Thursday, February 26, 2015

Cao Xuân Huy và Hình Ảnh Tháng 3 Gẫy Súng

Đọc Truyện Tháng Ba Gãy Súng on line
Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.
Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.
Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.
Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là đại tá Lữ đoàn trưởng và trung tá Lữ đoàn phó bỏ Lữ đoàn gồm bốn Tiểu đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy. Tôi giết Việt Cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi và Việt Cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau. Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.
Làm thuyền trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội. Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả Lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã phải trải qua.
Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên báo đại khái “Ðể mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn, làm bé thì tội bé”. Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có tội luôn. Ðiều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.
Ðiều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung “lớn lỗi lớn, bé lỗi bé” đúng theo cái kiểu “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.
Tôi không nhớ câu này của ai: “Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi”.
Ðâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Ðâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.
Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.
Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy.
Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.
Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái “những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...”, trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết.

Bút Ky'
Cao Xuân Huy

Saturday, February 14, 2015

Em Chọn Nơi Này


              Kiệt và Bình cùng cuốc bộ từ trường Bộ binh Long Thành về đến Bình Dương vào buổi chiều ngày 30/4/75 sau khi tan hàng. Họ là 2 người cùng quê, cùng là cựu HS Trịnh hoài Đức và cùng gia nhập khoá Sĩ Quan trừ bị cuối cùng trước khi Miền Nam thất thủ.
              Kiệt về đến nhà thì được biết là gia đình đã di tản chiều hôm trước sau khi đã cố chờ Kiệt đến giờ phút cuối. Sau phút giây bàng hoàng Kiệt chạy đến nhà Bình thì được tin cha Bình đã bị ban Quân Quản bắt giữ vì ông là một xã trưởng và không biết hiện ông đang bị giam ở đâu. Những ưu tư đang đè nặng tâm tư hai người bạn trẻ với một tương lai u ám đang chờ họ thì hai ngày sau, một toán Bộ đội 5 người võ trang đến nhà Kiệt tự xưng là Cán Bộ Đoàn, đi cùng một Cán Bộ Địa Phương, thông báo rằng nhà Kiệt đã được Cách Mạng trưng dụng, nhưng vẫn chiếu cố cho Kiệt được ở một phòng nhỏ cạnh nhà bếp để tạm trú chờ chính sách cụ thể của Nhà Nước đối với thành phần chạy theo Đế Quốc. 
            Sau một tháng ở chung với những người bộ đội, Kiệt cảm thấy tai, mắt, mũi của mình đã bị tra tấn một cách tệ hại bởi lối sinh hoạt của họ. Khăn mặt, khăn tắm họ treo phơi trước mặt tiền nhà. Sân nhà phía trước được trải sạn thì họ cào sạn thành đống và cuốc lên trồng rau muống. Hồ chứa nước phía sau nhà họ xả hết nước và bỏ heo con vào nuôi. Phân heo được mang ra phía trước bón rau muống. Chiếc radio mà họ gọi là "đài" thì  luôn được mở hết volume để nghe những bản nhạc CM như : cô gái vót chông, anh lính quân bưu, tiếng đàn Ta Lư v.v..Và cứ vài ba ngày họ lại "hạ cờ tây" tại nhà rồi chè chén suốt đêm khiến Kiệt nghĩ nếu cứ tiếp tục ở đây một thời gian ngắn nữa mình sẽ trở thành người điên mất. Với một tâm trạng bơ vơ, lạc lõng lẫn lo âu Kiệt chạy đến nhà Bình để xin tá túc. Nhưng Bình cũng cho Kiệt hay gia đình Bình đang bị áp lực nặng nề của địa phương buộc phải giao nhà cho địa phương quản lý nên Kiệt phải tính cách khác.
            Bấy giờ những sĩ quan QLVNCH từ cấp thiếu uý và công chức từ chủ sự trở lên đã nằm yên trong các trại cải tạo và Kiệt vẫn lang thang bên ngoài không biết số phận mình sẽ đi về đâu. Kiểm lại số bạn bè thân thích Kiệt thấy giờ đây chỉ còn có Hoà là ít bị áp lực bởi chính quyền mới vì chân phải Hoà bị tật và được miễn dịch vĩnh viễn vì lý do sức khoẻ. Hoà chỉ là bạn thời tiểu học và hiện sống bằng nghề sửa xe gắn máy. Đang ngồi quán cà phê cóc nghĩ đến Hoà thì bỗng Hoà cọc cạch chiếc xe đạp trờ tới :
            - Ê Kiệt mấy ngày nay tao đi vòng vòng tìm mày nhưng không thấy. Đến nhà mày thì mấy ông Bộ đội bảo dạo này không thấy mầy về nhà. Mầy đi đâu vậy?
            - Tao đi lang thang tìm chỗ tạm trú nhưng chưa được. À mầy tìm tao có chi không?
            -  Ở đây không tiện nói đâu. Về nhà tao sẽ rõ.
                Hai người về đến nhà Hoà thì Kiệt được Hoà thông báo :
            -  Có một cái thư từ bên Pháp gửi về cho mầy qua địa chỉ nhà tao, mầy vào trong nhà tao sẽ đưa mày đọc.
            -  Mầy có biết người gửi là ai không?
            -  Không.
                Kiệt  nhận ra nét chữ của chị ruột mình là Anh Thư. Chị nói một cách bóng gió là cả gia đình hiện định cư tại California Hoa Kỳ, rất lo lắng cho số phận của Kiệt. Chị phải viết thư cho một người bà con bên Pháp và nhờ chuyển về VN chứ chưa được gửi thẳng từ Mỹ. Chị còn dặn Kiệt hàng tháng cứ đến nhà Bác Năm Bền nhận tiền để sinh sống và tìm cách vượt biên. Gia đình sẽ thanh toán lại cho con Bác ở Pháp. Kiệt đã tạm yên tâm về sinh kế, nhưng vẫn nặng lo về chỗ ăn ở. Nhưng may thay, Hoà đã mở lời trước :
              -  Nếu mầy không chê thì cứ tạm trú tại nhà tao, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Còn chỗ ngủ thì chịu khó nằm ngủ sàn gạch với tao.
              -  Với tao lúc này có chỗ ngã lưng là quí rồi, ở đó mà kén với chọn.
                Phần mình đã tạm ổn, Kiệt đang lo lắng đến số phận của Bình nên chạy đến gặp Bình và được Bình cho biết :
              -  Chính quyền địa phương đã liên tục đến vận động và áp lực gia đình tao phải đi kinh tế mới nhưng má tao kiên quyết trả lời : "Mẹ con tôi sẵn sàng chết tại nhà chứ không đi đâu cả, trừ trường hợp chồng tôi được trả tự do thì cả gia đình chúng tôi sẽ cùng đi", nên họ có vẻ khựng lại. Thế còn chỗ ăn ở của mầy ra sao rồi?
                -  Tạm thời bây giờ tao dọn đến ở nhà thằng Hoà sửa Honda.
                -  Thằng Hoà què phải hôn?
                -  Đúng rồi, có gì không?
                -  Tao với nó đang chiến tranh lạnh sau vụ nó sửa chiếc xe tao không vừa ý. Nhưng không sao, cơm ai nấy ăn, nhà ai  nấy ở mà.
              -  Như vậy nỗi lo của hai đứa đã tạm thời lắng xuống. Còn vấn đề kế tiếp là phải có công ăn việc làm gì đó để họ bớt dòm ngó và kiếm chuyện, gây khó dễ. Vì trong mắt họ, những thằng ngụy như tụi mình vẫn luôn là cái gai cần phải nhổ. Tao được biết họ đang xây dựng một sở thủy lợi tại căn cứ thiết giáp Gò Đậu cũ, đang tuyển rất nhiều công nhân, hai đứa đến đó xem sao.
              -  Mầy đừng tưởng bở. Muốn làm công nhân dưới chế độ CS thì phải có lý lịch trong sạch, có hộ khẩu đàng hoàng. Hai thứ đó tao với mầy chỉ có nằm mơ thôi. Theo tao, hai việc thích hợp cho tụi mình hiện giờ là cuốc ruộng và đạp xích lô ba gác. Nhưng có ruộng đâu mà cuốc, vây thôi đành chọn ba gác cho chắc ăn đi ông bạn. Mà tướng của mầy còn đạp ba gác nổi, chứ tướng tao thì chỉ có nước đạp ba te.
              -  Mầy nói nghe cũng có lý. Nhưng nếu là công nhân làm văn phòng hoặc trong nhà máy thì còn đòi hỏi điều kiện này điều kiện nọ, chứ mình xin làm công nhân bốc vác, lên xuống những xi măng, cát đá hoặc sắt thép, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổi mồ hôi lấy bát cơm chứ có vinh quang gì đâu mà khó với chả dễ. Hơn nữa, tao được biết tay trưởng phòng tổ chức ở sở nầy là thằng Đạt, học cùng lớp với tụi mình ở Trịnh Hoài Đức, sau năm 72 hắn vào bưng hoạt động. Bây giờ gặp lại bạn cũ hy vọng hắn sẽ không khó dễ gì tụi mình đâu.
              -  Tao cũng mong những điều mày nói là sự thực. Ngày mai hai đứa thử đến đó nộp đơn xem sao.
                    Tám giờ sáng hôm sau Kiệt và Bình đã có mặt tại sở thủy lợi Sông Bé để nộp đơn. Nhưng ở đây họ chỉ nhận những hồ sơ có đủ bản sơ yếu lý lịch, bản sao CMND và hộ khẩu nên hai người phải đợi đến giờ chót để xin được gặp trưởng phòng tổ chức.
                  Một giờ sau hai người mới được gọi vào. Bước vào phòng, Kiệt và Bình nhận ra Đạt với khuôn mặt lạnh lùng và hỏi :
              -  Hai anh muốn gặp tôi có chuyện gì?
              -  Chúng tôi muốn xin một chân bốc xếp trong Sở, nhưng vì không có hộ khẩu thường trú nên đơn bị từ chối. Chúng tôi muốn xin ông trưởng phòng chiếu cố đến trường hợp khó khăn của chúng tôi để giúp đỡ.
              -  Hai anh cho xem đơn. Anh này tên là gì?
              -  Dạ tôi là Đào anh Kiệt.
              -  Còn anh kia?
              -  Dạ tôi là Nguyễn thanh Bình.
                    Được rồi, hai anh bước qua phòng bên cạnh ngồi chờ tôi nghiên cứu hồ sơ rồi sẽ trả lời sau.
                    Hai người bước qua phòng bên cạnh và Bình bắt đầu càm ràm Kiệt :
              -  Tao đã nói với mầy là mấy thằng đi theo CS nó không có tình cảm con mẹ gì hết ráo. Nó chỉ có biết Bác và Đảng. Thôi tụi mình rút lui là vừa.
              -  Sao mầy nóng thế. Biết đâu tiền hung hậu kiết thì sao?
              -  Tao thấy tiền kiết hậu ỉa chảy thì có.
                      Bình và Kiệt đang bàn tán với nhau thì Đạt bước vào. Đạt đóng cửa "sầm" một cái và bước tới ôm Kiệt và Bình vào lòng và nói :
                -  Xin lỗi tụi mầy nhé. Gặp lại tụi mầy ban nãy tao mừng quá nhưng phải làm mặt ngầu, nếu không sẽ bất lợi cho tao và cho cả tụi mầy nữa.
                    Bình thở phào một cái và nói : 
                -  Mầy làm tụi tao đánh lô tô trong bụng và nãy giờ định chuồn rồi đây.
                -  Mấy năm rồi anh em không gặp nhau hẳn là có rất nhiều chuyện để nói. Nhưng nói ở đây không tiện. Chiều nay sau giờ làm việc tụi mình sẽ gặp nhau tại quán Cây Nhang gần nhà máy đường Bình Dương để nói chuyện thoải mái hơn, tụi mầy đến được không?
                -  Sẵn sàng.
                    Năm giờ chiều Đạt đã có mặt tại quán, lựa một bàn khuất phía sau và gọi trước một con cá lóc nướng, ba xị rượu đế trong khi đợi hai người bạn đến. Đạt siết tay rất thân mật với Bình và Kiệt :
                -  Tao đã gọi một con cá lóc nướng, tụi mầy thích gì thì cứ gọi thoải mái, bữa nay tao chiêu đãi tụi mày một bữa. Trong khi lai rai tao đề nghị từng người kể hết lại quảng đời sau khi tụi mình đậu Tú Tài 2 vào năm 1972, ngắn gọn thôi.
                  Kiệt lên tiếng trước :
                -  Rời Trịnh Hoài Đức tao về Saigon học đại học Văn khoa, ban Anh Văn, còn Bình học luật, ban Công pháp Quốc tế. Đến đầu năm 75 thấy tình hình chiến sự có vẻ nguy ngập cho Miền Nam, tao và Bình tình nguyện gia nhập quân đội. Đang thụ huấn giai đoạn 2 tại trường Bộ Binh Long Thành thì tan hàng, rã ngũ. Tao chạy về nhà thì được biết gia đình đã di tản, còn nhà tao thì được CM trưng dụng, thế nên tao đã trở thành công dân không hộ khẩu. Còn Bình khi về đến nhà thì ông già đã bị mấy ông thuộc sư đoàn 304 băng đỏ bắt đi vì ông là đương kiêm xã trưởng. Mãi đến chiều hôm qua gia đình mới nhận được bức thư đầu tiên của ông gửi về từ trại cải tạo Cà Tum. Gia đình nó đang bị áp lực nặng nề của địa phương buộc phải đi kinh tế mới. Đại khái đó là bức tranh tổng quát của 2 thằng tao, thế còn mầy thì sao?
                -  Trong lúc tụi mầy về Saigon học đại học thì tao vô bưng. Được đưa về Lộc Ninh, ở đó 3 tuần thì lên đường di chuyển ra Bắc bằng đường bộ. Khi thì di chuyển bằng molotova, lúc thì đi bộ. Hơn tháng trời mới đến được Quảng Bình. Từ Quảng Bình đi xe lửa đến Thanh Hoá và dừng lại ở đó vì Hà Nội đang bị B52. Sau đợt dội bom tao rời Thanh Hoá đi Hà Nội bằng molotova. Đến Hà Nội tao sinh hoạt chung với Tổng đoàn học sinh Miền Nam tham gia tái thiết Thủ Đô, đến giữa năm 73 được kết nạp Đảng. Cuối năm 73 tao theo học khoá kinh tế chính trị học tại trường Nguyễn ái Quốc. Đến giữa năm 74 tao được sang Đông Đức học khoá quản lý công nông thương tín 2 năm, nhưng chỉ đến đầu năm 75 tao được lệnh trở về nước để chuẩn bị tiếp thu Miền Nam. Và bây giờ tao thế nào thì tụi bây đã rõ.
                Nãy giờ Bình chỉ ngồi nghe, chưa được tham gia câu nào nên cũng ấm ức :
            - Đạt à, cái mà tao muốn hỏi mầy là cảm tưởng đầu tiên của mày khi nhìn thấy cuộc sống của người dân Miền Bắc khi mầy đặt chân lên vùng đất bên kia Vĩ Tuyến? Nhưng trước khi trả lời tao đề nghị anh em mình nâng ly mừng đã đuổi được Đế Quốc Mỹ đi và đưa Đế Quốc Doanh vô miệng. Nào, uống, chấm mồi, đưa cay rồi nói mới linh. 
            -  Bình à, cái tật đá giò lái của mầy vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Được rồi, tao sẽ nói hết. Tụi mình dù gì cũng từ cái lò Trịnh Hoài Đức mà ra. Bảy năm chứ ít gì. Bây giờ dù mỗi đứa có một vị trí khác nhau trong xã hội, có những chính kiến khác nhau nhưng vẫn là anh em một nhà. Thú thật với tụi mầy khi nhìn tận mắt cuộc sống đói rách của người dân Miền Bắc là tao hỡi ơi rồi. Ngay đất nước Đông Đức, đất nước có một nền tảng khoa học kỹ thuật nhất định, không có chiến tranh, nhưng người dân ở đây vẫn lầm than cơ cực. Tao là dân An Sơn, "Quê Hương Cách Mạng" mà, bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lời ca tụng về một Thiên Đường XHCN Miền Bắc. Đến khi va chạm với thực tế phũ phàng thì tao đã ngồi trên lưng cọp. Nhớ ngày lên đường về Nam, mấy ông tập kết 54 khệ nệ những món quà loại " hiếm quí " như chén đá Thanh Trì, vải popeline Nam Định, thuốc lá Thăng Long, xăm lốp xe đạp Trung Quốc v.vv... trông thật tội nghiệp. Ngược lại mấy ổng cũng nhìn tao với ánh mắt thương hại vì "qui Nam" mà trên răng dưới dế, chả có mẹ gì ngoài 2 bộ đồ Bộ đội. Một trong những ông đó hiện giờ là trưởng phòng thiết kế của Sở. Có lần ngồi nhậu chung với ổng tao có hỏi thăm về những món quà ông mang từ Hà Nội về được đón nhận như thế nào, ổng làm cho tao một trận :
              -  Bố tiên sư mầy. Phải chi lúc đó mầy nói thật cho tao biết để khỏi khệ nệ mang từ ngoài đó vào. Khi thấy được mức sống của dân SG, trên đường đến nhà máy Ba Son nhận công tác, tao quẳng mẹ nó xuống cầu Thị Nghè, vì biết rằng có bỏ giữa đường cũng chả ai thèm nhặt!
              -  Xin lỗi ông, lúc bấy giờ tôi có nói ra cũng chẳng ai tin tôi, chưa nói là có thể bị chụp cho cái chảo "phản động" nữa là đàng khác!. . . .  Mà thôi bỏ chuyện đó đi, trở về chuyện của 3 đứa tụi mình. Nhưng trước hết kêu thêm 3 xị nữa đi. Hôm nay rượu ngon có cả bạn hiền tụi mình cứ xỉn một bữa để ghi nhớ ngày gặp lại. Riêng chuyện của Kiệt, chỗ anh em, tao khuyên mầy nên tìm cách vượt biên đi, đó là con đường duy nhất dành cho mầy. Còn Bình thì cố gắng bám giữ căn nhà ở Thị Xã. Mất nhà là mất tất cả. Còn việc chính cần bàn hôm nay là vấn đề hộ khẩu. Bình hay Kiệt mượn đỡ hộ khẩu của ai cũng được, photocopy 2 bản đưa cho tao, mọi việc còn lại để tao lo. Như vậy đã tạm ổn chưa? Bây giờ còn bao nhiêu rượu trong chai cứ rót hết ra đi, tụi mình cạn ly trước khi chia tay và cả 3 cùng thề rằng những chuyện mình nói với nhau nãy giờ chỉ có 3 thằng biết thôi. Thằng nào để lọt ra ngoài thì các đảng cô hồn vặn cổ nó ngay, nhớ chưa?
                  Tuần lễ sau Bình và Kiệt đều nhận giấy đi khám sức khoẻ. Cả hai đều đạt tiêu chuẩn để nhận việc vào thứ hai đầu tuần. Ngày đầu tiên 12 người trúng tuyển được tập trung vào hội trường để học về Nội quy và quyền lợi của công nhân. Mức lương khởi đầu là 80 đồng/ tháng cộng với 20 kí gạo và nhu yếu phẩm khác như sữa, đường đậu, xà phòng v.vv.. Sau 6 tháng công tác, nếu làm tốt công tác, không bị kỷ luật sẽ được chính thức vô biên chế nhà nước. Diễn giả là cô Đỗ Lan Chi, tốt nghiệp kế Toán Hà Nội, Trưởng phòng Vật Tư.
                  Sau buổi học nội quy thì cả toán 12 người được giao công tác đầu tiên là hạ thổ một máy bơm nước khổng lồ từ trên xe Kamaz xuống. Máy hiệu Sigma do Tiệp Khắc viện trợ, nặng cả tấn. 12 người hì hục cả buổi mới cộ nó vào nhà kho để chạy thử dưới sự giám sát của Lan Chi và 2 kỹ sư cơ khí người Hà Nội. 2 anh chàng này cứ loay hoay cả tiếng đồng hồ với quyển cẩm nang (manual) ghi bằng 2 thứ tiếng Anh và Tiệp nhưng vẫn không tài nào nổ máy được, có lẽ vì tiếng Anh thì bù trất, còn tiếng Tiệp thì mù tịt. Lan Chi đang bực bội thì Hoàng, công nhân trẻ nhất trong toán, đến nói với cô :
                    -  Chị có thể nhờ cái anh chàng cao to đang nằm nghỉ trưa trên võng, hy vọng ảnh có thể đọc quyển nầy.
                    -  Thế à? Sao anh biết?
                    -  Vì ban nãy, sau khi ăn xong, trước khi ngủ tôi thấy ảnh đọc một quyển sách không phải bằng tiếng Việt.
                    -  Cám ơn anh, để tôi hỏi anh ấy xem sao.
            Lan Chi đến khẻ lay Kiệt dậy và nói :
                    -  Xin lỗi anh cho tôi hỏi thăm nhé, anh tên là gì?
                    -  Dạ tôi tên Kiệt, có gì không cô?
                    -  Xin lỗi anh Kiệt vì đã quấy rầy lúc anh đang nghỉ trưa. Nhưng cũng hơi vội nên tôi muốn nhờ anh đọc dùm quyển cẩm nang nầy giúp 2 anh kỹ sư khởi động chiếc máy bơm nước để nhập kho ạ.
                    -  Trời đất! Tôi là công nhân bốc vác mà cô bảo tôi làm công tác dịch thuật thì trật bàn đạp rồi. Vả lại tôi làm gì biết tiếng Liên Xô!
                    -  Không đâu anh, tiếng Anh và tiếng Tiệp ạ.
                    -  Thế thì càng không được vì tôi chỉ biết tiếng Mỹ thôi.        
                    -  Vậy thôi cám ơn anh.
                    -  Khoan đã, cô trưởng phòng ơi. Tôi đùa thôi mà, đưa tôi xem cho. Người Mỹ lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Tiếng Mỹ cũng là tiếng Anh đó cô.
                    -  Ối Giời Ơi!  Thì ra nãy giờ anh trêu tôi đấy à?
                    -  Dạ hỏng dám.
                      Kiệt vừa đi cùng Lan Chi vừa lướt sơ quyển Cẩm nang song ngữ Anh/Tiệp và đến nói với 2 anh chàng kỹ sư :
                      -  Đây là loại máy bơm nước hạng nặng với động cơ diesel, chạy dầu. Ngoài ra còn có một động cơ nổ 4 thì chạy xăng kèm theo. Có 2 cách khởi động :
    1/ Giật máy xăng nổ và truyền lực để kéo khởi động máy dầu.
    2/Trường hợp máy xăng trở ngại ta có thể tháo máy xăng ra rất đơn giản và dùng tay quay, xả compression, quay đến 60 vòng/ phút, đóng compression máy sẽ nổ. Nhưng bánh trớn rất nặng, người phải thật khoẻ mới quay nổi.
            Nào chúng ta thử cách thứ nhất : đóng air (choke), nhấn núm bơm xăng 3 lần, giật máy : máy đã nổ. Bây giờ đẩy dây courroie sang máy dầu : máy dầu đã nổ, hãy tắt máy xăng.
            Chúng ta tiếp tục thử cách thứ hai : xả 2 ốc chuồn chuồn, nới lỏng dây courroie, tháo máy xăng ra. Mở nút compression lock, dùng tay quay quay bánh trớn, đóng nút compression lock : máy đã nổ.
              Cả 3 người hoan nghênh và rối rít cảm ơn Kiệt. Lan Chi cứ nhìn theo dáng Kiệt đi mà trong lòng đầy những thắc mắc : tại sao một người cao to, đẹp trai, nói năng mềm mỏng, tiếng Anh lưu loát như thế mà lại làm nghề bốc vác. Những câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu Lan Chi khiến cả buổi chiều cô không làm gì được.
                Sáng hôm sau, trước khi giao việc cho toán, Lan Chi mời cả toán vào hội trường để sinh hoạt :
        -Chào các anh. Hôm qua, trong ngày ra quân đầu tiên các anh đã làm tốt những công việc mà phòng vật tư đã giao phó. Nhưng để cho công tác đạt hiệu quả cao hơn, hôm nay tôi muốn chỉ định một người làm trưởng toán để phân công, đôn đốc anh em làm việc. Người đó là anh Kiệt. Và anh Kiệt chọn giúp tôi một phó trưởng toán để thay anh khi nào anh vắng mặt. Anh Kiệt chọn ai nào?
          -Tôi chọn anh Bình.
          -Được. Tôi chấp nhận. Bây giờ anh Bình dẫn anh em đến khu xây lắp lăn 60 ống cống € 80 lên 10 chiếc IFA. Làm sớm nghỉ sớm. Riêng anh Kiệt vào phòng vật tư gặp tôi một chốc nhé.
            Hôm nay Lan Chi đích thân kéo ghế, rót nước trà mời Kiệt khiến Kiệt không khỏi thắc mắc sao hôm nay mình được cô xếp trẻ đẹp quan tâm nhiệt tình như thế. Đang miên man nghĩ ngợi thì Lan Chi lên tiếng :
          - Anh Kiệt, hôm nay anh khoẻ không?
          - Cám ơn cô trưởng phòng, tôi vẫn khoẻ.
          -  Anh cho em xin 3 chữ "cô trưởng phòng" đó có được không. Cứ gọi em là Chi được rồi. Sao anh khách sáo quá vậy?
                  Kiệt hoang mang sao Lan Chi lại đổi cách xưng hô đột ngột, không cho Kiệt gọi là trưởng phòng mà còn xưng em với Kiệt nữa. Không biết cô ta có "âm miêu" gì không. Thôi thì cứ tới luôn xem sao.
            - Được, anh sẽ gọi Chi bằng em, nhưng phải ở một nơi không phải môi trường làm việc.
              - Anh ác quá, em chỉ có thể gặp gỡ anh ở "môi trường làm việc", ngoài môi trường nầy em biết tìm anh ở đâu, trừ khi anh cho em cơ hội đó.
              - Anh nghĩ chính em có thừa khả năng để tạo ra cơ hội mà. Chẳng lẽ em không nhận ra rằng nãy giờ anh đã gọi em bằng em và xưng anh dù vẫn đang ở trong môi trường làm việc đó sao ?
              -Ừ nhỉ. Anh lém thật. À này anh Kiệt, anh cho em tò mò tí được không ?
              - Em nói đi.
              - Từ tối qua đến giờ em cứ mãi thắc mắc tại sao một người trẻ, cao ráo, đẹp giai, nói năng lịch lãm, đọc tiếng Anh như tiếng Việt như anh mà lại làm công nhân bốc vác, anh có thể nói rõ cho em biết được không?
              - Dường như em đang muốn điều tra lý lịch của anh thì phải?
              - Không anh. Em không có ý đó đâu. Anh đừng hiểu lầm. Và em nghĩ nếu ở vị trí của em thì anh cũng sẽ có những thắc mắc giống em thôi.
              - Anh nói đùa mà. Có những chuyện em biết được thì cũng hay nhưng nếu không biết có lẽ còn hay hơn. Và nếu đã lỡ biết thì nên quen dần với nó đi. Hãy nhìn hình ảnh một anh phu xích lô chở 1 du khách Thuỵ Điển trên đường phố Saigon : Anh ta thuyết minh cho du khách bằng Anh ngữ một cách lưu loát về lịch sử của Nhà Thờ Đức Bà, của Bưu Điện SG, của Thảo Cầm Viên vv...Trong khi ông Giám Đốc Công Ty Du Lịch Thành Phố thì một chữ tiếng Anh bẻ làm đôi cũng không biết. Một kỹ sư thiết kế cầu Bến Lức hiện ngồi vá xe đạp dưới chân cầu. Trưởng phòng kỹ thuật nhà máy xi măng Hà Tiên trở thành công nhân bốc vác. Và, như em đã từng nói trong buổi học nội quy hôm qua là nhiệm vụ nào cũng vinh quang mà ; vậy có cần thiết cho em phải bận tâm về trường hợp của anh không?
              - Bây giờ thì em đã hiểu anh.
              - Em hiểu anh như thế nào ?
              - Anh hãy bỏ qua cho em nếu trong một giây phút vô tình nào đó em đã chạm vào nỗi đau thầm kín của riêng anh mà em không có quyền được biết đến. Và em cũng hiểu rằng có lúc anh và em đã đứng ở 2 bên bờ chiến tuyến. Vết thương quá khứ đó hãy còn rỉ máu khi mà liều thuốc thời gian vẫn chưa đủ để nguôi ngoai. Kẻ chiến bại thì mất tất cả, còn người chiến thắng cũng chẳng được gì ngoài một tâm tư nặng trĩu, bơ vơ, lạc lõng giữa lòng người và mất cả niềm tin. Thôi, em cảm ơn anh đã ít nhiều đã hé lộ cánh cửa trái tim và cho em một cơ hội giải bài những tâm tư, tình cảm, để hai tâm hồn có thể xích lại gần nhau. Thôi bây giờ anh ra làm tiếp công việc đi nhé. Và hãy nhớ đôn đốc anh em thôi, anh chỉ phải làm khi nào thực sự cần thiết. Mong có dịp trò chuyện cùng anh ở một nơi nào khác hơn để em được chia sẻ với anh những gì cần chia sẻ. Chào anh.
              Kiệt bước chân đi mà lòng canh cánh ưu tư. Phải chăng mình đang đi vào cạm bẫy của ái tình mà hậu quả của nó đôi khi không lường trước được. Vì có hoa hồng nào không gai. Lan Chi đã tấn công Kiệt tới tấp. Kiệt không thể mở cửa trái tim để đón nhận ngay, nhưng cũng không thể phũ phàng chối bỏ, vì dù sao thì Lan Chi cũng đẹp, cũng đáng yêu.
                Còn Lan Chi tuy không hiểu nhiều về nhân thân của Kiệt, mới biết Kiệt được mấy hôm, nhưng mỗi khi tiếp xúc với Kiệt cô cảm thấy một cái gì ấm áp gần gũi và thân thiện một cách lạ thường. Chi về Sở ngay khi mới thành lập được mấy tháng nay. Lúc mới vào Nam nàng đã biết lột xác. Bỏ kiểu tóc bím hoặc tóc đuôi gà, chọn kiểu tóc xoã bờ vai. Mặc áo pullover, quần tây, đổi quần áo lót, guốc cao gót. Nên nếu không nghe giọng nói chắc không ai biết nàng là người Miền Bắc cả. Mắt to, mũi thẳng, miệng có hơi rộng nhưng khi cười để lộ hàm răng trắng đều như bắp, dễ thu hút người đối diện. Trong cơ quan nầy người chú ý Chi nhiều nhất là Toại, Phó giám đốc đặc trách đời sống kiêm bí thư chi bộ. Toại là đại uý công binh chuyển ngành, rất có uy trong sở, chỉ tội hơi xấu trai, người thấp, răng hô, mắt lại nhỏ. Toại cố đeo đuổi Chi nhưng chỉ được đáp lại bằng những nụ cười đáp lễ mang tính xã giao, mặc dù Chi là một Đảng viên, tương lai chính trị của Chi nằm trong tay Toại. Thời gian gần đây Toại có nghe trong Sở xầm xì về việc Chi thường có quan hệ thân thiện với một công nhân bốc vác tên Kiệt, Toại liền xuống phòng Nhân viên để xem lý lịch của Kiệt. Được biết Kiệt là một Sĩ Quan của Quân Đội Miền Nam chưa mãn khoá huấn luyện nên không thuộc diện tập trung cải tạo. Toại mừng thầm vì thấy đây là một đối thủ không đáng ngại. Chỉ cần đưa Kiệt vào trại cải tạo thì mọi việc sẽ như ý muốn. Việc nầy thì không quá khó đối với Toại. Lúc đó Chi sẽ về tay mình. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
            Một buổi chiều tan sở Toại đang chạy chiếc CUB 70 trên đường về ngôi nhà mới xây ở gần sở, bỗng Toại nhận ra Chi đang đi xe đạp phía trước mình, Toại chạy chậm lại và quan sát. Hôm nay cô nàng thật lộng lẫy, quần jean, áo sát cánh, mái tóc đen huyền xoã xuống đôi bờ vai trắng nuột. Toại định phóng tới tán tỉnh vài câu nhưng lại đổi ý, quẹo vào nhà lấy xe đạp đuổi theo nhưng giữ khoảng cách để Chi không phát hiện, xem Chi đi đâu. Cuối cùng đích đến của Chi là Cửa Hàng Ăn Uống số 2, một nhà hàng nổi trên sông Bình Dương. Đứng từ xa quan sát Toại đã thấy Kiệt đã đứng đợi Chi ở đấy rồi. Đợi cả hai đã vào bên trong, Toại vào theo, chọn một chỗ khuất để ngồi và kêu một chai bia giải khát. Uống xong Toại kêu tính tiền và ra về. Trên lối ra Toại cố tình đi ngang qua bàn của Chi và Kiệt và cất tiếng chào :
          - Ủa, chào 2 người. Hôm nay không hẹn mà vô tình gặp nhau ở đây. Thôi chúc hai người vui vẻ nhé.
              Kiệt thấy vậy cũng đáp lời :
          - Thôi sẵn dịp ông Phó ngồi dùng bữa với chúng tôi cho vui.
          -  Cám ơn 2 người, hôm nay có chút việc phải lên Tỉnh Ủy, tiện đường ghé uống ly nước giải khát xong phải đi ngay, hẹn lúc khác vậy.
          -  Vâng, chào ông Phó.
                Kiệt thì vô tình không biết chứ Chi thì biết chắc mẻm là tay này đã theo dõi mình từ chiều đến giờ, nhưng cứ kệ anh ta. Hôm nay hẹn được Kiệt đến đây rồi thì ngày mai này Giang Sơn có xụp đổ thì Chi cũng cóc cần.
            - Anh Kiệt, em mong ngày này mấy tháng nay. Hôm nay em xin được khao anh một bữa hoành tráng, anh thích ăn gì uống gì cứ gọi, đừng bận tâm về tiền bạc. Em biết lương anh chỉ 80 đồng/tháng không đủ một bữa ăn ở cửa hàng đâu.
            - Nếu em nói vậy anh sẽ gọi những món đắt tiền nhất em chịu không?
            - Chịu ngay, miễn chúng thực sự mang lại cho anh những niềm vui.
                Kiệt nói với cô tiếp viên : cô cho tôi 1 ếch xào lăng, 1 bò lúc lắc, 1 lưỡi bò nấu đậu, 3 chai bia xuất khẩu và 1 soda chanh đường. Quay sang Chi Kiệt nói:
            - Chi à, hôm nay cuối tuần, trước mặt là một dòng sông hiền hoà, mình hãy thư giãn, quên đi những ngày mệt nhọc, thưởng thức những món ăn ngon và kể cho nhau những gì cần nói cho nhau như em đã từng mong mỏi trước đây. Nhưng anh muốn nói trước với em anh là 1 SVSQ của Quân Đội Miền Nam, em là 1 Đảng Viên CS, dù gì cũng còn những vết thương của quá khứ chưa khép lại cho nên anh chưa tiện nói ra hết những gì em muốn biết về anh. Anh muốn xin lỗi em về việc này và cho anh khất lại lần sau. Anh hứa một ngày không xa lắm anh sẽ trải lòng cùng em.
            - Có nghĩa là bây giờ anh vẫn chưa tin tưởng em?
            - Không. Hoàn toàn không. Em đừng vội trách anh. Mặc dù chỉ quen em một thời gian ngắn ngủi, nhưng em đã cho anh một cảm giác dạt dào thân thương, nồng ấm khi đối diện. Chính em là người anh cần chia sẻ. Và một ngày nào đó khi hiểu ra, em sẽ ngàn lần thông cảm.
            - Không sao đâu anh. Nếu chưa cảm thấy thoải mái để trút hết những tâm tư thầm kín trong lúc này thì em cũng sẵn sàng cho anh nợ lại. Chủ nợ không có quyền đòi nhưng vẫn có quyền hy vọng. Và bây giờ em mời anh nâng ly, cầm đũa.
            - Và cũng bây giờ em hãy bắt đầu những thước phim định mệnh đã đưa em đến gặp anh ngày hôm nay.
            - Em sinh ra tại Hải Phòng trong một gia đình có 3 anh em, hai trai một gái, em là con út. Cha Mẹ em sống bằng nghề đánh cá trong một hợp tác xã. Khi em học xong lớp 10 thì hai anh trai em, cùng với người bạn trai của em đã hăm hở lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương theo tiếng gọi của Đảng. Lúc đó qua lăng kính của Đảng em được biết nhân dân Miền Nam đang quằn quại dưới ách thống trị của Đế Quốc Mỹ và tay sai, cụ thể là Ngụy Quân, Ngụy Quyền. Dưới mắt em họ là những kẻ ăn gan uống máu. Phụ nữ Miền Nam chỉ biết bán trôn nuôi miệng. Người dân Miền Nam phải sống trong gông cùm nô lệ, trên đe dưới búa, làm lụng đến đầu tắt mặt tối vẫn không đủ cơm ăn áo mặc. Trẻ con không được học hành vì nhà tù nhiều hơn trường học. Xã hội Miền Nam trong mắt em là một bức tranh đầy máu và nước mắt. Đồng Bào Miền Nam mong được giải phóng như hạn hán mong mưa. Máu căm hờn sôi sục trong tim nên ngay những ngày còn ở mái trường Trung học phổ thông em đã phấn đấu gia nhập đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM và là đối tượng Đảng. Khi bước chân lên Cao Đẳng Tài Chính em dấn thân vào những phong trào thi đua, cố lập những thành tích cao nhất để sớm được kết nạp Đảng, để có  cơ hội đóng góp tích cực vào sự nghiệp Giải Phóng Miền Nam. Em đã được kết nạp vào giữa năm học thứ hai. Với phương châm tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì lý tưởng cộng sản, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, người cộng sản luôn chịu sự đau khổ trước nhân dân và hưởng sự sung sướng sau nhân dân, em sẵn sàng tiến lên! Tháng 4/75 khi vừa tốt nghiệp Cao Đẳng, em chuyển về Bộ Tài Chính chờ đi thực tế thì nghe tin Miền Nam được Giải Phóng. Em được nghỉ một tuần về Hải Phòng thăm và từ giã gia đình vào Nam tham gia công tác tái thiết và xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa .
          Ngày lên đường với bao nhiêu nôn nóng mong sớm đặt chân tới Miền Nam để được nhìn thấy những khuôn mặt hân hoan chào đón những ân nhân anh hùng giải phóng của họ với một tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn.
          Nhưng em đã lầm !
          Khi đoàn xe vừa qua Cầu Bến Hải đến địa phận tỉnh Quảng Trị thì em hoa cả mắt : một sự phồn vinh quá sức tưởng tượng của em. Không thấy xe đạp đâu cả, chỉ toàn xe gắn máy và ô-tô. Nhà cửa khang trang, đường xá sạch đẹp dù đây chỉ là một tỉnh địa đầu giới tuyến sau 20 năm chiến tranh. Hai ngày sau về đến Saigon em bị choáng ngợp bởi những dinh thự, lầu đài nguy nga tráng lệ, đường sá, cây cối, cảnh quang khiến em ngây ngất tưởng mình đang đi giữa lòng một thành phố nào đó ở Âu Châu. Hôm sau em được dẫn đi tham quan một vòng chợ Saigon thì giời ơi, mặc dù một số lớn thương nhân đã bỏ chạy, nhưng nào son phấn lụa là, vải vóc, nước hoa, vàng vòng trang sức, nào kim khí điện máy, radio, cassette, TV đủ các loại, thực phẩm, quán ăn v.v.. Đi dọc con đường Lê Lợi ghé vào những tiệm sách, ôi thôi : một rừng sách báo đủ loại, đủ các khuynh hướng chính trị, băng nhạc, đĩa nhạc tràn ngập. Bác Hồ ơi, Đảng ơi, vậy mà Bác và Đảng đã trâng tráo dạy chúng con là dân Miền Nam không có nổi một cái bát để ăn cơm! Những hình ảnh xấu xa tệ hại nhất mà Đảng đã bỉ ổi quy chụp cho Miền Nam thì chính nó đã ngự trị bao lâu nay trên quê hương Miền Bắc. Nhưng điều em đau đớn nhất vẫn là ánh mắt khinh bỉ của người dân Miền Nam đối với em, khi họ nhận ra em là người Miền Bắc qua cách ăn mặc và giọng nói. Mà khinh bỉ cũng đúng thôi, vì dưới mắt họ em chỉ là 1 chiến binh trong đoàn quân ăn cướp núp dưới chiêu bài "Giải Phóng". Từ đó em mới nhận ra cái Đảng mà em là 1 thành viên chỉ là một Băng Đảng Mafia được luật pháp bảo vệ. Không những cả khối dân Miền Bắc bị lừa mà cả triệu Đảng viên cũng bị lừa luôn.
        Kiệt thấy Chi cũng hơi bạo miệng nên tìm cách xoa dịu bớt :
          - Chi à, trong lúc nói chuyện em cứ ăn uống tự nhiên chứ em không ăn làm anh cũng ngại gắp. À, em có thể uống với anh một ly bia được không?
          -  Em không biết uống bia nhưng nếu anh mời thì em sẽ không từ chối.
          -  Nào, mời em.
        Cả 2 cùng cạn ly, xong Kiệt xin phép đi toilette. Trên đường đi, Kiệt ghé quầy thu ngân đưa cô thủ quỹ 300đ, dặn cô ta là khi bàn số 3 gọi tính tiền thì cô trả lời dùm là có người trả rồi, nhưng không được nói là ai trả. Tiền thối để ngày mai Kiệt ghé lấy. Chi đâu biết là tiền lương và nhu yếu phẩm Kiệt giao cho Bình hết. Bình cần chứ Kiệt thì không vì hàng tháng Kiệt vẫn nhận tiếp tế từ gia đình. Lúc này Mỹ và VN đã có thoả hiệp về bưu điện nên thông tin trao đổi giữa Kiệt gia đình không còn trở ngại nữa.
        Từ phòng vệ sinh ra, Kiệt trở về bàn và hỏi Chi :
            -  Ban nãy em có cho biết là em có 2 người anh và 1 người bạn trai đã đi vào Nam chiến đấu, bây giờ họ ra sao?
            -  Không có tin tức gì cả anh ạ. Nửa năm sau khi cuộc chiến chấm dứt rồi mà chẳng thấy ai nhắc nhở gì cả. Mối bận tâm của họ hiện giờ là làm sao vơ vét sạch của cải của dân Miền Nam càng nhiều càng tốt, bằng nhiều hình thức từ đổi tiền, đánh tư sản cho đến bán bãi vượt biên, xuất khẩu người và nuốt trọn 16 tấn vàng của Nhân Dân Miền Nam rồi đổ tội cho Nguyễn văn Thiệu. Để sau một thời gian ngắn nhân dân cả hai Miền Nam Bắc đều trở thành vô sản. Cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa trên cả nước coi như đã thành công và nhân dân già trẻ bé lớn cứ đua nhau ăn độn, quần quật lao động đầu tắt mặt tối để được Đảng ban phát 2 chữ Vinh Quang, còn Đảng thì trở thành những Tư Bản Đỏ, khiêm tốn nhượng lại cái Vinh Quang đó cho đám bần dân đói rách.
              Uống xong ly bia thì má Chi ửng hồng lên trông rất xinh, nhưng Kiệt cũng hơi giật mình vì lỡ Chi giả bộ say bắt Kiệt dìu về đến nhà thì coi như hộc máu anh đài. Kiệt đề nghị cùng Chi :
            -  Thức ăn còn nhiều, 2 đứa cố gắng ăn hết đừng phí phạm, anh gắp cho em nhé?
            -  Ít thôi nhé, để em còn giữ eo đấy.
            -  Được rồi, anh không ép. Và đây là câu hỏi cuối của tối hôm nay : cơ duyên nào đưa em về Sông Bé để 2 đứa có dịp hôm nay ngồi bên nhau ?
            -  Cơ nghiệt thì đúng hơn. Vì anh biết những chiếc ghế ở SG chỉ dành cho những ai có bằng CCCC, em làm gì có cửa? Nhưng nếu bây giờ được chuyển về SG để phải xa anh thì em xin ở lại nơi nầy.
                Kiệt lại trách mình sao mình cứ vô tình để kẻ hở cho Chi tấn công thế nầy thì không khéo trong một sớm một chiều mình sẽ gục ngã trước Chi thôi.
                Ăn xong, Chi kêu tính tiền, cô thu ngân bước ra và cho hay là bàn số 3 đã có người thanh toán rồi. Kiệt giả bộ ngạc nhiên :
            -  Ủa, ai vậy?
            -  Tôi không biết, tôi cũng mới lên ca và thấy hoá đơn bàn 3 đã đóng dấu thanh toán rồi.
            -  Chi à, hay là ông Phó Toại?
            -  Thôi anh đừng có mà mơ. Lão keo kiệt đó thì không bao giờ.
            -  Chứ theo em thì ai đã làm việc này?
            -  Anh hỏi em, em biết hỏi ai?
            -  Thôi thì ai trả cũng được, rồi mình sẽ tìm ra thôi. Và bây giờ mình về đi em.
            Chi không quen rượu với bia nên cũng hơi choáng váng một chút, Kiệt choàng vai để giữ thăng bằng cho Chi vì chiếc cầu nối đường lộ và chiếc tàu là một cầu treo. Được dịp Chi vòng tay sau lưng Kiệt ôm sát vào lòng nhưng Kiệt thì không muốn tạo cho Chi một niềm hy vọng lớn lao để rồi phải tuyệt vọng khi Kiệt đã "nghìn trùng xa cách". Hai người đạp xe song song với nhau được một đổi đường thì Chi đề nghị  :
              - Em sẽ đưa anh về đến cổng nhà anh rồi em sẽ về một mình nha?
              - Thôi để anh đưa em về. Em là con gái đi một mình ban đêm không tiện đâu.
            Chi vẫn thắc mắc sao Kiệt vẫn cố dấu diếm điều gì với mình, vẫn không muốn cho mình biết nhà. Nhưng thôi ảnh đã hứa cho mình biết tất cả một ngày không xa mà. Bây giờ lại thêm một bí ẩn nữa là ai đã trả tiền bữa ăn nầy? Kiệt thì không thể vì đồng lương của Kiệt chỉ đủ vá xe đạp đi làm thôi chứ uống thêm nước mía thì đã hụt rồi. 

                                                  CHƯƠNG 2
                  
                Sáng hôm sau Toại điện thoại xuống phòng vật tư mời Chi khi nào rảnh lên Văn phòng chi uỷ gặp Toại để bàn một số chuyện. Chi đã đoán biết việc gì rồi nên nàng đi thẳng lên gặp Toại ngay.
          - Chào đồng chí. Đồng chí gọi tôi?
          - Vâng chào đồng chí. Mời đồng chí ngồi. Mời đồng chí xơi nước.
          - Cám ơn đồng chí.
          - Để không làm mất thì giờ của đồng chí tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề là tôi chỉ muốn nhắc nhở đồng chí nên cẩn thận và hạn chế việc quan hệ với thành phần ngụy quân ngụy quyền, vì đó không phải là thành phần tốt. Hơn nữa đứng trên lập trường quan điểm, thì những quan hệ không rõ ràng sẽ có ảnh hưởng xấu đến tương lai chính trị của đồng chí.
          - Thưa đồng chí, qua những phát biểu của đồng chí, tôi xin có ý kiến như thế nầy : thứ nhất, bây giờ đang là giờ chính quyền, không phải giờ sinh hoạt chi bộ, đồng chí gọi tôi giờ này là sai nguyên tắc, nhất là để giải quyết những vấn đề không cấp bách. Thứ hai, đồng chí dựa vào tiêu chí nào để xác quyết một người nào đó tốt hay xấu. Chả nhẽ chúng ta đã tuyển những người xấu vào đây làm công nhân. Hơn nữa từ ngày làm cho cơ quan này anh ta chưa hề ăn cắp.
          - Đồng chí có ý gì khi phát biểu như thế?
          - Ý gì thì đồng chí có thể tự liên hệ để hiểu. Và nếu không còn gì nữa thì xin phép đồng chí tôi phải trở về phòng để làm việc.
            Khi Chi ra khỏi phòng, Toại mới thấy mình vừa đánh thức một con hổ đang ngủ.
            Hôm sau, 12 công nhân bốc vác được lệnh bốc 120 ống cống lên xe tải để chuyển đến công trình thuỷ lợi Suối Sâu. Kiệt chia toán làm 2 nhóm, mỗi nhóm 6 người. Nhóm A do Kiệt hướng dẫn, nhóm B do Bình. Trong lúc đang nghỉ giải lao thì có người chạy đến cơ quan báo tin là ba của Bình đã được trả tự do. Bình liền 3 chân 4 cẳng phóng xe đạp chạy về nhà để lại anh em ngơ ngác nhìn số ống cống còn ngổn ngang trên hiện trường lao động. Kiệt điều một người từ nhóm mình sang nhóm B để thế Bình. Nhóm A của Kiệt chi còn 5, hai người trên sàn xe để kéo, ba người dưới đẩy lên. Vì chỉ 2 người nên yếu thế, 1 người bị trượt chân khiến ống cống mất thăng bằng, xoay nghiêng và lăn xuống. Hai người kia nhảy kịp riêng Kiệt chậm chân nên bị ống cống cán qua bắp chuối chân trái, sưng vù, máu tụ bầm đen. Tai nạn lao động được báo ngay cho Chi. Cô tức tốc điều 1 xe pick-up truck đưa Kiệt đến Bệnh Viện Tỉnh và đích thân cô áp tải Kiệt. Bác sĩ cho chụp X ray và cho biết Kiệt chỉ bị chấn thương phần mềm. Đồng thời cho biết chỉ cần uống aspirine giảm đau, cortisone chống sưng tấy từ 3 đến 5 ngày Kiệt có thể xuất Viện và đi lại bình thường. Nhưng bác sĩ chỉ cho toa, còn bệnh nhân phải tự mua thuốc. Chi đã lấy toa đi mua ngay cho Kiệt bằng tiền túi của mình.
            Nghe tin Kiệt bị thương, thay vì chỉ thị cho ban đời sống cử người đến thăm viếng Kiệt thì đích thân Toại đi thăm, và đúng như Toại nghĩ, Chi đã túc trực bên giường bệnh để săn sóc Kiệt. Thấy Chi, Toại muốn nổi điên lên nhưng chợt nhớ đây là Bệnh Viện nên Toại tỏ ra ân cần hỏi thăm Kiệt và hứa sẽ chỉ thị cho phòng tài vụ xuất quỹ hỗ trợ cho Kiệt trong lúc nằm Bệnh Viện để chi dụng. Đối với Chi, tai nạn xảy ra là một rủi ro, nhưng dù sao cũng là cơ hội tốt cho Chi được cận kề bên Kiệt, tô thêm chất keo kết chặt 2 quả tim yêu. Còn Kiệt cứ trách ông Trời sao cứ xuôi khiến đưa mình vào vòng tay của một cô gái đến từ bên kia chiến tuyến, như là vòng bi lụy của ái tình đang đưa Kiệt vào một con đường hầm không lối thoát. Rồi mai đây khi Kiệt đã trôi sang bên kia bờ đại dương, Chi ở lại, ai khổ hơn ai ? Hoặc một ai đó thấy Kiệt diễm phúc hơn họ, được bàn tay của Chi ân cần chăm sóc, đâm ra ghen tức và sẵn sàng vung tay để đưa Kiệt về bên kia thế giới.
          Về đến Sở, Toại liền gặp Giám đốc Du và đề nghị sa thải Bình với lý do tự ý rời hiện trường lao động, không xin phép gây hậu quả nghiêm trọng. Du là Giám Đốc Sở, ông ta xét thấy vấn đề có gì nghiêm trọng lắm đâu. Ông rất hiểu tâm trạng của một người khi nhận được một tin vui lớn lao như vậy. Vả lại, tai nạn xảy ra chính là do người trưởng toán không khéo léo tái phối trí nhân sự cho hợp lý. Tóm lại Bình là nguyên nhân xa, Kiệt là nguyên nhân gần. Chỉ nên cho họp tổ phê bình, kiểm điểm và rút kinh nghiệm là đủ rồi. Nhưng vì Toại là Bí Thư Chi Bộ Sở nên ông đành phải chịu lép vế và ký quyết định sa thải Bình. Đảng lãnh đạo mà!
                                                      x.          x.            x.          x
          Bình về đến nhà thì thấy bà con lối xóm ùn ùn kéo đến vây kín xung quanh nhà để hỏi thăm. Bình bước vào ôm cha khóc sướt mướt. Giá như gặp cha ở ngoài chắc không tài nào nhận ra được : tóc ông bạc trắng, răng rụng gần hết, thân hình chỉ còn bộ xương. Ông thều thào nói : 
              - Ba được về vì họ biết là ba không còn sống được bao lâu nữa. Ba bị lao ở giai đoạn cuối rồi con à.
            Bình tưởng chừng như sét đánh bên tai mình nhưng cố trấn tỉnh :
              - Bệnh lao không phải là nan y đâu ba. Ba được tự do rồi mình sẽ có nhiều cơ duyên để chữa bệnh mà. Ba cứ vui và lạc quan thì bệnh tật sẽ qua thôi.
            Chiều hôm đó Bình tranh thủ mang giấy ra trại của cha mình để đến trình báo địa phương. Trong giấy ghi rõ đương sự được "tạm đình chỉ học tập cải tạo vì lý do sức khoẻ". Công An xã đồng ý cho ông Nguyễn thanh An được miễn đích thân trình diện nhưng đã trịnh trọng nhắc lại lời cam kết của bà An là "chúng tôi sẵn sàng đi kinh tế mới với điều kiện chồng tôi được trả tự do và cùng đi". Bình thấy thua rồi : Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Câu  ngụ ngôn bất hủ của Lafontaine.
            Hôm sau Bình trở lại làm việc, định bàn với Kiệt tìm cách để gỡ thế kẹt này, nhưng vừa đến nơi nghe mọi người kể lại sự việc hôm qua, Bình tá hỏa, đạp xe lên Bệnh Viện Tỉnh. Nhưng vừa ra đến cổng đã bị bảo vệ chận lại và bảo anh ta vào gặp trưởng phòng vật tư gấp. Vào đến nơi thấy Chi cầm trên tay một bao thư và nói với Bình : Tôi rất thông cảm cho anh sự việc ngày hôm qua. Nhưng rất tiếc Ban Giám Đốc đã quyết định kỷ luật buộc anh thôi việc. Tôi chỉ biết chia buồn cùng anh vì đã không che chở nổi cho anh. Anh cầm quyết định thôi việc đến phòng tài vụ nhận lương tháng này và tôi xin nói lời chia tay cùng anh. Bình lảo đảo đạp chiếc xe đạp lên Bệnh Viện mà cảm thấy đường hôm nay xa quá. Phúc họa khôn lường. Cha được về, nổi vui chưa trọn vẹn thì bị áp lực đi kinh tế mới. Định dựa vào cái mác công nhân viên Nhà Nước để bám trụ lại Thị Xã thì bị đuổi việc. Trời ơi! Nếu Thiên đường Cộng sản là đây thì xin ngài cho con xuống ngay tận cùng địa ngục vì con không còn gì để mất nữa!
              Thấy Bình đến, Kiệt mừng quá :
        - Sao, ông già về đến nhà có khoẻ không?
        - Chuyện quan trọng nhất bây giờ là tình trạng của mầy ra sao đã?
        - Chân tao chỉ bị chấn thương phần mềm, thuốc men vài hôm là có thể đi lại bình thường. Còn ông già thế nào ?
          Bình kể hết cho Kiệt nghe chuyện Bình bị đuổi việc, thế bí của gia đình trong lúc nầy với một tâm trạng đầy bi quan nhưng Kiệt nhắc Bình câu châm ngôn mà bất cứ một Sĩ Quan QLVNCH nào cũng phải nằm lòng là : "nghịch cảnh là vực thẳm cho kẻ yếu đuối, là nấc thang cho kẻ anh tài". Bây giờ tạm thời mầy thuyết phục gia đình lùi một bước đi. Đi kinh tế mới thì cứ đi. Biết đâu lên đó không khí trong lành, tốt cho người bệnh phổi. Nhưng trước khi đi hãy đến phòng khám ngoài giờ của Bác Sĩ Minh, chuyên khoa phổi để khám, chụp X ray xong đề ra kế hoạch điều trị cụ thể cho ông già. Chi phí tốn kém đừng lo. Mầy cần bao nhiêu cứ nói. Gia đình tao đủ sức chi viện. Bước đầu là như vậy. Khi cuộc sống tạm ổn thì tao sẽ tính tiếp cho mầy bước thứ hai, kể cả giải pháp hai thằng cùng vượt biên. Bây giờ trong túi tao có khoảng 1000 đồng, mầy cầm đỡ về đưa ông già đi khám bệnh ngay đi. Vài hôm nữa xuất viện tao sẽ xin nghỉ thêm ít bữa để phụ lo với mầy.
              Bình vừa về thì Chi đến, mang cơm nước, trái cây cho Kiệt và hỏi :
        - Anh thấy có đỡ nhiều so với hôm qua không ?                      
        - Mỗi lần em đến với anh thì cơn đau dường như biến mất, nhưng lúc em đi rồi thì nó lại buốt nhói lên tận trái tim.
        - Anh khéo tán gái lắm. Đã mấy cô chết vì cái miệng anh rồi ?
        - Mới chỉ một cô thôi.
        - Cô nào thế ?
        - Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, thiếu mái tóc "đờ mi gạc xông".
        - Còn lâu. Không biết ai chết vì ai à.
        - Thôi vậy hai đứa mình sẽ cùng chết cho nhau nhé.
        - Không được, chết như vậy sẽ có người sung sướng đấy.
        - Ai ?
        - Lão Toại.
        - Không đâu, lão chỉ sung sướng khi một mình anh chết. Còn nếu em chết cùng anh thì Lão sẽ dở sống dở chết chứ chẳng sung sướng gì đâu.
        - Có lẽ anh nói đúng. Sáng nay Lão mới sạc em một trận nữa, cấm không cho em bỏ việc để đi thăm anh trong giờ hành chính.
        - Lão cấm cũng phải.
        - Ô hay, anh nói thế mà nghe được à ?
        - Chứ ai đời một cô trưởng phòng xinh đẹp lại đi chê ông phó giám đốc để yêu anh chàng bốc vác.
        - Anh còn nói kiểu đó là em phang cho anh gãy thêm một chân nữa ngay bây giờ đây nầy.
        - Đó là điều anh mong.
        - Tại sao?
        - Mới chỉ bị một chân mà đã được em cưng chiều như vậy, nếu bị cả hai chân thì có mười Lão Toại cũng không ngăn được em bỏ cả việc Nhà Nước để quấn quýt bên anh. Còn hạnh phúc nào hơn cho anh nữa không ?
        - Anh quá tự tin rồi đó. Nhưng . . .Nói cho cùng thì anh cũng xứng đáng để có quyền tự tin mà. Thôi anh ăn đi. Em về Sở. Chiều em trở lại. À này anh, anh đã báo tin cho gia đình chưa ?
        - Anh không muốn gia đình lo lắng trong khi anh không bị nặng lắm. Nên thôi. Vả lại. . . anh đã có em.
        - Anh tính vậy cũng được, thôi em về nhé.
                      "Vả lại anh đã có em", câu nói đã khiến Chi quên hết mệt nhọc để đạp xe trên đoạn đường dài giữa mùa hè gay nắng.
                      Chi về đến Sở trước giờ làm việc buổi chiều. Toại nhìn thấy và biết Chi từ đâu về nhưng không tìm được lý do gì để "sạc", Toại đành nghĩ ra cách khác. Toại để ý thấy khi đi làm Kiệt thường đeo ba lô để đựng thức ăn, nước uống, võng, sách báo...Toại định sẽ đánh máy một số truyền đơn chống cộng, cho người lén nhét vào ba lô Kiệt. Xong chiều tan Sở Toại chỉ thị cho bảo vệ kiểm tra đột xuất tư trang công nhân ra vào Sở để bảo đảm an ninh thì cái gai Kiệt coi như đã nhổ. Và Toại mong chờ ngày Kiệt trở lại làm việc.
                      Sau 5 ngày điều trị, Kiệt đã đi đứng bình thường, tuy máu bầm vẫn còn nhưng đã hết sưng, mai là ngày xuất viện. Kiệt đi tới lui ngoài hành lang để dãn gân cốt sau mấy ngày không hoạt động thì Bình đến và cho biết sau 3 liều thuốc Rimifon INH ông già đã đỡ hơn và xã đã phát lệnh cưỡng chế đi Kinh tế mới Rạch Bắp thuộc xã An Điền  huyện Bến Cát vào ngày thứ hai tuần sau. Nhưng tối hôm đó Cường, con Bác Năm Bền, chạy Honda đến Bệnh Viện bảo Kiệt lên xe về gặp Bác gấp. Kiệt về đến nhà Bác Năm thì được Bác cho biết kể từ giờ phút này nhà Bác coi như nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chuyến vượt biên đã được chuẩn bị chu đáo 3 tháng nay. Từ giấy đi đường, bến bãi, tầu đánh cá đều được mua hết, rất an toàn. Dĩ nhiên tiền nào của đó. Giá mỗi đầu người là 4 cây và sẽ thanh toán khi đến đảo. Kiệt đồng ý ngay, rồi xin Bác cho Kiệt đến từ giã Bình, Hoà và nhờ nhắn tin cho Chi. Nhưng Bác Năm nói dứt khoát không được. Đây là vấn đề bảo mật. Bác bảo nếu Kiệt cải lời Bác thì coi như đồng nghĩa với việc khước từ chuyến đi. Kiệt đành bó tay...

                  Ba ngày sau gia đình Bình lên xe tải của Cơ Quan đặc trách Kinh Tế Mới để về An Điền Rạch Bắp mà không hề biết giờ đó Kiệt đang lên đênh trên biển cả. Còn Hoà thì tự hỏi sao đã đến ngày xuất viện vẫn không thấy Kiệt về, liền chạy lên BV thì được biết Kiệt đã rời BV trước khi có giấy xuất viện. Còn Lan Chi thì đinh ninh Kiệt đã xuất viện và đang tịnh dưỡng tại nhà. Nhưng 10 ngày sau Kiệt cũng không trở lại làm việc. Chi vô cùng hoang mang liền chạy đi hỏi mấy người trong toán bốc vác nhưng cũng không ai biết nhà Kiệt và Bình ở đâu.
                Mất Kiệt rồi Chi chẳng còn thiết tha gì nữa, thầm trách Kiệt sao nỡ bỏ nàng đi đâu mà không một lời từ giã, hoặc giả một lời nhắn cũng không, trong khi nàng tha thiết yêu Kiệt và có lầm lỗi gì với Kiệt đâu. Tại sao Kiệt lại đối xử với nàng như thế. Nàng sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được Kiệt trong vòng tay yêu thương kia mà.
                Kiệt đi rồi thì Toại coi như bất chiến tự nhiên thành. Nhìn khuôn mặt tự đắc của Toại Chi nghĩ cũng có thể chính Toại đã thủ tiêu Kiệt hoặc đưa Kiệt vào tù bằng khả năng sẵn có của Toại. Nghĩ thế Chi càng căm thù Toại, còn Toại thì nghĩ hơn lúc nào hết, bây giờ phải dồn mọi nỗ lực để chinh phục trái tim của Chi. Nhưng càng săn đón thì Chi càng tỏ ra lạnh lùng. Cùng là đảng viên Cộng sản, nhưng giữa Chi và Toại, Chi thấy tình đồng chí còn không có, huống chi là tình yêu. Toại càng thất vọng thì tự ái của Toại càng trỗi dậy. Để có lúc Toại nhủ thầm là : "cô không muốn uống rượu mời, thì phải uống rượu phạt thôi". Và đối với người Cộng sản, ngay trong tình yêu họ cũng muốn chiếm đoạt, nếu không bằng thủ đoạn thì cũng sẽ bằng quyền lực.
  
                Ba tháng sau...mùa Noel 1975....
                Kiệt rời Pulau Bidong đến Kuala Lumpur để đáp máy bay sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng gia đình tại thành phố Westminster, California. Cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur quá cảnh Seoul, khi nghe phi hành đoàn thông báo đang trên không phận Việt Nam tim Kiệt nhói đau. "Chi ơi, mất quê hương anh có ngày tìm lại, mất em rồi, anh vĩnh viễn xa em" ...
                  Rời Seoul trên chuyến bay của hãng hàng không Northwest, sau 12 giờ bay Kiệt đến Los Angeles lúc 10 giờ sáng. Phi trường LAX người đông như kiến, kẻ đến người đi, ai cũng nôn nao được gặp lại người thân trong mùa Giáng Sinh đoàn tụ. Ra đón Kiệt chỉ có mẹ Kiệt và chị Anh Thư, vì ông anh rể người Mỹ tên Dean và vợ chồng Tuấn, anh trai, bận đi làm. Mẹ Kiệt ôm Kiệt vào lòng khóc sướt mướt và nói với Kiệt : "đôi lúc má tưởng chừng như sẽ không bao giờ gặp lại con nữa. Thôi gia đình mình đã thoát cảnh chia ly, giờ đây có nhắm mắt đi về với Ông Bà má cũng mãn nguyện rồi". Từ khi sang Mỹ, mẹ Kiệt ở chung với gia đình Tuấn, anh kế Kiệt. Nhưng từ khi có tin Kiệt sắp qua, vợ chồng Anh Thư đã mua một căn nhà nhỏ, 3 phòng ngủ tại thành phố Westminster, Miền Nam California cho mẹ và Kiệt, hai mẹ con hủ hỉ nhau để bõ những ngày xa cách. Chiều hôm đó một bữa tiệc linh đình do Anh Thư khoản đãi tại nhà để mừng ngày gia đình đoàn tụ và chào đón Kiệt đến được bến bờ tự do. Khách tham dự ngoài đại gia đình nhà Kiệt còn có một số bạn bè của Dean. Trong bữa tiệc, bằng Anh ngữ, Kiệt kể lại những diễn biến sau 30/4 và những bước gian nan của cuộc hành trình tìm tự do và một chuyện tình không biên giới giữa Kiệt và một cô Cán Bộ tên Lan Chi, một vài người bạn của Dean rất xúc động và đã cầu nguyện cho Lan Chi có cơ may thoát khỏi gọng kềm lịch sử và tìm được cuộc sống mới.
            Hơn 3 tháng ở trại tỵ nạn, Kiệt suy đi nghĩ lại mấy lần định viết thư cho Chi, nhưng đặt bút xuống rồi lại thôi. Kiệt tưởng tượng Chi sẽ đau khổ biết chừng nào khi biết Kiệt đã rời khỏi VN. Thôi cứ để Chi hy vọng Kiệt vẫn còn quanh quẩn đâu đó, dù là hy vọng mong manh nhưng vẫn là hy vọng để sống và chờ đợi ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng bây giờ khi sang đến Mỹ Kiệt mới nhận ra rằng thà để Chi đau khổ một lần rồi theo thời gian nổi khổ sẽ nguôi ngoai, hơn là cứ im lặng khoá chặt thông tin để Chi phải chết dần trong tuyệt vọng. Và Kiệt quyết định viết thư để báo tin và tạ lỗi cùng nàng.
                                          x.                                            x
                                                                    x
                                              
            Ba tuần sau thư Kiệt gửi cho Chi đã về đến Sở Thuỷ Lợi nhưng vẫn còn nằm ở Chi Bộ Đảng theo đúng thủ tục và điều lệ Đảng đối với thư từ có nguồn gốc từ nước ngoài. Toại tức điên người khi biết Kiệt đã thoát lưới, ôm chân Đế Quốc Mỹ và vẫn chưa chịu buông tha cho Chi. Ban đầu Toại định ém luôn thư, nhưng nghĩ lại, trao thư cho Chi cũng là một điều hay, để Chi biết chắc chắn giờ này Kiệt và Chi đã cách nhau nửa vòng trái đất và Chi sẽ an phận mà không còn mơ mộng gì nữa. Mất Kiệt Chi sẽ như người sắp chết đuối và lúc đó Toại sẽ đóng vai một cái phao cứu hộ mở rộng vòng tay đón nhận Chi trở về trong sự yêu thương che chở của mình. Nghĩ đến đây Toại lấy làm đắc chí vì tự thấy sự suy luận của mình quả rất có "lô-gích" và đúng với . . . duy vật biện chứng!
            Hôm sau, đầu giờ làm việc Toại điện thoại gọi Chi lên phòng chi uỷ có việc. Chi bước vào phòng với khuôn mặt sầu não :
            - Chào đồng chí, đồng chí gọi tôi trong giờ hành chính có việc gì quan trọng không ạ?
            - Quan trọng đối với đồng chí, còn với tôi thì không.
            - Đồng chí có thể nói rõ hơn không?
            Toại trả lời Chi bằng cách rút trong ngăn kéo đưa cho Chi một phong thư. Chi cầm lấy và mắt Chi hoa lên khi nhìn góc trên, bên trái :

From : KIET DAO
        7. . . ROCHELLE Ave
      WESTMINSTER , CA 9 . . .
                      U.S.A.
        Chi cầm phong thư chạy về phòng làm việc đọc ngấu nghiến :

                  California ngày . . .tháng 12 năm 1975
                
                    Chi thương nhớ của anh,
                    Trước hết em hãy cho anh nói ngàn lời xin lỗi cùng em vì đã ra đi mà không một lời từ biệt. Và kế đến là lời thăm hỏi đến sức khoẻ của em.
                      Anh sắp kể cho em những gì mà anh đã phải một lần xin khất lại, mong em đón nhận và sẵn sàng dành cho anh một sự thông cảm sâu xa nếu không muốn nói là tha thứ...
                    Gia đình anh có 3 anh chị em, 2 trai 1 gái. Ba anh là công chức, ông mất lúc anh mới lên năm. Má anh bán tạp hoá ở Chợ Bình Dương để nuôi sống gia đình. Chị Anh Thư là chị cả, tốt nghiệp đại học và làm việc tại toà đại sứ Mỹ ở Saigon. Nơi đây chị đã gặp Dean trong phái bộ ngoại giao Mỹ và 2 người đã kết hôn. Người anh kế của anh là Tuấn, giáo sư toán, đã có gia đình. Anh là con trai út. Trước ngày 30 tháng 4 anh đang thụ huấn khoá SQ căn bản Bộ binh tại Long Thành lúc đó có lệnh cấm trại 100%. Khi có lệnh đầu hàng anh chạy về nhà thì được biết Dean đã đưa cả gia đình sang Mỹ và nhà anh đã bị tịch thu. Anh phải sống bơ vơ, lang thang và cuối cùng tá túc tại nhà của Hoà, một người bạn học cũ. Bình là bạn cùng khoá SQ với anh nhưng chẳng giúp được gì cho anh. Bởi gia đình của Bình bị buộc phải đi kinh tế mới vì ba của Bình đang bị tập trung cải tạo. Bình hy vọng là cái chân công nhân bốc vác ở Sở sẽ giúp gia đình khỏi đi kinh tế mới, nhưng rồi Bình đã bị đuổi việc. Anh cũng cố gắng xin một chân bốc vác như Bình để được yên thân chứ không phải vì chén cơm manh áo. Bởi trước khi đi gia đình có để lại cho anh một số tiền đủ để anh sống trong nhiều năm. Sẵn dịp cho anh nhắc lại là hôm hai đứa đi ăn ở nhà hàng nổi, trong lúc đi vệ sinh anh đã ghé quầy thu ngân để thanh toán hoá đơn bàn số 3 của tụi mình nhưng sợ em giận nên anh phải dấu em thôi. Và em nhớ từ ngày 2 đứa quen nhau, có lúc anh phải DẤU em nhưng anh chưa hề DỐI em bất cứ điều gì đâu nhé. Anh biết, khi yêu anh em đã thách thức cả tương lai, vượt qua hàng rào giai cấp và biên giới chính trị để đến với anh. Và anh đã hiểu anh là gì trong quả tim em.
            Em yêu, Tạo Hoá có khắt khe lắm không khi cho hai đứa gặp nhau trong một hoàn cảnh thật trớ trêu. Yêu nhau nhưng không biết đoạn kết của tình yêu là ngưỡng cửa của Thiên đường hay là bi kịch của xung đột xã hội mà em và anh sẽ là nạn nhân của những tham vọng đi xây dựng thiên đường. Giờ đây hai đứa đã "nghìn trùng xa cách", anh đang cố nhìn về quá khứ để nghe tiếng em nói, thấy miệng em cười, để cảm nhận cái hạnh phúc vô biên khi được em săn sóc trên giường bệnh. Mới ngày nào mà nay đã trở thành dĩ vãng xa xôi. Em chưa bao giờ nói yêu anh, cũng như anh chưa bao giờ nói tiếng yêu em, nhưng trong ánh mắt hai đứa nhìn nhau đã có ngàn câu nói yêu thương mà giờ đây vẫn đong đầy trong ký ức.
            Em yêu, hơn 100 ngày qua anh đã thấm thía cái nổi cô đơn khi thiếu em, cũng như hình dung được những đau khổ của em trong sự trống vắng khi anh đột nhiên biến mất không một dòng chữ giã từ. Anh cũng đau lắm chứ, nhưng em ơi, mọi việc đã được gia đình xếp đặt hết cả rồi. Ngay cả người bạn thân nhất của anh là Bình cũng không biết giờ này anh ở đâu và ngược lại anh cũng không biết giờ này Bình đang sống ra sao và ở đâu. Nếu em đã hiểu được nổi khổ của anh thì anh tin giờ này trong ánh mắt dịu hiền của em đã chan chứa những cái nhìn tha thứ.
            Hởi người em xa xôi của anh, hôm qua anh đã kể về em cho cả gia đình nghe, trong đó có chuyện tai nạn lao động xảy ra cho anh. Mẹ anh rất xúc động khi nghe kể về người con gái luôn bên giường bệnh để săn sóc cho anh. Mẹ nói "ước gì cô gái ấy đang đứng trước mẹ để mẹ ôm chặt vào lòng và âu yếm gọi con dâu của mẹ đây rồi". Gia đình anh xin chân thành gửi đến em lời cảm ơn sâu xa và những lời thăm hỏi thân thương nhất. Người xưa có câu : 
                              "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ".    
                        Như vậy mình vẫn có quyền hy vọng gặp lại nhau phải không em, dù một niềm hy vọng khá mong manh.
                            Ngàn lời thương nhớ gửi về em.
                            Mong tin em.
                            Hôn em qua hai bờ Thái Bình Dương bao la.

                                                      Anh.
                                                      Đào anh Kiệt.
              
                      Chi đọc đi, đọc lại hai ba lần rồi ôm mặt khóc như đứa bé. Khi không còn nước mắt để khóc nữa Chi ngước mặt lên thì thấy Toại đã đứng bên cạnh :
            - Tôi xin lỗi đã bước vào đây không phải lúc nhưng tôi cũng chỉ có ý tốt muốn giúp cô thôi. Tôi hiểu được nổi buồn của cô trong lúc này. Đứng vào vị trí của cô thì khó có ai còn tâm trí để làm việc. Tôi đề nghị cô nên làm đơn xin nghỉ dưỡng ít hôm cho nguôi ngoai, tôi sẽ nói với Giám đốc để giúp cô cho.
            -  Cám ơn đồng chí. Tôi sẽ suy nghĩ để quyết định sau.
            -  Tôi đang nói chuyện vói cô với tư cách một đồng nghiệp hơn là một Bí thư. Cô đừng gọi tôi là đồng chí có được không?
            -  Bây giờ đang trong giờ làm việc, tôi phải giữ đúng vị trí của tôi, mong đồng chí thông cảm và vui lòng trả lại sự yên tĩnh cho tôi. Cám ơn đồng chí.
                  Khi Toại bước ra, Chi ngồi đọc đi đọc lại lá thư cả chục lần, hầu như muốn thuộc lòng cả đến những dấu chấm, phẩy. Càng đọc Chi càng buồn cho con đường tình ái của mình sao quá bi thương ngay từ độ tuổi mới bước chân vào đời, như lời của một bản nhạc tình Miền Nam : "đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn". Vâng, chỉ có trăm lần vui nhưng có đến những vạn lần buồn. Người yêu đầu đời đã ra đi và không bao giờ trở lại. Còn người bây giờ thì đang ở bên kia bờ đại dương mịt mù xa tít chẳng hẹn ngày về. Nhưng thôi, nàng tự nhủ, thà đau khổ vì tình yêu còn hơn sống không có tình yêu. Và nàng khẳng định với chính mình là Toại và nàng không thể có tình yêu được. Đây cũng là lúc để nàng chiêm nghiệm và so sánh giữa Kiệt và Toại. Cùng là sĩ quan ở hai bên chiến tuyến nhưng người sĩ quan Miền Nam họ hiểu rất rõ thực chất của chế độ Cộng sản và họ càng hiểu rõ hơn cái bản chất của chế độ mà họ đã chiến đấu để bảo vệ. Trong khi người sĩ quan Miền Bắc họ chiến đấu cho một chế độ mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trên thực tế, vì chế độ Cộng Sản nó có thực đâu để mà thấy, để mà biết. Nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một bộ óc bệnh hoạn. Và họ càng mù tịt về chế độ tư bản, vì họ chỉ biết tư bản qua cái lăng kính méo mó của Đảng. Tóm lại người Cộng sản Miền Bắc họ sống, chiến đấu và làm việc như những con robot. Ngay cả trong tình yêu họ cũng nghĩ một cách thiển cận hễ có quyền, có tiền ắt có tình. Trong khi người SQ Miền Nam họ sống lãng mạn nhưng luôn dung hoà giữa lý trí và tình cảm. Thế nên khi tiếp xúc với họ nàng luôn cảm thấy ấm áp tình người, đời sống dễ thăng hoa và xã hội của những con người đó chính là mảnh đất phì nhiêu cho tình yêu nảy nở.
            Chi quyết định không xin phép nghỉ, vẫn làm việc bình thường, vì xin nghỉ trong lúc này sẽ rơi vào cái bẫy của Toại. Chấp nhận tình yêu của hắn là một chuyện không thể đối với Chi. Và chắc chắn khi hắn mang mặc cảm bị ra rìa hắn sẽ điên cuồng trả thù. Lúc đó hắn sẽ quy tội cho Chi là một Đảng viên uỷ mị về tình cảm, mất lập trường quan điểm, thiếu tính chiến đấu, nặng đầu óc tiểu tư sản, để trù dập Chi. Nhưng Chi đã lầm. Hắn còn độc ác hơn nữa, hắn thực hiện đúng phương châm của hắn : chê rượu mời thì phải uống rượu phạt thôi!
            Sau mấy lần tặng quà Chi không nhận, mời đi ăn Chi từ chối, Toại triệu tập phiên họp chi bộ Đảng khẩn cấp, dùng áp lực mạnh đối các đồng chí của hắn trong chi bộ cùng bỏ phiếu để khai trừ Chi ra khỏi Đảng Cộng Sản vì tội  có quan hệ với phần tử xấu ở nước ngoài, bọn ôm chân Đế Quốc, mặc dù đã nhiều lần được chi bộ nhắc nhở, giáo dục.
                Sau khi tuyên bố khai trừ đảng Toại hỏi Chi có ý kiến gì không. Chi trả lời :
            - Tôi chấp nhận quyết định của Chi Bộ và tôi có lời xin lỗi ông Toại vì đã làm ông mất vui khi tôi đã 2 lần từ chối quà tặng và 2 lần từ chối lời mời đi ăn của ông. Thế thôi.
            - Nầy nầy, đồng chí không được vu khống tôi nhé. Bằng cớ đâu?
            - Xin lỗi, tôi không còn là đồng chí của ông nữa. Còn bằng cớ thì nếu tôi nhận quà và nhận lời của ông thì tôi mới có bằng cớ. Rất tiếc là tôi đã không nhận. Và tôi đã tiên đoán trước việc ông làm ngày hôm nay nên tôi đã báo cáo về Văn phòng Tỉnh Ủy và Bộ Thuỷ lợi việc làm của ông rồi. Đó cũng có thể là bằng cớ cho ông.
            Cả phòng họp xầm xì và Toại tự nhủ : đúng là cọp đã thức. Toại hỏi câu chót : còn ai có ý kiến gì nữa không ? Nếu không, buổi họp chấm dứt. Chiều nay đầu giờ mời cô Chi trở lại nhận quyết định chính thức. 
            Hắn hơi bị sóc với câu trả lời thách thức của Chi, nhưng đã lỡ phóng lao, hắn phải theo lao.
              Sau khi nhận quyết định, Chi về phòng thu xếp và chờ quyết định sa thải. Trong cơ chế CS, khai trừ Đảng và sa thải luôn đi liền nhau.
              Hai tuần sau Chi có mặt trên tàu hỏa Thống Nhất để về Hải Phòng. Hành trang lên đường quan trọng nhất của Chi là Quyết Định Khai Trừ Đảng, Giấy buộc Thôi Việc và bức thư của Kiệt.
                Chi về đến nhà nửa khuya làm bố mẹ hoảng hốt không biết điều lành hay dữ đã xảy ra cho Chi, nhưng Chi đã kịp thời trấn an :
                - Lần nầy con về ở luôn với bố mẹ là điều tốt rồi, bố mẹ đừng lo gì cả.
                - Nhưng việc gì đã xảy ra cho con?
                - Chỉ việc con muốn được săn sóc bố mẹ thôi. Để thong thả con sẽ giải thích lý do tại sao con muốn thế cho bố mẹ rõ. 
                  Gia đình bố mẹ Chi  đã nhận giấy báo tử của hai anh trai Chi, kèm giấy chứng nhận Gia Đình Liệt Sĩ tức thuộc diện "Chính Sách" nên khi trở về Chi được nhập hộ khẩu và là xã viên Hợp Tác Xã Đánh Bắt Hải Sản C.B. một cách dễ dàng.
              Thời gian này đủ cho Chi nói rõ cho bố mẹ Chi về sự phồn thịnh, sung túc của một Miền Nam tự do phát triển mọi mặt và đã bỏ xa Miền Bắc. Đặc biệt về Văn hoá nghệ thuật mà trong đó âm nhạc đã đạt tới đỉnh cao. Có những bản nhạc MN đã được dịch lời ca và phổ biến tận Đài Loan và Nhật Bản. Chi cũng nói rõ về thực chất của cuộc chiến tranh Giải Phóng Miền Nam mà 2 anh trai của nàng đã phải đóng góp xương máu, bộ mặt thật của Đảng Cộng Sản và những việc làm của họ sau khi chiếm Miền Nam, thái độ của nhân dân Miền Nam đối với "Quân Giải Phóng" như thế nào. Khi mọi chuyện đã được phơi bày thì bố mẹ Chi rất đồng tình với việc Chi đã ra khỏi Đảng CSVN.
              Trước khi bắt tay vào công việc thường nhật của một xă viên hợp tác xã, Chi viết thư hồi âm cho Kiệt. Nội dung bức thư chỉ có 3 chữ : Hãy chờ em!
              Công việc trước mắt của Chi bây giờ là theo chân bố mẹ ra khơi trên những chiếc ghe đánh cá. Học cách phân loại hải sản, cách ướp cá, cách tiên đoán thời tiết theo kinh nghiệm dân gian cũng như cách định vị theo hải bàn. Ngoài ra Chi còn tìm hiểu khả năng hải hành của từng loại ghe, tàu và cách điều phối ghe tàu của HTX.
                Bên kia bờ Thái Bình Dương, sau khi lấy bằng lái xe, Kiệt không phải học ESL mà ghi danh lấy những lớp prerequisites cho computer science tại trường Golden West College. Trong thời gian nầy Kiệt được chị Anh Thư hướng dẫn về Stock Exchange, Kiệt rất thích thú và tỏ ra rất có năng khiếu trên thị trường nầy.
                Một buổi chiều từ trường về, Kiệt mở thùng thơ thấy một lá thư VN, người gửi là Chi, Hải Phòng. Kiệt mừng quá vội mở ra ngay. Nhưng tiếc quá, chỉ được 3 chữ, "hãy chờ em!" Kiệt vừa mừng, vừa lo, vừa giận. Mừng vì biết Chi đã nhận được thư của mình. Lo vì không biết tại sao Chi không ghi địa chỉ rõ ràng, chỉ ghi Hải Phòng, dấu bưu điện lại là Hà Nội, và có phải vì lá thư của mình mà Chi phải nghỉ việc để về quê không. Giận vì tại sao Chi quá hà tiện chữ nghĩa với mình khi một bức thư xuyên đại dương chỉ tải tròn 3 chữ. Và bây giờ có muốn viết cho Chi thì biết gửi về đâu ? Sau mấy ngày căng thẳng lo âu, Kiệt không tìm được lối thoát nào cho vấn đề, đành phải nói "wait and see".

                                                      CHƯƠNG 3

                Hai năm sau, Kiệt nhận bằng AA degree in Computer Science và được transferred to UCI để học tiếp chương trình BS. 
                Một buổi chiều từ trường về đến nhà Kiệt nghe mẹ nói :
                  - Con có thư bảo đảm nhưng không có con ở nhà, má ký nhận thay cho con nè.
                  Kiệt hoa cả mắt : 
                  - Má, thư của Chi gửi từ trại tị nạn Hồng Kông !
                  - Mô Phật, má mừng quá. Nếu không có gì riêng tư, con đọc cho má cùng nghe coi.
                                            Trại Tị Nạn Hong Kong, ngày 15/2/1978
            Anh thương nhớ,
              Em đã đến Hong Kong vào ngày mồng 3 Tết Mậu Ngọ bằng ghe đánh cá xuất phát từ Cát Bà đêm giao thừa, mất 3 ngày 2 đêm trên biển.
              Trước hết cho em kính lời hỏi thăm bác cùng các anh chị với lời chúc sức khoẻ.
              Em muốn viết thư cho anh ngay khi đến trại nhưng quá mệt mỏi sau chuyến hải hành. Bây giờ em đã tạm ổn và đã được sơ vấn bởi HCR. Họ đã xem giấy tờ của em gồm :
1/. Bức thư của Anh,
2/.Giấy khai trừ Đảng,
3/. Giấy buộc thôi việc.
                Em được hỏi tại sao muốn đi tị nạn, và muốn xin tị nạn ở Quốc Gia nào. Em đã trả lời :
1. Quyền tự do luyến ái của tôi bị chà đạp : Tôi đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản vì tôi yêu 1 cựu Sĩ Quan của QLVNCH.
2.Quyền sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc của tôi cũng bị tước đoạt vì họ đã sa thải khỏi sở làm khi tôi không hề phạm kỷ luật mà chỉ vì thực thi quyền tự do luyến ái của tôi.
3. Tôi muốn xin tị nạn tại bất cứ Quốc Gia nào miễn là nơi đó có Tự Do.
                HCR trả lời rằng em có vẻ đủ điều kiện để được định cư tại Hoa Kỳ (you appear to qualify for resettlement to The United States as a refugee ). Hồ sơ của em sẽ được chuyển cho phái đoàn Mỹ. Nhưng họ cũng nói thêm rằng những chứng từ của em không thể xác minh được với Chính Quyền VN trong lúc này nên nếu muốn cho hồ sơ có thêm yếu tố thuyết phục thì em cần một AFFIDAVIT  có chữ ký của anh. Anh có thể giúp được em không?
                Vài hàng cho anh. Em kính lời chào bác và gia đình. Mong tin anh.
                                                                                                Em
                                                                                          Đỗ Lan Chi.
    TB : em không chịu hôn qua đại dương đâu, chỉ muốn vượt thôi !
                                                        -------------
                Đọc xong thư Kiệt phóng xe ra nhà băng mua ngay một money order 500 USD gửi ngay cho Chi kèm một lá thư ngắn gọn :
                  Em yêu,
                    Gia đình anh có lời thăm hỏi và chúc mừng em. Riêng anh thì chắc là đêm nay không ngủ được. Anh gửi em 500 USD để tiêu vặt. Còn mọi thủ tục pháp lý em khỏi lo, anh sẽ làm tất cả những gì có thể, để mình sớm có nhau. Em trả lời những câu hỏi rất khôn khéo. Ngày mình đoàn tụ không xa đâu em.
                                                                            Nhớ em nhiều.
                                                                              Anh
                                                                              Kiệt.
                      Tối đó, Kiệt điện ngay cho Dean để hỏi ý kiến về trường hợp của Chi. Dean rất vui mừng khi Chi đã thoát ra khỏi vòng cương tỏa. Dean hướng dẫn Kiệt những giấy tờ cần phải làm và giao cho Dean trong vòng 3 tuần. Kiệt rất tin tưởng ở Dean, vì dù sao Dean cũng là một luật sư tòng sự tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
                        Thời gian đầu đi học, Kiệt phải cần sự giúp đỡ tài chánh của chị Anh Thư, nhưng sau 1 năm Kiệt chẳng những có thể tự túc được mà còn có được vài chục ngàn dollars trong bank, nhờ vào năng khiếu nhạy bén trên thị trường Stock. Kiệt thấy an tâm và tin rằng mình sẽ lo cho Chi được đầy đủ khi Chi đến Mỹ mà không làm phiền đến chị mình nữa.
                          Hai tuần sau thì Kiệt đã hoàn tất những giấy tờ Dean yêu cầu. Dean làm thành 2 hồ sơ : 1 gửi HCR, 1 gửi cho INS Hoa Kỳ.
                        Đầu tháng năm/1978 Kiệt nhận giấy báo của HCR yêu cầu Kiệt deposit tiền để thanh toán vé phi cơ cho Chi. Và Chi sẽ đến Phi trường LAX lúc 9:30 am  ngày June 5th, 1978. Kiệt thông báo ngay cho Dean để chia sẻ tin vui và cũng để  cám ơn Dean đã nhiệt tình giúp đỡ đồng thời nhờ Dean chuyển lời mời của Kiệt đến những người bạn của Dean, những người đã từng quan tâm đến Chi, ra Phi trường LAX vào ngày đó để đón Chi và tham dự bữa tiệc mừng tại nhà hàng Seafood ở Westminster.
                          Chuyển tiền cho HCR xong Kiệt đếm từng ngày và cảm thấy thời gian như dừng lại. Chi cũng chẳng khác gì hơn. Từ ngày được đưa ra trại chuyển tiếp để làm thủ tục, lăn tay, chụp ảnh, khám sức khoẻ, chích ngừa, Chi cũng chẳng tài nào ngủ được ngon giấc vì nôn nao, bồi hồi nghĩ đến ngày mình gặp lại Kiệt sau những tháng năm dài nhung nhớ.
                              Cuối cùng ngày vui cũng đã đến!
                          Chuyến bay 8. . . . Của hãng hàng không Northwest mang người con gái, lần đầu tiên trong đời được bước lên chiếc phi cơ, lại là phi cơ to nhất, Boeing 747, đến một đất nước vĩ đại nhất : Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chi mang một cảm giác lâng lâng khó tả. Không ngờ cuộc đời mình có được ngày hôm nay. Nhìn qua cửa sổ phi cơ, biển trời mây nước, Chi cảm thấy con người thật bé bỏng trước thiên nhiên. Rồi nàng chợt nhớ đến cha mẹ, anh em. Hai người anh đã nằm lại một nơi nào đó trên dãy Trường Sơn hay cạnh một dòng sông hiu quạnh nào đó. Không biết giờ này bố mẹ đang làm gì, có nghĩ đến đứa con gái lạc loài đang đành đoạn bỏ lại quê hương để đi về một miền đất hứa xa xôi, không hẹn ngày trở lại. Giòng tư tưởng lênh đênh trôi  về quá khứ đã ru nàng vào giấc ngủ khi hai dòng nước mắt còn hằn trên đôi má.
                            Mới 8 giờ sáng Kiệt đã lăng xăng hối mẹ ra xe vì sợ nhở kẹt xe Chi sẽ hoang mang khi không gặp Kiệt ra đón, điều mà Kiệt không muốn. Vì theo lẽ thường, hôn nhân là ngày trong đại nhất trong cuộc đời, nhưng với Kiệt và Chi, ngày này có thể quan trọng hơn. Vợ chồng Dean Anh Thư cùng 3 người bạn Mỹ đi chung 1 chiếc xe van. Vợ chồng Tuấn cáo lỗi không đi được, nhưng sẽ đến dự tiệc lúc trưa. Kiệt đi chiếc sedan cùng mẹ ghé tiệm hoa lấy bó hoa Kiệt đã đặt trước và đến LAX lúc 9 giờ. Phi cơ đáp đúng giờ nhưng Chi còn phải trải qua thủ tục nhập cảnh để nhận giấy I-94 mất thêm khoảng 20 phút. Nhưng đối với Kiệt lúc này một phút dài hơn thế kỷ !!! Nhân viên di trú hướng dẫn Chi bước ra ngoài, Chi đang ngơ ngác nhìn quanh quất thì Kiệt đã nhận ra Chi với hành lý chỉ có một xách tay. Kiệt bước tới gọi Chi! Chi nhận ra Kiệt liền buông xách tay chạy đến, không màng tới bó hoa Kiệt tặng, Chi ôm chặt lấy Kiệt khóc ướt vai áo người yêu. Mọi người đều tôn trọng giây phút riêng tư và máy ảnh thi nhau loé sáng để ghi lại những hình ảnh cảm động này. Kiệt cuối xuống hôn lên tóc Chi và nói :
            - Thôi nín đi em, rồi mình sẽ mãi mãi bên nhau. Em hãy nhận bó hoa, và đây là má anh.
            Chi cuối đầu chào mẹ Kiệt. Bà bước tới ôm Chi vào lòng và nói :
            -  Đây rồi, con dâu của má đây. Mơ ước của má nay đã trở thành sự thực. Và đây là anh chị hai của con cùng những người bạn đă từng mong mỏi được gặp con.
            Dean đến trước mặt Chi và nói :
            -  Welcome to America. On behalf of the American people and our family, I'd like to extend our best wishes for your new life in this wonderful country : USA.
            Một người bạn của Dean đến nắm vai Chi và nói :
            You must be a heroine. We' re so honored to meet with you today, Chi.
            Kiệt dịch ra tiếng Việt cho Chi và Chi cũng đáp lại :
              -  Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
            Kiệt chào thua vì không tìm được câu tương đương trong Anh ngữ để dịch, đành nói :
              -    Mời mọi người hãy đến Sea Food Restaurant như đã xắp xếp. Kiệt nói lớn bằng hai thứ tiếng và dìu mẹ cùng Chi ra xe. Mẹ nhường Chi ngồi phía trước với Kiệt. Xe ra khỏi phi trường, chui xuống đường hầm rồi leo lên xa lộ cao ngất, Chi nói :
              - Từ Bắc vào Nam em đã thấy một trời một vực rồi. Bây giờ sang đây nhìn thấy nước Mỹ rồi em chả biết nói gì để so sánh nữa. Ồ mà sao không thấy người đâu mà thấy toàn xe hơi không vậy anh?
              -  Xe muốn chạy thì phải có người lái, nếu không có người thì xe cũng đâu chạy được em.
              - Thế còn xe đạp và xe gắn máy đâu ?
              -  Ở Mỹ người giầu mới đi xe đạp, còn những người đi xe gắn máy là những người liều mạng em à.
              - Sao lạ nhỉ ?
              - Vì người giàu họ thường mập phì nên họ phải đạp xe đạp cho gầy bớt, còn người đi xe gắn máy mỗi lần bị tai nạn là bác sĩ chê nên họ đúng là dân liều mạng đó em.
              -  Em hỏi thật sao anh cứ trêu em hoài vậy ? Anh mà không bận lái xe thì biết tay em.
                    Mẹ Kiệt thấy vậy nên rầy Kiệt :
              -  Em nó mới sang, con giải thích cho nó hiểu, chứ sao con lại giỡn rồi nó tưởng thật thì sao ?
              -  Con thấy Chi mới khóc, nước mắt chưa khô nên con muốn chọc cho Chi cười đó thôi má à.
              -  Anh trêu kiểu đó em chỉ tức lên mà khóc tiếp thì có.
              -  Người ta thường nói tình yêu là bông hoa và hờn dỗi chính là hương hoa đó em.
              -  Thế anh có bao giờ hờn giận em chưa ?
              -  Sao không ?
              -  Về chuyện gì ?
              -  Thôi để chút nữa trong lúc ăn mình nói chuyện vui hơn, em đói bụng chưa?
              -  Cũng hơi đói, vì lúc trên máy bay em cứ cảm thấy nôn nao nên không ăn được.
              -  Dù sao cũng sắp đến rồi.
                      Kiệt vừa vào parking thì thấy vợ chồng anh Tuấn đã đứng chờ tại cửa nhà hàng, Xe van của chị Anh Thư cũng vừa đến.  Kiệt giới thiệu với Chi vợ chồng anh Tuấn và chị Hạnh, anh Ba của Kiệt. Hạnh liền ôm Chi và nói :
                -  Cả nhà mong đợi ngày này, nhưng sáng nay anh chị bận phải nhận lô hàng mới nên không ra phi trường đón em được, xin lỗi em nhé.
                -  Dạ không sao đâu anh chị, mời anh chị vào ạ.
                      Mọi người ngồi vào bàn thì món thứ nhất được dọn tới : bát bửu. Nhưng khi bắt đầu Kiệt mời mẹ tuyên bố khai tiệc :
                -  Cách đây hơn hai năm, má cũng có một ngày vui, đó là ngày Kiệt đã đến được bến bờ tự do và đoàn tụ với gia đình. Hôm nay lại thêm một ngày vui nữa vì gia đình ta có thêm một thành viên mới nữa đó là Chi, người đã luôn bên cạnh ân cần săn sóc Kiệt trong những ngày Kiệt nằm trên giường bệnh mà thiếu vắng tình thương của gia đình. Thay mặt gia đình má gửi đến con lời cảm ơn sâu xa nhất. Và bây giờ Kiệt, con hãy thay mặt Chi để nói lời cám ơn đến mọi người đã bỏ thì giờ quý báu để ra đón tận phi trường và về đây chung vui cùng gia đình và đặc biệt Dean người đã bỏ nhiều công sức để lo cho Chi sớm có mặt hôm nay trên đất Mỹ. 
                        Kiệt chuyển ngữ sang tiếng Anh những lời của mẹ, mọi người vỗ tay và Kiệt mời mọi người cùng nâng ly.
                      Đang ăn uống vui vẻ, Chi hỏi Kiệt : 
                - Ban nãy trên xe anh bảo có lúc anh rất giận em, nhưng em nghĩ em đâu đã làm gì nên tội ?
                - Anh muốn được nghe em giải thích tại sao một bức thư em gửi từ VN sang cho anh, em chỉ viết được cho anh mỗi 3 chữ : "hãy chờ em"?
                      Chi cười tủm tỉm để chọc tức Kiệt rồi nói :
                -  Chẳng phải có lần anh đã nói với em rằng ngôn ngữ của tình yêu, đôi lúc một chữ cũng là thừa, mà ngàn trang vẫn thiếu. 3 chữ "hãy chờ em", em nghĩ không thiếu cũng chẳng thừa. Vả lại, anh đã bỏ em để ra đi không một lời từ giã, không một lời nhắn. Một lời cũng không. Một chữ cũng không. Anh để em phải chơi vơi trong đau khổ vì không biết anh đang ở đâu và ra sao. Anh có nghĩ đến tâm trạng của em lúc đó không ? Thế mà có bao giờ em giận hờn hay trách cứ anh đâu, sao anh lại giận em vì một lá thư cô đọng nhưng đầy tâm huyết đó, lá thư đã nối lại cuộc tình mà có lúc, cả anh lẫn em, tưởng đã đi vào tuyệt vọng.
                      Nghe Chi nói Kiệt chết lặng người, rồi quay qua ôm Chi vào lòng và nói :
              - Em, hãy tha thứ cho anh. Có lúc anh đã quá hẹp hòi. Anh đã sai rồi.
                        Tuấn thấy vậy liền bồi cho Kiệt một phát nữa :
              - Anh thấy xét về tình lẫn lý chú Kiệt mày đều sai cả, nên có ngàn lời xin lỗi cũng không đủ. Bây giờ anh đề nghị là : Chi, em phải rót cho Kiệt một ly rượu tràn đầy để Kiệt phải uống cạn thay lời tạ lỗi. Nếu Kiệt không uống thì Chi phải uống cạn để tỏ sự rộng lượng sẵn sàng tha thứ cho Kiệt. Mọi người đồng ý không ?
                - Đồng ý.
                        Chi rót đầy ly rượu và nói :
                -  Nếu bây giờ để anh Kiệt uống một mình thì ảnh sẽ chết. Em uống một mình em cũng chết. Em đề nghị ly rượu này em với ảnh chia đôi để gọi là cùng chia sẻ và tha thứ cho nhau. Anh chị thấy sao ?
                    Kiệt liền lên tiếng :
                - Không. Không được. Tội anh làm anh chịu. Bây giờ, em nhúng môi đi, anh sẽ uống hết. Kiệt đưa ly rượu lên môi Chi xong chàng ta nốc một cái cạn hết ly rượu. Mắt Kiệt trở nên lờ đờ và gục xuống bàn. Và buổi tiệc xem như chấm dứt.    
                      Nếu không có mấy anh chàng Mỹ to con giúp thì có lẽ không ai dìu nổi Kiệt vào nhà. Kiệt nằm như chết. Mẹ Kiệt đã dọn sẵn một phòng cho Chi, nhưng mẹ vẫn nói :
                - Chi à, mặc dù hôm nay má mới thấy hình hài bằng xương thịt của con, nhưng trong lòng má vẫn luôn nghĩ con đã là con dâu của má từ lâu rồi. Kiệt nó say quá, đêm nay con qua nằm với nó, lỡ đêm hôm nó có ói mửa gì con lo dùm má. Bây giờ con theo má đi một vòng nhà : đây là nhà bếp, 2 nhà tắm, phòng ngủ của má, và đây là phòng ngủ của con nếu con muốn ngủ riêng. Thôi bây giờ con đi tắm đi rồi đi nghỉ. Đi máy bay cả ngày rồi lại tiệc tùng nữa, chắc là con mệt lắm rồi. Trưa giờ má cũng chưa tiện hỏi thăm ba má con nữa, để mai vậy.
                  - Cám ơn má đã thương và chấp nhận con là dâu. Con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ làm dâu trong gia đình.
                    
                                                          CHƯƠNG 4

                          Sáng hôm sau Kiệt thức giấc thấy mình nằm cạnh một cô gái nhưng đầu óc vẫn còn mơ màng không biết mộng hay thực. Kiệt định véo mạnh vào đùi xem có đau không thì Chi cũng vừa thức vậy. Biết Kiệt đang cố định thần lại nên Chi cắn vào vai Kiệt thật mạnh, Kiệt vùng vậy và thấy Chi đang cười Kiệt mới hoàn hồn, cuối xuống hôn Chi và hỏi :
                    -  Hôm qua em ngủ được không ?
                    -  Anh ngáy như còi tàu làm sao em ngủ được. Phần cũng do bị lệch múi giờ. Anh còn cảm thấy mệt không ? Hôm qua anh uống nhiều quá.
                    -  Anh cảm thấy OK. Nhưng trong cơn say không biết anh có làm phiền gì ai không.
                    -  Chỉ phiền ở chỗ anh to xác, không ai dìu nổi, phải nhờ 2 anh chàng Mỹ, bạn anh Hai.
                    -  Vậy thì không sao. Để anh tắm rửa xong sẽ đưa mẹ và em đi ăn sáng nhé.
                        Chi xuống nhà bếp thì thấy má đang nấu nướng gì đó, Chi nói :
                    -  Má à, Anh Kiệt bảo sẽ đưa cả 3 má con mình đi ăn sáng đó má, má nấu nướng chi cho mệt. Rồi đây má dạy con nấu theo cách người Miền Nam, con sẽ cố gắng học để nấu cho má và anh Kiệt ăn.
                    -  Được rồi, má sẽ chỉ cho con, nhưng bữa nay mồng một má ăn chay, má tự nấu lấy. Con với Kiệt cứ tự nhiên đi, hôm khác má sẽ đi cùng.
                      Kiệt tắm rửa thay đồ xong thì Chi cũng đã sẵn sàng và nói : "thưa má tụi con đi."
                    -  Ờ, Tụi Con đi vui vẻ. À Kiệt nè, nhớ dẫn Chi đi mua sắm cho đầy đủ nghe con.  
                    -  Dạ, má khỏi lo.
                          Kiệt đưa Chi đi ăn tỉm sấm ở nhà hàng Tàu xong chạy thẳng xuống Westminster Mall. Trên đường đi Kiệt nói :
                    -  Bây giờ anh lái xe, nhưng 2 tháng sau em phải lái chở anh đi đó nha.
                    -  Ối Giời, 2 tháng làm sao học lái kịp, trong khi ở VN xe máy em còn chưa biết đi cơ.
                    -  Em đừng lo, lái xe hơi còn dễ hơn xe gắn máy, lại an toàn hơn nữa. Hai tuần nữa, khi em có thẻ An Sinh Xã Hội anh sẽ đưa em đi thi lấy phần lý thuyết, sau đó anh sẽ dạy em lái. Khoảng 3 tuần thì em có thể thi lấy bằng lái dễ dàng thôi. Rồi sau đó em thích đi xe gì anh sẽ mua cho. Nhưng giai đoạn đầu em chỉ nên đi xe cũ thôi, chưa có nhiều kinh nghiệm, lái dễ bị cọ quẹt. Sau một năm nếu em thích đi xe mới cứ nói cho anh biết anh sẽ chiều cưng.
                      - Anh à, em đâu xứng đáng để anh phải lo cho em nhiều thế.
                      - Tình yêu có so sánh hay cân đo đong đếm được đâu em. Hạnh phúc ở chỗ cho chứ không phải nhận. Hạnh phúc anh mang lại cho em chỉ là một giọt nước và cái hạnh phúc em mang đến cho anh là cả một đại dương !
                  Thời gian một năm đầu, sau khi có bằng lái xe, em phải tập trung vào việc học tiếng Anh, sau đó anh sẽ để em tự chọn ngành nghề mà em thích để học. Nhưng theo anh nghĩ, em nên học ngành thẩm mỹ (cosmetology).
                      -  Sao anh lại muốn em học ngành thẩm mỹ ?
                      - Vì em đẹp, thế thôi.
                      -  Anh chỉ khéo nịnh em không.
                      -  Anh không nịnh đâu. Không son, không phấn, không lụa là mà em đã đẹp như thế, nếu được săn sóc đúng mức thì không khéo anh mất em như  chơi.
                      - Ngày trước em là một trưởng phòng, anh là công nhân bốc vác mà em còn phải chết lên chết xuống vì anh, bây giờ anh nghĩ em có thể bỏ anh được sao? Anh mà còn nói như thế nữa là em giận anh luôn đó.
                      - Thôi, cho anh xin lỗi. Đã tới thương xá rồi, vào đây em hãy chọn cho em bất cứ thứ gì em thích, anh sẽ chọn cho em những gì em cần. Vào đi em.
                Bước vào trong Westminster Mall Chi tưởng chừng như lọt vào cõi Thiên Thai. Vì từ một nước VN nghèo đói, lại hấp thụ một nền giáo dục nhồi sọ, Chi bước vào một thế giới văn minh, xa hoa vật chất nên bị hục hẫng. Nhìn mặt Chi ngớ ra, Kiệt thấy thương quá nên ôm sát Chi vào lòng hôn lên môi Chi một nụ hôn cháy bỏng khiến Chi thẹn thùng đẩy Kiệt ra và nói :
                      - Thôi anh, người ta thấy kìa.
                      - Người Mỹ hôn nhau ngoài đường là chuyện thường tình. Ở xứ này không ai nhìn ai đâu em. 
                      -  Em có phải Mỹ đâu.
                      -  Xứ này là Hợp Chủng Quốc, đâu phải Mỹ trắng mới là Mỹ. Vàng đen trắng đỏ gì cũng là Mỹ hết em à.
                      -  Nhưng thôi để về nhà rồi em cho hôn. Hôm qua ở Phi trường anh mới hôn tóc mà em đã ngượng chín cả người rồi.
              Vào trong Sears Kiệt mua cho Chi một sợi đây chuyền vàng, 1 đôi bông tai, 2 chiếc nhẫn dành cho ngày cưới, 1 đồng hồ đeo tay. Đến quầy mỹ phẩm Kiệt gom hết cho Chi toàn bộ từ nước hoa, phấn son, kem dưỡng da, lotion, make-up kits v.vv...cả một túi đầy, Chi nghĩ nếu không đòi về chắc Kiệt sẽ mua hết cả thương xá này quá.
                        -  Thôi mình về đi anh, em nghĩ là đủ cho em rồi.
                        -  Chưa đâu em, cái em cần nhất là quần áo, mình đã mua đâu.
            Kiệt nhờ cô cashier đo dùm size của Chi và chính Kiệt đi gom từ quần jean, quần tây đến áo đầm, áo blouse, skirt, đồ lót, khăn mặt, khăn tắm. . . đầy 3 túi xách. Thêm mấy đôi giày cao gót, giầy thể thao. Lúc tính tiền Chi hồi hộp chờ xem Kiệt móc ra chắc cả nắm dollars mới đủ. Nhưng Chi thấy Kiệt chỉ móc ra cái thẻ, kéo một cái, ký tên là xong và ung dung mang hàng về. Sao cái xứ gì lạ thật, mua hàng không mặc cả, cũng chẳng trả bằng tiền!
              Trên hành lang ra parking Kiệt đưa Chi vào trong beauty salon để nhờ làm lại mái tóc kiểu Sylvie Vartan cho Chi rồi đến facial care. Khi cả hai về đến nhà, má Kiệt không nhận ra Chi nữa.
              Vào phòng Chi diện skirt, mang giầy high heel vào, nhìn mình trong gương xong xoay qua ôm hôn như mưa trên mặt Kiệt và nói :
                  - Đến Mỹ mới một ngày mà em đã lột xác như thế này, thảo nào anh chẳng sợ mất em. Nhưng có cô bé lọ lem nào khi biến thành công chúa lại phụ hoàng tử bao giờ, phải không anh?
                  - Nhưng lỡ công chúa bị bắt cóc thì sao?
                  - Thì hoàng tử dọn nhà lên núi..... "Vọng Thê".
                      Cặp Uyên Ương đang líu lo thì má Kiệt lên tiếng :
                  -  Hai đứa ra đây má bảo : hôm nay mồng một, hai đứa cơm nước xong, nghỉ ngơi một lát rồi lên chùa lạy Phật, tạ Ơn Trên đã giúp Chi sớm đến được nơi đất lành chim đậu. Ngày mai nên đi làm cho xong những giấy tờ cần thiết. Sẵn dạo này còn nghỉ hè nên tiện thể con hãy dẫn em đi chơi đây đó, để khi đã trở lại trường học, lại vừa học vừa làm sẽ không có thì giờ để đi. Hay hai đứa muốn đi hưởng tuần trăng mật sau lễ cưới cũng được. Chuyện kế tiếp, là chuyện làm lễ kết hôn cho hai đứa để ra mắt mọi người. Nhưng trước hết Chi hãy cho má biết cách nào tốt nhất để liên lạc với bố mẹ con ở bển, để má còn mở lời xin nói chuyện trầu cau giữa đôi bên cho phải phép.
                    Nghe thế Chi thấy cần phải góp ý :
                  - Thưa má, trước hết con xin cảm ơn má đã quan tâm đến bố mẹ con trước viện hôn nhân của con, nhưng trước khi lên đường sang Mỹ, con có viết một lá thư cho bố mẹ con để báo tin mừng, nhưng phải qua địa chỉ của một người quen ở Hà Nội. Vì trên nguyên tắc, đối với chính quyền địa phương thì bố mẹ con chỉ biết con đã bỏ địa phương ra đi không xin phép, mà không biết đi đâu. Nên việc liên lạc hiện nay có vẻ không mấy an toàn cho bố mẹ con. Con xin má cứ quyết định cho tụi con bên này đi. Sau này tình hình thông thoáng hơn con sẽ báo tin cho bố mẹ con sau, con tin rằng bố mẹ con sẽ hiểu và thông cảm.
                        Kiệt cũng đồng ý với Chi và có ý kiến với mẹ mình :
                    - Điều má nghĩ là đúng và cần thiết, nhưng trường hợp vượt biên của Chi khá tế nhị và phức tạp nên nếu đơn giản hoá được những lễ nghi sẽ hay hơn má à. Con muốn làm lễ cưới trước khi tựu trường, sau khi Chi đã tự lái xe được. Và con cũng định sẽ trì hoãn việc có con cho đến khi hai đứa có nghề nghiệp vững chắc.
                    - Ngày cưới thì hai đứa tự quyết định với nhau, má không hối. Còn chuyện con cái má thấy cũng nên có sớm. Vì đứa con là sợi dây vững chắc nhứt để ràng buộc sự chung thủy của vợ chồng hơn cả những giới luật của Tôn giáo hay định chế xã hội. Tuy nhiên má cũng báo trước là nếu có con thì tụi con phải mướn người săn sóc hoặc gửi nhà trẻ chứ má thì, dù có cưng cháu tới đâu má cũng không kham nổi việc chăn giữ vì má có chứng cao huyết áp. Hơn nữa Ba con mất sớm, một mình má tảo tần nuôi 3 đứa con khôn lớn, bây giờ má cần có thời gian để dành cho cuộc sống tâm linh, hướng về Phật pháp.
                      Sau lễ Phật ở chùa về Kiệt và Chi ngồi xem TV. Ngồi trong lòng Kiệt Chi hỏi :
                    - Anh, đêm nay em ngủ ở đâu?
                    -  Thì ngủ chung với anh chứ ngủ ở đâu.
                    - Anh đã bảo thong thả hãy có con, bây giờ làm thế nhỡ em có bầu thì sao ?
                    - Anh có làm gì đâu mà em sợ có bầu?
                    - Chắc không đó?
                    -  Đùa với em, chứ thực ra nói là nói như thế, nhưng nếu có con thì đã có sao đâu.
                  Vợ chồng Kiệt đã sống với nhau một đêm trọn vẹn ân tình. Kiệt cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi qua bao sóng gió bão bùng trong cuộc sống, Chi vẫn giữ được sự trong trắng để hiến dâng cho mình :
                    - Cảm ơn em đã dành cho anh trọn vẹn cái gì quý nhất ở người con gái.
                    - Anh đã mang em từ một xứ sở ngục tù sang một vùng trời mơ ước của bao nhiêu con người. Em, với 2 bàn tay trắng và một mớ kiến thức bọt bèo, đã được anh yêu thương đùm bọc, lo lắng từ đôi giày đến chiếc bông tai, em chỉ có sự trinh trắng và trái tim yêu nồng cháy xin dành trọn cho anh để nói lên sự biết ơn đối với tấm lòng biển cả mà anh đã dành cho em. Em nguyện sẽ cùng anh đi trọn con đường mà anh đã chọn.
                          Hai tháng sau một đám cưới đơn giản tại nhà hàng, chỉ có họ hàng và thân hữu nhà trai. Cô dâu đã khóc rất nhiều vì tủi thân. Ngày vui nhất trong đời thiếu vắng song thân, họ hàng và bằng hữu. Nhưng cũng khóc thật nhiều vì xúc động khi thấy rằng trên đời này có mấy ai được diễm phúc như mình.
    
                            Ba năm sau. . . 
                          Chi đã lấy được bằng AA in Cosmetology và sang được một beauty salon ở Lake Forest, CA lấy tên là K&C Beauty Parlor. Kiệt đã lấy bằng Software Engineer và làm cho hãng McDonnell Douglas tại Huntington Beach, và vẫn là một tay chơi stock có hạng. Khi cuộc sống đã vững vàng vợ chồng Kiệt quyết định có con. Nhưng cả mấy năm sau vẫn không thấy tín hiệu gì phấn khởi. Kiệt và Chi đã làm tất cả những test cần thiết để tìm ra nguyên nhân. Đến những bác sĩ nổi tiếng nhất ở California về infertility, tốn của vợ chồng Kiệt cả trăm ngàn dollars nhưng không mang lại kết quả gì. Mẹ Kiệt thấy vậy đã an ủi Kiệt :
                            - Ông Trời cho mình cái này, thì hay lấy đi cái khác. Ổng đã cho hai con tiền tài vật chất sung mãn thì lại không cho con cái. Như ông bà ta cũng thường nói "mất hào của được hào con" để an ủi những gia đình nghèo đông con cái. Nếu đã tin vào số mạng thì hai đứa cũng nên chấp nhận những cái gì mình đang có. Đó chính là hạnh phúc đó con.
                  Để cho khuây khỏa, hằng năm Kiệt lấy vacation để dẫn Chi đi du lịch khắp thế giới, từ Âu Châu, Nhật đến Úc. Nơi đâu Chi cũng thấy không bằng nước Mỹ trên nhiều phương diện, nhưng dù sao họ cũng có cùng mẫu số chung với nhau là quyền tự do của con người, thứ mà người dân Việt Nam chỉ có trong mơ. Nghĩ đến đó lòng Chi quặn đau, nhớ đến một quê hương đọa đày trong bóng đêm tăm tối, trong đó có cha mẹ Chi đang mong chờ gặp lại đứa con thân yêu duy nhất còn lại trên cõi đời nhưng vẫn biền biệt nơi đâu.
                  Rồi đến một ngày mùa hè 1986, Kiệt đang ở sở làm thì nhận được điện thoại của mẹ Kiệt gọi cho biết tự nhiên bà cảm thấy đau thắt ngực lan ra hai vai. Kiệt gọi ngay 911 báo địa chỉ và cho biết có người bị heart attack, cứu hỏa đến ngay. Sau 15 phút CPR, Kiệt chạy về đến nhà thì được nhân viên cứu hỏa chia buồn : bà đã qua đời !
                    Căn nhà của Chi và Kiệt vốn đã thiếu vắng tiếng cười của trẻ thơ nay lại vắng tiếng nói của người mẹ hiền đã bao năm vun xới, chăm lo hạnh phúc cho con cái, giờ đây càng buồn chơi vơi!
                    Không khí gia đình đã thiếu những niềm vui trọn vẹn, nhưng bù lại, trên lãnh vực tài chánh vợ chồng Kiệt đã gặt hái được những thành quả khả quan : tiệm Beauty parlor ngày càng đông khách, chứng khoán ngày càng đi lên. Kiệt đã mua lại căn nhà mà chị Anh Thư đã mua cho Kiệt ở theo thời giá, và trong bank của Kiệt vẫn còn một triệu đô.
                                                              
                                                        CHƯƠNG 5
                      Thời gian cứ lặng lẽ trôi, bỗng vào mùa thu năm 1990, Kiệt nhận một lá thư của Hương, em gái của Hoà què, viết từ thành phố Westminster, cùng thành phố Kiệt ở, cho biết Hương đã cùng chồng là Quân, cựu Sĩ Quan cải tạo, và một đứa con, sang định cư tại Mỹ theo diện HO, hiện đang tạm trú tại nhà một người bảo trợ, bạn của Quân, trên đường Edwards. Kiệt liền phóng xe đến để thăm và cũng để được nghe kể lại tất cả những gì xảy ra ở quê nhà sau khi Kiệt rời VN. Điều mà Kiệt nôn nóng để biết là tin tức của Bình, và được Hương trả lời :
                        - Sau khi anh rời VN khoảng 6 tháng, anh Bình có đến gặp anh Hoà để hỏi thăm tin tức về anh, nhưng không hiểu tại sao anh Hoà lại nói với anh Bình là : "tao hỏng biết thằng Kiệt nào cả", trong khi em biết lúc đó anh Hoà đã có địa chỉ của anh rồi.
                        - Anh hiểu rồi. Lúc đó 2 người, tên Hoà và Bình nhưng lại đang chiến tranh lạnh với nhau. Tiếc thật, anh nghĩ  Bình rất cần sự giúp đỡ của anh nên mới chịu lép vế đến gặp Hoà. Nhưng cũng không thể trách Hoà được. Âu cũng là định mệnh.
                          Năm năm sau, 1995, sau khi Chính Phủ Hoa Kỳ tuyên bố thu hồi lệnh cấm vận chống VN, Quân đã trở thành công dân Hoa Kỳ và chuẩn bị về VN thăm cha bị đau nặng muốn gặp con lần cuối. Kiệt đến gặp Quân, trao cho Quân 500 USD và nói :
                      - Anh Quân à, tôi và Bình là đôi bạn chí thân. Ngày tôi xuống tàu vượt biên cũng là ngày Bình bị đưa đi vùng kinh tế mới An Điền Rạch Bắp, từ đó hai đứa mất liên lạc nhau, đã 19 năm rồi. Sau khi thăm viếng gia đình bà con họ hàng xong xuôi anh có thể giúp tôi lên vùng An Điền Rạch bắp tìm lại Bình với tên họ đầy đủ là Nguyễn thanh Bình sinh năm 1955, cha là Nguyễn thanh An. Nếu gặp thì nhờ anh đưa Bình số tiền này  nói là tôi gửi biếu, cho số phone, số điện thoại của tôi cho Bình, và ngược lại lấy địa chỉ rõ ràng của Bình hay số phone (nếu có). Còn nếu không gặp, anh có thể cầm số tiền này đến bệnh viện tỉnh xem có ai bệnh đau mà không có tiền chạy thuốc thì anh cho họ dùm tôi. Cám ơn anh nhiều.
                      - Anh yên chí, bằng mọi giá tôi sẽ tìm.
                            Tháng Tư trời Cali hãy còn se lạnh, nhưng khi về đến VN, ra khỏi Tân Sơn Nhất Quân cảm thấy như lửa táp vào mặt, nhưng nhờ những bồi hồi, rộn rã và xúc động khi được nhìn lại quê hương khiến Quân cũng quên đi cái nóng nung người của khí hậu nhiệt đới mà 5 năm qua Quân tưởng chừng đã quên.
                        Sau năm năm xa cách, gặp lại con, cha Quân rất mừng rỡ, tinh thần phấn chấn, cộng thêm thuốc men Quân mang từ Mỹ về nên sau một tuần lễ ông đã khá hơn nhiều. Điều nầy giúp Quân có thể an tâm và hăng hái đi làm một "mission impossible" mà Kiệt đã "giao phó".
                        Quân có người bạn thân là Sương, có chiếc Corona cũ nhưng có máy lạnh tốt. Sương sống bằng nghề chạy taxi nên Quân cũng giúp Sương có job làm đồng thời Sương cũng là bạn đồng hành đáng tin cậy trong "sứ mạng này". Quân chọn ngày chủ nhật để xuất hành vì ngày chủ nhật ai cũng ở nhà nên có nhiều cơ hội để gặp hơn. Bảy giờ sáng, sau khi ăn điểm tâm, Quân và Sương khởi hành. Quân bảo Sương ghé trạm xăng đổ đầy bình, và trực chỉ An Điền. Sương bảo :
                    - Muốn tìm người ở vùng quê thì nơi đầu tiên mình nên nghĩ đến là đến Ủy Ban Xã.
                    - Mầy quên là hôm nay chủ nhật sao?
                    - Nhưng vẫn luôn có người trực .
                    Từ thị xã Thủ Dầu Một Sương theo Quốc lộ 13 ngược về hướng Bắc, khoảng 20km đến Bến Cát quẹo trái khoảng 10km đến địa phận An Điền. Nhìn 2 bên đồng khô cỏ cháy, tháng Tư trời vẫn chưa mưa, xe chạy trên lộ đất nên cát bụi mịt mù Quân thấy xót thương cho người dân với cuộc sống lam lũ ở đây. Trời ơi, 20 năm "giải phóng" như thế này sao? Chẳng phải lãnh tụ Lê Duẩn đã Tuyên bố khi vào thăm Miền Nam năm 1975 là : " 20 mươi năm nữa chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật Bản" kia mà. Hoặc không như Tố Hữu đã từng ca tụng :
                            " Nghiêng đồng đổ nước ra sông 
                              Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" hay sao ?
                Sương dừng lại quán nước bên đường để hỏi thăm đường đến Uỷ Ban xã An Điền, được biết còn khoảng non một cây số nữa.
                      -Ô kìa , bên tay phải.      
                      - Ụa, sao không thấy ai vậy Sương ?
                  Bổng nghe tiếng hỏi :
                      - Mấy anh cần gì ?
                  Một anh du kích ngồi gác trên võng dưới gốc cây xoài cả hai Quân và Sương đều không thấy.
                        -Chào anh. Chúng tôi muốn tìm một người bạn tên là Nguyễn thanh Bình đã đi kinh tế mới An Điền Rạch Bắp cách đây 19 năm. Chúng tôi mất tin tức của nhau từ đó.      
                        - Theo chỗ tôi biết, thì trước đây có một khu kinh tế mới Rạch An, tức An Điền và Rạch Bắp. Người ta gọi như thế vì nó nằm giữa 2 xã An Điền và Rạch Bắp, nhưng thực tế phần đất của nó thuộc địa phận của Rạch Bắp chứ không dính gì tới An Điền cả. Các anh hãy đến Uỷ Ban Nhân Dân xã Rạch Bắp hy vọng người ta có thể biết.
                - Cám ơn anh. Nhưng anh có thể cho biết đường nào về Rạch Bắp?
                -  Hai anh cứ đi tiếp con đường đất này khoảng hai cây số, gặp ngã ba, quẹo trái chạy thêm khoảng 3 cây số nữa, Ủy Ban nằm bên tay phải.
                - Cám ơn anh nhiều.
                  Theo lời hướng dẫn của anh du kích, hai người chạy một lúc nữa Quân hỏi Sương :
                -  Sao gọi là Rạch Bắp mà tao thấy toàn là tầm vông không vậy mậy ?
                - Thì cũng như mày xuống Bến Tre thấy toàn dừa chứ có cây tre nào đâu.
                -  Ạ! Vậy là tụi Mỹ nó cũng bắt chước VN rồi : ở California có một thành phố tên là Riverside (ven sông), nhưng đến đó chỉ thấy toàn sa mạc !
                          Từ đằng xa Sương đã nhìn thấy bảng hiệu của UBND xã Rạch Bắp nên chạy chậm lại và queo vô cổng. Hai người vừa xuống xe thì 1 anh từ ban công an bước ra nói chuyện cũng khá lịch sự :
                  - Xin lỗi mấy anh từ đâu tới, có cần chúng tôi giúp đỡ gì không ?
                  - Dạ chúng tôi từ Thị Xã lên để nhờ địa phương giúp đỡ để tìm một người bạn đi kinh tế mới Rạch Bắp đã 19 năm nay, ảnh tên là Nguyễn thanh Bình.
                - Ngay Uỷ Ban xã nầy có một người tên Nguyễn thanh Bình, làm Văn Hoá Thông Tin, tôi không biết có phải ảnh là người các anh muốn tìm không.
                - Có phải ảnh sinh năm 1955 không anh, ba của ảnh là Nguyễn thanh An?
                - Vậy đúng là ảnh rồi. Nhưng nếu mấy anh muốn chúng tôi chỉ nhà thì đề nghị mấy anh cho xem chứng minh nhân dân. Xin mấy anh thông cảm, đó là nguyên tắc an ninh thôi.
                Sương xuất trình CMND, Quân thì không đem passport, chỉ có bằng lái xe California và Visa do sứ quán VN ở Mexico cấp. Anh công an mới hỏi :
                - Giấy tờ của anh là giấy gì mà lạ vậy?
                - Dạ tôi ở Mỹ về. Đây là bằng lái xe. Ở Mỹ từ 17 tuổi trở lên ai cũng phải biết lái xe nên người ta dùng bằng lái thế cho CMND, còn đây là Visa do Sứ Quán VN ở Mexico cấp cho phép tôi được đi bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VN.
                  - Thôi được rồi, chỉ cần giấy của anh kia cũng được. Chúng tôi chỉ ghi tên, số CMND và địa chỉ thôi. Bây giờ hai anh chạy ngược về hướng An Điền khoảng 500m gặp ngã ba, quẹo phải chừng 300m, thấy cái nhà tôn ở giữa đồng, đó là nhà ảnh.
              Quân tặng ảnh một gói thuốc Pall Mall và nói lời cảm ơn.
              Sương vừa quẹo vô sân nhà, Quân nhìn thấy ngôi nhà lợp mái tôn giữa đồng khô là muốn mất lửa rồi. Vừa dừng xe trước sân thì từ trong nhà hai vợ chồng và đứa con gái chừng 16 tuổi bước ra với vẻ mặt ngơ ngác. Quân lên tiếng :
                              - Chào anh, xin lỗi, anh có phải là Nguyễn thanh Bình không?
                              - Vâng. Tôi đây. Xin lỗi mấy anh tìm tôi có việc gì không ?
                              - Xin anh vui lòng cho biết hồi năm 1975, sau 30/4 anh có làm cho Sở Thủy Lợi Sông Bé phải không ?
                              - Đúng, tôi có làm một thời gian ngắn thôi.
                              - Lúc đó dường như anh cùng làm chung với một người bạn thân nữa thì phải ? Anh còn nhớ tên anh đó chứ?
                              -  Đúng. Người bạn đó làm sao tôi quên được, tên nó là Đào anh Kiệt.
                              - Vậy anh đúng là người chúng tôi muốn tìm.
                              - Ối trời, nãy giờ quên mời mấy anh vào nhà. Mời, mời vào. Em ơi nói con chạy mua một cục nước đá làm đá lạnh cho khách đi em.
                              -  Thôi khỏi anh Bình ơi, tôi sắp mời anh chị và cháu kiếm chỗ nào đi ăn, cũng đã trưa rồi. Tôi xin chào cả nhà và xin giới thiệu đây là Sương bạn tôi, ở Thị Xã. Còn tôi là Quân hiện ở Mỹ cùng với anh Kiệt. Việc trước tiên cần nói là anh Kiệt có gửi cho anh 500 đô la. Bây giờ phiền anh viết một bức thư ngắn gọn tôi sẽ mang về Mỹ báo anh Kiệt biết đã nhận được 500 USD cho ảnh yên tâm. Và đây là địa chỉ và số điện thoại của anh Kiệt.
                    Quân đọc được nổi vui mừng trong ánh mắt của 3 người khi 5 tờ giấy 100 đô được đặt lên bàn. Và Quân cũng cảm thấy niềm hạnh phúc dâng trào trong tim mình còn cao hơn cái hạnh phúc mà họ đang có được. Bình viết xong lá thư ngắn, đưa cho Quân và nói :
                              -  Tôi đã có lời cám ơn Kiệt trong thư rồi. Còn người kế tiếp tôi xin cám ơn là anh Quân và anh Sương. Không có hai anh thì món quà này cũng chẳng đến tay gia đình tôi được .
                            - Tôi tin rằng anh Bình có rất nhiều câu hỏi về anh Kiệt, và ngược lại anh Kiệt cũng nôn nóng muốn biết tin về anh Bình sau 19 năm mất liên lạc. Thay mặt cho Kiệt tôi xin mời anh chị và cháu cùng ra xe đi ăn tiện thể mình sẽ giải tỏa được nhiều câu hỏi của đôi bên.
                Không biết vì lý do gì vợ Bình đã từ chối khéo cùng Quân :
                              - Cám ơn anh Quân có nhã ý mời gia đình, nhưng theo em thấy để anh Bình thay mặt đi cùng 2 anh được rồi, dù gì thì đàn ông với nhau mấy anh nói chuyện cũng thoải mái hơn.
                Quân cũng không ép ủng vì thêm nữa, vì trong nhà quá nóng, Quân chỉ muốn chạy ra xe bật máy lạnh ngay nếu không chắc ngộp thở. Quân đề nghị Bình xem cái quán nào thoáng mát làm vài chai bia và nói chuyện. 
                Bình đẩy chiếc xe Honda dame cà tàng ra chạy trước, không muốn đi chung xe hơi vì sợ phiền khách lại phải đưa mình về. Sương lái xe chạy theo. Chạy lòng vòng khoảng 15 phút thì Bình dừng lại cái quán có tên là "cây xoài bến cát". Quán cũng khá thanh lịch. Mỗi bàn ăn được đặt riêng trong một chòi lá, rải rác trong một vườn cây râm mát. Quân kêu một bò tái chanh, một dê xào lăng và một bò lúc lắc với một két bia Saigon đỏ. Khi mồi rượu được mang ra Quân lên tiếng trước :
                  - Anh Bình à, tôi và anh tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng qua Kiệt tôi cũng biết khá nhiều về anh. Anh là bạn anh Kiệt thì cũng như bạn tôi. Để mừng cho buổi gặp gỡ đầu tiên này, tôi đề nghị 3 người cùng nâng ly và cạn 100% cho mát rồi nói chuyện tiếp.
                  - Ly tôi đã cạn, bây giờ câu hỏi đầu tiên của tôi là tại sao lúc ra đi Kiệt không cho tôi hay và bây giờ thì cuộc sống của Kiệt ra sao ?
                  - Trả lời câu hỏi tại sao thì tôi để dành cho Kiệt trả lời. Tuy nhiên tôi cũng xin nói hé một chút là đêm đó đang nằm Bệnh Viện thì có người đến bốc Kiệt thẳng lên ghe nên Kiệt không kịp thông báo cho ai cả. Sau đó Kiệt đã cố gắng tối đa để liên lạc với anh nhưng vô vọng cho đến ngày hôm nay như anh đã thấy. Kiệt bây giờ là kỹ sư thiết kế phần mềm (software engineer) cho hãng chế tạo máy bay McDonnell Douglas. Bà xã anh Kiệt hiện là chủ một tiệm thẩm mỹ. Hai vợ chồng chưa có con. Kiệt và tôi đều sống tại California. Thế còn anh thì sao ?
                  - Người ta nói trăm nghe không bằng mắt thấy. Căn nhà tôi đang ở đã nói lên phần nào cuộc sống của chúng tôi. Hai chục năm qua có quá nhiều điều để tâm sự cùng Kiệt, để thong thả tôi sẽ viết thư cho Kiệt. Còn bây giờ tôi cũng xin sơ lược chặng đường 20 năm qua của tôi để 2 anh rõ : một năm sau khi đến đây thì ba tôi mất vì thiếu thuốc men, và một năm sau đó má tôi cũng qua đời vì buồn rầu, ngã bệnh. Tôi là thằng chột trong xứ mù nên được làm vua. Ở xã thấy tôi dù gì cũng có mấy chứng chỉ đại học nên đưa tôi làm Bộ phận Văn hoá thông tin . Hằng ngày viết và đọc tin tức trên hệ thống loa của xã. Đồng thời phụ trách về bổ túc Văn hoá cho cán bộ địa phương. Nhờ vậy tôi đã quen được cô giáo Lan tức bà xã tôi bây giờ. Đồng lương 2 vợ chồng tôi chỉ đủ húp cháo nên ngoài công việc ở xã tôi phải đi làm thuê thêm. Ai mướn cái gì làm cái đó bất kể ngày đêm để lo cho đứa con gái đang học cấp 3.
                    Nghe thế Quân không muốn nghe thêm nữa vì càng nghe càng đau lòng xót dạ. Quân đề nghị :
                  - Thôi anh Bình, bao nhiêu đó cũng đủ để tôi hiểu cuộc sống của gia đình anh. Tôi sẽ nói lại với anh Kiệt và tôi tin là anh Kiệt sẽ không muốn thấy và cũng sẽ không chấp nhận cho cái vòng tròn nghịch cảnh này có cơ hội để vây lấy anh nữa đâu. Ngày mai trời lại sáng. Xin anh cứ giữ vững niềm tin và hãy cạn ly.
                  Ba người vui vẻ với nhau cho đến chai thứ năm thì mắt Bình bỗng lờ đờ, mặt thì đỏ như tôm luộc. Quân hỏi :
                    - Bình. Anh có sao không ?
                    Bình lẹo lưỡi và cố gắng nói :
                    - Mấy năm nay tôi có ly bia nào trong bụng đâu. Hôm nay vui quá, uống hơi bạo nên . . . . 
                      Và Bình đã gục tại chỗ, không còn biết trời trăng gì nữa. Sương thì cuốn lên và nói:
                    - Quân, mầy hại thằng Bình rồi. Bây giờ đổ nợ ra mầy tính sao đây?
                    - Có mẹ gì đâu. Có ai uống 5 chai bia mà chết đâu mậy .        
                    - Chết thì hỏng chết, nhưng làm sao đưa cái thây nó về đây?
                    - Để tao gọi tính tiền xong tao sẽ tính tới nó. Rồi. Bây giờ mầy phụ tao một tay đưa nó lên xe hơi, băng sau cho nó nằm. Mầy chạy chiếc Honda của nó, tao sẽ lái chiếc xe hơi của mầy, OK ? Trời nóng đổ lửa thế này mà bảo chạy xe gắn máy chắc tao đứt bóng sớm.
                      - Nhưng rồi biết đường nào mà chạy ? Lúc ra khỏi nhà nó, tao ỷ y cứ bám đuôi Honda của nó mà chạy nên bây giờ tao thua không nhớ nhà nó ở đâu nữa.
                      -Mầy hỏng phải dân nhà binh nên chậm tiêu quá. Để tao hỏi chủ quán xem đường nào về Uỷ Ban Xã Rạch Bắp. Từ Uỷ Ban về nhà nó chỉ là chuyện nhỏ.
                          Quân lấy giấy viết ghi rõ lộ trình xong và nói :
                      - Nào chạy theo tao.
                    Quân chạy chầm chậm khoảng 15 phút thi tới UBND Rạch Bắp, lấy được điểm chuẩn, chạy tiếp về nhà Bình, kè Bình vô tới bộ ván, giao trả chiếc Honda, chào vợ con Bình, hẹn ngày tái ngộ. . .
                                X                              X.                            X
                      Vừa về tới Cali Quân điện ngay cho Kiệt. Biết vợ chồng Kiệt đang ở nhà, Quân đến ngay để tường thuật tất cả những chi tiết về chuyến đi tìm Bình cũng như tổng quát về cuộc sống hiện tại của gia đình Bình cho vợ chồng Kiệt, và giao bức thư tay lời cảm ơn của Bình. 2 vợ chồng rất xúc động, nhất là Chi, khi liên tưởng đến hình ảnh Chi trao lệnh sa thải cho Bình cách đó gần 20 năm.
                      Hai tuần sau Kiệt nhận thêm một bức thư của Bình qua Bưu Điện :

                      Rạch Bắp, ngày . . . Tháng. . .năm 1995
                        Thân gửi vợ chồng Kiệt,
            Mừng và rất bất ngờ khi đường dây liên lạc đã được nối lại sau 20 năm gián đoạn. Trước hết tao muôn lặp lại lời cảm ơn nghĩ cũng không thừa về số tiền mà vợ chồng mầy đã ưu ái gửi cho gia đình tao. Đúng là hạn hán gặp mưa rào.
              Kế tiếp là những chuyện mà tao không thể kể cho Quân được vì không tiện. 
              Sau khi về Rạch Bắp, thời gian đầu tao phải lo ổn định nhà cửa. Nhờ số tiền một ngàn đồng mày cho, tao trữ được một số thuốc INH cho ông già dùng được 3 tháng, ổng khá hơn nhiều so với lúc mới đến. Nhưng khi hết thuốc tao không tìm đâu ra tiền để mua thuốc tiếp đành chạy xuống Sở Thuỷ Lợi tìm mầy, nhưng mấy anh em nói là mầy bị ống cống đè gãy chân nên đã giải nghệ. Nhưng tao biết chân mày đâu đã gãy nên tao vô phòng vật tư tìm cô Lan Chi để hỏi. Người ta bảo là cổ đã chuyển công tác rồi. Không biết giờ này cổ ở đâu. Cô ấy quả là một người Cộng sản hiếm hoi, đẹp người, đẹp nết và giàu lòng nhân ái. Cầu mong con đường trước mắt cô sẽ luôn đầy những hoa thơm và quả ngọt.
              Trở về Rạch Bắp tao đành đi mua Streptomycine về tiêm cho ổng hàng ngày vì Strep rẻ hơn INH nhiều. Sau 3 tháng, thấy bệnh tình không khá, tao muối mặt đến gặp thằng Hoà què may ra biết tin tức về mày. Nhưng vừa mở miệng là nó nạt một phát, tao chạy trối chết về Rạch Bắp nhìn ông già từ từ héo dần đi theo ngày tháng, để rồi cuối năm đó ổng ra đi. Rồi một năm sau bà già tao bị chứng LEUKEMIA ngặt nghèo rồi cũng đành đoạn bỏ tao.
                    Xứ Rạch Bắp khỉ ho cò gáy này vì thiếu người nên, dù biết tao là ngụy, chính quyền ở đây vẫn xử dụng tao làm cán bộ Văn hoá thông tin cho tới giờ này. Khi dạy lớp bổ túc Văn hoá tao quen với một cô giáo dạy chung tên Lan. Thấy tao ở một mình lủi thủi sau khi mẹ mất, cổ cũng thường đến an ủi cháo rau bếp núc. Tình cảm hai đứa lớn dần theo thời gian và trở thành vợ chồng nhưng không có đám cưới. Đến năm 1979 tao có con gái đầu lòng (và duy nhứt) đặt tên là Lan Anh. Lan Anh lớn lên trong nghèo khó nhưng rất hiếu học. Hiện cháu đang học trường cấp 3 Thị Xã nên phải mướn phòng trọ để ăn ở và đi học. Điều đau đớn là con tao lại thuê cái phòng trong chính căn nhà mà ông Nội nó đã tạo nên, nay đã đổi chủ. Để lo cho con đi học, ngoài công việc ở xã tao phải làm thuê làm mướn bất kể ngày đêm và bất kể nặng nhẹ với hy vọng con sẽ thoát được cảnh nghèo như cha mẹ nó đã chịu đựng.
            Kiệt thân, hôm ngồi nhậu với Quân tại quán Cây Xoài, Quân có nói với tao là :"anh Kiệt mà biết được hoàn cảnh của anh thì nhất định ảnh sẽ không chấp nhận cho cái vòng nghịch cảnh đó tự do quấn quít lấy anh đâu". Trong đám bạn bè mình thì có lẽ tao là người hiểu tính của mày nhất và mầy cũng rất hiểu tính tao. Bởi vậy tao cũng dè dặt để nhắc mầy là làm gì thì cũng phải nhớ là tình chồng ý vợ. Nếu vì tao mà gia đình mầy không vui thì tao cũng xin dứt khoát không dám nhận sự giúp đỡ của mày đâu, dù sao thì tao cũng đã quen với cái nghèo 20 năm qua rồi.
            Dạo nầy không còn cấm vận nữa hy vọng sẽ sớm có bang giao để mầy về thăm lại chỗ làm xưa, nay chỉ còn là kỷ niệm. Người xưa đã đi rồi. Sở đã giải thể, lão Toại đã bị khai trừ cũng chẳng biết trôi giạt về đâu. Trái đất vẫn tròn. Đời vẫn còn có nhau. Rồi sẽ gặp lại nhau.
                                                                                                Thân,
                                                                                                  Bình .
            
              Đọc xong thư 2 vợ chồng Kiệt mỗi người suy tư một hướng, nhưng cái chung vẫn là buồn cho số phận của Bình. Chi nói với Kiệt :
                - Như vậy anh Bình vẫn chưa biết em là vợ anh.
                - Anh chưa nói cho Quân biết 3 đứa mình ngày xưa làm chung cơ quan. Dưới  mắt Quân thì Lan Chi là một người xa lạ đối với Bình nên đâu có duyên cớ nào để Quân nhắc đến tên Lan Chi trước mặt Bình, vậy thì làm sao Bình có thể biết em là vợ anh. 
                - Nhờ vậy em mới biết được cái nhìn trung thực của anh Bình đối với em. Bây giờ anh lo viết thư cho anh ấy cho biết cái kế hoạch mà mình đã bàn để giúp đỡ cho anh ấy, kèm theo bức ảnh cưới của mình xem anh ấy có nhận ra không. Nếu biết em là ai thì chắc là anh ấy không còn lo chuyện tình chồng ý vợ nữa.
              
                                                              Westminster, ngày . . .tháng. . .năm 1995
                  Bình thân thương cùng gia đình,
                  Nhịp cầu đã được nối lại sao 20 năm gãy đổ. Tao không đủ chữ nghĩa để nói lên nổi vui mừng khi Quân về cho hay đã tìm được mày và gia đình. Trước hết cho tao gởi đến mầy một lời xin lỗi muộn màng khi tao ra đi mà không kịp có một lời từ giã và để lại bao nhiêu nổi khổ đè nặng trên vai mầy. Đọc thư mày 2 vợ chồng tao đau lòng lắm. Nhưng thôi, chuyện quá khứ hãy để cho quá khứ ngủ yên. Bây giờ hãy nói chuyện hiện tại và tương lai.
                  Việc trước tiên là phải lo cho Lan Anh. Bằng mọi giá vợ chồng tao sẽ đem Lan Anh sang Hoa Kỳ du học. Ngày mai tao sẽ chuyển cho mày 10 ngàn đô la (chia làm 4 đợt, mỗi đợt 2 ngàn rưởi. Để khỏi phải báo cáo Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ) và đề nghị mày nên chuẩn bị từng bước như sau  :
        1. Mua cho Lan Anh một chiếc xe gắn máy để làm phương tiện đi học. Mua máy móc, TV, băng hoặc đĩa để học thêm tiếng Anh tại nhà, đồng thời chọn một Trung tâm Anh Ngữ có uy tín để theo học và phải lấy được bằng TOEFL(Test Of English as a Foreign Language)
        2. Đừng bắt Lan Anh phải phụ giúp việc nhà nhiều để ảnh hưởng đến việc học và phải ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ. Vợ chồng mày cũng nên thôi, đừng làm thuê mướn nữa, để có sức khoẻ và thời gian mà lo cho Lan Anh.
        3. Mỗi 6 tháng phải cho Lan Anh đi khám sức sức khoẻ, đặc biệt phải chụp hình phổi. Vì nếu phổi có vấn đề thì việc nhập cảnh Mỹ rất khó khăn, làm trì trệ việc học.
        4. Mua 1 tủ lạnh để bảo quản thức ăn thức uống.
        5. Gắn một điện thoại để tao và mầy liên lạc dễ dàng hơn.
                Đó là 5 việc chính nên làm ngay. Đến cuối năm lớp 10 tao sẽ gửi giấy tờ về để Lan Anh điền và gửi qua cho tao.
                Còn một việc cũng nên nhắc để mầy lo : tao nghe Quân nó nói là nhà mày lợp tôn, nóng oi ả thì làm sao con cái nó ngồi tập trung để học được. Cố gắng sửa nhà lại đi. Thiếu bao nhiêu cứ cho tao hay. Ngoài ra bắt đầu từ năm tới, mỗi đầu năm tao chuyển cho mày 5 ngàn đô la để lo cho Lan Anh, cho tới khi Lan Anh đặt chân tới Hoa Kỳ. Sau đó sẽ tính tiếp.
                                        Vài hàng để gọi là nối lại nhịp cầu với vợ chồng mày.
                                                    Hẹn thư sau. Chúc sức khoẻ
                                                                Kiệt 
PS: hãy nhìn kỹ trong hình để biết vợ tao là ai. Lúc đó mầy sẽ không còn ngại chuyện tình chồng ý vợ nữa.

                    Bình đang chuẩn bị đọc bản tin buổi trưa trên hệ thống loa của xã thì anh Văn thư của xã báo là Bình có thư nước ngoài. Vừa mở phong thư ra, một bức ảnh cưới cô dâu chú rể lộng lẫy trong những bộ đồ cưới sang trọng được chụp năm 1978. Chú rể là Kiệt còn cô dâu trông rất quen nhưng không nhận ra ai. Để bức ảnh sang một bên Bình đọc thư, không tin vào mắt mình nữa. Thật vậy sao ? Vợ chồng Kiệt lại tốt với mình đến như thế cơ? Cuối thư Kiệt còn dặn hãy nhìn kỹ bức ảnh. Ồ! Đúng rồi, Lan Chi! Trời, như vậy là Kiệt và Lan Chi đã rủ nhau xuống tàu vượt biên cùng lúc rồi. Hèn gì nó đã không kéo mình cùng đi được. Vậy là nó đâu có tốt với mình. Ụa, mà nếu không tốt thì sao nó dám gửi cho mình cả chục ngàn đô la mà còn hứa sẽ đưa con mình sang Mỹ du học nữa? Bao nhiêu câu hỏi đang đấu đá nhau trong đầu Bình thì có người nhắc Bình tới giờ phát thanh rồi. Bình hối hả đọc lấp vấp mấy bản tin buổi trưa đến nổi vợ Bình nằm nhà nghe còn muốn bực dọc. Đọc xong Bình phóng xe chạy về nhà thì thấy vợ đang đứng chờ trước nhà và hỏi :
                    - Hôm nay làm gì mà anh đọc chỉ mấy bản tin mà lấp vấp cả chục lần vậy?
                    - Bình ném cho vợ bức thư và nói :
                    - Em đọc đi.
                        . . . 
                      Mặt vợ Bình rạng rỡ, mắt sáng hẳn lên và nói :
                    - Một tin vui quá lớn cho gia đình mình như vậy mà anh lại có vẻ không vui là sao ?
                    - Em đâu biết rằng vợ Kiệt chính là Lan Chi trưởng phòng vật tư ở sở Thuỷ lợi mà anh đã từng nói với em đó.
                    - Vậy thì đã sao đâu ?
                    - Trước khi vượt biên Kiệt nói với anh rằng : "khi nào đi tao sẽ kéo mầy đi luôn". Nhưng giờ chót có lẽ vì tiếng gọi của con tim nên Kiệt đã chọn Lan Chi thay vì anh.
                    - Chỉ có vậy mà anh buồn anh Kiệt à? Theo em, giả thuyết anh đặt ra chẳng có cơ sở gì cả. Nếu anh Kiệt bỏ rơi anh vì Lan Chi thì ảnh đã không gửi ảnh cưới của hai người về cho anh rồi. Và nếu ảnh là người xấu như anh nghĩ thì ảnh nhờ người đi tìm anh làm gì. Những người xấu thì khi được sống trên nhung lụa không bao giờ họ quan tâm đến người cùng khổ cả. Và nếu cho đó là sự thực đi nữa anh cũng không thể trách ảnh được. Người ta thường chết cho tình yêu hơn là chết cho tình bạn. Anh phải tự hỏi chính anh trong trường hợp đó anh sẽ chọn ai. Vả lại nếu cho là anh Kiệt đã làm sai, bây giờ nghĩ lại ảnh muốn làm một cái gì để sửa sai, điều đó có đáng trách không ? Khách quan nhận xét, em thấy anh đã nghi ngờ anh Kiệt nhiều hơn là nghi ngờ chính bản thân anh. Giả thuyết anh đặt ra chỉ là 1 trong 1001 giả thuyết có thể dẫn đến chuyện nên duyên chồng vợ của hai người, một xác xuất quá nhỏ để có thể kết luận một vấn đề, thế mà anh có thể chủ quan đến mức độ ích kỷ. Nếu anh vẫn khẳng định anh Kiệt là người xấu thì vẫn còn kịp thời gian để anh chối bỏ tình bạn đó. Ngày mai anh có thể viết thư tuyên bố chấm dứt nó và từ chối mọi sự giúp đỡ của ảnh kể cả trả lại 500 đô la mà anh Quân đã mang đến tận nhà cho anh. Tóm lại giờ nầy em mới nhận ra anh chỉ độc là sỉ diện dỏm và tự ái vặt. Anh hãy tự hỏi trên  đời này có bao nhiêu người thương con anh như anh Kiệt ? Cũng may, Lan Anh nó chưa biết chuyện này. Nếu biết chắc nó sẽ chết vì đặt hy vọng quá cao để rồi thất vọng não nề. Nếu anh ngại viết thư thì để mai em viết cho. Và khi nhận được thư, em nghĩ anh Kiệt và Lan Chi sẽ vui mừng vì đã kịp thời phát hiện ra cái thực chất của một tình bạn mà suốt 20 năm qua họ đã hằng ấp ủ và vun xới.
                  Sáng hôm sau chủ nhật, Lan Anh từ Thị Xã đạp xe về mua bánh mì và thịt quay về bồi dưỡng cho ba má vì tiền ba má cho còn rủng rỉnh. Về gần đến nhà bỗng thấy má chạy ngược chiều, hỏi ra, má bảo ra Bưu điện Bến Cát rồi về liền. Về đến nhà Lan Anh cắt bánh mì, xắp thịt quay lên bàn sẵn chờ ba má về ăn. Vừa bày xong lên bàn thì Bình cũng vừa đọc xong tin tức buổi sáng về đến nhà. Thấy thức ăn trên bàn Bình hỏi :
                        - Con ở Thị Xã về mua đồ ăn cho ba má phải không ?
                        - Dạ. Ba chờ chút xíu má về rồi cùng ăn cho vui ba.
                        - Ủa má con đi đâu ?
                        - Hồi nãy trên đường về ngược chiều má nói với con má ra Bưu Điện Bến Cát rồi về liền.
                        - Trời, thôi chết rồi. 
                Bình vừa kêu Trời  vừa phóng lên Honda trực chỉ Bến Cát để Lan Anh ở nhà ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra.
                Bình cố gắng xiết mạnh ga để đuổi theo vợ, ngăn cản việc gửi thư cho Kiệt. Vợ Bình chưa hiểu cái ưu tư của Bình là nếu phải thọ ơn Kiệt vì tương lai đứa con gái thì cũng chấp nhận được. Nhưng đàng này phải thọ ơn một người nữa, Vợ Kiệt, mặc dù biết đó là một người tốt, Bình vẫn ngại rằng mình sẽ được hiểu là lợi dụng không ? Nhất là khi sự giúp đỡ đó quá lớn lao. Bình định sáng sẽ giải thích cho vợ. Nhưng thức vậy thấy vợ còn ngủ nên đành để sau khi đọc tin tức về hẵng nói. Không ngờ về đến nhà vợ đã nhanh chân hơn Bình tưởng. Chiếc Honda của Bình đã 30 tuổi già lại phải è cổ ra hú dưới trời nóng trên 35 độ C chẳng mấy chốc đã đứng máy và bốc khói. Bình lại phải hì hục đẩy bộ ngược về nhà. Đẩy một đoạn đang muốn té phở thì Lan chạy trờ tới hỏi :
                  - Xe sao vậy, và anh đang định đi đâu ?
                  - Anh rượt theo em để ngăn việc em gửi thư cho Kiệt, vì anh biết em đã hiểu sai ý anh rồi. Anh cố rú ga nên xe đã bị lột dên. Mà em đã gửi chưa ?
                  - Em đi được nửa đường sực nhớ hôm nay chủ nhật đâu có ai cân thư tính cước phí cho mình đâu, đành quay về.
                  - Thôi, em xé bỏ nó đi. Bây giờ phụ anh đẩy chiếc Honda về.
                  - Trời đất, em làm sao đẩy nổi. Cũng tại anh tất cả nên anh phải cố mà đẩy, em không phụ đâu, em về trước.
              Lan chạy rồi, Bình há hốc đẩy cái của nợ, vừa đi vừa chửi : "mẹ kiếp, đúng là giáo Tàu đâm bụng Chệt" ! Phải hôm qua mình cứ việc vui vẻ phấn khởi thì bây giờ đâu có vất vả thế này.
              Lan Anh ở nhà cũng bồn chồn không biết ba má đã có chuyện gì với nhau, định xách xe đạp chạy ra Bến Cát xem sao thì má Lan Anh về tới.
                - Chuyện gì thế má ? Lan Anh hỏi.
                - Không có gì hết con à.
                - Má lại dấu con rồi. Sáng nay thấy ba phóng xe đi tìm má là con biết có chuyện rồi. Nhưng thôi, má không muốn nói thì con đành chịu.
                  - Má thương con quá, chắc má cũng không thể dấu con được. Bác Kiệt của con hứa bằng mọi giá bác sẽ mang con sang Mỹ du học nhưng ba con vì một chút sỉ diện hão, ổng từ chối. Nên sáng nay má định ra bưu điện gởi thư báo cho bác Kiệt biết để bác khỏi trông. Không hiểu ba con nghĩ gì sau đó, lại đuổi theo má lấy lại bức thư. Vì phải ép ga để rượt theo má, xe bị lột dên nên ổng đang ì ạch đẩy cái xe. Kìa, về tới rồi kìa. Nếu con muốn rõ sự việc, hãy xin phép ba con để đọc bức thư của Bác Kiệt gửi cho Ba ngày hôm qua. 
                - Ụa, xe làm sao vậy ba ? Lan Anh hỏi.
                - Nó đòi tiền rồi con. Mà không sao, ba sẽ bỏ tiền tân trang nó lại hoàn toàn như xe mới vậy.
                -  Nghe ra thì rất hay, nhưng liệu ba có đủ tiền để làm không ?
                - Muốn biết đủ không con cứ xem bức thư này.
                Bình ném cho Lan Anh lá thư từ Mỹ Quốc của Kiệt. Lan Anh Bình tĩnh đọc, không nhảy cỡn lên như Bình tưởng vì đã được má cho biết trước rồi. Đọc xong Lan Anh nói với ba :
                - Ba à, du học là ước mơ lớn nhất của giới trẻ ngày nay, đặc biệt là du học Mỹ. Riêng với con thì mơ ước cũng chỉ là ước mơ vì hoàn cảnh gia đình mình. Nhưng bây giờ thì khác. Bác Kiệt sẽ biến ước mơ của con thành hiện thực. Được như vậy con nghĩ là phước phần của con là do công đức của ông bà, của ba mẹ đã tạo nên, để ngày nay con gặp được bác Kiệt. Con rất hiểu tâm trạng của ba lúc này. Ba không muốn phải thọ ơn một người nào để rồi không bao giờ trả được. Nhưng ba cứ yên tâm, khi thành tài, dĩ nhiên con không thể nào trả ơn lại cho bác Kiệt, nhưng con nguyện sẽ đem hết khả năng của mình về quê hương để giúp đỡ vô vụ lợi cho những người nghèo khổ, thực sự cần đến bàn tay của con. Đó là ước vọng của con và cũng là một cách để trả ơn bác Kiệt. Và con tin rằng ơn trên sẽ bù đắp lại cho bác Kiệt gấp bội những gì mà vợ chồng bác Kiệt đã ưu ái dành cho con ngày hôm nay.
            - Như vậy là con đã hiểu ý ba rồi. Hôm qua ba chưa kịp nói hết ý ba thì má con đã nả pháo tới tấp vào người ba. Ba chỉ mới nói một vế của vấn đề. Vế thứ hai dù ba chưa nói ra nhưng con đã hiểu, đúng là con gái của ba. Thôi kêu má con ra ăn thịt quay rồi mình bàn tiếp. Bây giờ con thích đi loại xe gì cứ cho ba biết, Dream hay Wave ?
            - Wave được rồi ba. Dream phải có bằng lái. Khi có xe con sẽ không ở trọ nữa. Sáng đi chiều về với ba má cho gần gũi để bù cho những ngày con sẽ phải xa ba má tới nửa vòng trái đất. . .
                        Lan thấy không ổn nên nói với con gái :
          - Không được đâu con. Làm như vậy mỗi ngày con phải ngồi trên xe gắn máy thêm 2 giờ, 1 đi và 1 về, lại tốn xăng nữa.
          - Má quên rằng nếu ở nhà trọ mỗi ngày con vẫn tốn 2 giờ để nấu nướng 
cộng với tiền thuê nhà mà vẫn không được ở gần ba má.
          - Thôi con cứ chọn cách nào thoải mái cho con hơn thì chọn.
    
                                        CHƯƠNG 6
  
              Ngày tháng đi qua, Bình đã nhận được tiền như Kiệt thông báo và từng bước thực hiện những việc mà Kiệt khuyên nên làm. Kiệt đưa ra chỉ có 5 nhưng Bình đã làm tới 6 việc.
        Việc thứ 6 là long trọng tổ chức lễ giỗ cha mình. Bình thuê người dựng một rạp dã chiến trước nhà với 10 chiếc bàn tròn, rượu thịt ê hề. Mời hết bà con hàng xóm láng giềng cùng các viên chức xã ấp đến dự. Khách khứa đến ai cũng bàn ra tán vô là Bình trúng số. Có người cho là Bình đi làm phụ hồ, lúc đào móng vớ được hũ vàng vv và vv. Bình thì phớt tĩnh ăng lê, và hôm nay với tư cách chủ nhà, quần áo chỉnh tề, Bình tính sẽ nổ một bữa cho bõ ghét những ngày đói rách :
          " Kính thưa bà con cô bác và chính quyền địa phương các cấp,
              Hai mươi năm qua tôi là người chỉ biết vác cái miệng để đi ăn đám giỗ chứ chưa hề làm một đám giỗ để mời cô bác. Lý do tại sao thì chắc cô bác cũng đã hiểu : gia đình tôi nghèo quá.
              Nhưng hôm nay thì khác, thưa quí cô bác, cách đây 2 tháng có một Việt Kiều từ Mỹ về có đến Văn phòng Uỷ Ban để nhờ giúp tìm tôi. Người Việt Kiều đó là thuộc cấp của một người bạn chí thân mà chúng tôi đã mất liên lạc đã 20 năm. Người bạn đó hiện giờ là kỹ sư thiết kế và vẽ kiểu cho hãng chế tạo máy bay lớn hàng thứ nhì của nước Mỹ : McDonnell Douglas. Sau khi nối lại liên lạc, vì biết tôi quá khổ nên bạn tôi đã cho tôi được một ít tiền để sửa lại căn nhà, sắm ít đồ đạc và đồng thời bảo tôi chuẩn bị giấy tờ để ảnh sẽ mang gia đình tôi sang Mỹ sinh sống. Nhưng thưa bà con cô bác, hai mươi năm qua tôi đã sống nhờ hột cơm của Rạch Bắp và sự che chở của bà con Rạch Bắp, tôi đã bén rễ sâu ở đây rồi nên tôi đã dứt khoát trả lời : không. Nếu có đi du lịch chơi cho biết đây biết đó thì đi, chứ Nguyễn thanh Bình nguyện sẽ mãi mãi cùng bà con Rạch Bắp mình sống chết có nhau và xin mời bà con nâng ly, bữa nay không say không về!"
            Bà con nhiệt liệt hoan nghênh. Chỉ có vợ Bình hôm nay mới thấy chồng mình cũng thuộc loại. . ."dóc tổ ".

            Năm 1996, một năm sau ngày Hà Nội và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao, hàng loạt các Trung tâm dịch vụ du học được mở ra ở California, Saigon, Hanoi. Kiệt đã chọn một trung tâm có chi nhánh ở cả Cali lẫn Saigon để lo hết mọi thủ tục cho Lan Anh và Kiệt là người bảo trợ tài chánh và di trú. Đậu được bằng TOEFL ở điểm score Trung Bình nhưng Lan Anh cũng trả lời khá trôi chảy những câu hỏi hóc búa của phỏng vấn viên toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon. Tháng 7/1997 Lan Anh nhận được visa du học và vé phi cơ one way SGN-LAX. Ngày lên đường là ngày . . . . . .1997. Trước ngày lên đường Bình và Lan đã tổ chức một bữa tiệc linh đình để tiễn đứa con gái cưng duy nhất lên đường du học. Trong bữa tiệc, các viên chức xã ấp, láng giềng và bạn bè của Lan Anh ai cũng vui vẻ chúc mừng pha lẫn một chút gì ganh tị và thắc mắc sao trên cõi đời này lại có những con người quá tốt như vợ chồng Kiệt. Riêng vợ chồng Bình cũng xoá đi được phần nào cái mặc cảm bất lực, không lo nổi một cách chu đáo về đời sống vật chất cho đứa con gái mới lớn so với đám bạn bè của nó. Chỉ một phần nào thôi vì thực tế cuộc sống gia đình Bình vẫn phải lệ thuộc vào sự chi viện của vợ chồng Kiệt.
              Ngày lên đường của Lan Anh là 15/8, và ngày đặt chân lên đất Mỹ cũng là ngày 15/8 sau 15 giờ bay và 2 giờ chuyển tiếp tại Taipei, vì giờ VN đi trước giờ Cali những 14 tiếng.
              Tại phi trường Tân Sơn Nhất Lan Anh ràn rụa nước mắt, bịn rịn chia tay cha mẹ, bạn bè và người thân, với lời hứa hẹn sẽ mang những kiến thức học hỏi được ở xứ người về phục vụ quê hương. Vẫy tay tạm biệt vùng trời yêu thương, nơi chôn nhao cắt rún, bỏ lại sau lưng bao nhiêu cặp mắt thèm thuồng sau cánh cửa cách ly với bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đang ước mơ có được vị trí mà Lan Anh đang hiện hữu, để đi đến một nơi Lan Anh được biết qua sách vở là một đế quốc đang giẫy chết. Nơi có giai cấp công nông bị bốc lột tận xương tủy, lãnh địa của những tên gangsters khét tiếng. Một nơi mà mỗi phút mỗi giây có bao nhiêu vụ hiếp dâm, cướp của giết người, xung đột chủng tộc. Điều oái oăm là bao nhiêu con cái mang nhãn hiệu COCC và của các đại gia thì chẳng bao giờ chịu bỏ tiền của và thời gian để đi du học ở những "Thiên đường Cộng sản" như Cuba, Bắc Hàn, hay Hoa Lục, mà cứ đổ xô vào vùng đất tư bản đang giẫy chết là Hiệp Chủng Quốc Cờ Hoa.
                Cũng ngày tháng đó, trên một múi giờ bên kia kinh tuyến gốc, vợ chồng Kiệt đã lấy mấy ngày nghỉ vacation để đón Lan Anh tại phi trường Los Angeles cũng giống như Kiệt đã đi đón Chi 19 năm về trước. Chuyến bay được biết đã đáp sớm hơn lịch trình 15 phút nhưng phải đợi khá lâu Lan Anh mới xuất hiện vì thủ tục nhập cảnh. Vợ chồng Kiệt và Lan Anh chỉ biết nhau qua mấy bức ảnh. Kiệt đoán ngay Lan Anh qua màu da bánh mật mà Kiệt tin là Lan Anh đã thừa hưởng của cha. Lan Anh thì nhận ra bác Kiệt vì bác là hiện thân của một người VN to quá khổ. Kiệt bồng Lan Anh như búp bê vì Lan Anh tuy có chiều cao nhưng khiêm tốn về trọng lượng.
                - Hai bác chào mừng con đã đến Mỹ bình yên. Và đây là bác gái của con, người đã từng là xếp của bác và ba con lúc con chưa sinh ra đời.
                - Con xin kính chào và nói lời cảm ơn đến hai bác người đã mang con đến vùng trời  mà cả bao nhiêu người trên thế giới này hằng mơ ước. Lời nói đầu tiên con muốn thưa cùng hai bác là con sẽ không bao giờ để hai bác phải thất vọng về con.
                - You' re so cute, Lan Anh, Chi lên tiếng.
                - It's very kind of you, mom. I'm not.
                - Như vậy con chịu gọi bác là mẹ rồi nhé. Ở VN con gọi cha mẹ con là ba má, thôi bây giờ con hãy gọi hai Bác là Bố Mẹ đi. Kể từ đây con là con nuôi của Bố Mẹ. Bố Mẹ không có con vậy bây giờ Bố Mẹ sẽ xem con như con ruột của bố mẹ thôi.
                - Con xin đa tạ bố mẹ.
            Cả nhà lên xe, Kiệt ngồi băng sau, Chi lái, Lan Anh ngồi bên cạnh. Khác với Chi 20 năm về trước, quá ngỡ ngàng trước những cơ sở vật chất của nước Mỹ. Lan Anh đã có bằng TOEFL, nghĩa là đã có hiểu biết về nền văn minh và đời sống vật chất của người Mỹ nên không ngạc nhiên cho lắm.
                - Nãy giờ  mẹ cũng vô tình quá quên hỏi thăm đến sức khoẻ của ba má con. Ông bà khoẻ không con?
                - Cám ơn bố mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nên ba má con cũng có điều kiện chăm sóc sức khoẻ thường xuyên nên ông bà cũng ổn.
              Thấy Lan Anh cứ nhìn mình đăm đăm, Chi hỏi :
                - Sao con cứ mãi nhìn mẹ vậy ?
                - Trong đầu con từ nãy giờ cứ thắc mắc là ở tuổi nầy mà mẹ vẫn trẻ và đẹp như thế, 20 năm về trước chắc bao nhiêu người phải chết dưới chân mẹ quá.
                - Ai chết với mẹ thì chẳng thấy chỉ thấy mẹ chết với bố con thì có.
                Nghe thế Kiệt thấy khoái nên nổ thêm :
                - Vì thế nên bố chạy qua Mỹ thì hai năm sau mẹ con cũng rượt theo và chộp được bố nè.
                - Vậy mà con cứ tưởng bố mẹ cùng đi chung một chuyến chứ.
                Xe đã về đến nhà, Chi hướng dẫn Lan Anh dọn vào căn phòng đã được chuẩn bị mấy ngày rồi, xong giục Lan Anh thay quần áo ra dùng cơm do chính Chi nấu từ sáng. Lan Anh hết sức ngạc nhiên sao ở đây có đầy đủ những thức ăn VN.
                - Lan Anh à, mẹ biết con sẽ còn rất nhiều thắc mắc, nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả. Bây giờ con hãy dùng cơm với bố mẹ, xong nghỉ ngơi lấy lại sức sau một chuyến bay quá dài, để đến chiều con phải gọi về VN để báo tin cho ba má biết đã đến nơi bình an. Bây giờ gọi cũng OK nhưng VN mới 3 giờ sáng, không nên đánh thức ba má con đang ngon giấc. Dưới cặp mắt nhìn của mẹ, một chuyên viên ngành thẩm mỹ, mẹ thấy con có 2 lợi điểm mà phụ nữ Mỹ rất thích : đó là nước da bánh mật và thân hình người ta gọi là mình dây. Người Á Đông mình thì chuộng nước da trắng mịn, người Mỹ lại thích mầu da nâu nên họ phải bỏ tiền để "get a tan". Và Mỹ là nước dư thừa thực phẩm nên chứng béo phì là một vấn nạn phải đối phó. Mỗi năm người Mỹ tốn hằng chục tỷ Mỹ Kim để hút mỡ. Số tiền đó đủ để mua lương thực giải quyết được nạn đói ở cả Phi Châu.
              Kiệt thấy Chi đang bị méo mó nghề nghiệp nên cũng góp ý :
                  - Con à, chuyện thẩm mỹ để tính sau đi. Con sang đây du học để trở thành một kỹ sư, bác sĩ hay chuyên viên kinh tế tài chánh hầu đem kiến thức chuyên môn về phục vụ quê hương. Quê hương có thể là quê hương VN hay quê hương thứ 2 là Mỹ quốc. Ngày mai sau khi lo xong những giấy tờ cần thiết, bố sẽ mua bảo hiểm sức khỏe cho con. Sau khi mọi việc ổn định bố và mẹ sẽ thay phiên dạy con lái xe. Khi có bằng lái bố mẹ sẽ mua xe cho con đi học. Mỗi tháng bố sẽ deposit vào account của con 500 USD để đỗ xăng và tiêu vặt. Nếu con biết tiết kiệm và có dư, con có thể gửi về biếu ba má con nếu con muốn. Phần con, việc đầu tiên là con phải đến những đại học cộng đồng để gặp gỡ những counselor để tham vấn những ngành thích hợp nhất cho mỗi sinh viên. Kế đến là vấn đề học phí. Ở Hoa Kỳ này từ lớp kindergarten đến lớp 12 thì Chính Phủ lo từ A đến Z. Ở cao đẳng hoặc đại học trở lên mọi sinh viên đều phải đóng học phí. Nếu không có tiền đóng học phí không có nghĩa là SV phải bỏ học. Vẫn có con đường để tiến thân :
    1. Xin tiền Pell Grant của Chính Phủ. 
    2.Vay tiền với lãi suất thấp (student loan) để đi học. Sau khi ra trường có công ăn việc làm sẽ trả dần trong 10 năm.
          Trường hợp của con thì khác. Con là du học sinh thì phải trả hoàn toàn học phí. Nhưng con không phải quan tâm chuyện đó. Bố mẹ đủ sức để lo cho con. Nhưng để tiết kiệm học phí con nên khởi đầu ở community college, sau 2 năm con transfer lên UC ở đó con sẽ lấy bằng cử nhân (BA hoặc BS). nếu muốn con có thể tiếp tục học để lấy bằng Master hay PhD. Một điều bố cũng muốn lưu ý là người Mỹ rất coi trọng thể dục thể thao và hoạt động xã hội (social activities). Điểm ở lớp có cao mấy chăng nữa, thiếu hai thứ đó con cũng khó vào được những đại học lớn.
            - Bố à, nếu như con muốn vừa đi học vừa đi làm để nhẹ gánh cho bố mẹ có được không bố ?
            - Không con à. Vì visa của con là F-1 student visa con không thể xin việc làm. Đó là luật, không có ngoại lệ. Và trước khi lên đường sang Mỹ con đã có một khái quát về một ngành nào mà con cho là ước vọng của con không ?
            - Xin thưa với bố mẹ rằng ước mơ của con sẽ trở thành một bác sĩ nội khoa, mà nơi mà quê nghèo của con vẫn đang cần.
              - Chắc con biết là người Mỹ có câu : Where there's a will, there's a way. Vấn đề ở chỗ là con có đủ quyết tâm và nghị lực để đi trên con đường đó hay không, con đường mà bố tin rằng sẽ không bằng phẳng như Cụ Nguyễn Khuyến nhà ta từng nói :
                            Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, 
                            Anh hùng hào kiệt có hơn ai.  
              Không có vinh quang nào mà không trả giá hết con à. 
              Chiến đấu không gian nan thì chiến thắng không bao giờ vinh hiển.
              Đó là những lời bố mẹ muốn nhắn nhủ với con trong ngày đầu tiên con đặt chân trên đất nước mà cánh cửa cơ hội luôn rộng mở cho những ai muốn dấn thân để đi tìm một chân trời mới.
              Bố mẹ cũng nói trước với con là : đã coi con là con theo đúng nghĩa của nó, và chuyện con cái lầm lỗi là chuyện không thể tránh, nếu bố mẹ có la rầy con thì cũng vì muốn tốt cho con thôi, không có lý do nào khác. Ngược lại nếu có điều gì con không hài lòng về bố mẹ, con hãy mạnh dạn nói ra để tạo một không khí luôn cởi mở trong gia đình, đó là điều mà bố mẹ luôn mong mỏi. Hoa Kỳ là xứ sở của Tự Do và Nhân Bản, không ai có thể dùng quyền hành để áp đặt quan điểm của mình lên người khác, ngay cả cha mẹ đối với con cái. Và giờ phút này bố cũng không muốn con vứt ngay vào sọt rác những kiến thức mà con hiểu về nước Mỹ qua những bài học chính trị Marx-Lenine, mà hãy đem nó để so sánh với thực tế trước mắt, suy luận và phân tích để tìm ra chân lý. Những cái phi lý và không tưởng sẽ bị đào thải trong con một cách tự nhiên. Ngay trong lớp học, con cũng có quyền tranh luận với giáo sư một cách  bình đẳng về một cái  issue nào đó. Nếu con thấy họ có lý hơn, con nên học hỏi, và ngược lại, nếu con có lý hơn, họ cũng sẵn sàng tiếp thu để bổ xung kiến thức cho nhau, góp phần làm xã hội thăng tiến. Qua đó con sẽ tự giải đáp được câu hỏi tại sao các đại học Mỹ là nơi đã cống hiến nhiều nhất cho nhân loại những khám phá và phát minh làm thay đổi bộ mặt thế giới.

                                                  CHƯƠNG 7
      
              Bốn năm sau. . . .
              Lan Anh  đang học năm cuối của chương trình BS tại Đại Học UCI, California chờ thi MCAT. Một hôm đang ngồi học tại thư viện cạnh một anh chàng Mỹ trắng. Thấy anh chàng này cứ hay nhìn trộm mình, Lan Anh định dời chỗ. Vừa xếp quyển sách thì anh chàng lên tiếng :
              - Hello! Kamusta? Lan Anh chả hiểu nên đáp lại bằng Anh ngữ :
              - Xin lỗi. Tôi không hiểu.
              - Xin lỗi. Tôi tưởng cô em là người filipino nên tôi nói "chào cô, cô khoẻ không" bằng tiếng Tagalog. Vậy chẳng hay cô em là người nước nào ?
              - Tôi là người Việt Nam.
              - Hân hạnh được biết cô em. Tôi là Peter Smith. Cô em có thể cho biết tên được không ?
              - Tôi tên là Lan Anh. Nhưng sao anh lại nghĩ tôi là người Phi?
              - Người Phi có màu da như cô, mắt to, rất đẹp và duyên dáng.
              - Cám ơn câu tán gái rất khéo của anh. Nhưng tiếc là tôi đã có bạn trai rồi.
              - Không sao. Người đẹp như cô nếu chưa có bạn trai mới là lạ. Vậy hôm nào cô giới thiệu bạn trai của cô với tôi được không?
              - Để làm gì?
              - Để tôi năn nỉ anh ấy nhường cô lại cho tôi. Có thể ảnh sẽ không chịu, nhưng tôi cứ theo năn nỉ mãi rồi có lúc ảnh sẽ xiêu lòng. Tôi rất tự tin ở tính kiên nhẫn có thừa của tôi.
              - Kiên nhẫn như anh là tốt đấy. Nhưng nếu ảnh chịu mà tôi không chịu thì sao?
              - Nếu vậy thì tôi có thêm cơ hội để thử thách tính kiên nhẫn của mình một lần nữa. Và tôi cũng tin là tôi sẽ thành công.
              - Anh dựa vào đâu để quá tự tin như vậy?
              - Tôi có mấy anh bạn trong lớp người VN họ dạy tôi là "đẹp trai không bằng chai mặt". Cô em thấy, tôi đã vừa đẹp trai lại vừa chai mặt, thế mới khổ cái sự đời chứ! Và như cô em còn nhớ, lúc nãy khi thấy tôi nhìn trộm cô, cô định quay mặt bỏ đi cho khuất mắt cái bản mặt dễ ghét của tôi. Nhưng cũng nhờ cái mặt chai này mà tôi đã giữ chân cô em lại để có được dăm ba phút gọi là "làm quen", rồi được biết tên cô em nữa. Vậy là tôi đã quá thành công rồi, có phải không cô em xinh đẹp mang tên Lan Anh kia ?
              - Cái miệng của anh quả là đáng sợ thật. Lúc nãy tôi chỉ đùa với anh thôi chứ tôi chưa có bạn trai chỉ vì muốn đầu óc thảnh thơi, dễ tập trung vào việc học, nên anh cũng đừng đặt hy vọng nhiều ở tôi.
              - Thôi thì nếu cô em không quá khắt khe thì Peter sẽ là một người bạn đúng nghĩa, một close friend, của Lan Anh được không ?
              - Welcome!
              - Vậy đây là số phone của Peter. Peter hy vọng nó sẽ là nhịp cầu để Peter có thể trao đổi và học hỏi ở Lan Anh và ngược lại.
                                                  x x x x x x x
              Đêm trước ngày thi MCAT(Medical College Admission Test) Lan Anh có hơi căng thẳng vì kỳ thi nầy sẽ quyết định đóng hay mở cửa cho mình đi vào lãnh vực y khoa. Lan Chi thấy vậy cũng góp ý cùng Lan Anh :
              - Mẹ không biết là thi MCAT con có phải gặp những câu trick questions hay không, chứ hồi mẹ thi AA in Cosmetology mẹ bị hố rất nhiều. Chẳng hạn :
        ?Pedicure có liên quan tới :
                  a. Podiatry
                  b. Pediatrics
          Lúc đó mẹ không hiểu podiatry lẫn pediatrics là gì. Nhưng thấy Pedicure và pediatrics đều có ba chữ đầu là PED nên mẹ khoanh chữ (b), rốt cuộc mẹ bị out. Đó là kinh nghiệm mà con nên để ý.
          Kiệt nghe thế cũng góp thêm 2 câu chuyện mà chính người trong gia đình bị hố khi đi thi tại VN :
                - Hồi thập niên 50-60, sau khi học hết đệ tứ (lớp 9), học sinh phải thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đến môn Pháp Văn, cô Anh Thư nhà ta gặp 1 cái đề luận bằng tiếng Pháp : Fatigue'  par une longue route, vous vous arretez devant une auberge, decrivez-la. Có nghĩa là : sau một hành trình mệt mỏi, bạn dừng chân trước một lữ quán, hãy tả cái lữ quán đó. Nhưng cô lại nghĩ rằng auberge là con chó berger nên đã tả cái lữ quán với 4 chân, biết mừng rỡ khi gặp người thân, biết sủa khi gặp người lạ, biết lè lưỡi khi trời nóng v.vv...Cô tả rất hay nên thay vì bị zero thì cô được 1 điểm an ủi và không bị loại.
                Hai năm sau đó ba của bố vì muốn thăng ngạch công chức ông cũng phải thi bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Kỳ đó ông gặp một đề luận Việt Văn như sau :
                  Ngạn ngữ Trung Hoa có câu :
        "Sự học như chiếc thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi." Hãy bình luận câu ấy.
                Hôm đó ông cụ mắt nhắm mắt mở như thế nào mà ông đã đọc thành :
        "Sự học như chiếc thuyền trên dòng nước ngược, không TIỀN ắt phải lùi."
                Thế là ông được một phen tha hồ phê phán xã hội : Xã hội bây giờ là xã hội kim tiền, có tiền mua tiên cũng được ; nén bạc đâm toạc tờ giấy ; vai mang túi bạc kè kè, nói bậy nói bạ người nghe ào ào ; có tiền thằng ghiền cũng làm quan. . . Và ông cụ đã kết luận :  
                  Văn chương chữ nghĩa có hay,
              Không tiền không thế đố mày làm nên!

              Kết quả là ông bị đánh rớt và bị cấm thi 2 năm.
                  Nghe vậy Lan Anh bật cười và nói :
          - Bố yên chí, tiếng Anh không có dấu như tiếng Việt đâu bố.
          - Bố mẹ chỉ muốn nhắc con nên cẩn thận, đừng chủ quan. Một chuyện nhỏ như dấu sắc dấu huyền cũng có thể ảnh hưởng cả cuộc đời đó con.
          - Dạ, con hiểu.

                    Tuần lễ sau Lan Anh nhận được kết quả MCAT được 13/15, và Peter được 14/15. Cả hai cùng vui mừng và đã apply hầu hết các trường y khoa nổi tiếng của Mỹ. Sau đó Peter đến mời gia đình Lan Anh đi ăn mừng tại nhà hàng Norms nhưng Kiệt từ chối và nói :
            - Cám ơn con. Để con và Lan Anh đi cho tự nhiên. Khi nào cả hai đứa đều được nhận vào một trường y nào đó thì 2 bác sẽ cùng đi với tụi con. Và tụi con nên nhớ rằng đường còn rất dài và gian nan. Quan trọng nhất là sau khi xong đại học tụi con phải được một bệnh viện nào đó nhận vào Residency hoặc Fellowship. Và còn một cửa ải cuối cùng đó là thi state board. Đó là những chặng đường mà ai cũng phải một lần bước qua để trở thành một bác sĩ trên đất nước Hoa Kỳ này. Bác mong mỏi ngày ấy sớm đến với tụi con và phần thưởng của 2 bác dành cho tụi con là 2 vé du lịch Hawaii.
              - Cám ơn bố mẹ. Xin phép bố mẹ con và Peter đi ăn.
              - OK. Have fun.
            Cả hai bước ra xe, Peter nhường tay lái cho Lan Anh khiến cô nàng ngạc nhiên :
              - Sao anh không lái ?
              - Chỉ trong lúc em lái xe anh mới được ngắm em thoải mái. Để anh lái làm sao vừa lái vừa ngắm được, nguy hiểm lắm.
              - Thì cứ để lúc khác hãy ngắm không được sao?
              - Có lúc nào em để cho anh ngắm đâu. Trong thư viện thì em bảo làm em bị phân tâm. Nhìn trộm thì em bảo là không đứng đắn. Ngắm lúc em ăn thì bị rầy, bảo làm người ta ăn mất ngon thì anh còn cửa nào để ngắm nữa.
              - Thì ra em cũng khắt khe với anh quá nhỉ. Thôi em xin lỗi. Nhưng em có gì để anh thích ngắm giữ vậy ?
              - Anh cũng không biết giải thích tại sao anh cứ thích nhìn em mãi, nhìn hoài không chán. Em có biết không, trước khi quen được em anh đã trộm nhìn em bao nhiêu ngày quên cả sách vở trước khi bị em bắt gặp. Từ ánh mắt u buồn, nụ cười má lúm đồng tiền, đến bàn tay đưa lên vuốt mái tóc nghiêng nghiêng, tất cả đã làm tim anh thổn thức. Với câu hỏi của em thì Pascal nếu có sống dậy cũng chỉ nói được là vì con tim có những lý lẽ riêng của nó thôi và xin em đừng hỏi tại sao.
            - Người đẹp nào cũng có tính tự phụ và kiêu hãnh. Em biết em không đẹp nên em không dám kiêu hãnh đâu. Tuy nhiên nhiều người cho rằng em rất có duyên, mà cái duyên là cái có sức quyến rũ mạnh và bền bỉ hơn cái đẹp. Cái đẹp chỉ có giá trị ở buổi ban đầu. Cái duyên sẽ sống mãi với thời gian. Em đã dùng cái lợi thế đó để ăn hiếp anh. Ngược lại anh cũng đã hiểu được tính em nên đã biết nhúng nhường, biết chiều chuộng em. Hay nói cách khác là hai đứa đã hiểu nhau. Và bây giờ em sẽ coi anh là boy friend chứ không đơn thuần là close friend nữa. Anh chịu hôn?
            - Hôm nay là một ngày tuyệt vời trong đời anh.
            - Để chuộc tội vì đã không phải với anh, bây giờ em cho anh hôn em đó. Hôn thoải mái đi cho bõ những ngày khao khát môi em.
          Peter bấm nút hạ lưng ghế của Lan Anh, ôm sát cô nàng vào lòng nuốt trọn cả đôi môi khiến Lan Anh muốn ngộp thở, giẫy giụa, Peter mới chịu buông, và nói : 
            - Hôn em nụ hôn này anh sẽ no hết ngày hôm nay không cần ăn nữa!
            - Em chỉ mong anh nói thì phải giữ lời.
            Lan Anh nổ máy xe và trực chỉ nhà hàng Norms
            Ngồi vào bàn cô nàng gọi 1 beefsteak New York, 1 coke cho nàng, 1 chicken salad và 1 chai beer cho Peter. Peter nói :
            - Cám ơn em đã hiểu ngôn ngữ của tình yêu, đã không buộc anh giữ lời mà còn gọi cho anh đúng món anh thích.
          
            Một tháng sau cả hai đều nhận được thư báo của các trường Y Khoa. Ở California nói riêng, Lan Anh được 2 trường nhận : UCI và UCSD. Peter được nhận bởi UCLA và UC Berkeley. Dĩ nhiên Lan Anh sẽ chọn UCI để được gần nhà còn Peter rất buồn vì không được chung trường với Lan Anh nữa, đành bóp bụng chọn UCLA, dù sao vẫn gần UCI hơn là UCSD.
  
            Có lẽ Trời cũng xót thương cho 2 kẻ yêu nhau, nên 3 năm sau cả 2 đều được nhận Nội trú tại bệnh viện UCI. Residency cho Lan Anh và fellowship cho Peter.  Vì Lan Anh theo ngành Nội khoa (internal medicine) và Peter chọn Ngành Ung Bướu (oncology). Như thế thì ngày ra trường của 2 đứa sẽ cách nhau một năm nên Kiệt đã đề nghị thay vì tặng 2 vé du lịch Hawaii, Kiệt muốn cho 2 vé để về thăm cha mẹ ở VN trước khi vào nội trú vì Lan Anh cũng đã xa cha mẹ ruột đã 7 năm. Nhưng Lan Anh muốn từ chối :
                - Bố à, bố mẹ đã hi sinh cho con quá nhiều rồi, giờ đây con cảm thấy nên tiết kiệm những chi phí không phải là tối cần thiết vẫn tốt hơn bố à.
                - Bố biết con rất nhớ ba má con nhưng con vẫn cố nén trong lòng. Thôi cũng được đi. Nhưng con có hiểu được cái cảm xúc của ba má con khi nhớ con không? Ba má con chắc chắn nhớ con nhiều lắm, nhiều hơn con nhớ họ. Do đó hay nhất là nên về một chuyến đi con. Bảy năm rồi còn gì. Bố mẹ không bao giờ khuyên con làm những chuyện vô bổ đâu. Vật chất thiếu ta có thể dùng tiền để mua được, nhưng tình cảm thiêng liêng cha mẹ con cái đâu thể lấp đầy bằng tiền bạc được con.
                - Nếu bố khuyên như vậy thôi thì con sẽ về nhưng chỉ một mình con thôi, tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng đó bố à.
                - Bố đã hứa cho tụi con 2 vé đi Hawaii, nếu không đi Hawaii thì đi VN cũng vậy thôi con à. 
                - Con xin cảm ơn bố mẹ và để con hỏi ý của Peter xem sao.
          Peter thấy đây cũng là dịp tốt để Peter được sánh vai cùng Lan Anh đi về một miền đất xa xôi mà Peter đã từng nghe cha mình hay nhắc đến thời trai trẻ, khi đó ông đang phục vụ tại Sư Đoàn 1 không kỵ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Peter nói với Lan Anh :
                - Honey à, đôi lúc chúng ta sống không chỉ cho mình mà còn vì tha nhân. Nếu anh và em thực hiện chuyến đi này thì chắc chắn sẽ làm cho 4 người được vui. Và anh cũng nghĩ có người con gái Việt Nam nào lại không vui khi gặp lại cha mẹ ruột của mình sau 7 năm xa cách.
                - Được rồi, hai đứa cùng đi, nhưng em nói trước cho anh biết là về VN em sẽ không ở khách sạn, mà ở nhà cùng cha mẹ em. Nhà em ở VN thì tiện nghi rất thiếu thốn, không phải như một ngôi nhà ở Mỹ đâu. Còn nếu anh muốn ở khách sạn thị mọi sự di chuyển đi lại anh phải tự túc, em không có thì giờ để đưa rước anh, vì nhà em ở tận trong quê, rất xa Thị Xã. Anh hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.
                - OK. Anh sẽ đi, sẽ ở bên cạnh em suốt cuộc hành trình dù phải đi vào hang cọp. Phương châm của anh sẽ là patient and quiet.
                - Very good. Let's go!
                                          x.                    X                  x
                Sau chuyến bay dài 18 tiếng của hãng hàng không Eva, quá cảnh Đài Loan, Lan Anh và Peter đã đáp xuống Tân Sơn Nhất vào một ngày mùa hè 2005. Peter rất khó chịu trước thái độ vòi tiền của công an và quan thuế VN đối với người VN. Nhưng họ lại không khó dễ gì với một người Mỹ như Peter. Vì muốn tạo bất ngờ cho cha mẹ nên Lan Anh đã không báo trước. Bước ra khỏi sân bay cả 2 bị cái nóng táp vào mặt nhưng cố gắng chịu đựng. Một vài người tài xế taxi đến mời, Lan Anh hỏi anh chàng đầu tiên mời  :
                - Về Rạch Bắp Bình Dương, khoảng 60 km mất bao nhiêu?
                - Dạ chúng tôi lấy tiền theo đồng hồ ạ.
                - Xin lỗi chúng tôi không dám tin vào đồng hồ, anh cho biết giá bao nhiêu để chúng tôi quyết định.
                - Cô cho tôi xin 1 triệu được không ? Khoảng 50 đô la đó cô.
                - OK. Anh chất dùm hành lý lên đi.
            Xe bắt đầu lăn bánh ra khỏi cổng phi trường, cả hai ngồi phía sau xe cứ nhấp nhỏm đạp "thắng gió" trước cảnh chạy xe vô cùng bát nháo của Saigon. Một lượng xe gắn máy vô số kể, đủ mọi loại tiếng còi tiếng kèn, Lan Anh bịt kín 2 lỗ tai thì ngược lại Peter rất thích vì chưa bao giờ anh ta chứng kiến cảnh này. Peter chỉ từng đi du lịch ở Âu Châu và Canada, cũng không khác Mỹ nhiều lắm. Hôm nay đến VN quả thật thú vị đối với Peter. Đoạn đường theo Lan Anh nói, khoảng 40 miles nhưng phải mất hơn 2 giờ mới đến. Peter cũng ngạc nhiên vì khoảng cách có vài chục miles nhưng đã khác nhau một trời một vực. Khung cảnh ở đây rất nghèo nàn nhưng yên tĩnh.
            Hai vợ chồng Bình đang nghỉ trưa bỗng thấy một chiếc taxi chạy vào sân. Hai người bước ra thì thấy một người Mỹ bước xuống trước và nói : Hello Mom and Dad. Kế đến là Lan Anh chạy vào ôm cha và mẹ :
                - Ba má khoẻ không ? Và không nói thêm được gì nữa.
                - Trời ơi, sao con về mà không báo trước để ba má xuống phi trường đón con ? Lan trách con gái.
                - Con muốn dành sự bất ngờ cho ba má.
          Bình chỉ Peter và hỏi ai đây ?
                - Dạ đây là Peter, Bạn học cùng lớp với con. Bố Kiệt bảo hắn đi theo để bảo vệ con đó ba.
                Lan Anh vừa nói vừa đưa cho anh taxi tờ 50 đô kèm theo 5 đô tiền tip. Anh Cám ơn rối rít và lui xe.
            Peter xách những valise vào nhà. Lan Anh ra sau nhà rửa mặt và lấy đồ cho Peter thay ra vì trời quá nóng. Lan mở tủ lạnh lấy đá làm nước cho hai đứa uống và nghe  nói về mục đích của chuyến đi. Niềm vui đến bất ngờ, Lan quá sung sướng khi thấy con mình đầy đặng, trắng trẻo và khoẻ mạnh hơn và trong lòng vẫn thắc mắc về quan hệ giữa Lan Anh và Peter.
            Bình thấy trời đã xế chiều, nhà mình hôm nay có một người khách lạ, một người Mỹ, cũng hơi lo ngại vấn đề an ninh nên khuyên Lan Anh mang giấy tờ và dẫn Peter ra công an xã đăng ký tạm trú để yên tâm. Lan Anh đẩy chiếc wave ra, nổ máy và bảo Peter lái. Chạy ra khỏi nhà gặp mấy đứa trẻ nhìn Peter miệng hô : Liên Xô, Liên Xô! Peter hỏi Lan Anh xem bọn trẻ nói cái gì thế ?
          - Chúng tưởng anh là người Nga.
          - Trời đất!
            Đến Uỷ Ban Xã mọi người nhận ra Lan Anh nên ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm về đời sống bên Mỹ. Một số thực tập tiếng Anh với Peter. Lâu ngày gặp lại, câu chuyện kéo dài như vô tận, khiến Lan Anh phải cáo lỗi để dẫn Peter sang ban công an đăng ký tạm trú kẻo hết giờ. Công An chỉ hỏi mục đích chuyến đi, thời gian tạm trú và đóng dấu vào visa và dặn khi rời nơi tạm trú chỉ cần báo cho công an bằng điện thoại cũng được.
            Lúc 2 đứa đã đi Bình cũng dặn vợ đừng thắc mắc về quan hệ của hai đứa nữa. Chúng nó đang sống ở một đất nước văn minh nhất địa cầu mà lại là những chuẩn bác sĩ, chúng có đủ bản lĩnh và trí khôn để chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Bình thì biết Lan Anh thích món vịt đồng luộc chấm nước  mắm gừng nên đã đun nồi nước sôi để sẵn và chạy đi mua vịt ngay.
              Lan Anh và Peter về đến nhà thì món vịt luộc đã sẵn sàng trên bàn tròn bên cạnh nồi cháo vịt bốc khói. Hôm nay Bình cũng muốn đãi người khách mắt xanh tóc vàng nầy món ăn mà con gái mình thích nhất với rượu nếp chánh hiệu, đặc sản mà dân bợm thường gọi là nước mắt quê hương hay whiskey Bà Quẹo để đối đầu với "Đế Quốc Doanh".
              Cả nhà ngồi vào bàn và Bình đã tuyên bố khai mạc buổi tiệc "tuy đơn sơ nhưng không kém phần . . .đạm bạc!" bằng tiếng Anh mà Bình đã bỏ không dùng 30 năm nay. Bình mời Peter nâng ly rượu đế. Trước khi uống Peter muốn biết tên loại rượu mình sắp uống, Bình bí quá nói đại là : "King Wine!" Peter nốc hết một ly xây chừng, để ly không xuống bàn, tay trái vuốt ngực lia lịa, tay phải giơ ngón cái lên trời, miệng khè như rắn hổ, vừa nuốt nước bọt vừa nổ : King wine! So hot, but good, good! Lan Anh thì cứ thoải mái đớp một cách khoái khẩu món vịt luộc chấm  nước mắm gừng. Thấy con ăn một cách thèm thuồng Lan mới hỏi :
              - Bên Mỹ không có món nầy sao con ?
              - Dạ có chứ má, nhưng con vịt rất to, mỡ rất dày mà thịt thì lạt phèo, chả ngon lành gì hết mẹ à.
                Bên cạnh thì ông già vợ và chàng rể tương lai đang so sánh King Wine với Vodka của Nga cũng bên tám lạng bên nửa cân, đến khi chai rượu 1 lít còn non một phần ba thì hai anh hùng hảo hán nầy đều nằm chỏng gọng trên bộ divan ngáy như còi hụ. . .Lan Anh phải căng mùng cho 2 "bố con" nếu không đám muỗi sẽ được một đêm "đại táo".
                Lan Anh vào ngủ chung với mẹ và trút hết những tâm tư tình cảm với mẹ sau 7 năm xa vắng.
                Lịch trình của Lan Anh là sẽ ở nhà cùng cha mẹ 2 ngày, sau đó sẽ cùng Peter đi thăm bà con và bạn bè thêm 2 ngày nữa. Kế đến sẽ cùng ba mẹ lên Đà Lạt nghỉ mát vài ngày, rồi trở lại Bình Dương chuẩn bị về Mỹ. Nhưng kế hoạch thất bại vì ngay ngày hôm sau, có lẽ vì thịt vịt và rượu đế, Peter bị Tào Tháo rượt liên tục, không cách nào cầm được. Thấy không ổn, Lan Anh gọi taxi đưa Peter vào bệnh viện Bình Dương để vô nước biển vì mất nước quá nhiều. Sau mấy ngày điều trị , Peter thấy tạm ổn và hối Lan Anh gọi hãng hàng không đổi chuyến bay để về Mỹ sớm hơn. Đại diện hãng ở Saigon nói OK nhưng phải trả phụ phí 400 USD cho 2 vé. Lan Anh cancel và gọi thẳng về Mỹ cho bố Kiệt. Kiệt gọi cho đại lý của hãng tại Mỹ và được đổi ngày về "free", không tốn một xu nào cả.
                    Trong lúc Lan Anh và Peter đang ở VN thì tại Mỹ người cắt cỏ nhà Kiệt bỗng nhiên biệt tăm. Kiệt đành phải xem trên báo Người Việt để tìm người thay thế. Kiệt đọc thấy mục Landscaping : chuyên cắt cỏ, làm landscape. Việc làm kỹ lưỡng, giá đồng hương. Gọi Danny Lê (714).. . . . . . . .Sẵn ngày chủ nhật Kiệt gọi ngay để thương lượng. Một tiếng sau có một người đến tự xưng là Danny Lê. Kiệt mời ra phía sau xem diện tích xong ngồi tại patio để nói chuyện. Kiệt nghe giọng nói anh này quen quen nhưng nghĩ mãi không ra nên đành dùng kế :
              - Anh Danny à, về giá cả thì tôi không để anh thiệt đâu. Tuy nhiên đã làm cho tôi thì ít nhất tôi phải biết anh là ai. Phiền anh cho tôi mượn driver license của anh có được không.
              - Chuyện nhỏ mà. 
                Kiệt cầm bằng lái vào trong xem và thấy tên hắn là Le Danny Toai, Kiệt nhớ ra liền và đến hỏi Chi :
              - Em còn nhớ tên lão Toại Bí thư ngày xưa là gì không ?
              - Dạ, em nhớ chứ, tên lão là Lê Danh Toại.
              - Vậy đúng là lão rồi. Lão đang ở phía sau nhà mình. Anh tìm người cắt cỏ trên báo và gọi thì vô tình gặp hắn. Nhưng em hãy bình tĩnh, hắn bây giờ có còn gì để mình bắt hắn phải trả đâu.
            Hai vợ chồng Kiệt ghi xong những information trên bằng lái và bước ra sau trả lại cho hắn. Trông hắn già và tàn tạ quá, nếu ngoài đời gặp hắn Chi sẽ không tài nào nhận ra. Chi lên tiếng :
              - Chào anh Toại, anh nhận ra tôi không?
              -  Ồ! Chào Chi, cô không khác gì ngày xưa mấy nên tôi nhận ra ngay.
            Chi chỉ Kiệt và hỏi :
              - Thế còn người này?
              - Bây giờ thì tôi nhận ra rồi. Qua hình ảnh của Chi thì tôi mới liên tưởng  đến anh Kiệt và đã nhận ra rồi.
              Chi cũng muốn biết chuyện gì xảy ra sau khi Chi rời khỏi sở Thuỷ Lợi Sông Bé nên sẵn dịp hỏi luôn :
              - Sau khi tôi rời Sở Thuỷ Lợi thì anh còn tiếp tục bao lâu nữa ?
              - Chắc cô còn nhớ trước khi cô bị tôi khai trừ ra khỏi Đảng cô có báo cáo việc làm của tôi lên Tỉnh Uỷ. Từ đó họ cho người theo dõi tất cả mọi hoạt động của Sở, vì tôi là bí thư chi bộ. Sáu tháng sau Sở bị thanh tra và lòi ra bao nhiêu vật tư thất thoát, trên giấy tờ là cho công trình Suối Sâu, nhưng lên tận công trình để thanh tra thì chứng cứ đã rành rành. Tôi bị khai trừ và bị 3 năm tù. Giám đốc Du đỗ lỗi cho tôi vì tôi là người chỉ đạo hắn làm nên hắn chỉ bị khiển trách và chuyển về làm phó giám đốc công ty Du Lịch Sông Bé. Ba Đạt trưởng phòng Tổ Chức về làm Liên Hiệp Xã Tỉnh. Riêng tôi sau khi ra tù còn một ít tiền nên đã tìm cách vượt biên. Tôi đến Mỹ năm 1985 và ở Cali  cho đến giờ.
              Kiệt nghe thế cũng hơi khó chịu nên hỏi Toại : 
                - Hồi xưa anh thường chửi chúng tôi là bọn ôm chân Đế Quốc, thế sao bây giờ anh lại vác cái mặt qua đây với ý đồ gì ? Có phải anh nhận nhiệm vụ của Đảng trà trộn trong số người tỵ nạn để thực hiện mưu đồ đen tối nào đó phải không ?
              -  Không phải đâu anh Kiệt à. Sự thật là sau năm 1975 thì chúng tôi đều nhận ra chân giả, đâu là chính, đâu là tà rồi. Nhưng có điều ai cũng nghĩ mình đã vây máu thì phải được ăn phần. Những kẻ nào còn phần ăn thì cứ bám víu để ăn, kẻ mất phần thì lên tiếng chửi bới để được tiếng là phản tỉnh, yêu nước thương dân nhưng thực chất toàn là một lũ giòi bọ thi nhau đục khoét trên thân thể héo mòn của mẹ Việt Nam bất hạnh.
                - Theo chỗ tôi biết thì Mỹ không cho những người Cộng sản được nhập cư, trừ những người đã phản tỉnh và bị Cộng sản ngược đãi. Vậy thì làm sao anh có thể nhập cư vào Mỹ được ?
                - Lúc tôi vượt biên thì tôi không còn là Đảng viên nữa.
                - Như vậy chắc chắn là anh đã dấu, hay nói cách khác anh đã man khai lý lịch để được vào Mỹ. Dù anh không còn là Đảng viên, nhưng là cựu Đảng viên, bị khai trừ vi tham ô và từng bị tù vì tham ô thì không thể nào anh được nhập cư vào Mỹ. Anh có biết nếu bây giờ tôi gọi lên homeland security thì cầm chắc là anh bị trục xuất và chắc chắn nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không nhận anh, và anh sẽ rũ xương trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương. Anh có tin là tôi sẽ làm được chuyện đó không?
                - Hồi xưa tôi đã gây nhiều tội lỗi, bây giờ tôi phải gánh lấy hậu quả thôi. Nếu anh thương thì tôi nhờ, anh ghét thì tôi chịu thôi chứ tôi cũng dám than vãn gì nữa cả.
                - Những người Cộng sản các anh khi chiếm được Miền Nam đã trả thù Quân đội Miền Nam một cách rất hèn hạ. Nhưng người lính QLVNCH chúng tôi thì không bao giờ đánh người ngã ngựa. Chúng tôi lấy ân đền oán chứ không lấy oán trả oán đâu. Nói là nói để anh hiểu được vấn đề thôi. Bây giờ tôi với anh đều là những người VN trên đất Mỹ, ai cũng muốn mưu tìm một cuộc sống đúng nghĩa của một con người, được quyền sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc.
                  Trước anh cũng có người đến đây cắt cỏ, mỗi tháng 2 lần. Tôi trả họ 500 đô/ năm. Nếu anh thấy được thì cứ làm, và nếu anh làm kỹ lưỡng tôi sẽ giới thiệu nhiều người ở trong neighborhood để có thêm việc cho anh làm.
                - Tôi rất cám ơn tấm lòng quảng đại của anh chị. Tôi sẽ cố gắng làm tốt để anh chị sẽ không thất vọng về tôi.
                - Được rồi, tôi sẽ viết cho anh cái check 250 USD ứng trước ngay bây giờ và anh có thể bắt đầu làm việc ngày mai.

                                          CHƯƠNG 8
                  Ba năm sau. . . .
                  Sau những năm tháng miệt mài ở bịnh viện UCI, Lan Anh đã hoàn tất chương trình Residency, thêm 6 tháng học ngày học đêm, từ nhà đến thư viện cô nàng cũng đã passed kỳ thi State Board của California và chính thức trở thành một MD về internal medicine. Peter nghe tin và vô cùng phấn khởi đến chúc mừng Lan Anh và chia vui cùng bố mẹ Kiệt và Chi, đồng thời cũng muốn biết những dự tính của Lan Anh sắp tới. Nhưng Peter vô cùng thất vọng khi nghe Lan Anh nói :
            - Peter à, sau khi suy nghĩ kỹ và đã bàn với bố mẹ, em quyết định sẽ trở về làm việc tại VN. Bố mẹ cũng để cho em tự quyết định tương lai của chính mình.
            - Oh my God! Lan Anh, em có đùa không ?
            - Em không đùa đâu anh. I mean what I say!
            - Trời ơi, Lan Anh, em đi rồi làm sao anh sống nổi khi thiếu em trong cuộc đời ? Em có hiểu được điều đó không ?
            - Peter à, cả anh và em, khi bước vào ngành y, đều đã chọn cho mình một lý tưởng cao đẹp đó là phục vụ tha nhân. Vậy thì hãy đừng để tình yêu làm mờ đi lý tưởng đó. Hơn nữa, trong buổi đầu gặp anh em đã bảo anh đừng kỳ vọng nhiều ở em. Em nghĩ anh vẫn chưa quên.
            - Lan Anh à, dù ở đâu, Mỹ Quốc hay VN, em đều có thể đem tài năng của mình để phục vụ tha nhân được mà.
            - Em đồng ý với anh điểm đó, nhưng ở VN người ta cần em hơn.
            - Nhưng em nên hiểu VN bây giờ đang bị thống trị bởi một Đảng độc tài, như một đám mây đen bao phủ cả bầu trời mà chưa một ngọn gió nào có thể xua tan cái bóng đêm tăm tối đó. Em nghĩ một con én như em có thể đem lại mùa Xuân sao ?
            - Một danh nhân của phương Tây đã nói : "thà thắp một ngọn nến còn hơn đứng đó mà nguyền rủa bóng tối". Em sẽ là ngọn nến đó thôi chứ em không có tham vọng mang lại cả mùa Xuân. Anh đã đến quê em, một quê hương nghèo khổ, nơi có những trẻ thơ lang thang kiếm sống bằng nghề bán vé số, đánh giày, hoặc phải chăn trâu ngoài đồng ruộng, không được cắp sách đến trường. Có những thương binh của Quân đội Miền Nam trước đây, mù loà, thương tật không nơi nương tựa, bị bạc đãi. Tất cả họ đều cần bàn tay của em. Bản thân em ngày xưa cũng sống trong những hoàn cảnh đó, nhưng em đã may mắn hơn khi trên đời này em còn có những người như bố Kiệt và mẹ Chi để em có được ngày hôm nay. Vì vậy em phải làm một cái gì đó để đáp lại cái ơn sâu nghĩa nặng mà bố mẹ đã ban cho. Cái mà bố mẹ muốn em làm để trả ơn bố mẹ không phải là mang lại bao nhiêu tiền tài vật chất mà chính là bao nhiêu mảnh đời bất hạnh mà em đã xoa dịu được trong cuộc đời này.
            - Anh cũng không biết còn lời nào cho em lúc này. Thôi hãy cho anh cơ hội tiễn em tại sân bay.
                Ngày Lan Anh ra đi Kiệt và Chi cũng không muốn bịn rịn tiễn đứa con nuôi mà hai vợ chồng cưng như con ruột, trở về cố quốc để thực hiện những ước mơ của mình, và cũng để hai trẻ yêu nhau được tự nhiên đưa môi cắt đứt cuộc tình dị chủng mà những tưởng sẽ đi bên nhau đến cuối đường hạnh phúc, nên hai người đã vắng mặt. Chi Trao cho Lan Anh 1 traveler check 5000 USD và nói : Good luck, con gái của mẹ.
                Peter đưa Lan Anh ra sân bay vào một buổi chiều Cali nặng trĩu cơn mưa. Trước khi check in Peter ôm Lan Anh vào lòng và nói :
            - Honey, nếu em thay đổi ý định trong lúc nầy vẫn chưa muộn em à.
                Lan Anh cắn môi để ngăn dòng nước mắt, rồi nói :
            - Thôi anh, nếu duyên Trời đã định, mình vẫn còn cơ hội gặp lại nhau. Anh hãy về đi. Cám ơn anh đã đến với em trong giây phút này. Hãy hôn em Vĩnh biệt!
              Peter ôm Lan Anh vào lòng đặt lên môi một nụ hôn bất tận . . .
              Tiếng loa đã giục. Peter quay bước như trốn chạy dưới cơn mưa trong tâm trạng của chàng thi sĩ người Pháp : 
                    "Mưa ngoài phố như mưa trong lòng tôi"
                Những giọt mưa rơi trên tóc Peter như ngàn mũi tên xuyên nát tim Lan Anh. Nàng bước chân đi trong tiếng lòng thổn thức. . . 
                                      
                Lan Anh đi rồi, căn nhà Kiệt đã buồn lại buồn thêm.  Theo lời ước nguyện, vợ chồng Kiệt bắt đầu cuộc sống mới : vẫn làm việc bình thường nhưng trường chay và công quả vào 2 ngày cuối tuần tại Chùa Phật Tổ hay tham gia hành thiện. Còn Peter vì quá đau khổ nên cắt đứt mọi liên lạc với cả Kiệt và Lan Anh.
                                                    x.                    X.                  x
                Về đến quê nhà, công việc đầu tiên của Lan Anh là lên kế hoạch sửa sang lại trạm y tế xã do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) viện trợ đã lâu mà xã đã xử dụng sai mục đích. Biến nó trở lại thành một trạm xá đúng nghĩa với phòng khám, phòng phát thuốc, phòng tiêm chủng và nhà vệ sinh. Thuốc men thì căn bản là do sở y tế tỉnh cung cấp cộng với mỗi 3 tháng Kiệt yểm trợ một thùng thuốc trị giá 500 USD do Kiệt order từ công ty Roche của Thuỵ Sĩ. Lan Anh khám bệnh 3 ngày/tuần không ăn lương. 3 Ngày còn lại Lan Anh làm cho Bệnh Viện Quốc Tế của người Đài Loan ở Lái Thiêu để có thu nhập cá nhân. Tất cả việc chẩn bệnh và thuốc men tại xã đều miễn phí. Tuy nhiên cũng có một thùng tiền tự nguyện do người dân tuỳ hỉ đóng góp. Kế hoạch đã được UBND xã chấp thuận và cho thực hiện ngay. Những tuần lễ đầu thì thùng tiền tự nguyện hầu như trống rỗng, nhưng qua thời gian thấy việc chữa bệnh có hiệu quả nhờ cô bác sĩ mát tay, người dân đã cố gắng đóng góp để nuôi sống trạm xá nên số thu cũng khấm khá. Từ đó có thêm tiền để mua thêm thuốc men và dụng cụ y tế. Dân nghèo ở các xã lân cận đến xin khám miễn phí cũng được đón nhận vui vẻ, nhưng chỉ cho toa để tự mua thuốc. Những trẻ bụi đời, thương phế binh của hai miền Nam Bắc được khám và cấp thuốc hoàn toàn miễn phí. Lan Anh ngày càng được người dân mến mộ, nhất là giới trẻ trong làng gọi Lan Anh là mẹ Theresa của Rạch Bắp.
              Hơn một năm sau. . .
              Vào một buổi chiều khi đang khám cho bệnh nhân ở bệnh viện Quốc Tế, Lan Anh cảm thấy như bị sốt và choáng váng. Các bác sĩ đồng nghiệp của Lan Anh vào phòng Lab làm xét nghiệm máu và thấy lượng bạch cầu tăng một cách bất bình thường, cao hơn mức nhiễm trùng thông thường. Đặc biệt sau khi hắt hơi thì máu mũi Lan Anh tuôn xối xả. Sau một giờ hội chẩn trong hồ sơ bệnh lý của Lan Anh kết quả được ghi là LEUKEMIA. Ba má Lan Anh nghe tin chạy đến thấy Lan Anh khóc hai người cũng khóc theo. Bình chỉ còn biết nói an ủi con là nên chấp nhận số phận thôi. Có lẽ do di truyền từ bà nội. Không còn cách nào hay hơn, Bình chạy ra Bưu điện gọi ngay cho Kiệt. Đêm khuya đang ngủ bỗng điện thoại reng, Kiệt uể oải nhấc lên bỗng nghe tiếng Bình gọi Kiệt biết là chuyện chẳng lành. Sau khi nắm hết mọi chuyện, Kiệt bảo Bình : "Chờ, tao sẽ về VN ngay". Tin buồn này về đến Rạch Bắp ai cũng lo âu và cầu nguyện cho Lan Anh.
              Hôm sau Kiệt gọi ngay cho PCP cũ của Lan Anh. Ông khuyên nên mang Lan Anh sang Mỹ và đưa thẳng về bệnh viện The Good Samaritan Los Angeles, vì bệnh viện này có tỉ lệ ghép tủy thành công cao nhất ở Nam California. Hai ngày sau Bình đón Kiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất và đi thẳng đến bệnh viện Quốc Tế. Gặp lại bố Kiệt, Lan Anh chỉ khóc, không nói được gì. Kiệt nói :
              - Con à, con là một bác sĩ, con thừa hiểu là Leukemia chỉ có thể chữa lành bằng ghép tủy. Ở VN người ta cũng làm được, nhưng khổ nổi khi kêu gọi người VN hiến máu thì người ta hiến rất đông, nhưng kêu gọi hiến tủy thì số người tình nguyện rất hiếm. Ngược lại, Người Mỹ tình nguyện hiến tủy rất đông khi có lời kêu gọi nên tỷ lệ tìm được tủy thích hợp rất cao, nên con phải trở lại Mỹ càng sớm càng tốt đó con.
              - Bố à, con đã nợ ơn bố từ lúc con đi học Trung học ở VN, hơn 11 năm đại học ở Mỹ, con chưa làm được gì để đến đáp lại ơn của bố. Bây giờ lại chồng thêm gánh nặng lên vai bố nữa, chắc con không làm được đâu bố. Thôi bố cho con được chết tại nơi này.
              - Chết là đầu hàng số phận, không phải là giải pháp hay đâu con. Con đừng nói đến ơn bố, mà hãy nói đến món nợ tinh thần đối với xã hội mà con đã vay để trở thành một bác sĩ. Con phải sống để làm việc để trả nợ cho xã hội. Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng mà một người trí thức như con không thể né tránh được. Vả lại, con thấy bố không có con ruột, và chỉ coi con là đứa con duy nhất, tiền bạc bố có cả triệu đô để làm gì ? Nắm trong tay bạc triệu để đứng nhìn con chết à ? Nếu con đặt con vào cương vị của bố con có chấp nhận không ?
                  Nước mắt Lan Anh ràn rụa, không nói được gì nữa.
                  Kiệt nói Bình dẫn Kiệt đi gặp bác sĩ trưởng khoa để xin copy hồ sơ bệnh lý của Lan Anh và đi thẳng xuống toà lãnh sự Mỹ xin visa khẩn cấp cho Lan Anh. Với background từng du học Mỹ, trở về VN đúng hạn, cộng với statement về tài chánh của Kiệt kèm hồ sơ bệnh lý, Lan Anh  được cấp visa ngay mà không cần trực tiếp phỏng vấn.
                  Hai ngày sau 2 cha con ra sân bay, Lan Anh ngồi xe lăn Kiệt phải đổi vé businessman để Lan Anh nằm thoải mái và Kiệt dễ săn sóc thuốc men cho con. Đến phi trường LAX xe của bệnh viện đã chờ sẵn và đưa Lan Anh nhập viện ngay. Sau khi Kiệt ký xong giấy tờ chịu trách nhiệm tài chánh, cô y tá lấy vital signs và medical history cho Lan Anh xong chuyển bệnh nhân vào phòng khám. Cô cho biết người khám cho Lan Anh là bác sĩ Smith.
                Mười lăm phút sau Bác Sĩ bước vào và tự giới thiệu :
                - Xin chào. Tôi là Bác Sĩ  Peter Smith. . .Trời! Lan Anh, sao em ra nông nổi này ? Anh là Peter đây, em nhận ra anh không ?
                - Em mệt lắm. Cám ơn bề trên cho em gặp lại anh dù trong hoàn cảnh thật bẽ bàng. Cô y tá cho biết em sẽ gặp Dr. Smith, em không ngờ đó là anh.
                Peter cuối xuống ôm Lan Anh vào lòng và nói :
                - Anh tưởng sẽ không bao giờ được gặp em nữa. Liếc mắt vào hồ sơ của Lan Anh, Peter nói tiếp :
                - Thôi bây giờ mình đã có nhau rồi. Anh tin tình yêu của mình sẽ chiến thắng bệnh tật. Em yêu, anh sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa cho em. Em đừng lo lắng gì cả. Tối nay anh sẽ phổ biến trên trang web của Tập San Y Khoa Hoa Kỳ kêu gọi hiến tủy để tìm người thích hợp với em, đồng thời nhờ bố Kiệt kêu gọi sự tiếp tay của cộng đồng người Việt. Anh tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi em.
                  Hôm sau người ghi danh hiến tủy đầu tiên là vợ chồng Kiệt. Còn Peter thì dù đã hết giờ làm việc cũng cố ở lại để trông coi Chemotherapy cho Lan Anh.
                  Ba ngày sau Peter được thông báo tin vui là có một người Á Đông tên là Cindy Do có stem cell trùng hợp với Lan Anh. Peter chia sẻ tin này với Lan Anh trong niềm vui như chính mình được sống lại. Lan Anh đang mơ tưởng đến vị ân nhân nào đó là cứu tinh của mình thì vợ chồng Kiệt bước vào báo cho Lan Anh biết mẹ Chi chính là vị cứu tinh đó. Lúc đó Lan Anh mới chợt nhớ ra Cindy là tên Mỹ của mẹ Chi. Lan Anh định nói với mẹ điều gì đó nhưng Chi đã cản :
              - Con à, mọi lời nói trong lúc này không cần thiết đâu con. Con cần nghỉ ngơi và chuẩn bị cho những bước kế tiếp.
              Chi được hẹn đến bệnh viện để hiến stem cell trong lúc Lan Anh vẫn tiếp tục chạy chemo. Một tuần sau, Peter đích thân làm stem cell transplant cho Lan Anh. Mọi diễn tiến đều tốt đẹp nhưng Lan Anh phải nằm lại bệnh viện hơn một tháng nữa để theo dõi. Vì Lan Anh là một healthcare worker, cộng với sự vận động của Bác Sĩ  Peter Smith nên Kiệt chỉ phải trả 1/3 viện phí.
                Lan Anh về nhà dưỡng bệnh và ngày nào Peter cũng có mặt để chăm sóc. Hôm nào nghỉ off Peter đưa Lan Anh đi bộ dọc bờ biển để chóng hồi phục.Tóc Lan Anh bị rụng nhiều nhưng 3 tháng sau đã đầy đặn lại và da vẻ cũng hồng hào hơn.

              Mùa lễ Tạ Ơn 2006, một đám cưới rình rang được tổ chức tại Orange County giữa chàng rể là Bác Sĩ Peter Smith và cô dâu là Bác Sĩ Lan Anh Nguyễn, có sự hiện diện của ba má ruột của Lan Anh từ VN sang và cả Toại cũng được mời. Trước khi vào tiệc Lan Anh xin có đôi lời cùng quan khách :
          "Kính thưa cha mẹ hai bên. Kính thưa quý quan khách và thân hữu. Hôm nay tại đất nước Hoa Kỳ vĩ đại này, một đám cưới dị chủng Mỹ-Việt đang tiến hành, trong số hai họ trên sân khấu có một người Mỹ từng tham chiến ở VN, hai người là cựu sĩ quan của Quân Đội Miền Nam, hai người là cựu Đảng viên Cộng Sản thuộc Bộ đội Miền Bắc, tất cả đã khép lại quá khứ, quên đi hận thù, cùng bắt tay nhau đi về phía trước trong niềm tin ở Thượng Đế để xây dựng tương lai trên nền tảng vị tha và bác ái. Thay mặt cho những người VN trên đất Mỹ con xin đa tạ đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang, nuôi dưỡng và luôn cho chúng con những cơ hội để thăng hoa. Riêng với mẹ Lan và Lan Chi con muốn xin thưa rằng từ nay con có tới hai người mẹ ruột : mẹ Lan đã cho con cuộc sống và mẹ Lan Chi đã cho con dòng máu để nối tiếp cuộc đời. Với hình ảnh của bố Kiệt và mẹ Chi làm ánh đuốc soi đường, Peter, em sẽ cùng anh đi trọn cuộc đời và đừng sợ mất em : em đã chọn nơi này!

                                        Lưu Anh Vũ
                                        Mùa Tạ Ơn 2014

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975

Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975 đang bốc những người tỵ nạn từ những xa lan.  Đoàn tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ngo...