không thấy đâu .Trung Tá An nghe nói ở miết trong nhà. Hậu cứ bây giờ coi như vô chủ . Huy có muốn đi với tôi không ?
Lần thứ nhì có người rủ đi. Đi đâu ?! Cá nằm trong rọ. Thú kẹt trong chuồng. Lấy gì mà thoát. Và cũng như nhiều người khác, Anh Phương đưa ra một lối thóat, một hy vọng.
- Mình tìm cách qua Bộ Chỉ Huy Hải Quân bên Sơn Trà, hay qua Non Nước may ra có tàu hay ghe đón ra biển.
Nghe cũng có ly’, nhưng tôi ngần ngại vì nhiều nguyên do mà quan trọng nhứt vẫn là đơn vị vẫn còn đây. Không thể bỏ đi ngang như vậy. Anh Phương tỏ vẻ thất vọng khi tôi lắc đầu nhưng không nói gì, chỉ đưa tay bắt rồi ra hiệu cho tài xế chuyển bánh. Tôi đứng nghiêm chào anh để tỏ lòng kính trọng một đàn anh vui tánh, hiền hòa với mọi người.
Bên phòng Tài Chánh không còn ai lảng vảng. Nhưng rồi từ đâu không biết, một số quân nhân đến trước cửa nhìn vào, bàn tán xôn xao. Có người còn khẳng định thấy Thượng Sĩ Chấn ôm cặp táp đi về hướng biển Phú Lộc. Người khác thì nói Ông Chấn có bà con làm lớn bên Hải Quân nên hẹn nhau đưa tàu vào đón ra khơi.
Thôi thì đủ mọi thứ tin đồn. Nhưng chắc chắn Thượng Sĩ Chấn không thể mang đi hết số tiền trong két sắt. Hình như lương lính vẫn chưa phát chỉ vì muốn giữ chân họ, nên tiền còn lại chắc chắn phải hơn chục triệu . Không phát lương mà lính không làm loạn thì cũng lạ nên tôi cũng bán tín bán nghi.
Mọi người còn đang ồn ào, lao nhao thì Trung úy Long, ban 5, từ đâu xuất hiện ra lệnh giải tán. Khi chỉ còn lại hai người, anh nói nhỏ với tôi.
- Bố già chỉ thị riêng cho tôi và ông Hòe bằng mọi cách phải đục tủ sắt lấy tiền. Không thể bỏ cho tụi nó lấy xài. Cơm chiều xong là bắt tay vào việc. Huy có thể giúp một tay không. Bí mật. Càng ít người biết càng tốt.
Tôi gật đầu, phần lớn vì tò mò và cũng vì không biết đi đâu, làm gì cho qua đêm nay .
Trung úy Long vui mừng hẹn gặp lại khoảng 7, 8 giờ tối, rồi về khu nhà cư xá Sĩ Quan bên kia đường. Còn tôi định ra Hòa Khánh xem lễ chiều và ghé Hương Xưa giết thì giờ.
Nhưng mới tới sân cờ là gặp Đại úy Hòe. Ông cho biết là cần gấp một số quân xa, càng nhiều càng tốt để lo chuyển gia đình binh sĩ ra bến phà ngoài sông Hàn chờ tàu Hải Quân vào đón.
- Không có Ông Quỳnh ở đây. Huy lo dùm nha. Càng sớm càng tốt.
Tôi gật đầu, không suy nghĩ. Quay điện thoại gọi các Tiểu Đoàn, nói ngắn gọn mọi chuyện. Đi một vòng gom những ai còn lai vãng để phụ mở kho kiểm lại xăng, dầu chờ cấp phát cho đoàn xe .Còn đang đôn đốc nhân sự thì có người nói đã thấy Đại úy Quỳnh đưa đoàn xe Quân Vận vào hậu cứ . Ông đang vào tìm và bàn riêng với Trung Tá An bên khu cư xá .
19h00. Bên ngoài rần rần người đang lên xe. Trong dãy văn phòng của Liên Đoàn chỉ có phòng của ban Tài Chánh có đèn . Các nơi khá đều đã đóng cửa im lìm. Đại úy Hòe, Trung úy Long và tôi ngồi trên băng ghế nhìn tủ sắt đựng tiền. “ Đồ nghề” chỉ có hai cây búa và một cái đục sắt tà đầu. Hơn 10cm bê tông đằng sau lớp vỏ bằng thép, đục như thế nào đây !? Bàn qua tính lại một hồi thì Trung úy Long ra tay trước, mới đầu gõ nhè nhẹ , sợ có ai nghe được rồi tò mò vào xem thì phiền. Nhưng sau đó là tống hết sức. Tiếng kim khí vang rền trong đêm.
-…Mẹ ! Thằng nào mò vô đây tao bắt làm cho biết. Tiền của Quân Đội mà! Chỉ có mấy “ quan “ làm thì bất công quá. Trung úy Long lẩm bẩm. Đau tay thấy mẹ !
Ba người thay nhau hì hục làm đến nửa đêm mà kết quả chỉ mới được một lỗ cỡ chừng trái cam quanh ổ khóa . Chúng tôi bàn nhau chắc là phải dùng claymore thì họa may mới phá được tủ bê tông, nhưng lại sợ náo động cả hậu cứ và gây hoang mang cho những người còn đang chờ di tản ngoài kia.
Thứ bảy 28-03-1975 .
Khoảng 2 giờ sáng, Đại úy Hòe cho biết Trung Tá An có hỏi thăm tình hình “ thụt két “, rồi nói là cứ ráng thêm chút nữa xem sao. Mỏi nhừ và vộp cả hai tay mà chưa phá được lớp bê tông. Chán nản, chúng tôi ra ngồi ngoài sân cho mát. Đến lúc này mới nghe loáng thoáng tiếng vọng của pháo kích. Không biết là địch đang rót vào đâu, rất đều đặn .
Đoàn xe di tản cũng đang vét chuyến cuối cùng . Tin tức cho hay mỗi lần trở ra đường là càng khó di chuyển vì xe cộ lưu thông bừa bãi và đều hướng về phía Sơn Trà, qua ngõ Cầu Trịnh Minh Thế. Ba chúng tôi nhìn nhau . Không ai nói lời nào. Một lát sau lại trở vào tiếp tục “ công tác “.
5h00. Cả khu hậu cứ im lìm. Hoặc là mọi người đã được đưa đi, hoặc Phú Lộc đang ngủ vùi sau một đêm dao động. Mệt, mỏi, thất vọng và bất lực nên chúng tôi bỏ cuộc. Tủ sắt vẫn ngạo nghễ nằm im đó , loang lỡ, lem nhem, nhưng …vô sự !.
Đại úy Hòe sang cư xá báo cáo cho Trung Tá An rồi trở qua tự mình ngồi vào tay lái của chiếc Jeep đang chờ sẵn . Trung úy Long kế bên, còn tôi và tài xế cùng với một “ đệ tử ” ngồi băng sau. Trên xe có đủ vũ khí cho mọi người, kể cả lựu đạn và M79 .
Xe ra cổng. Người lính vẫn còn đứng trong vọng gát nhìn theo. Phú Lộc không có tiếng động. Trên xe cũng im lặng, mỗi người một tâm trạng. Không ai nói với ai lời nào.
Quang cảnh ngoài quốc lộ thật bình yên. Xe cộ lác đác nên Đại úy Hòe phóng thoải mái. Tới Cây Lan rồi vào Đà Nẵng mới bắt đầu đông dần. Tân cảng thì khác. Xe cộ đủ loại đậu loạn xạ . Khó khăn lắm mới lách vào tận cổng.
Người lính an ninh Tân Cảng nhứt định bắt chúng tôi bỏ xe, bỏ súng mới cho vào. Đang căng thẳng thì ông Hòe bảo lên xe rồi quay đầu chạy ra, vượt cầu Trịnh Minh Thế. Tới ngả ba Non Nuớc, vừa quẹo về hướng Sơn Trà thì đã thấy quân xa đủ loại nằm chơ vơ trên đường. Không thể nào chạy tiếp. Xe quay đầu nhắm hướng Non Nước, tống hết ga.
6h30. Ánh bình minh lờ mờ đủ soi sáng cảnh tượng hoang tàn trong Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Vùng 1. Giấy tờ vung vãi đầy đường. Non Nước đã thành một bãi rác với từng nhóm người đang phá tung những dãy nhà tiền chế và kho quân lương của Liên Đoàn 14 BĐQ để hôi của.
Đại úy Hòe chán nản quay xe trở ra. Trạm gát ngoài cổng đã mất bóng người lính đứng trực khi mới vào. Nhìn thoáng qua nhà chờ đợi kế bên thì thấy lố nhố những bóng người với mớ vũ khí không thể lầm lẫn được: B40 và ..AK !
- Chết mẹ ! Việt Cộng !
Đại úy Hòe rít lên trong kẽ răng rồi nhấn ga . Chiếc xe lao vội trở ra, bụi bay mù mịt, bánh nghiến trên đường khét lẹt. Đôi bên không ai nổ súng. Nếu có thì hậu quả sẽ ra sao?
Chúng tôi cùng im lặng cho đến khi trở lại khu Tân Cảng dưới chân cầu Trịnh Minh Thế Đã không có cách nào chạy sâu vào tận cổng như lúc sáng sớm. Xe cộ bỏ lềnh khênh ngoài đường, chắn cả lối vào vốn rất rộng .
Đại úy Hòe do dự dừng xe , chúng tôi bước xuống nhìn đoàn người đang lũ lượt tay xách, nách mang ,vượt qua cổng để vào bến phà. Lưỡng lự và phân vân một hồi lâu, Trung úy Long đề nghị chạy một vòng qua Quận Nhứt, xuống đại lộ Bạch Đằng cầu may hay về bên biển Thanh Bình tìm ghe.
Đại úy Hòe gật đầu, ra hiệu lên xe. Nhưng tôi chán nản không muốn đi đâu nữa. Ai cũng nhìn tôi ngạc nhiên nhưng rồi chỉ lặng lẽ chào nhau sau vài lời chúc may mắn . Tôi đứng im nhìn theo xe vọt về hướng Đà Nẵng rồi lẫn vào dòng người bước vào Tân Cảng. Không còn bóng dáng người lính giữ an ninh ngoài cổng. Mọi người thoải mái mang vũ khí đủ loại xuống bến phà. Tôi bất giác sờ vào bụng và túi . Khẩu Colt với hai gắp đạn cùng với hai trái “ măng cụt “ làm tôi yên tâm phần nào.
8h00 Tôi chọn đại chiếc xà lan gần nhứt. Vừa ngồi xuống một chỗ trống là đã nghe một câu than thở thật não lòng.
- Chờ từ 2 giờ sáng cho tới giờ này mà không thấy tàu vô kéo ra. Rầu quá.
Như vậy là trước đó đã có người được đón ra tàu hải quân. Và những căn cứ sát biển dễ dàng di tản hơn hết. Còn tại đây và trên sông Hàn thì đành chào thua vì địch pháo chận ngay ngoài cửa biển. Biết như vậy thà ở lại Phú Lộc rồi liều mạng lấy ghe vượt sóng cho rồi. Tôi nhủ thầm, trong lòng nặng trĩu. Đang còn vẫn vơ nhìn qua ngó lại thì có người gọi tên tôi.
Chị Hương từ trong đám đông chen đến kế bên tôi. Vừa nắm tay là chị bật khóc nức nở. Tôi cũng kềm lòng để khỏi quỵ ngã trong lúc này. Nhìn chị tiều tụy và hốc hác làm tôi thấy nhói nơi ngực. Người vợ lính là như vậy. Chịu đựng một cách âm thầm. Chấp nhận mọi nghịch cảnh. Nhưng trong trường hợp của chị và những ai cùng hoàn cảnh thì thật đau lòng .
Xác chồng không nhận được. Nay lại phải chấp nhận đời góa phụ trong lúc cô đơn và đau khổ tột cùng. Tôi không biết phải an ủi thế nào nên chỉ hỏi chị Hương về dự định cho tương lai.
- Thì chỉ mong đừng lọt vào tay tụi nó thôi. Chị trả lời. Đã chạy một lần rồi. Bây giờ lại gặp nữa thì đúng là tận số. Tôi chỉ mong về đến Hố Nai thì xin lễ và phát tang cho anh Công một lượt . Hai, ba tuần nay chỉ biết chầu chực lo giấy tờ mà thôi.
Rồi chị lại bật khóc, làm tôi luống cuống. Nhìn túi xách nhỏ xíu trên vai chị, tôi bùi ngùi nghĩ đến anh bạn thân. Có lẽ hành trang của chị chỉ là mớ hình ảnh kỷ niệm mà tôi đã xem đi xem lại mấy lần trong căn nhà của trại gia binh.
Đang tìm lời an ủi chị Hương thì một tràng đạn dòn dã quét ngang trên đầu. Mọi người hết hồn rạp người trên xà lan. Nhiều tiếng la hét kèm lời văng tục và tiếng chưởi thề vọng lại từ trên bờ .
- Thôi mấy ông ơi . Giờ phút này còn bắn nhau làm gì. Sao không giỏi bắn nhau với Việt Cộng đi.
Một cụ già đã thống thiết kêu lên giữa tiếng lên đạn và tiếng chân chạy rầm rập ,thật gần.
- Ông là Sĩ Quan . Vậy nói với họ một tiếng đi.
Tôi ngẩng dậy nhìn quanh. Thì ra một bà cụ ngồi gần chị Hương đang còn chỉ vào tôi.
- Nói một tiếng đi ông.
Tôi than trời trong bụng. Nhìn lại thì ai nấy đều không có lon lá, còn mình thì vẫ sờ sờ bông mai trên cổ áo. Chết lúc này thì thật là lãng nhách . Tôi vừa lồm cồm ngồi dậy vừa than thầm .
Trên bến là một nhóm quân nhân chừng hơn chục người đang dàn hàng ngang, súng chĩa thẳng ra hướng sông. Sau lưng họ là những người cùng phe đang vào trong kho Quân Tiếp Vụ hôi của . Tràng đạn vừa rồi là để cản bước những ai muốn ăn ké để lôi ra nào là thuốc lá , sữa hộp và những thùng giấy, xa quá không nhận ra là thứ gi.
Tôi bước lên bờ, đang lưỡng lự vì thấy không đáng để dàn xếp gì cả, thì có vài tiếng reo từ phía sau lưng .
- Có đồ chơi đây Thiếu úy .
Quay lại thì thấy một người ngồi trên xe lăn với vũ khí đủ loại vắt ngang bụng .Ba bốn người đi theo chung quanh, trang bị như đang ở hành quân, với cả M60 và M79 . Người thương binh cười thật tươi, chìa cho tôi một khẩu M16, băng cong .
- Lâu quá mới gặp lại Thiếu úy.
Là Đồng “ Đen “, do nước da thật sậm nhìn thoáng cứ tưởng là lai Miên hay Mỹ đen . Lê Thành Đồng, 14 tuổi đã nhập băng “ Ngươi Dơi “ nhảy lên xe lô bồi của Mỹ để quơ rồi ném hàng xuống đường. Bỏ học, đăng lính năm 16 tuổi chỉ vì “ … Thích bộ đồ bông và cái mũ nâu. Trông ngầu gì đâu ! “ .
Là tay anh chị kiêm mặt rô của khu Đường Rầy ngoài Đà Nẵng, nhưng cũng là một khinh binh thiện chiến, một đồng đội dễ thương . Binh nhì muôn năm dù đánh trận không thua bất cứ một chiến sĩ xuất sắt nào. Không lên lon được là vì ba gai và thường xuyên trốn trực gát mỗi lần về dưỡng quân tại hậu cứ.
Là thương binh đầu tiên vì đạp mìn trong ngày giải tỏa áp lực địch tại Trà Kiệu, mở đường cho cuộc di hành về cầu Giao Thủy, để từ đó tiến vào Đức Dục , tháng 7-1974.
Đồng “ Đen “ vẫn không thay đổi mặc dù đôi chân bây giờ là chiếc xe lăn. Vẫn nụ cười tươi như một hình thức ngụy trang cho tình cảm bên trong và vẫn là sự hăm hở khi nhập trận. Chỉ có điều …
- Thôi đi mấy ông ơi. Vịêt Cộng tới sát bên đít rồi còn ở đó sanh sự với nhau làm gì !
Tiếng ai đó bất chợt kêu lên thống thiết làm mọi người chùng bước. Và nhóm lính bên kia dường như đã hôi của chán chê, hay nhìn đám đồ bông bây giờ đang hàng ngang cỡ vài chục mạng, nên đâm ra lạnh giò, nên lần hồi tản mác vào đám đông .
Dường như chỉ chờ có thế, đám bạn của “ nguời hùng xe lăn “ ào ạt xung phong vào kho. Theo sau họ là một rừng người, mới vừa rồi còn nép mình thật sát xuống sàn tàu hay trên mặt đường, bây giờ thì tranh nhau vào quơ quào, vơ vét.
Tôi lẵng lặng trở về xà lan, ngồi nhìn về hướng biển rồi Sơn Trà. Không có bóng dáng một con tàu nào trở lại kéo xà lan ra khơi. Hằng ngàn người tuyệt vọng đứng ngồi không yên, đã có một số bỏ lên bờ và tiến dần ra cổng.
Tôi xách khẩu M16 đi dài theo bến phà tân cảng. Cả chục chiếc xà lan đông nghẹt người và người. Ai nấy thấp thỏm, âu lo, trông ngóng. Trong số hằng ngàn người chắc chắn có đồng đội của tôi trong đơn vị, nhưng không ai nhìn nhau . Để làm gì ! Bất quá cũng chỉ là những câu chuyện không đầu không đưôi, hay cùng lắm là trao đổi một vài tia hy vọng mà thôi .
Khi tôi trở lại chỗ cũ thì Đồng “ Đen “ đang làm công việc “ từ thiện “. Anh chàng phân phát toàn bộ “ chiến lợi phẩm” lấy trong kho ra cho mọi người. Thấy tôi đang trờ tới, Đồng “ Đen “ đưa tay vẫy rồi sau đó nhét vào tay tôi hai cây thuốc Quân Tiếp Vụ .
- Thiếu úy hút với tụi em cho vui.
Tôi cám ơn rồi bỏ vào túi mọi đeo trên vai dù Ruby Quân Tiếp Vụ không phải là loại thuốc lá tôi thường hút. Nhìn qua phía nhà kho thì vẫn còn ngừơi ra kẻ vào không ngớt. Có lẽ ngồi lâu, buồn chán nên khi có dịp là họ sẵn sàng khuấy động, huống chi đây lại là dịp may hiếm có để vơ vét của chùa.
12h00 . Nắng trên đầu dọi xuống. Nóng nực và khô khốc. Người chen chúc, chật chội. Cảm giác thật khó chịu khi mà hy vọng theo từng giờ vơi đi. Đang ngồi nhắc chuyện xưa với chị Hương thì bỗng dưng cổng chánh của Tân Cảng mở toang . Một nhóm người ùa vào la toáng lên.
- Tụi nó tới rồi. Việt Cộng đã chiếm Đà Nẵng rồi bà con ơi.
Không phải ong vỡ tổ, mà là sóng vỗ tràn bờ. Hàng ngàn người từ các xà lan túa lên bờ trong nháy mắt. Lại là cơn hoảng loạn tột cùng. Phút chốc lại là cảnh chen lấn ngay tại cổng. Lần này là để chạy trở ra .
Tôi thừ người ngồi tại chỗ. Nhìn mọi người chen chúc mà chua xót nghĩ thầm về màn hài kịch di tản . Còn gì nữa mà hối hả trở ra …nạp mạng ! Trốn cũng chạy mà về cũng chạy thật là mĩa mai làm sao!
Cũng có nhiều người ngồi lại như tôi. Không biết họ đang nghĩ gì. Riêng tôi thì hoang mang cùng cực. Đầu óc trống rỗng, nhẹ tênh như đang mơ, hay đang hiện diện trong một khỏang trống rất mơ hồ. Đã có lúc tôi dựng ngược khẩu súng, nhìn vào nòng sắt đen ngòm rồi nghĩ đến viên đạn đang nằm sẵn trong đó. Chỉ cần bóp cò…
Có ai đó vỗ nhẹ vai tôi. Ngẩng đầu lên, tôi nhận ra vợ chồng Trung Sĩ Trần Sự và hai cháu nhỏ. Người Hạ Sĩ Quan Tiếp Liệu của Đại Đội 3 ái ngại nhìn tôi.
- Mình về đi Thiếu úy.
Về ! Về đâu !? Gia đình tôi ở tận Sài Gòn . Giờ phút này chắc trong đó vẫn hy vọng
vào một phép lạ cho Đà Nẵng. Còn ngôi nhà lợp tôn trong trại gia binh cấp cho anh có lẽ chỉ còn tường và vách mà thôi.
Thấy tôi vẫn còn lạc hồn, Anh Sự chụp ngay khẩu M16 quăng xuống sông, rồi lôi tôi đứng dậy . Tôi đi theo anh như cái máy. Mãi đến khi ra tới cổng, tôi mới nhận thấy chị Sự có vẻ mệt vì phải bồng đứa con nhỏ và xách túi khá to. Tôi đỡ lấy cái túi nhưng chị giao cháu bé chừng hai, ba tuổi cho tôi bồng .
Đuờng về Đà Nẵng cũng một nhịp điệu cuống cuồng, lũ lượt, lính tráng có người còn nguyên súng ống còn dân thì tay bế, tay bồng, tay dắt, chạy ngang, chạy ngược, ai nấy cũng đều hớt hãi và thất thần như nhau . Anh Sự cho biết là sẽ đưa gia đình về nhà người chị ở gần ngả ba Cây Lan , và chúng tôi đang hướng về Ông Ích Khiêm , theo đường tắt để đi cho nhanh .
Đang vội vàng rảo bước thì có một chiếc Jeep mui trần chặt cua thập gấp. Trên xe nhảy xuống năm, sáu người, trên tay trái mang băng đỏ, chỉa súng vào chúng tôi và vài quân nhân còn mang vũ khí đi chung hướng. Sau vài phát chỉ thiên, họ đồng loạt hét lớn, đằng đằng sát khí.
- Bỏ súng xuống. Cởi đồ ra. Mau lên. Chống cự bắn bỏ mẹ.
Tôi đang ôm con anh Sự trên tay, chưa kịp thả cháu xuống đất thì ăn một đạp ngang hông, đau điếng .
- Ngoan cố hả. A! Giờ này mà còn khoe lon lá .
Thêm một cú lấn bằng báng súng vào vai làm tôi nóng mặt nhưng chưa kịp có phản ứng thì một người quát lên, giọng nghe rất quen.
- Để đó cho tao. Mày qua bên kia đi.
Gã thanh niên hứ một tiếng rồi bỏ qua bên kia đường hò hét thị uy tiếp. Còn tôi và cả Trung Sĩ Trần Sự trố mắt nhìn người đàn ông có vẻ là chỉ huy của đám thanh niên mang băng đỏ này. Không thể nào ngờ được kẻ đang cầm M16 , mặc thường phục, đeo kiếng đen đang đứng trước mặt chúng tôi lại là Trung Sĩ Nguyễn Văn Bi, mới năm ngoái còn là Tiểu Đội Trưởng khinh binh của tôi,người vỗ tay lớn nhứt mỗi lần nghe tôi hát, hồi Tết được về Duy Tân vì bị sa ruột . Bây giờ là kẻ cầm súng áp đảo chúng tôi .
Bi “ thòng “ kéo tôi qua một bên , nói nhỏ.
- Thiếu úy thông cảm. Tình thế bắt buộc thôi. Tụi nó là Thanh Niên Quyết Tử . Đang hăng máu lắm . Cởi bỏ đồ lính đi Thiếu úy. Ông còn đeo lon như vầy dễ chết lắm. Anh Sự nữa. Lột đồ ra. Mau lên đi.
Tôi lột áo, lòi khẩu Colt nằm gọn trước bụng . Trung Sĩ Bi lật đật chộp ngay.
- Tụi nó thấy là ông kẹt lắm. Có khi mất mạng là khác.
Không có áo thay, tôi đành ở trần đứng xớ rớ không biết làm gì. Lại có tiếng la hét, chưởi thề bên kia đường . Lại súng nổ .Hai đứa bé rúc vào lòng mẹ khóc tấm tức. Chúng tôi nép sát vào cổng sắt của căn nhà ngay góc phố, dù biết là đạn không nhắm qua bên này. Trung Sĩ Bi nhìn dám “ quyết tử” rồi quay lại lùa chúng tôi rẽ qua góc phố .
- Anh Sự và Thiếu úy đi lẹ lên. Mau đi.
Chúng tôi dắt díu nhau đi sau cái vẫy tay kín đáo của người đồng đội cũ. Vừa khuất sau vài căn nhà thì lại nghe tiếng la hét của mấy tay ” quyết tử ” bắt bỏ súng, cởi đồ . Nhưng lần này thì có tiếng chưởi thề đáp trả .
- Bỏ súng cái con…
Và ngay sau đó là súng nổ liên tục. Người chạy tán loạn, hãi hùng . Khi im lắng thì tôi lóng nhóng định trở lại xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng Anh Sự đẩy tôi tiếp tục chạy theo chị Sự và hai đứa nhỏ. Thật tình , tôi chỉ muốn biết người đồng đội cũ ra sao mà thôi.
Suốt trên đường về chỉ thấy toàn là đám băng đỏ, cầm loa phóng thanh , chạy xe lòng vòng thành phố kêu gọi “ ngụy quân “ buông súng, rồi trấn an bà con và ca ngợi “ giải phóng “. Không thấy một bóng dáng Việt Cộng chánh hiệu nào cả .
15h00.Mãi đến khi về tới Cây Lan mới gặp vài nhóm “ Nồi niêu soong chảo” đội nón tai bèo, mang dép râu ngơ ngác nhìn phố xá hai bên. Thì ra chỉ là đám hậu cần của Mặt Trận quảy gánh vào trước. Địch sợ mắc bẩy như hồi Mậu Thân nên để cho đám “ quyết tử ” ra mặt trước, rồi tới đám nhà bếp dọn đường để nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì bọn chính quy vẫn nguyên vẹn .
Thật là đau đớn và mỉa mai làm sao! Đà Nẵng của khí thế hừng hực lúc chào đón Thủy Quân Lục Chiến Mỹ 10 năm trước, và của một thời oanh lịêt, vàng son, đã bị đám đàn bà, con nít chiếm cứ một cách êm thấm. Mọi sự diễn ra như trong một giấc mơ .Và trong những mờ ảo của hình ảnh và sự vật chung quanh là cờ đỏ sao vàng cùng với cờ Mặt Trận xuất hiện đầy trên các dãy phố. Mau quá! Và cũng lạ quá ! Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ thôi mà đã phất phới rợp trời.
Chị của Trung Sĩ Sự nghẹn ngào khi mở cửa cho chúng tôi vào nhà . Sau những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi, là những tiếng than vắn, thở dài, không biết ngày mai sẽ ra sao. Buồn bã và tuyệt vọng tới mức không ai muốn ăn uống gì cả .
Khi cởi bỏ chiếc quần lính tôi mới nhớ là còn hai trái lựu đạn M26 trong túi. Anh Sự lấy gói chung với giày bốt, bỏ vào bao rác rồi ném đại ra đường. Chúng tôi đứng ngay ngoài cửa nhìn bâng quơ một vòng. Ngoài đường lại đông nghẹt người qua lại. Lần này, xen lẫn với y phục dân sự là nón cối, mũ tai bèo và kaki Nam Định. Đà Nẵng đã thật sự rơi vào tay kẻ địch.
Người dân, sau những ngày phập phồng, sợ hãi, đã phần nào tỉnh táo trở lại mặc dù vẫn còn dáo dát tìm nhau sau những trốn chạy bất thành. Đà Nẵng vẫn đang nhốn nháo, phân vân. Nhưng lần này là do sự hiện diện của những người mà trước đó một ngày còn là mối đe dọa nặng nề .
Đêm. Vẫn là nỗi thao thức triền miên cho một tương lai bất định. Buồn bã và trống rỗng trong đầu. Không ăn gì mà vẫn thấy no. Mệt nhoài sau một đêm thức trắng và một ngày căng thẳng mà vẫn không thấy buồn ngủ. Trung Sĩ Sự và tôi ngồi ngoài phòng khách hút thuốc liên tục.
Chúng tôi ngồi im lặng , mỗi người một dòng suy nghĩ trong khi cả nhà đã ngủ yên ( hay làm bộ ngủ yên ? ) từ lâu. Tôi cố nhớ lại cả ngày hôm nay và thầm cầu chúc bình an cho những người thân thương không biết đang làm gì, ra sao, nhứt là sự cô đơn của chị Hương và sự trở cờ của người đồng đội đã từng vào sanh ra tử với tôi trước đây.
Càng nghĩ tới Trung Sĩ Bi, tôi càng thấy đau cho số phận của đơn vị và của những người lính miền Nam . Bỗng dưng tất cả đều buông xuôi để bọn nằm vùng nổi lên nắm lấy cơ hội và dọn đường cho đám bộ đội nhởn nhơ tiến vào thành phố như đi ngắm cảnh giữa chỗ không người.
Không ai có dự định gì cho ngày mai hay tương lai. Gia đình anh Sự sẽ ở lại đây vài hôm để thăm dò tình hình . Còn tôi thì chưa biết sẽ làm gì, đi đâu . Có lẽ sẽ ghé qua nhà bạn bên Trần Cao Vân hay Nguyễn Hoàng, hoặc lần mò tìm cách ra biển rồi tới đâu thì tới.
Vẫn còn phập phồng, hoang mang, nên trong lòng cứ như thắt quặn từng cơn . Rồi lại nghĩ tới Sài Gòn, tới gia đình và những người thân . Mọi người đang làm gì. Buồn quá . Phải không Ba, phải không Má. Đau quá phải không các bạn của tôi ơi !?
Phước Long mất , cả nước để tang. Cao nguyên mất, mọi người bàng hoàng . Bây giờ Đà Nẵng và cả Vùng 1 cũng không còn . Có bao nhiêu giọt lệ nhỏ xuống để tiếc thương phần đất đã lọt vào tay địch. Hôm nay là Đà Nẵng. Ngày mai đến lượt nơi nào. Thì hãy đợi ngày mai. Còn bây giờ là đêm dài vô tận . Đêm của Người Lính tan hàng, tức tưởi. Đêm của Đà Nẵng buồn thiu trong ngày đầu thay đổi chủ. Than ôi !!!
HUY VĂN
( Để nhớ những ngày sau cùng của Liên Đoàn 12 BĐQ và của Thành Phố Đà Nẵng.
Kính dâng hương linh Trung Tá Nguyễn Văn An, Quyền Liên Đoàn Trưởng, và Chiến Hữu các cấp thuộc Liên Đoàn 12 BĐQ )
Ghi chú bổ sung :
Sáng ngày 29-03-1975,vào lúc 9 giờ , Thiếu Tá Hồ V Hạc( K19 VBQG ) Tiểu Đoàn Trưởng TĐ39/ LĐ12 BĐQ ,đã tập họp toàn bộ Tiểu Đoàn, gồm đủ cả 4 Đại Đội, và tuyên bố giải tán đơn vị sau khi cho biết là ông đã liên lạc với các cấp, hàng dọc cũng như hàng ngang. Ông có khuyên quân nhân trực thuộc không nên mang theo súng đạn theo người vì không còn cần thiết và vì an nguy của cả vợ con binh sĩ . Sau cùng, ông cho lệnh xuất kho để phân phát lương thực và những gì cần thiết cho toàn thể mọi người.
Liên Đoàn 12BĐQ chính thức tan hàng ngày hôm đó, sau 9 năm góp mặt trong cuộc chiến bảo vệ phần đất của miền Nam tự do.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975
Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975 đang bốc những người tỵ nạn từ những xa lan. Đoàn tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ngo...
-
Viên Linh (hồi ký và dịch tài liệu CIA) Ngày 18 tháng 4, 1975: Tổng Thống Gerald Ford thành lập Ủy Ban Ðặc Nhiệm Liên Bộ, Interagency T...
-
NGÀY THỨ BẢY 26 THÁNG 4/1975 Soạn Thảo Kê Hoạch chiếm Sài Gòn: Khởi Sự Tấn Công vào Ngày 27-4 Về phía Cộng sản, trong cuốn Đại thắng Mùa Xuâ...
-
VNI FONT Trưa ngày 29/4/1975 tại bộ Tổng Tham Mưu Sau khi Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền nguyên thủ quốc gia cho ông Dương Văn Minh và...
No comments:
Post a Comment