Monday, August 18, 2008
Trung Tá Lê Hằng Minh Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC
Viết về Cố Trung Tá Lê Hằng Minh
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 / Thủy Quân Lục Chiến
Ngọc Thủy
Gươm đàn nửa gánh,
Non sông một chèo
(Nguyễn Du)
Ðất nước Việt đang thời binh biến, Tổ quốc lâm nguy, vang dậy núi sông những lời hiệu triệu anh hào. Khi tôi chưa chào đời thì vào giữa năm 1954, theo đoàn người trai quyết xếp bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi non sông, làm tròn trách nhiệm người công dân trong thời quê hương khói lửa. Người thanh niên tên Lê Hằng Minh đã từ giã người mẹ hiền, rời bỏ cuộc sống gia đình ấm êm nơi Hàng Keo - Gia Ðịnh, từ giã mái trường Huỳnh Khương Ninh & Trương Vĩnh Ký sau khi tốt nghiệp Tú Tài để cùng người anh Lê Minh Ðảo (thiếu tướng Lê Minh Ðảo gia nhập khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, là một trong số những tướng lãnh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa), lên đường nhập ngũ. Ông theo học khóa 5 Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức (Khóa Vì Dân) và sau khi ra trường vào đầu năm 1955 với cấp bậc Thiếu Úy Trừ Bị, người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã cùng bao chiến hữu khác ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước, xông pha vào những trận tuyến ngăn giữ bước quân thù xâm lăng, hầu mong mang yên vui cho mảnh đất miền Nam Tự Do thân yêu. Ðầu năm 1957, vì muốn vẫy vùng ngang dọc hơn cho thỏa chí tang bồng, ông rời khỏi Sư đoàn 4/ Bộ binh dã chiến (sau này là Sư đoàn 7/ BB) để tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, Lực lượng Tổng Trừ Bị nòng cốt của Quân đội VNCH và lần lượt đảm trách các chức vụ: Trưởng Ban 5 TQLC, Trung đội trưởng (Tiểu đoàn 1), Ðại đội trưởng (Tiểu đoàn yểm trợ), (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4), Chiến đoàn phó (Chiến đoàn A) và Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 2/ TQLC).
Tham dự nhiều chiến dịch quan trọng cùng những trận đánh hào hùng trên khắp các mặt trận chiến trường đất nước từ: Ðồng Xoài, U Minh, Bời Lời, Ðầm Dơi, Bến Cát, Ðức Cơ, Plei-me, Bình Ðịnh, Bồng Sơn - Tam Quan, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Huế, Phù Lưu, Quảng Trị v.v... Với những thành tích chiến đấu dũng cảm, Lê Hằng Minh được thăng cấp Trung úy sau hai năm ra trường và được gởi đi du học khóa Sĩ quan TQLC ở Quantico - Hoa Kỳ năm 1959 - 1960. Ðầu năm 1959, Lê Hằng Minh đưa Ðại đội Trinh Sát TQLC/ Tân Lập về Sài Gòn tham dự khóa học Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Hoàng Hoa Thám tại Bà Quẹo. Trong thời gian huấn luyện này, ông chứng tỏ sự gan dạ và là một cấp chỉ huy gương mẫu, xứng đáng làm gương và hướng dẫn quân nhân thuộc quyền noi theo không nề hiểm nguy. Yêu thích đường bay trên những nấc thang mây thênh thang của người lính Nhảy Dù, Lê Hằng Minh luôn hãnh diện khi chỉ cho mọi người xem huy hiệu "Cánh Dù" luôn gắn trên túi áo ngực mà ông đã đạt được sau khóa huấn luyện. Trong biến cố 11/11/60, ông cùng Ðại Ðội Chiến Ðấu/ TQLC về giải vây cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Sau đó, năm 1960 ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ tiếp vận/ Thủy Quân Lục Chiến. Và rồi nổi trôi theo vận hạn quốc gia cùng tình hình đất nước rối ren, thêm một lần nữa, vị Tiểu đoàn trưởng Lê Hằng Minh của TÐ4/TQLC lại là một trong những đơn vị tham gia cuộc đảo chánh Tổng thống vào ngày 1/11/63. Những biến cố đất nước cùng những thăng trầm của cuộc đời binh nghiệp vẫn không làm mất đi tinh thần quả cảm của một người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào Tổ quốc, ông vẫn cùng với bao lớp người thanh niên chiến hữu luôn giữ vững sự cang cường chiến đấu như ánh thép gươm đao vẫn lóe sáng mỗi khi lâm trận ngoài địa đầu giới tuyến. Sau khi tu nghiệp khóa AWS ở Hoa Kỳ về (1964 - 1965), đầu tháng 11/1965, Thiếu tá Lê Hằng Minh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng TÐ2/ TQLC và tên tuổi ông đã gắn liền với danh hiệu "Trâu Ðiên", một tiểu đoàn lừng danh của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói riêng và của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung từ trận đánh An Quý vào tháng 2/1966 ở Bồng Sơn - Tam Quan. Từ tư thế bất ngờ bị phục kích khi tiến chiếm mục tiêu ấp chiến lược này, dù bị bao vây tứ phía bởi sự bố trí sẵn bên ngoài lẫn sự phòng thủ rất mạnh của VC bên trong, bị bắn phá nã đạn như mưa vào các toán quân, nhưng điều đó không làm chùn bước được của những người lính luôn luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng xung phong nên ngay giữa cánh đồng trống, không nơi ẩn nấp, vị TÐT đã cùng với tất cả các chiến sĩ lúc ấy vẫn hiên ngang tràn vào và tiến lên dũng mãnh đến nỗi VC phải khiếp sợ với khí thế hăng như trâu điên của TÐ2 quyết băng mình phá tan lằn lửa đạn, dù phải đối chọi với tử sinh chạm gần trong gang tấc. Kết quả TÐ2/ TQLC toàn thắng chiếm hẳn được mục tiêu tuy phải chịu sự tổn thất vừa chết vừa bị thương mất gần một trung đội, trong số đó có Trung úy Nguyễn Ngọc Ðiệp (khóa 17/ VBÐL) v.v...
Với chiến tích "phản phục kích" vẻ vang này, Tiểu đoàn do Thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy và yêu cầu sự đề đạt danh hiệu, đã được Bộ tư lệnh TQLC chấp thuận cho mang danh xưng Trâu Ðiên (Crazy Buffalo) biểu tượng sự Cảm Tử, Hi Sinh và Dũng Mãnh. Ngoài ra còn được tuyên dương công trạng trước Quân đội lần thứ tư và được mang dây biểu trưng màu xanh Quân Công Bội Tinh. Bắt đầu từ đó, các tiểu đoàn khác cũng được đặt tên để có những danh hiệu riêng như: Quái Ðiểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ.
Người lính Lê Hằng Minh như chúng ta đã thấy là một chiến sĩ rất gan lì và quả cảm khi xông pha ngoài mặt trận, bởi ông luôn đặt trọng trách hi sinh vì Tổ quốc lên hàng đầu. Nhưng bên trong con người của ông lại là một nghệ sĩ giàu cảm tính và nhân hậu. Ông sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo gồm 10 anh chị em. Người mẹ đã tần tảo một mình lo bảo bọc các con khi người Cha đã qua đời năm ông 17 tuổi. Sống và lớn lên từ ngôi nhà cổ kính giữa vườn cây bóng mát xum xuê nơi Hàng Keo nằm trên đường Chi Lăng nối dài, gần chợ Bà Chiểu cạnh đền Lăng Ông nổi tiếng hiển linh, khói trầm nghi ngút quanh năm bên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn tỏa sáng uy linh của bậc trung thần đại nghĩa, phải chăng đã ảnh hưởng phần nào đến tâm tình con người Lê Hằng Minh từ thuở nhỏ. Thích sống đời trai oai phong dũng mãnh nhưng cũng là người yêu văn nghệ, đàn nhạc, thơ văn. Ðôi khi cũng rất ủy mị, ướt át. Tình cảm của ông cũng rất dạt dào đối với anh chị em trong gia đình cùng sự kính trọng, hiếu thảo đối với bậc sinh thành và nhất là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện rất rõ nét trong những vần thơ mộc mạc được viết ra từ đáy tâm hồn thiết tha:
QUÊ TÔI
Thuận Thành đất của Ba
Rạch Kiến quê hương Má
Quê nội quận Cần Ðước
Bên ngoại làng Long Hòa.
Sinh tại miền Gia Ðịnh
Việt Nam vạn nẻo đường
Vì sống cuộc đời lính
Tôi có lắm quê hương.
Pleiku xuống Sóc Trăng
An Giang về Vũng Tàu
Nha Trang ra Ðà Nẵng
Bến Hải xuôi Cà Mau...
Gia Ðịnh đất linh thiêng
Lăng Ông ôi nhiệm màu!
Xa gần đều biết tiếng
Cầu tài lẫn rể, dâu...
Pleiku miền đất đỏ
Thần sống chốn rừng núi
Người Thượng đeo cung, nỏ
Vai mang nặng chiếc gùi
Sóc Trăng thơm ruộng lúa
Những cô gái gốc Miên
Nắng cháy da đen đúa
Ðôi mắt thật mơ huyền...
An Giang xứ mắm ruốc
Thánh địa đạo Hòa Hảo
Câu kinh buồn não ruột
Thất Sơn huyền bí sao!
Danh lam đất Vũng Tàu
Tuyệt vời ơi Bãi Sau
Bãi Trước đông du khách
Bể rộng với trời cao
Xứ dân gầy cát trắng
Cô gái miền Nha Trang
Tháp Bà đến cầu Ðá
Tóc thề những cô nàng
Vượt qua đèo Hải Vân
Lòng luống những bâng khuâng!
Thương não nề Ðà Nẵng
Hải cảng của Trung phần
Chia đôi bờ đất nước
Bến Hải thuộc Ðế Ðô
Xứ Huế ngàn năm trước
Thành Nội lắm nhiều mồ...
Cà Mau là xứ cá
Ðỉa nhiều tợ bánh canh!
Muỗi độc ôi nhiều quá!
Cuộc đời thật mỏng manh!
Trìu mến đất Thần Kinh (Huế)
Sài Gòn sao dễ thương!
Gia Ðịnh tôi yêu kính!
Ðất Nước là Quê Hương!
(LMH viết vào ngày 25 Tết, Kỷ niệm ngày giỗ Ba. Kính tặng các bà Mẹ vạn nẻo đường con đã gặp)
Trên con đường rong ruổi nghiệp binh đao, ông cũng mang nặng tình thương yêu đối với các chiến hữu, những người cùng chí hướng lên đường nối gót chinh nhân. Cuộc đời của những người chấp nhận Ðời Lính Chiến với tất cả những vui buồn gian khổ:
CÁNH CHIM TRỜI
Anh, tôi và chúng ta
Thuộc đoàn quân thiện chiến
Sinh tử siết tình ta
Chiến thắng cùng chia, thù quyết trả!
Những buổi dừng quân nơi thôn lạ
Anh đứng gác,
Anh vá áo,
Anh ngủ say,
Anh nấu nướng,
Máy thu thanh với tuồng cải lương
... muôn thuở!
Tôi viết thư bên ngọn đèn dầu
... ngàn thương!
Các em bé, quây quần bên đàn anh xa lạ
Khẽ vuốt lên nòng súng: Anh ơi súng tên gì?
Cô em gái, rộn ràng, nhà vui quá
... cảm giác lạ!
Bà mẹ già, thương xót đàn con muôn phương
... "ôi tội nghiệp"!
Tay ngoáy trầu liên miên
Những cánh chim trời, mai về đâu
... nào ai biết?
... lại giết giặc
... lại cơm vắt với xì dầu
... lại lên đường!
(LHM thân tặng các chiến sĩ vô danh không vụ lợi và để tang cho cố Thiếu tá Nguyễn Văn Nho và những chiến hữu TÐ4/ TQLC đã hi sinh trong trận chiến Bình Giả cuối tháng 12-1964)
Những lời ấy là tất cả những tâm tình của ông trên bước đường hành quân xuôi ngược đó đây. Qua những trận đánh ác liệt và sau những tiếng súng, người lính trẻ lại trở về với những nỗi niềm cô đơn trăn trở trong những phút giây nhớ nhung và trống vắng:
Lạc mẹ chim nức nở
Thổn thức chi ve sầu
Khúc nhạc buồn muôn thuở
Cuộc đời là bể dâu...!
Lá vàng rơi rụng mãi
Mưa thu dài lê thê
Kiếp sống đầy ngang trái
Tình yêu đâu chẳng về...?
Và trong những ngày mùa đông rét mướt ở Washington trong thời gian du học, ông trải rộng niềm thương nhớ đến người mẹ hiền và cô em gái út ở quê nhà:
Hoa Tuyết triền miên phủ núi đồi
Nhẹ nhàng rơi mãi rụng không thôi
Những cô gái Mỹ hây đôi má
Tuyết phới qua mi, đậu cánh môi
Ngập lối vài xe không chạy nổi
Trẻ thơ "đấu tuyết" ném liên hồi
Lão bà run rẩy lê thê bước
Bóng dáng thanh gầy giống Mẹ tôi!
(Tặng em Ánh Tuyết. Ghi một ngày nhớ má 15/1/65. Mùa đông Washington. LHM)
Cuộc sống ông cũng rất chí tình gắn bó với bạn bè đồng đội:
Nhớ Soạn, thương Thông, lại mến Tâm*
Dakbla than vãn gió thì thầm
Ðêm đông gối súng, sương nhiều quá!
Dế khóc đêm dài... tôi lặng câm!
(LHM. Kontum - Dakbla ngày 14/12/65. Một đêm nhớ Soạn và trước khi đi hành quân. * Thiếu tá Tôn Thất Soạn, Thiếu tá Hoàng Tích Thông và Trung úy Tâm).
Và người thanh niên ấy cũng có những phút giây mơ mộng say đắm về tình yêu:
Em là... ly rượu đắng
Ðốt cháy con tim này
Em là... hoa tư tưởng
Khiến lòng anh vấn vương
Em là nàng chim én
Mang mùa xuân nhớ thương...!
Hoặc thương nhớ về những hình bóng xa xôi nơi đất lành ông đã đi qua:
Phong Dinh có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân
Cuộc đời luống những phù vân
Trở về chốn cũ cố nhân xa rồi!
Thân em như cánh hoa trôi
Thương em như cánh chim trời bơ vơ
Yêu em lỡ cả cuộc đời
Nhớ thương chỉ gởi mây trời từ đây...
(Bài thơ "Về Phong Dinh" của LHM đã được nghệ sĩ Hồ Ðiệp diễn ngâm trong chương trình Thi Văn Tao Ðàn năm 1966).
Cuộc đời gian khổ của người lính chiến rày đây mai đó, luôn cận kề bên những sống chết hiểm nguy, làm sao dám nghĩ đến chuyện tình yêu và mộng ước mai sau. Nhưng tình cảm đó vẫn không thể thiếu trong trái tim người lính trẻ, vẫn có những nỗi niềm u ẩn, vấn vương, mộng mơ và nhung nhớ...
NGƯỜI EM GÁI DAKBLA
Dừng quân nhặt cánh hoa hồng
Nhớ người em gái trên dòng Dakbla
Xuân sang rồi đến đông tàn
Quan san cách trở đôi đàng ngàn thương
Tôi đi chinh chiến muôn phương
Môi em vẫn mọng vẫn hường ấy chăng?
Vì tôi là lính áo rằn
Ra đi nào biết mấy trăng mới về!
Bởi vì em quý hoa hồng
Nên trời bắt phải chờ trông
Vì hồng nhiều gai lắm
Hợp rồi vẫn là không
Kontum mấy dặm sơn khê
Lều khuya rét mướt gió về chơi vơi
Nhớ em đếm tiếng sương rơi
Sương bao nhiêu giọt buồn ơi là buồn...
Ngoài sự yêu thích thơ văn, ông còn là người rất tài hoa về âm nhạc. Học đàn năm 12 tuổi, ông đánh thành thạo tất cả các loại đàn dây và điêu luyện nhất là Tây Ban Cầm với những nhạc khúc cổ điển Tây Ban Nha. Trong thời gian còn đi học, ông thường đệm đàn cho ban nhạc của trường Petrus Ký, ban Khuyến nhạc của Ðài phát thanh Pháp Á và ban nhạc Ðồng Nai (đàn và hát chung với người anh là Lê Minh Ðảo và người em gái kế là Mộng Huyền, một chi tiết nhỏ để nói lên con người hiền lành hiếu thảo của ông là dù mê đánh đàn ca hát tới đâu, xong việc là ông lo sớm về nhà để phụ giúp mẹ việc nhà và săn sóc các em).
Qua hai lần sang Mỹ tu học, ông cũng trau dồi thêm về kiến thức âm nhạc với các danh tài ngoại quốc và đã sáng tác một số ca khúc như: Hoa cài trên súng (1959), Bơ vơ (1960), Người anh chinh chiến (1964), Em là mùa thu (1965), Sao buồn (1966) v.v... Có lẽ, Lê Hằng Minh cũng là người lính duy nhất, dù ở hậu cứ hay bất cứ tuyến đầu trận địa nào, đi đâu cũng mang theo bên mình cây đàn Guitaire yêu quý, hễ có dịp dừng quân hay nghỉ ngơi là ông lại ôm đàn thay cho tay súng, đánh lên những tiếng đàn du dương trầm bổng cùng những ca khúc tuyệt vời cho bạn bè binh lính thưởng thức, tạm quên những gian khổ quân hành, vơi bớt nỗi nhớ nhà, cô đơn. Ông luôn lấy sự hào hiệp, tử tế vui vẻ của mình để đối đãi và cư xử với mọi người chung quanh. Trong chỉ huy, ông nguyên tắc mực thước, sống đời thường lại nhân ái giản dị nên ông được hầu hết các bạn bè chiến hữu dành cho tình cảm thương mến tốt đẹp.
Trong bài viết những cảm nghĩ về một vị chỉ huy khả kính của mình (ÐSST), Thiếu tá Lâm Tài Thạnh đã viết đôi dòng hồi tưởng như sau: Trong những ngày cuối năm 1965 về dưỡng quân tại hậu cứ Thủ Ðức (Tam Hà), hôm đó là một buổi chiều thứ bảy, tôi và Quang chẳng biết làm gì cho qua "chiều cuối tuần cạn túi" trong phòng ngủ độc thân vì cả hai nguyên quán đều ở xa, bà con họ hàng ở Sài Gòn cũng chẳng mấy thân thích gần gũi, còn em gái hậu phương thì cũng chẳng quen biết nhiều với lại điều kiện "đầu tiên" bó buộc. Thôi thì nằm nhà cho ăn chắc mặc bền. Chúng tôi mang quân dụng ra lau chùi đánh bóng để qua thời giờ giữa buổi trưa quá tĩnh lặng, bỗng nghe vang lên tiếng Tây Ban Cầm réo rắt với bản Panama (Cánh buồm xa xứ) khi thì như sóng vỗ lúc chẳng khác cơn gió heo may. Tôi nói nhỏ với Quang: "Ông cũng ở nhà như mình", Quang trả lời: "Ông chưa có lập gia đình" rồi chúng tôi lại tiếp tục công việc còn dang dở. Khoảng 30 phút sau, tiếng đàn ngưng hẳn và vào lúc chúng tôi không chuẩn bị để chào kính thì: "Chiều thứ bảy mà không đi bát phố à? Sĩ quan trẻ mà nằm nhà, dở vậy??". Chúng tôi lúng túng chào tay và cùng trả lời: "Tiền lính tính liền thưa Th/T, với lại chả biết đi đâu". Ngắn gọn, dứt khoát như khi ban lệnh hành quân: "Mặc quân phục vào, đi với tôi ra hồ tắm "Ngọc Thủy" uống nước giải khát". Năm phút sau, chúng tôi đã có mặt trên xe do chính Tiểu đoàn trưởng làm tài xế với tôi ngồi kế bên (Quang là khóa đàn em nên cố tình nhường tôi ngồi trước với Ðại Bàng hoặc vì e ngại sơ suất khi nói chuyện nên bán cái cho tôi??). Trước khi rời trại, người còn nói nhỏ: "Mình đi gần đây khỏi gọi HS Danh (tài xế) làm chi, cho chú ta ở nhà với vợ con". Trong tự nhiên đối xử như một người anh cả trong gia đình sau khi gọi nước uống cho chúng tôi, NT Minh hỏi thăm về nguyên quán, gia đình, học vấn, quân trường v.v... Từ dè dặt, ngần ngại như lệ thường của bất cứ một Sĩ quan cấp trung đội trưởng nào khi phải trực tiếp tiếp xúc với Ðơn vị trưởng ở cấp cao mà thường khi "chạm mặt" thì chỉ có "Từ chết tới bị thương", chúng tôi đã vui vẻ trao đổi trả lời các câu hỏi. Dần đà câu chuyện trở nên thân tình có tính cách đời thường thực tế và tươi mát hơn. Trước khi ra về, tôi còn nhớ rõ: "Các sĩ quan trẻ nhiều năng nổ, chịu khó, kỷ luật, ham học hỏi là xương sống và chìa khóa thành công của đơn vị. Các em cố gắng nhé, thôi mình về". Lời nói chân tình, tha thiết có giá trị động viên cao của cố Niên trưởng Lê Hằng Minh đã làm cho tôi và Quang thực sự xúc động và cảm mến vị chỉ huy đầy đức độ, nghiêm nhưng không "quan liêu", oai nhưng không "khắc nghiệt". Gần 10 năm sau có lần tôi đã lặp lại câu nói đó của người cùng toàn thể Sĩ quan TÐ 9 trong ngày tôi nhận chức vụ TÐT.
Nơi hậu cứ Thủ Ðức - Tam Hà là nơi Tiểu Ðoàn 2/ TQLC thường về đây dưỡng quân, sau này còn được gọi là hậu cứ Lê Hằng Minh sau năm 1966.
Trở lại với người chiến sĩ Lê Hằng Minh, khi chiến trường miền Trung càng lúc càng sôi động thì Tiểu đoàn 2/ TQLC cùng những đơn vị bạn càng đi sâu vào những gian lao chiến đấu với tất cả mọi căng thẳng hiểm nguy rình rập từng phút từng giây. Từ đầu mùa hè năm 1966, họ phải điều động và tham dự nhiều trận hành quân liên tiếp suốt ba tháng không ngày về thăm nhà, nghỉ phép. Ðánh Bình Ðịnh, Quế Sơn vừa xong, lại bay vào Quảng Ngãi, rồi về Ðà Nẵng, Huế...
Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập và công bố là ngày 19 tháng 6 năm 1966. Ðể tưởng thưởng những phần tử ưu tú có công trong sứ mạng diệt Cộng tại tiền tuyến, một số cấp chỉ huy đơn vị chiến đấu được thăng cấp đặc cách tại mặt trận vào ngày lễ trọng đại này, trong đó có thiếu tá Lê Hằng Minh. Vừa được thăng cấp Trung tá vào ngày 19/6/66, Lê Hằng Minh đã cùng Tiểu đoàn 2 và một số đơn vị tác chiến khác lại lao vào mặt trận Lam Sơn 283 ở Gia Ðặng - Phù Lưu (21/6 đến 23/6), tiếp thêm những trận thắng vẻ vang với sự chiến đấu rất gan lì dũng cảm của họ. Trong một bài phóng sự, ký giả Dzoãn Bình đã viết về chuyến gặp gỡ bất ngờ với Tr/T LHM như sau: "Chúng tôi ghi vào sổ tay và tự nhủ sẽ khai thác về cái chết oai hùng của Thiếu úy Bằng, Ðại đội 3 thuộc TÐ Trâu Ðiên. Hỏi về sự anh dũng của đại úy Sứ, tung hoành đè bẹp VC bằng đoàn Cọp Bay M-113. Và lòng tự nhủ sẽ phải "vớ" được con người chỉ huy Trâu Ðiên mà khi nói về cá nhân xuất sắc, phần đông đã khuyên chúng tôi nên đi tìm hai ông Trung tá Lê Hằng Minh và Tôn Thất Soạn. Họ nói: "Hai ông này mới có 31 tuổi nhưng đánh đấm lì lợm "chì" lắm. Cả hai đều là Cọp Biển. Trận Phù Lưu - Gia Ðặng, cả hai đều đứng khơi khơi đánh xung phong như đi biểu diễn". Thế rồi, chiều 24/6/66, Huế... buồn xa vắng, mưa lất phất... như trời khóc sụt sùi. Chúng tôi đi "lô ca chân" tạt vào văn phòng triển lãm ngó anh em đang bầy biện SKZ và súng Nga vừa thu được. Thình lình, chúng tôi đụng đầu với hai ông quan Cọp Biển. Nhìn vào ngực thấy cái lon bạc trắng, chẳng rõ là cấp gì. Ngó lên nón "bê rê" thấy hai cái bông bạc: cấp Trung tá.
- Ủa! Sao hai ông Trung tá này trẻ quá. Nếu phỏng đoán bạo lắm cũng chỉ nghĩ họ tới 26 tuổi là cùng.
Dù Trung tá Minh để râu mép, nhưng nét mặt tràn đầy nhựa sống, hồn nhiên yêu đời của họ đã giúp chúng tôi mạnh dạn làm quen. Sau màn tự giới thiệu, chúng tôi cùng bước vào một quán nước bên đường trò chuyện. Trung tá Soạn giơ tay giới thiệu: "Ðây, kể về trận đánh ác liệt tại Phù Lưu, tôi xin nhường lời lại cho Tr/T Minh". Cho đến phút này, con người mang tên Minh mới bắt đầu lên tiếng. Ông cao giỏi lắm là một thước 55, nặng lối 47 ký là tối đa. Khuôn mặt nhỏ nhắn, mắt hơi ốc nhồi, miệng cười rất có duyên, nhờ điểm thêm bộ râu mép đã làm tăng thêm vẻ "bô trai" của Tr/T họ Lê. Nhìn ông có thể nhận ra ngay qua hình ảnh của người anh ruột là Thiếu tá Lê Minh Ðảo ở phòng 3 của QÐ 4. Hai anh em Minh giống nhau như khuôn đúc.
Chúng tôi hỏi: "Tại sao lại đặt tên là Trâu Ðiên?".
"Vì tụi tôi hăng và xung phong đánh Cộng như Trâu Ðiên, chỉ biết húc tới. Có thể nói chưa hề "thất" trận nào. Tiểu đoàn 2 TQLC được kể là đơn vị nổi nhất và đứng đầu sổ về công trạng".
Ngừng một lát, ông kể tiếp: "Kỳ này mệt chớ phở, mới đi đánh nhau sơ sơ gần 3 tháng chưa về Sài Gòn. Khi hành quân "cú" Lam Sơn 283, tiểu đoàn Trâu Ðiên mệt - hết muốn đi - vì vác nặng gần trọn ngày. Thế mà tới 5 giờ chiều, khi gần tới đầu làng Gia Ðặng, đơn vị tôi đã bị dồn cục vì mới vượt qua cái cầu. Anh em xúm sát gần nhau. Tôi vội lướt lên hàng đầu để ra lệnh cho họ trở về theo cự ly đã định người này cách người nọ 10 thước. Ði xúm xít bị nó "đớp" thì chết cả đám. Ấy thế rồi, tôi vừa lướt lên đầu thì... thoáng bắt gặp phía trước cách lối 10 thước, 3 cái đầu vội thụp xuống. Linh cảm rất bén nhạy, tôi ra dấu cho toán quân tiên phong nằm ngay xuống, bố trí về phía có địch vừa phát hiện. Tôi cho nổ một loạt đạn trung liên vào cái hố có 3 VC, một tên có thượng liên, hai tên có tiểu liên AK50. Thì ra chúng là tổ viễn tiêu. Nếu không kịp phát giác thì tụi tôi đã lọt vào ổ quỉ. Bắn loạt đầu, VC trả lời như pháo Tết, may mà chiến sĩ Trâu Ðiên đã nắm chiếm ưu thế và ở ngoài tuyến bố trí của địch. Suốt ngày đi "lô ca chân" mệt mỏi phờ người, thế mà gặp địch, lính lại hò hét xung phong như trâu điên và tất cả quên đói, đánh địch suốt từ năm giờ chiều cho đến chín giờ tối. Bọn chúng rút khỏi trận địa để lại hơn bảy mươi xác chết. Tiểu đoàn Trâu Ðiên lại được lệnh quay về mục tiêu Phù Lưu, cách Gia Ðặng 10 cây số. Vì tiểu đoàn 808 VC đêm trước đã từ Gia Ðặng luồn một lèo "lĩnh" về Phù Lưu. Không thể tưởng tượng được, liền ba đêm ba ngày đi liên miên. Ðánh nhau tơi bời tới 21-6-66, suốt đêm đó mắt thao láo nằm vây địch, thế mà sáng hôm 22-6 lại "tỉnh bơ" đi đuổi địch về Phù Lưu, lại xung phong đánh chiếm từng hầm, diệt từng hố, phải băng suối đánh xáp lá cà với VC suốt từ 4 giờ chiều đến 2 giờ đêm mới khóa tắt họng súng địch...".
Sau khi kể những chi tiết hấp dẫn về trận đánh, Tr/T Minh nhún vai nói tiếp: Từ nay đến 30/6, cậu chịu khó ra Huế, chúng tôi sẽ mời cậu đi theo hành quân ngay từ lúc mới mở màn, có thế mới viết kỹ và sống động hơn là đánh đấm xong từ khuya rồi mới lò dò ra viết theo kiểu "nghe đồn rằng...". Tr/T Minh hẹn sẽ khao chúng tôi một chầu khi tái ngộ tại Thanh Thế khi về tới Sài Gòn. Chúng tôi chia tay hai ông Tá và về Sài Gòn viết loạt bài phóng sự, đặc biệt viết thêm chuyện về Lê Hằng Minh trên Nhật báo Sống. Chúng tôi chân thành viết vì yêu mến người chiến sĩ Cọp Biển, đánh giặc hay như chơi đàn. Ra trận đánh nhau bằng súng đạn, xong rồi lại... thản nhiên gảy đàn vui nhộn trước ba quân. Dù đã 31 cái xuân xanh mà... Trung Tá Minh vẫn cô độc. Ông vui với đời Cọp Biển và chịu ế vợ có lẽ vì... tự linh cảm thấy ngày mai... của đời chiến sĩ, thuộc đơn vị đã lẫy lừng danh tiếng về tài xung phong diệt địch... 'Bài phóng sự chiến trường của Dzoãn Bình".
Từ trận chiến thắng Lam Sơn vang dội này, báo chí từ Sài Gòn bay ra mặt trận quan sát và phỏng vấn Tr/Tá Lê Hằng Minh. Buổi lễ chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Huế. Vòng hoa chiến thắng và huy chương lại một lần nữa ngập trên vai người anh hùng mũ xanh, chỉ huy tiểu đoàn Trâu Ðiên.
Từ Huế, những cánh quân chia ra để xuôi Nam ngược Bắc. TÐ1 (Th/T Phan Văn Thắng) theo Chiến đoàn B (Tr/T Tôn Thất Soạn) di chuyển vào Quảng Ngãi. TÐ2 ở lại An Hòa (phía Bắc thành phố Huế) để nhận tăng phái cho SÐ1/ BB với đoàn quân xa GMC nằm chờ từ chiều ngày 28/6/66 để chuẩn bị di chuyển vào sáng sớm hôm sau.
Sau đây xin được trích phần tường thuật ngắn của vị Ðại úy cố vấn thuộc TÐ2/ TQLC là Thomas E. Campbell về những diễn biến của trận đánh: 27 xe GMC, khởi hành từ An Hòa lúc 7 giờ 30 sáng ngày 29/6 với 573 TQLC. Khi đoàn xe cách Huế khoảng 30 cây số và còn 20 cây số thì đến Quảng Trị theo Quốc lộ số 1, lúc này vào khoảng 8 giờ 30 sáng, di chuyển với tốc độ khoảng 30 - 35 KPH. Hai xe bị bắn bởi đạn 75 ly và bị cháy phải tấp vào lề đường, từ đồi ở phía Tây bắn ra với khoảng cách 400 mét. Ðoàn xe phải ngừng lại, Trung tá Minh ra lệnh cho Bộ chỉ huy/ TÐ di chuyển đến gần đường xe lửa cách lộ khoảng 60 - 75 mét. Việt Cộng từ đường rầy bắn ra rất mạnh. Sau một lúc giao chiến, ông Minh bị thương bởi hai viên đạn trúng ngực. Tôi thấy ông bị thương nặng. Một quả lựu đạn nổ làm tôi bị thương vào tay, cổ nhưng nhẹ. Khi tôi trở lại chỗ Trung tá Minh thì thấy ông đã chết, có lẽ vì trúng miểng lựu đạn vào đầu".
Tiếp theo xin được trích lại bài viết của ký giả Dzoãn Bình đăng trên Nhật báo Sống về "Trận phản kích tuyệt vời cuối cùng của Trung tá Lê Hằng Minh" sau đây:
"Theo đúng lời hẹn, chúng tôi ra Huế đúng ngày 29/6/66. Ðến Phú Bài lúc 15 giờ chiều, gặp loáng thoáng một đoàn quân nhạc có sĩ quan Cọp Biển đứng chỉ huy. Bên cạnh, có chiếc phi cơ ở phía sau, chúng tôi thấy một quan tài phủ Quốc kỳ. Cũng như lần trước, khi xuống sân bay, chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Vì thế, lòng chỉ thấy buồn lâng lâng... tay cầm tờ báo Sống, bụng nóng ruột mong téléphone gọi Tr/T Minh để khoe bài báo viết về khí phách của Trâu Ðiên và Tiểu đoàn trưởng Trâu Ðiên. Nhưng... chúng tôi giật mình khi có tiếng la của một Trung sĩ ra lệnh:
- Này, trung đội 2 sửa soạn chào quan tài Trung Tá.
Các tiếng xì xào tự nhiên lọt vào tai tôi:
- Tiểu đoàn Trâu Ðiên vừa đánh bại trận phục kích kinh khủng của VC ở quốc lộ 1.
Chúng tôi lật đật vớ lấy người nói câu này rồi hỏi hấp tấp:
- Có ai chết không?
- Có, Trung tá Tiểu đoàn trưởng chết rồi!
- Có phải Trung tá Minh không?
Không đợi trả lời, chúng tôi chạy như bay ra phía có chiếc quan tài và... quả đã rõ ràng - đúng là vị trí cuối cùng của Trung tá Lê Hằng Minh. Dường như... chúng tôi có chảy nước mắt trong phút giây đó. Cái sự khóc xảy ra thật kỳ dị. Tôi không có ý thức về cái khóc bất thần này. Nhưng... đó là điều ở trong đáy lòng tôi. Cảm thấy bồn chồn, tự nhiên tôi thấy tất cả đều phi lý và trong giây phút như mê ấy, tôi vẫn chưa định thần để nhớ cho kỹ lại, liệu mình đang làm gì? đang ở đâu? và có chuyện chi đang xảy tới. Cảm giác nghẹn ngào xâm chiếm và đè nặng trĩu. Tôi bùi ngùi nói bâng quơ như khấn vái: "Trung tá Minh ơi! Tôi viết bài đề cao tiểu đoàn Trâu Ðiên và viết về Trung tá đây này". Tôi trịnh trọng trải tờ báo lên nắp quan tài và lấy cái nón bê rê xanh đè chặn lên cho gió khỏi bay. Tôi tưởng như Lê Hằng Minh đang tủm tỉm cười với tôi, một nụ cười ma quái xuyên qua nắp chiếc áo quan... vô lý ấy.
Lòng không định mà tôi đột nhiên đứng nghiêm rất thẳng người để chào anh lần cuối, nước mắt lại ứa ra. Tôi khấn vái lần nữa: "Anh Minh hãy phù hộ cho tôi có nhiều cơ hội đi với các bạn đồng đội của anh, để viết thật nhiều, viết thật đều, để cho triệu người ở phần đất này thông cảm được sự gian khổ của những người lính chiến hôm qua còn đây, hôm nay đã ra người thiên cổ. Có trông thấy cảnh này mới thương đến người chiến binh".
Tôi cố tưởng tượng và hình dung lại con người anh rồi đột ngột hỏi thăm một Tr/Úy Cọp Biển đứng gác quan tài rằng: "Trung Tá bị... vào đâu?". Chẳng hiểu tôi là cái "thống chế" gì mà hỏi dồn dập và hơi có vẻ "vô lễ" như vậy, người sĩ quan lắc đầu đáp giọng bùi ngùi: "Ông bị hai phát vào ngực. Tụi nó còn quất thêm một tạc đạn, miểng tạc đạn phá bể sọ". Tôi rùng mình liên tưởng đến phút giao tranh ác liệt, Tr/Tá Lê Hằng Minh tả xung hữu đột giữa đám cuồng tín như thú dữ. Ông đã bắn đến viên đạn chót và đã gục ngã anh dũng như tất cả các chiến sĩ Cọp Biển từng hi sinh tô thắm cho lá cờ binh chủng, ngày thêm nổi bật truyền thống oai hùng của đoàn quân Cọp Biển".
Nói Về Một Người Chết là những cảm xúc của nghệ sĩ Tô Kiều Ngân trong bài tạp ghi đăng trên báo năm 1966: "Ðêm văn nghệ đã tàn, anh em TQLC dừng quân tại Kontum tỏ ra hả hê, thoải mái với một chương trình ca vũ hào hứng. Trong ánh sáng mờ mờ, chen giữa những tiếng nhạc dặt dìu, bỗng xuất hiện một người: mắt to, tóc ngắn, quần áo cọp biển, chiếc lon Thiếu tá gắn nơi ngực, bộ râu mép rất xanh, ông ta tới gần ban nhạc, cầm lấy cây lục huyền cầm. Hình ảnh đó chẳng có gì đẹp, vì dáng dấp, quần áo của con người đó đi kèm với chiếc đàn lục huyền quả thật là một cuộc hôn phối không cân xứng. Nhưng tôi giật mình, trước mắt tôi bỗng hiện ra một chân trời chói chang nắng vàng, rồi tiếng hát của bọn du mục giang hồ, những trái cam mọng đỏ, gió của sa mạc, rồi những cuộc đấu bò rừng, tiếng castagnettes reo đều trong tay cô gái Tây Ban Nha quay đều lả lướt.
Mọi người đều ngồi im, hướng về người chiến sĩ đang đàn kia. Ðầu anh hơi cúi thấp, đôi mắt anh ban nãy to và sáng, bây giờ bỗng trở nên dịu hiền. Anh như không chú ý đến mọi người, năm ngón tay lướt trên cần đàn, năm ngón kia búng vào sáu dây gợi lên những tiếng sóng vỗ, mưa sa.
Thật là "thế gian bất hiểu tài hoa khách". Ðất Kontum giá lạnh, heo hút này đã mang đến cho tôi một bất ngờ. Sau đêm đó, tôi biết anh ta là Hằng Minh, Thiếu tá Lê Hằng Minh, Chiến đoàn phó Chiến đoàn A/ TQLC.
Trở về Sài Gòn, tôi gửi sách lên tặng Minh, Minh viết thư về cho tôi nói rằng rất nhớ "tiếng sáo ru hồn" và Minh gởi cho tôi mấy bản nhạc để trình bày ở Ðài Phát Thanh. Yêu cầu đó đã được đáp ứng. Một chiều hành quân nào đó, Minh đã được nghe vọng ra tiền tuyến tiếng hát của Mai Hương trình bày bài nhạc của anh.
Ít lâu sau, tôi được tin Minh đi đánh giặc ở Bồng Sơn, Phú Yên rồi mới đây, tôi gặp Minh ở Ðà Nẵng trong những ngày khó khăn nhất của tình hình đất nước. Vẫn mớ tóc ngắn, đôi mắt to, bộ râu mép xanh rì, nụ cười hiền hậu. Thì ra Cọp biển bơi hoài, nay Kontum, mai Bồng Sơn, ngày kia đã dạt ra Ðà Nẵng. Gặp nhau ngắn ngủi, chia tay không kịp hẹn hò thì hôm qua đây, Huy Phương đột ngột báo tin cho tôi:
- Anh ơi! Ông Hằng Minh chết rồi.
Tôi sửng sốt, người lặng đi, gai ốc nổi cùng mình. Hằng Minh chết rồi ư? Tôi sững sờ như chưa khi nào nghe tin có người chết mà sững sờ như thế, kể cả lúc tôi nghe tin hai bà má tôi kế tiếp nhau qua đời trong vòng một tháng. Bà mẹ tôi như lá vàng, Hằng Minh là chiếc lá đương xanh.
Buổi chiều ngồi trong quán nước đường Lê Lợi, hai người bạn nói chuyện với nhau về lẽ sống chết ở đời. Có những người bạn vừa cụng ly với ta chiều nay, sáng mai lại đã vĩnh viễn nằm yên, giã từ tất cả. Chuyện đó bây giờ xảy ra như cơm bữa.
Tôi chợt nhớ tới Hằng Minh, người chiến sĩ vừa đánh giặc vừa đánh đàn. Lê Hằng Minh là chiến sĩ, chiến sĩ thì sống chết là chuyện thường nhưng giá Hằng Minh đừng có ngón đàn tuyệt diệu, đừng có một tâm hồn tràn đầy yêu thương thì khi nghe tin anh chết, sự ngậm ngùi cũng không đến nỗi nhiều như thế!".
Sau ngày cố Tr/T Lê Hằng Minh tử trận, Tổng cục chiến tranh chính trị có cho phát thanh một số chương trình "Thơ và nhạc Lê Hằng Minh", trích từ những bài thơ và nhạc phẩm do ông sáng tác về tình yêu, tình bạn và đời quân ngũ trên làn sóng Ðài phát thanh Quân đội ở Sài Gòn để tưởng niệm đến một anh hùng mũ xanh đã nằm xuống vì Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
Dẫu cũng là người trai trong thời ly loạn, đã là chiến sĩ cầm súng giữ biên cương, tất cả đều xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng chấp nhận tử sinh bất cứ giờ phút nào xảy đến với mình nhưng Thiếu tá Lê Minh Ðảo lúc ấy không thể nào ngăn được lòng xót đau khôn cùng trước sự ra đi vĩnh viễn của người em trai thân yêu. Ông đã khóc bằng những giọt lệ đau lòng khi viết nên những dòng chữ hết mực thương yêu:
Minh,
Anh ghi lại cuộc đời em trong khi em đã nằm yên nghỉ dưới lòng đất nước Việt Nam thân yêu, điêu linh và tang tóc này.
"Vì quốc vong thân", em để lại cho quốc gia này bao nuối tiếc, cho thế hệ 1966 một gương sáng soi chung cùng với một sự thiệt thòi to tát. Quân lực VNCH mất đi một chiến hữu oai hùng, một cán bộ chỉ huy ưu tú, lỗi lạc và gan lì... Văn nghệ Việt Nam mất đi một nhân tài có ngón đàn tuyệt diệu, một thi nhân với những dòng thơ đa cảm tràn đầy yêu thương.
Gia đình chúng ta, lúc em còn sống, tình thương của em, em ban hết cho tất cả mọi người, sự hi sinh của em vô bờ bến. Cho nên, mất em, gia đình mất tất cả, những người còn ở lại không còn đủ nghị lực để tin tưởng vào ngày mai. Riêng anh, sự mất mát thật quá ư lớn lao và tàn nhẫn. Anh mất một đứa em hiền hòa, hiếu thảo, một chiến hữu anh hùng tài ba, một "Bá Nha của Tử Kỳ", một người tri kỷ... Thật vậy, không ai hiểu anh bằng em, cũng như không ai biết rõ em bằng anh.
Em giã từ thế gian giữa tuổi "hoa niên" đầy mộng mơ, huy hoàng. Bao nhiêu người hướng về em, tin tưởng ở tương lai rực rỡ của em. Thế mà đành phải khóc em, khóc cho con người tài hoa bạc số!
Em như một vì sao. Sáng quá! Rực rỡ quá! Ánh sáng làm lóa mắt mọi người. Tất cả đều hướng nhìn em đang vượt thẳng tít lên cao và tan biến trong vũ trụ bao la để cho mọi người phải bàng hoàng, ngẩn ngơ, tiếc rẻ. Em đã tự tạo cho em một sự nghiệp vĩ đại làm hãnh diện cho gia đình, cho gia tộc họ Lê. Những đời sau này chưa chắc gì con cháu chúng ta sẽ làm được như em.
Hầu hết nhân vật trọng yếu của Quốc Gia mến tiếc em, phúng điếu và đưa linh cữu em đến nơi an nghỉ cuối cùng. Báo chí ngoại quốc và Việt Nam ca tụng em, dành cho em những hàng Tít lớn. Ðài Phát thanh dành những chương trình đặc biệt ca ngợi và thương tiếc người chiến sĩ anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng anh nghĩ rằng: "Nói đến Lê Hằng Minh mà chỉ nói đến phương diện ái quốc và nghệ thuật không chưa đủ. Lê Hằng Minh còn có nhiều đức tính cao quý khác. Cuộc sống nội tâm của Hằng Minh chứa đầy những u ẩn, dồn ép của một con người đa sầu đa cảm, quảng đại và vị tha, đem tình thương của mình ban cho tất cả mọi người...".
Ðó là những lời xúc cảm với muôn vàn đau đớn tiếc thương của Th/Tá Lê Minh Ðảo khi ông chợt nghe tin em trai mình vừa anh dũng hi sinh.
Và trên những tờ nhật báo Sống, Tiền tuyến... với những tin tức đang sôi bỏng ngoài chiến trường trong thời điểm đó, đã ghi lại bài phóng sự tường thuật: Trận phục kích Thần Sầu Quỷ Khốc của T.Ð. Trâu Ðiên như sau:
"Chúng tôi đến thăm trận địa giữa lúc xác địch máu đỏ còn bốc hơi, nằm ngổn ngang dọc đường rầy xe lửa, lẫn bên tử thi của các chiến sĩ Cọp Biển thuộc T.Ð. Trâu Ðiên gục ngã kế bên thân địch, điều đó chứng tỏ quân ta đã đánh cận chiến với quân xung phong của VC cho tới phút thở hơi cuối cùng.
Nhìn chung quanh là những dãy đồi trọc chập chùng bát ngát chạy dài tới vùng Cận Sơn. Ðịch chém vè tẩu thoát về phía núi nhưng binh lực TQLC Mỹ, Thiết giáp và các thiên thần mũ đỏ thuộc Tiểu đoàn 5 Nhảy dù đã được trực thăng vận cấp kỳ nhảy xuống trận địa và tiến sâu vào lòng núi để chận đường rút của địch.
VC phục kích hai mặt dồn ta lọt vào tầm súng địch.
Phòng tuyến bố trí của VC dài 3 cây số. Nơi được chọn làm chiến trường nằm gần ranh giới Quảng Trị - Thừa Thiên, cách Huế 34 cây số. Ðịch nằm ôm lấy con đường số 1. Chúng phục cả hai bên đường. Bên tay mặt, chúng ẩn nấp sau bụi rậm, bố trí SKZ và súng thượng liên khai hỏa bắn ngay vào quân xa gồm 27 chiếc chuyên chở toàn bộ T.Ð. Trâu Ðiên xuất phát từ Huế khoảng 7 giờ sáng 29/6/66.
Tiểu đoàn này có nhiệm vụ ra Ðông Hà dự cuộc hành quân hỗn hợp với Ðồng Minh (T.Ð. này cũng vừa tạo thành chiến tích Phù Lưu đè bẹp T.Ð. 808 VC). Khi súng địch nổ bùng, các chiến sĩ Trâu Ðiên phản ứng tự nhiên bằng cách nhảy khỏi xe, tràn qua tay trái băng qua đồng trống lối vài chục thước để chiếm lãnh cao địa VC là dãy đường rầy xe lửa.
Nhưng địch đã nằm đầy nhóc tại phía này và quân ta đã chạy thẳng vào đúng tầm súng của quân xung phong VC. Trong trường hợp thất thế này chỉ một phút lúng túng là toàn T.Ð. sẽ tan rã trong nháy mắt. Khi mà SKZ nổ từng loạt bắn cháy ngay trong 5 phút đầu 14 xe ngút lửa, khi mà phía địch quét ra hàng loạt thượng liên bắn như mưa rào. Chạy qua phía trái thì đụng vào lưới lửa tập trung hỏa lực của địch đã nắm ưu thế địa hình chọn lựa từ trước. Nhưng Tr/T Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng T.Ð. Trâu Ðiên đã tỉnh táo nhận rõ lối mai phục của địch bố trí cả 2 bên đường. Như vậy tầm súng của địch phía đường rầy có thể bắn vào đồng chí của chúng phía bên kia mặt đường sau bụi rậm. Quả đã rõ ràng là VC chỉ bắn thật sự khoảng 5 phút mở màn trận đánh và khi ta nhào qua phía đường rầy xe lửa, thì bọn VC bên này chỉ bắn với mục đích dùng tiếng nổ uy hiếp tinh thần quân ta, xua quân ta chạy về phía bố trí hỏa lực chính của địch. Nhận định tổng quát toàn bộ chiến trường với phản ứng chớp nhoáng, Tr/T Lê Hằng Minh ra lệnh cho Ðại úy tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Hay mang toán quân thoát hiểm sau đợt SKZ phủ đầu dồn toàn lực băng qua đường vượt qua đám lửa khét lẹt mùi xăng và thịt người chết cháy, để xung phong đánh thốc vào phòng tuyến của VC nằm phía bụi rậm. Nếu VC thật sự bắn theo đường bắn thẳng thì chúng sẽ quạt vào quân của chúng đang rời khỏi đường rầy xe lửa để xông vào đánh cận chiến với các chiến sĩ Cọp Biển từ trên đoàn xe bốc cháy nhảy xuống xáp chiến giữa làn sóng biển người của đối phương.
Bên cạnh Tr/T Lê Hằng Minh còn có một trung đội cảm tử có nhiệm vụ bảo vệ cho Ban Chỉ huy TÐ, nhưng các chiến sĩ cảm tử này đã bị hàng trăm quyết tử VC cố ý nhắm vào bộ phận đầu não của ta để lao vào tiêu diệt dù phải đổi giá đắt. Trung Tá Lê Hằng Minh, người chiến sĩ Cọp Biển, anh cả của TÐ2/ TQLC với 31 tuổi xuân tràn đầy nhựa sống ấy đã oanh liệt gục ngã sau khi điều động toàn tiểu đoàn lật ngược thế cờ phản kích địch và giật lại thế chủ động chiến trường.
Ðể giúp bạn đọc có một khái niệm tổng quát về trận phản kích của VC trên quốc lộ 1 ngày 29/6/66, chúng tôi xin lược thuật vài nét chính như sau:
Lực lượng VC gồm có Tiểu đoàn chính quy 800 được tăng cường thêm Ð.Ð. Phòng không C-15 gồm súng nặng 12 ly 7 và đại liên 50 có bánh xe, tăng cường thêm Ð.Ð. C-16 gồm súng cối 82 ly, SKZ 57 ly và 2 cây đại bác 75 ly. Ðơn vị này nhắm đánh xe tăng và yểm trợ cho quân xung phong khi tiến cũng như lúc giải quyết chiến trường. Tăng cường thêm Ð.Ð. C-13 gồm bộ phận truyền tin, điện thoại... Quân số VC tham dự trận phục kích gồm 700 người cộng thêm quân du kích địa phương thuộc đơn vị H99 trang bị các võ khí như carbin garant M1 FM 24x29 v.v... Trận phục kích vận động chiến của VC áp dụng theo kế hoạch chặt đứt đầu (Ð.Ð.1 của Ðại úy Trần Kim Hoàng & Ð.Ð.3 của Trung úy Ðinh Xuân Lãm), cắt làm đôi, rồi khóa chặt đuôi (Ð.Ð.2 của Ðại úy Nguyễn Văn Hay & Ð.Ð.4 của Ðại úy Nguyễn Xuân Phúc) để tiêu diệt bộ phận giữa (Bộ Chỉ huy & Tiểu đoàn trưởng TÐ2).
Trận phục kích này, TÐ. Trâu Ðiên đã phản phục kích thật dữ dội kinh hoàng. Ðánh hết sức mình nhưng sức người có hạn, Tr/T Lê Hằng Minh cùng một số chiến sĩ anh dũng khác như Chuẩn úy Cầu v.v... đã gục ngã sau khi chọc thủng phòng tuyến địch và kịp điều động các chiến sĩ Cọp Biển còn sống sót tập trung binh hỏa lực đánh thốc ngược trở lại phòng tuyến thứ hai của VC. Chắc chắn là cho tới giờ nhắm mắt, Tr/T Minh cũng còn đủ trí minh mẫn để... chết trong niềm hãnh diện vì thế chiến thắng đã lật ngược được ngay sau 15 phút giao tranh và Tr/T Lê Hằng Minh đã oanh liệt đền nợ nước vào phút thứ 30.
Chính vì phản ứng mau lẹ, nhận định tổng quát trận địa và nắm được ý của địch, nên trận phục kích mà VC đã công phu mai phục từ 2 giờ sáng với quân số đông đảo, hỏa lực hùng hậu, chúng tin chắc chỉ sau 10 phút phát hỏa là hơn 400 chiến sĩ Cọp Biển sẽ rơi vào lưới lửa của VC. Kết quả sẽ là phân nửa bị hạ ngay đợt súng đầu tiên và một phân nửa bị lùa đi vì lọt vào giữa "tổ ong" trùng điệp ngập quân thù và... đơn vị tiếp ứng nếu kịp lên tới trận địa thì nhiệm vụ của họ là đi lượm xác đồng đội và lo dập tắt đám cháy của đoàn GMC trúng SKZ 57 ly.
Nhưng kết quả trái lại. Ðại tá Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1, đã phải nói thành thật rằng trong đời binh nghiệp của ông, kể cả hồi Pháp, chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản kích tuyệt vời như trận đánh trên cây số 34, tại quốc lộ 1 ngày 29/6/66 vừa qua.
Dù đã bị thất thế, trong lúc VC mai phục ở vị trí do chính địch chọn lựa. Quân ta ngồi trên xe, SKZ bắn loạt mở đầu bên ta đã bị trúng đạn 14 xe. Tuy vậy, ai gục thì... đành chịu, còn lại tỉnh táo dựa lưng vào nhau tác chiến ngay..."
(Trích ghi từ phần phóng sự chiến trường)
Vì thế với sự phục kích đại quy mô, lực lượng hùng hậu là một Trung đoàn VC với sự chủ động chọn lựa địa hình mọi ưu thế nắm chắc cùng khẩu hiệu "phải chuẩn bị thật chắc ăn mới đánh" không ngờ gặp sự xung phong chiến đấu dũng mãnh của các chiến sĩ Trâu Ðiên TÐ2/ TQLC cùng sự tài tình đảm lược của vị Tiểu đoàn trưởng khét tiếng đã biến thành trận phản kích lẫy lừng lần thứ nhất tạo thành trên chiến địa Việt Nam.
Khi TÐT Lê Hằng Minh vừa gục ngã cũng là lúc bại quân VC đang cố tìm đường tháo chạy về hướng núi Hồ Bơi, Cánh Giơi v.v... Nhưng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã kịp thời bám sát truy lùng, chận đường tẩu thoát của địch. Giữa lúc trận đánh đang tiếp diễn các cánh quân của Nhảy Dù, Trung đoàn 3, Thiết quân vận M 113, Thủy quân lục chiến Mỹ đang rượt địch thì tướng Walt, Tư lệnh Cọp Biển Hoa Kỳ đã ngồi trực thăng đi quan sát chiến trường. Mặt khác tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I cũng cùng với Ðại tá Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I ngồi trực thăng theo sát trận địa. Tướng Walt từ trên nhìn xuống ở ven sông thấy có hai xác VC nằm chết gục bên cây đại bác 75 ly khổng lồ, Tướng Walt thận trọng cho gọi một đơn vị Cọp Biển, có thêm đoàn quân khuyển trực thăng vận xuống bao quanh khu vực này. Sau đó chính tướng Walt đã hạ cánh xuống nơi có cây đại bác 75 và tịch thu mang về Bộ Chỉ huy.
Chỉ trong vòng một tuần lễ với ba chiến thắng Lam Sơn 283 (Phù Lưu - Gia Ðặng); 284 truy kích tiểu đoàn 808 VC và 285 là trận phản phục kích thần sầu của Tiểu đoàn Trâu Ðiên tại mặt trận miền Trung đã vang dội khắp các chiến trường. Ðể viết nên những trang sử xanh này, Trung tá Lê Hằng Minh cùng một số các chiến sĩ oai hùng khác... đã vĩnh viễn ra đi từ chốn Tử Sinh!
Ðến đây, tôi cố hình dung ra buổi sáng kinh hoàng và đầy máu lệ hôm ấy. Một buổi sáng mai còn tươi đẹp ánh nắng vàng rực rỡ. Trên con đường quốc lộ số 1 chạy dài từ Huế ra đến Quảng Trị - Ðông Hà, khói lửa đã bùng lên nơi đoạn đường Cầu Phò Trạch, Phong Ðiền - Thừa Thiên trên cây số 34. Trận chiến diễn ra thật khốc liệt chỉ hơn nửa tiếng thời gian nhưng đã lấy đi bao mạng sống con người và gây ra bao cảnh tang thương, từng ngày từng giờ trên quê hương điêu linh khốn khổ Việt Nam. Ðã bao nhiêu chiến sĩ anh hùng đã nằm xuống như những người vừa ngã xuống nơi đây. Dòng máu thanh xuân của họ đã chảy thắm trên mảnh đất cằn khô quê mẹ cho mạch sống tương lai được thêm phần tốt tươi. Những giờ phút kinh hoàng đau thương ấy chỉ diễn ra ngoài trận địa. Hậu phương, thành phố nơi tôi đang yên vui cắp sách đến trường, chỉ biết hồn nhiên với khung trời tuổi nhỏ, sống cuộc đời êm ả trong mái ấm gia đình. Làm sao có thể biết rõ và thấu hiểu hết được sự hi sinh như thế nào của những người lính chiến và những tàn phá khổ đau trên quê hương khói lửa triền miên ngày ấy.
Người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã hiên ngang chiến đấu dưới màu cờ cùng đồng đội, chiến hữu. Và trong buổi sáng đẹp trời hôm đó, anh đã ra đi, dũng cảm và liệt oanh khi tuổi đời thanh niên của anh đang tràn đầy sức sống mạnh mẽ, trẻ trung. Chiếc đàn Guitaire yêu quý mà anh luôn mang theo bên mình cũng đã vỡ tan trước mũi súng quân thù. Cuối tháng sáu, gió Hạ Lào đang thổi về như tiếng mẹ ru buồn bay lướt trên những dãy đồi trọc trống vắng quạnh hiu. Hồn anh du nhập theo bóng núi Trường Sơn trùng trùng ngạo nghễ, để lại xác thân bên ven bờ quốc lộ 1 những niềm đau nuối tiếc sống cuộc đời chưa phỉ, chưa đành đoạn xa rời những người thân yêu quý, xin cho trôi ra dòng biển lớn bao la trước mặt, rửa sạch hết những hờn đau của một kiếp người. Nắng vàng tươi của buổi sớm mai đang trải rộng mênh mông trên mảnh đất cằn khô sỏi đá, tiễn đưa những người chiến sĩ đã sống và vừa chết cho quê hương. Những người con của Mẹ đã ra đi và nằm xuống, nhưng khí hùng bất tử của các anh vẫn là những giọt nắng vàng tươi lấp lánh và chiếu sáng trong hồn Dân tộc, trong lòng những người còn lại hôm nay và mãi đến muôn đời sau. Trung tá Lê Hằng Minh đã anh dũng đền xong nợ nước vào lúc 8 giờ 50 phút sáng tại chiến trường miền Trung năm 31 tuổi, ngày 29 tháng 6 năm 1966, trong bao niềm tiếc thương của bạn bè, thượng cấp và đồng đội chiến hữu khắp các đơn vị.
Chiều hôm sau, chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ quốc đã đưa người chiến sĩ Lê Hằng Minh về Sài Gòn. Chiều hôm ấy mưa rơi tầm tã, gió lạnh tơi bời như những niềm đau cắt ruột của những người thân trong gia đình vừa mất đi một người con, người em, người anh thương yêu. Người mẹ đã cho đi bốn người con trai (Lê Minh Ðảo, Lê Hằng Minh, Lê Hằng Nghi, Lê Quang Thạch) vào trong Quân ngũ. Sau này đã khóc trước sự ra đi vĩnh viễn của 2 người con (Tr/T LHM & T/S LQT) cùng năm tháng mòn mỏi đợi chờ 2 người con còn lại trong lao tù Cộng sản mười mấy năm dài sau biến cố lịch sử 30/4/75 (Thiếu Tướng LMÐ & Ðại úy LHN). Chiếc quan tài buồn đã được đưa về ngôi nhà mà Tr/T LHM đã được sinh ra và lớn lên ở Hàng Keo - Gia Ðịnh. Người Mẹ đã một thân Cò nuôi dưỡng một đàn con với bao dòng nước mắt đau khổ chảy xuôi. Hôm nay thêm một lần chảy xuống thành dòng máu lệ trong trái tim của người mẹ hiền già nua héo hắt! Mọi người trong gia tộc đều thương tiếc và yêu thương LHM đến nỗi cho sơn chiếc quan tài màu trắng là màu ông rất ưa thích lúc sinh thời. Họ đều không được nhìn mặt ông lần cuối mà chỉ biết ôm lấy chiếc quan tài đã phủ kín xác thân, than khóc tiếc thương. Ðám tang của ông được cử hành trọng thể, trang nghiêm với các lễ nghi quân cách, Tổ quốc ghi công, và an táng tại nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi - Sài Gòn. Cố Tr/T Lê Hằng Minh được ân thưởng: Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương, Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương, với nhiều Anh Dũng Bội Tinh, Nhành Dương Liễu, Ngôi Sao Vàng, Bạc và nhiều huy chương khác của QLVNCH.
Trên mộ là bức hình cố Trung tá Lê Hằng Minh mặc quân phục, đội nón sắt (do một phóng viên người Mỹ chụp và đăng hình trên báo Marine Corps Gazette & Time News) cùng khắc hai câu thơ "Vì tôi là lính áo rằn. Ra đi nào biết mấy trăng mới về". Bởi ông đã chọn đời binh nghiệp, hiến cuộc đời cho Tổ quốc, sẵn sàng chấp nhận hi sinh nên đã không dám nghĩ đến tình riêng, sợ vướng khổ cho cuộc đời cô nhi quả phụ nên khi chết vẫn còn độc thân, chưa lập gia đình. Cái chết của Tr/T Lê Hằng Minh đã là một cái tang xót đau lớn cho gia đình, ngờ đâu 6 tháng sau lại thêm sự ra đi vĩnh viễn của người em gái kế là Lê Mộng Huyền đang là một cô giáo hiền hòa tươi trẻ (dạy học trường Quốc Gia Nghĩa Tử), vì không chịu nổi sự buồn đau trước cái chết đột ngột của người anh ruột mà cô hết lòng yêu kính.
Là một sĩ quan ưu tú của quân đội, là một nghệ sĩ vui tính với ngón đàn tuyệt diệu. Tr/T Lê Hằng Minh còn là một người con rất hiếu thảo với mẹ. Dường như ông biết đời lính chiến của mình có thể ra đi bất cứ lúc nào nên ông đã viết một lá thư tỏ bày sự kính yêu cùng một khoản tiền dành dụm được lúc du học ở Hoa Kỳ, để lại cho mẹ sau ngày ông mất đi. Và đây là những dòng hồi ký ông đã ghi lại những cảm xúc và tâm tình lúc bé thơ, thể hiện một con người đa cảm và nhân ái:
"Ngày... tháng... năm...
Bệnh viện Nguyễn Văn Học tục gọi là bệnh viện nhà nước hay nhà thương thí cũng thế. Anh em mình lớn lên bên bệnh viện này, liên hệ mật thiết với nó như bóng với hình. Mình chào đời vào lúc 8 giờ tối ngày 18/5/1935 tức (16/4 năm Ất Hợi) trong khu Bảo sinh, phòng dành cho công chức, do bà sáu Nhiều đứng đỡ...
Hầu như mình thuộc nằm lòng vị trí của bệnh viện, nào là phòng khám bệnh, phát thuốc, trại 1, trại 2, trại 3, trại 4, trại 5, trại 7, trại Bùi Văn Lố và trại bảo sanh. Sở dĩ mình nhớ như vậy vì bao lần má sinh các em, nào lúc ba bệnh, những khi mình ốm đau đều nhờ nó cả!
Mình lớn khôn, đi xa, thấy rộng, mình có cảm tưởng càng ngày bệnh viện càng nhỏ hẹp lại, cằn cỗi, già... theo má mình vậy!
Mỗi lần đi xa trở về, đi ngang bệnh viện, mình trìu mến nhìn, có ý thưa: "Con mới về đây".
Ngoài má ra, bệnh viện này là bà mẹ thứ hai có công ơn nuôi dưỡng anh em mình khôn lớn khỏe mạnh đến ngày nay!"
"Ngày... tháng... năm...
Ðến trường
Sáng hôm ấy, vào năm 1940, mình được má đưa đến trường Mac Ferrando - Gia Ðịnh.
Ðêm trước, mình thấy nao nao, cảm giác là lạ khi nghe ngày mai mình phải đi học. Mình thấy ba má, chị Hai, chị Ba, anh Tư đều bận rộn việc đi học của mình. Nhứt là anh Tư *, anh vỗ tay dí vào mũi mình, vừa nhảy cà tửng vừa chộ mình. "Ê, mai mày đi học rồi. Ê, ê...". Mình nghĩ có lẽ vì ảnh đi học mà mình ở nhà đi chơi với anh Xái nên ảnh tị, bây giờ nghe mình đi học ảnh khoái lắm!
Sáng sớm, bị ba đánh thức rất sớm, mình ăn lót lòng cháo trắng với đường, ba cho mình "hai đồng nửa xu" mới tinh, tay ôm cuốn dầu "con thỏ và con rùa", tay phải nắm tay má rụt rè tới trường... thỉnh thoảng mình buông tay má vạch túi xem hai đồng nửa xu còn không.
Ðến cổng trường, trời... học trò sao mà đông thế. Những đứa lớn đùa giỡn, la lối, rượt bắt nhau như ong vỡ tổ. Mặt mình lúc ấy hình như mếu rồi, mình sợ quá nắm tay má thật chặt, mặt cứ rúc vào tà áo dài bằng hàng trắng thật mới của má, mình ngửi mùi hàng thấy ngọt ngào làm sao! Có những tên lạ cũng mếu, ngơ ngác theo ba má chúng đi xin học như mình!
Trước căn phòng hiệu trưởng, nhiều người dìu con đi học nên có sự chen lấn xảy ra. Có một tên chèn mình vì bị ba nó kéo lên phía trước... Suýt chút bị sút tay khỏi tay má, mình sợ lạc má nên vội thúc vào hông nó thật mạnh khiến hắn khóc ré lên...
Ðến phiên mình vào, trời khiếp, ông Ðốc Mão sao to béo thế. Ông cầm đơn xin học của mình đoạn nhướng mắt nhìn mình qua làn kính trắng, giọng oang oang hỏi má: "Trò Minh chưa đủ tuổi mà học cái gì?". Má vội đưa tấm danh thiếp giới thiệu của ông Dournot, thanh tra người Pháp, ông này quen với ba sao đó. Bấy giờ ông Ðốc Mão "dịu giọng" ngay: "Thôi được" và ra lệnh người tùy phái dẫn má và mình đến lớp năm A gặp thầy Phước làm mình thất vọng quá. Ðang hi vọng trở về vì chưa đúng tuổi! Mặt méo xẹo, riu ríu theo má đi gặp thầy Phước, tay ông đang cầm cây thước nhịp nhịp vào không khí, mình thấy ông ta nghiêm quá, vội rúc vào lòng má, ôm chân má thật chắc. Thầy Phước khẽ cười, cúi đầu đáp lễ má và nói: "Dạ, bà giao em cho tôi", tay thì nắm lấy tay mình kéo đi, mình khóc rú lên "má ở đây má ơi!", má cười gượng, gỡ tay mình đang ôm đùi má và an ủi mình: "Không sao đâu con, má phải về còn đi chợ nữa chớ". Mình cố gào thét nhưng vô hiệu!
Má đi rồi, thầy Phước vừa dỗ vừa dọa, tay ông cầm cây thước dọa dọa. Không còn má, mình thấy bơ vơ trong thế giới của học đường và sợ hãi trước ông giáo xa lạ, mình hết dám khóc. Thầy Phước dìu mình đến ngồi bàn thứ hai.
Mình lấy tay áo mới, chùi mắt và mũi, khẽ liếc chung quanh, thấy các bộ mặt "mếu" chẳng khác gì mình, chúng đang lấm lét nhìn ông thầy. Mình thấy dường như vừa mất mát cái gì to lớn lắm!
(*) (Anh Tư: Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo)
Ngày... tháng... năm...
Ngày bãi trường đầu tiên
Mình làm quen thế giới học đường được một năm rồi, sau kỳ thi tất cả 52 đứa đều được lên lớp tư. Không biết thông lệ từ hồi nào, ngày bãi trường là học sinh đóng tiền liên hoan đãi Thầy do các tên lớn đề xướng và tổ chức.
Hôm ấy, từ lớp tư trở lên đều liên hoan rầm rộ. Còn lớp mình im ru buồn hiu vì toàn là bé con. Chẳng có tên nào lãnh đạo, thành lớp mình buồn hơn đám ma!
Có lẽ cảm thấy nỗi buồn ấy, hơn nữa sắp xa đám học trò, các tác phẩm do chính tay mình gầy dựng cả năm trời... bất thần có tiếng leng keng của người Tàu già bán kẹo đục đi qua. Thầy Phước vội kêu vào bảo đục 53 phần kẹo, mỗi phần một xu!
Năm mươi ba phần kẹo được đục xong, thầy Phước móc bóp đếm cẩn thận năm tờ giấy một cắc và ba đồng xu, trả tiền kẹo, tay run run...
Lúc ấy, mình hết nhìn người bán kẹo lại nhìn thầy Phước, xong lại nhìn 53 phần kẹo, miệng nuốt nước bọt. Mình thấy thương thầy Phước quá, bao nhiêu lần bị phạt, bị đòn trong năm đều tiêu tan hết...
Thầy Phước tay chắp sau đít, đi qua đi lại như bao ngày, ông ho gằn mấy tiếng có lẽ vì cảm động, đoạn nói: "Các em, hôm nay ngày bãi trường, thầy trò mình bắt đầu xa nhau... Hôm nay, thầy đãi các em một xu kẹo đục, bắt đầu trò Ẩn đi lên lần lượt lãnh kẹo". Tụi mình lãnh hết, còn lại một phần, ông cầm lấy và ra lệnh ăn. Ðứa nào đứa nấy mặt hớn hở nhìn Thầy đầy trìu mến!
Trong đời mình, có lẽ không có bữa tiệc nào quý và cảm động bằng một xu kẹo đục của thầy Phước..."
Tâm hồn Lê Hằng Minh giàu cảm tình và nhân hậu là thế, nên khi hồi tưởng lại giây phút tôi gặp chú lúc đi lạc giữa súng ống và binh lính ngổn ngang, sợ hãi đứng khóc một mình trong ngày biến cố đảo chánh ở thành Cộng Hòa. Ðang là vị sĩ quan chỉ huy và cũng chắc rất đang bận rộn với những trách nhiệm của mình, vậy mà chú cũng đến bên tôi, dỗ dành cho nín khóc và đưa về tận nhà. Ðó là hình ảnh tôi không quên qua nghĩa cử của một người có tấm lòng nhân ái đối với trẻ em. Và cũng từ cơ duyên đó, 38 năm sau tôi mới có dịp viết, vẽ lại chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa cao đẹp qua hình ảnh cố Trung tá Lê Hằng Minh.
Chú Minh ơi, sau khi cánh cổng rào nhà cháu khép lại, là từ đó cháu không bao giờ còn gặp lại chú nữa. Nhưng hôm ấy, cháu còn giữ lại nơi chú một nụ cười trìu mến vỗ về, dù cháu đã hết sợ và nín khóc từ lúc mới gặp chú. Cả ngày hôm đó, con bé tám tuổi vẫn nhớ tới chú vì còn giữ mấy cánh hoa sứ trắng trong túi áo mà chú đã nhặt và hái cho. Cháu đã đem ép vào những cuốn sách mà cháu yêu thích nhất vì nghĩ hương thơm hoa sứ sẽ còn hoài trên những trang sách đó. Thỉnh thoảng qua hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi và đi lượm hoa sứ rụng, cháu vẫn còn nhớ tới chú với lời hẹn hôm nào gặp lại sẽ được chú đàn cho nghe như lời chú hứa. Mà chẳng biết tới bao giờ đây (?).Hơn một năm sau, nhà cháu dọn ra khỏi cư xá đi nơi khác và chút kỷ niệm thân ái bé nhỏ ấy cũng dần nhạt nhòa theo những ngày tháng cháu lớn khôn thêm. Một đôi lần cháu theo mẹ vào Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm ba cháu những lúc ông bị thương, cháu lại nhìn thấy những hàng bông sứ trắng được trồng dọc theo mấy dãy hành lang bệnh viện trắng toát u buồn, làm những cánh hoa rơi khẽ chỉ lặng lẽ tỏa hương để không gian nhẹ bớt phần thê lương của những người thương binh. Cháu lại thoáng nhớ đến chú rồi lại quên trong cái tuổi hồn nhiên vô tư lự. Vài năm sau, có một lần cháu sang nhà hàng xóm chơi, thấy sân nhà bác Thiếu tá Nhàn mới nở mấy cây hoa sứ kiểng rất đẹp. Cháu hỏi xin, bác từ chối, cháu cố năn nỉ: "Cháu chỉ xin bác một bông thôi, bác xem có bông nào xấu nhất, bác cho cháu nhé!". Bác Nhàn bật cười: "Hoa nào cũng đẹp, chỉ có mỗi bác Nhàn là xấu thôi, không có hoa nào xấu cả, cháu ơi". Bác Nhàn nói thế để lờ đi đấy mà (Dĩ nhiên là không rồi, vì đó là hoa kiểng của bác mới nở được có mấy bông). Nhưng lúc ấy cháu còn trẻ con, nên nghĩ bụng, bác Nhàn xấu thật, mình xin có mỗi một hoa nào xấu nhất, vậy mà bác cũng không cho. Rồi cháu chợt nhớ tới chú, tới những bông sứ trắng nơi hàng cây bóng mát tuổi thơ của cháu ngày nào mà đã có lần được chú hái cho bỏ đầy hai túi áo ngày xưa.
Năm tháng trôi qua với biết bao đổi thay, biến động của cuộc sống và tình hình đất nước, cháu đâu còn có dịp nào để nhớ lại câu chuyện bé nhỏ ngày xưa ấy. Cho đến một hôm, trước ngày Quân lực 19/6/02 vài ngày, cháu tìm hiểu và liên lạc với một số vị chỉ huy của những trận chiến oai hùng của Quân đội VNCH để phỏng vấn trong chương trình phát thanh "Tiếng Việt mến yêu" nhân dịp kỷ niệm ngày Quân lực VNCH. Tình cờ cháu nhìn thấy hình của chú trên bìa đặc san Sóng Thần - 2002 trong văn phòng làm việc, cháu thấy khuôn mặt và nụ cười của người lính này sao nhìn quen quá, rất quen, rồi... không sao nhớ thêm được tí nào nữa. Cháu vẫn nhớ chú tên Minh nhưng không biết nguyên tên họ chú là Lê Hằng Minh. Ngay lúc đó cháu cũng đang đọc cuốn bút ký "Cuộc chiến dang dở" của chuẩn tướng Trần Văn Nhựt (cũng là bạn học với chú) vừa gửi tặng. Ðến đoạn viết về cuộc đảo chánh ngày 1/11/63 với sự tham dự TÐ4/ TQLC của chú, cháu mới chợt nhớ ra như dòng suối đã được khơi nguồn. Câu chuyện và những hình ảnh đã lãng quên, nay giật mình nhớ lại thì đã 36 năm trôi qua. Cháu cũng không biết rằng sau lần gặp chú thì chỉ hơn hai năm sau, chú đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến ở miền Trung, và cũng không hề biết chú là em của Th/Tướng Lê Minh Ðảo dù đã trò chuyện với ông vài lần qua một cuộc phỏng vấn trên Ðài Phát Thanh. Thêm một tình cờ ngẫu nhiên khi cháu nhớ ra chú và muốn tìm hiểu thêm về trận đánh ngày 29/6/66, lúc tiếp chuyện với Ðại tá Ngô Văn Ðịnh là người thay thế chức vụ Tiểu đoàn trưởng TÐ2/ TQLC ngay buổi chiều chú vừa hi sinh, cháu nhắc với ông: "Hôm nay là ngày giỗ của chú Lê Hằng Minh, ngày 29 tháng 6". Ông cũng bùi ngùi nói: "Ðó là người chiến hữu thân của tôi đã mất cách đây đúng 36 năm, không ngờ hôm nay còn có người nhắc nhớ và viết đến. Cám ơn cô Ngọc Thủy!". Rồi ông liên lạc ngay với người bạn rất thân của ông từ nhiều năm qua và cũng là một người bạn rất thân mến từng sát cánh cùng chú trong nhiều năm binh nghiệp hiện đang định cư ở Iowa là Ðại tá Tôn Thất Soạn, và bất ngờ trong một cuộc điện đàm, Ð/T Tôn Thất Soạn có cho cháu biết ông đã nghe được câu chuyện này cách đây hơn ba mươi năm về trước: "Trong ngày 1/11/63, TÐ4/ TQLC chia ra làm 2 cánh quân. Lúc đó tôi là Tiểu đoàn phó TÐ4/TQLC giữ cánh B đóng ở Nha Cảnh sát, còn Tiểu đoàn trưởng Lê Hằng Minh thì đưa cánh quân A qua thành Cộng Hòa. Sau ngày đảo chính, có một lần, anh ngồi cười kể cho tôi nghe chuyện gặp một cô bé đi lạc, anh đã đến dỗ dành và đưa cô bé ấy về nhà. Tôi nghe anh Ðịnh kể về nguyên nhân câu chuyện của cô muốn đi tìm chi tiết để viết về anh Minh là tôi nhớ lại ngay cũng câu chuyện này đã từng được nghe Lê Hằng Minh kể, tôi không ngờ cô bé đi lạc hồi đó là cô Ngọc Thủy bây giờ". Và sau đó ông đã gởi ngay cho cháu một bài viết về một số những trận đánh ông từng tham dự sát cánh với chú, trong đó có đoạn: Trong những ngày diễn tiến của biến cố 1/11/63, Tiểu đoàn 4/ TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó mà không gây thiệt hại gì cho đơn vị đối phương hoặc dân chúng địa phương. Ðiều này đã nói lên được tinh thần kỷ luật của đơn vị rất cao cũng như tình Quân dân như cá nước của các chiến sĩ Kình Ngư (TÐ4/ TQLC) mà điển hình là một câu chuyện kể của người anh cả Kình Ngư (TÐT Lê Hằng Minh) một ngày sau đó (1/11/63): "Với quân phục rằn ri cọp biển, đi đứng hiên ngang hùng dũng, nón sắt chiến trận nặng nề, chụp trên đầu của khuôn mặt sạm nắng, cặp mắt quầng thâm thiếu ngủ, với bộ ria mép rậm rạp như trong phim "cow boy" Mexico, với dây súng gắn dài đạn đồng đeo chéo ngực v.v... khiến ai nhìn mà không khiếp đảm, huống hồ là một em bé gái bé bỏng 8 tuổi của đô thành hoa lệ Sài Gòn, nào có biết chiến tranh là gì; nên khi Ð/U Minh và các binh sĩ từ trên xe GMC nhảy tràn xuống đường gần thành Cộng Hòa để chiếm các vị trí bố phòng dọc theo nhà dân hai bên vệ đường, khiến em bé gái này sợ hãi quá, khóc thét lên... Tuy với vóc dáng bên ngoài "gồ ghề" là thế, vậy mà bên trong chứa ẩn một trái tim nhân hậu và đầy tình cảm. Ð/U Minh người anh cả Kình Ngư, đã quỳ một chân xuống bên cạnh em bé gái đó, để đưa tay vuốt tóc em bé cho đỡ sợ và nói những lời an ủi dịu ngọt để cho em vững tâm mà nín khóc... Sau đó em bé đã hiện nét mặt vui mừng, trò chuyện và anh đã đưa cô bé về nhà gần đó...". Ðại úy Minh đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện này vừa xảy ra hôm qua với nét mặt hân hoan của một người nhân hậu vừa làm được việc tốt lành. Tôi có nghe nhưng rồi cũng bỏ qua, nhưng không ngờ sau 38 năm, lại được em bé gái đó, bây giờ là một nữ văn sĩ hiện định cư ở San Jose, Cali... lúc đọc được ÐSST - 2002, đã bất ngờ nhìn thấy lại hình cố Tr/Tá Lê Hằng Minh trên trang bìa sách của đặc san. Một kỷ niệm trong sáng của một thời thơ ấu đã gợi lại hình ảnh một anh hùng mũ xanh của năm nào! Nhưng thật đáng buồn, vì bây giờ người anh hùng đó đã thành người thiên cổ!"
Nghe ông Ð/T Soạn nhắc lại cháu rất cảm động, nên viết thành mấy câu thơ:
Sao người không tặng cho tôi
một bông sứ trắng cho đời thơm hương
Tặng chi tôi một giọt sương
Trên bông hồng đỏ, dễ thường không khô?
Biết đời như một giấc mơ
Thì tôi xin một phút chờ cho vui!
Nhớ bông sứ trắng một thời
Có con bướm trắng bay rồi, đã bay...
(Thơ N.T.)
Chú Minh ạ, cháu thật sự xúc động bởi chú không những là người lính có tình người nhân hậu và trái tim nghệ sĩ năm xưa cháu đã gặp, mà qua chú sống dậy trong lòng cháu những hình ảnh thật kiêu hùng cùng những hi sinh quả cảm của những người trai thời loạn đã dành cho Tổ quốc Việt Nam: sự sống và tuổi trẻ cùng tấm lòng yêu dân tộc quốc gia. Hơn nữa, chú và hàng trăm vạn người lính trẻ khác đã chiến đấu và đã chết cho quê hương. Ðó là những anh hùng không tên tuổi. Nhưng Tổ quốc và lòng người dân Việt không bao giờ quên họ. Trong dòng cảm xúc này cùng sự hỗ trợ từ những người thân của chú, cháu mong được nhắc nhớ lại hình ảnh của một chiến sĩ Lê Hằng Minh, cũng là hình ảnh của muôn ngàn người anh hùng không tên tuổi mà cháu rất kính phục và biết ơn họ đã dâng hiến cuộc đời cho tổ quốc non sông và đã "vị quốc vong thân", đem lại yên vui êm ấm cho bao người trong đó có cả những tháng ngày thơ ấu, tuổi trẻ của cháu đã hưởng được sự an lành tốt đẹp.
Chú Minh biết không, nhìn những bức hình của chú trước mặt, cháu thấy lại nguyên vẹn hình ảnh của người đại úy trẻ đã nhìn cháu với nụ cười trìu mến vỗ về và cháu vẫn là cô bé tám tuổi đi lạc ngày nào, không có thời gian cách biệt. Nhưng có một điều, cháu sẽ chẳng bao giờ gặp lại để chú đánh đàn cho nghe, và những cánh hoa sứ ép khô cùng hương hoa ngày cũ trên những trang sách đẹp ngày xưa của cháu đã trôi lạc theo dòng đời bể dâu đã từ lâu lắm rồi... không tìm thấy nữa.
Sau ngày chú ra đi, ngủ yên trong lòng đất mẹ, chín năm sau, miền Nam tự do thân yêu của chúng ta đã rơi vào tay cộng sản. Ðã 27 năm qua, quê hương vẫn lầm than tăm tối. Bây giờ cháu đang sống ở xứ người, lòng vẫn nhói đau mỗi khi đọc những mẩu tin tức ở quê nhà, bao nhiêu là thảm cảnh và tệ trạng, bao nhiêu là bất công phi lý, cuộc đời những người dân nghèo Việt Nam vẫn triền miên đọa đày trong đói khổ lầm than. Ðó là những tiếng kêu như rên xiết, xé ruột trong lòng mà cháu không biết mình phải làm sao! Cháu biết chú cũng buồn như cháu và mọi người khi thấy quê hương thân yêu mình qua bao năm vẫn điêu linh khốn khổ, chưa có được ngày đẹp tươi của ánh sáng Tự do - Giàu mạnh cho mọi người được hưởng cuộc đời văn mình, ấm no chung.
Thôi để cháu nói qua chuyện khác cho chú nghe nhé. Bây giờ cũng đang là mùa hạ ở xứ Mỹ này, ở đây không có hàng cây bông sứ trắng như ở quê nhà, nhưng có một loài hoa khác rất đẹp cũng rộ nở vào mùa hè, đó là hoa Magnolia, còn được gọi là hoa Thiết Mộc Lan. Hoa màu trắng, nở to như hoa sen làm mát rượi cả một mùa hè, mát cả con đường cháu vẫn đi qua hàng ngày. Với cánh hoa tươi đẹp này cháu xin gởi tặng chú trong ngày giỗ thứ 36 của chú hôm nay. Và cũng xin kính tặng hai bài thơ nhỏ để tưởng nhớ đến chú cùng dâng lên anh linh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh cho Tổ quốc Việt Nam:
SAU CUỘC CHIẾN
Người lính đó không về sau cuộc chiến
Phố vẫn đông trong những ngày cuối tuần
Ngôi Giáo đường rung hồi chuông cầu nguyện
Nửa cho chàng, nửa cho khắp Việt Nam!
Ngọc Thủy
Mùa hè 29/6/2002
NGƯỜI CHIẾN SĨ MŨ XANH
Hồi năm tám tuổi tôi đi lạc
Người dẫn tôi về: Lê Hằng Minh!
Ba tám năm rồi, tôi vẫn nhớ
Người gọi tôi là cô bé xinh!
Trong tôi hình ảnh người không mất
Mãi mãi anh hùng của Việt Nam
Người lính dễ thương và lẫm liệt
Khiến tôi yêu mãi Nước cùng Non.
Ba tám năm rồi, người đã mất *
Giang sơn buồn quá... cũng như người!
Tôi và triệu triệu người xa xứ
Buồn quá cứ nhìn mây trắng trôi!
Tôi lật từng trang buồn ký ức
Từng trang nước mắt đọng bao giờ!
Một lần tháng sáu ngày hai chín
Tôi gởi về người: thân ái xưa!
Ba tám năm rồi, tôi mấy tuổi?
Người ơi... tôi biết người thiên thu!
Lê Hằng Minh hỡi, trên sông núi
Hồn xác người đâu? đang ở đâu?
Có thể đã tan cùng cát bụi?
Hay là đang quyện khói hương đây?
Trên đường trận mạc, người đi tới
Áo trận bao lần mưa nắng phai...
Ba tám năm rồi như giấc mơ!
Non sông Tổ quốc... chuyện không ngờ!
Có người nhắc Huế rồi lau mắt
Nhắc những anh hùng, thôi, đủ chưa?
Lê Hằng Minh ở trong lòng Huế
Cùng bạn bè đi vào sử xanh
Một nén hương thơm mà ấm nhỉ
Tôi đi khép lại cửa mông mênh!
Hồi năm tám tuổi, tôi đi lạc
Không gặp người thì tôi ra sao?
Nhiều lúc giật mình tôi nhớ lại:
Tuổi thơ là một giấc chiêm bao!
Người mất, tuổi tôi còn bé lắm
Bây giờ vẫn bé đến muôn năm
Nếu người còn sống tôi còn lạc
Lại được người dìu mỗi bước chân?
Lê Hằng Minh hỡi! thương mến chú!
Những giọt lệ từ "cô bé xinh"
Xin rót xuống đây - lòng biển cả
Lòng người chan chứa một niềm tin
Rằng mai đất nước mình tươi thắm
Huế dựng uy nghi một tượng đài
Trong khói nhang thơm trùm quá khứ
Bao người vị quốc đã vong thân!
* (Trung Tá Lê Hằng Minh đã anh dũng hi sinh lúc 31 tuổi tại mặt trận miền Trung, Vùng I Chiến thuật ngày 29 tháng 6 năm 1966).
CHÚT HƯƠNG TRONG GIÓ
Sáng, em nhìn một đám mây
Trời xanh, mây trắng, chút này đủ thương!
Gió như còn chở chút hương
Của hoa sứ trắng trong vườn mộng xưa...
Sáng mà sao em còn mơ
Ai kia trong đám lá chưa nhuộm vàng?
Nghĩ hoa sứ chắc giờ tan
Như mây trắng lát bay ngang mặt trời...
Ơi hoa sứ một thời ơi
Buồn trong con mắt cuối đời không chao?
Ai kia trong đám lá chào?
Không đâu! Gió động cành đào xuân duyên...
Trả cành hoa sứ cho em *
Trả luôn những bước chim chuyền bình minh!
Hỡi ơi em nói một mình
Cành xuân gió động, giọt tình... là sương!
N.T.
* (hoa Sứ còn được gọi là hoa Ðại)
ANH HÙNG VÔ DANH
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi lấp rừng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải sơn hà gấm vóc...
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Ðã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.
Ðằng Phương
Tôi với Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc
Nhân ngày Quân Lực năm nay, tôi xin trân trọng viết đôi giòng để tưởng nhớ Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc, cựu Tiểu Đoàn Trường Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến . Một cấp Chỉ Huy đáng kính mà tôi đã hãnh diện được phục vụ dưới quyền của Ông kể từ khi mãn Khóa 23 Võ Bị và được ưu tiên tuyển chọn về Bình Chủng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi cầm tính con Heo nhưng lại mang số kiếp con Trâu! Bởi vậy sau khi mãn Khóa Sĩ Quan Bổ Túc tại Trung Tâm Huấn Luyện TQLC vào đầu năm 1971 về trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở 15 Lê Thánh Tôn Sài Gòn. Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn cho 12 Thiếu Úy sữa bốc thăm thì riêng mình tôi được về với Trâu Điên. Cứ tưởng bở đâu nhè khi lên trình diện Đại Tá Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trường thì lại “ được “ bốc thăm lần nữa? Đâu ngờ tôi vẫn cứ được “ kiếp Trâu “ trước sự thèm thuồng, ngẩn ngơ, tiếc rẻ của những tên bạn cùng Khóa. Trưa ngày hôm đó tôi trở về nhà ăn vội bữa cơm với Gia Đình rồi vác balô ra Phước Thành tìm mua Phù Hiệu Trâu Điên may sẵn vào cánh tay áo trước khi đáp xe đò lên Thủ Đức.
Xe lam Thủ Đức Tam Hà đang chạy ngon trớn bỗng có một bàn tay con gái đập nhẹ vào vai tôi với giọng nói gấp rút “ Thiếu Úy ơi! Hậu cứ Tiểu Đoàn 2 Trại Lê Hằng Mình đến rồi nè, bên phải đường nghe Thiếu Úy! “ tôi mỉm cười cảm ơn rồi nhanh chóng rời khỏi xe tiến vào cổng trình giấy tờ cho an ninh vọng gác. Trung Úy Tài Sĩ Quan Ban 1 Tiểu Đoàn hướng dẫn tôi vào Trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc. Sau ít phút căn dặn, Tiểu Đoàn Trưởng dẫn tôi qua trình diện Đại Úy Trần Văn Hợp Tiểu Đoàn Phó rồi ngồi chờ lệnh. Mười lăm phút sau tôi được bổ nhiệm về làm Trung Đội Trưởng Trung Đội 16 của Đại Đội 1 thay thế cho Thiếu Úy Nguyễn Văn Nhân Khóa 9/68 Thủ Đức được đề cử lên làm Đại Đội Phó cho Đại Úy Đại Đội Trưởng Tây Đô Làm Tài Thạnh. Được biết Thiếu Úy Nguyễn Văn Nhân là một Người Hùng trên chiến trường Kampuchia khi Trung Đội 16 do Ông chỉ huy đã làm khiếp đảm quân thù khi giải vây và phòng thủ Preyveng. Ông đã được Báo Chí Quốc Tế hết lời ca ngợi và Tổng Thống Nixon tuyên dương. Cố Trung Úy Nguyễn Văn Nhân đã hy sinh tại mặt trận Quận Triệu Phong Quảng Trị vào giữa Tháng 7 năm 1972 khi Ông đang là Đại Đội Phó Đại Đội 2 tiến chiếm Quận Đường này!
Có một vài thắc mắc là tại sao cả Tiểu Đoàn Trưởng lẫn Tiểu Đoàn Phó đều là Dân Võ Bị của tôi , nhưng sao không đưa tôi về Đại Đội với Võ Bị làm Đại Đội Trường mà lại đưa tôi về Đại Đội của Ông Thủ Đức thế này? Sau này khi làm Đại Đội Trưởng kế vị Đại Úy Lâm Tài Thạnh tôi mới hiểu được vấn đề là Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc muốn tôi phải bị “ đì “ mà càng bị đì càng nhiều càng tốt! Có phải dẫn Trung Đội mở đường quanh năm suốt tháng, có phải đi lục soát tìm điểm nước lúc nửa đêm dưới khe thông thuỷ hoàn toàn không có lấy giọt nước, có bị hỏi số nhà liên tục bất kể ngày đêm...thì mới có nhiều kinh nghiệm chiến trường, có đủ bản lãnh và tư cách để nắm Đại Đội Trưởng Trâu Điên ngon lành mà không mặc cảm. Sau này nghe lời khích lệ của Tây Đó tôi cảm ơn Đại Bàng nhiều lắm vì tôi đã thực sự trưởng thành và vững vàng khi nắm Đại Đội Trưởng. Lý do là thời gian từ Thiếu Úy lên Trung Úy của tôi quá nhanh chỉ 12 tháng không hơn không kém.
Tôi còn nhớ trong Chiến Dịch hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào tại Mặt Trận phía Bắc Đồi 550, Sau khi tiến chiếm vị trí phòng thủ đầy tre gai rừng chằng chịt của địch tôi bị thương khá nặng mà nếu không có Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc la hét trên máy là chính mình bị thương để trực thăng Mỹ xăm mình bay đến tản thương trong hỏa lực phòng không đầy đặc của việt cộng thì có lẽ tôi đã bỏ xác tại Hạ Lào mất rồi! Tưởng cũng cần nói thêm là trong suốt cuộc hành quân tại Hạ Lào, Tiểu Đoàn đã đụng nặng nhiều trận sáp lá cà với địch và số thương vong đã lên đến 30. Anh Năm đã nói “ truyền thống của Tiểu Đoàn là không bỏ xác Đồng Đội cho nên Tiểu Đoàn di chuyển đến đầu là các poncho Tử Sĩ phải mang theo đó để sẵn tại bãi đáp. Những trực thăng có xuống chỉ để đi tản Thương Binh chứ không chịu mang theo poncho Tử Sĩ . Biết làm sao đây????
Tháng 4 năm 1971, Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc đến thăm tôi tại Bệnh Viện Sư Đoàn Lê Hữu Sanh tại Rừng Cấm Thủ Đức sau khi “ Người chết trở về “ ! Anh đã ngỏ ý muốn đưa tôi về tạm nghỉ chân tại Trung Tâm Huấn Luyện của Sư Đoàn? Nhưng tôi cảm ơn và dứt khoát từ chối bởi vì tôi đã lỡ mang kiếp con Trâu cho nên chỉ xin Anh Năm cho tôi được dưỡng thương một thời gian rồi sẽ tiếp tục lội với Tiểu Đoàn.
Tôi còn nhớ vào đầu Tháng 7 năm 1971 khi từ Bệnh Viện Lê Hữu Sanh ra hành quân Quảng Trị. Trưa hôm đó tại Phi Trường Biên Hòa vì chờ đợi máy bay quá lâu cho nên tôi phải đi ăn trưa trong câu lạc bộ. Đâu ngờ trong khi vắng mặt có Ông Phòng 1 đi điểm danh thiếu tôi là Trưởng Toán ( mặc dù đã được các Chiến Hữu cho biết lý đó vắng mặt của tôi ) nhưng sau đó Ông ta vẫn làm tờ trình gởi đến Anh Năm đề nghị cho tôi chục ngày trọng cấm với lý do “ vắng mặt bất hợp pháp không ra hành quân “. Tại Bộ Chỉ Huy hành quân của Tiểu Đoàn ở cứ điểm Holcom, Anh Năm ngạc nhiên hỏi tôi là tại sao người ta báo cáo cậu vắng mặt bất hợp pháp mà cậu lại có đây? Và sau đó Phòng 1 Sư Đoàn phải gởi giấy “ phúc đáp “ đến Anh Năm và xin không phạt tôi nữa!
Tết 1972, Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên được làm trừ bị cho Lữ Đoàn và đón xuân tại Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369 ở căn cứ Mai Lộc. Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc lệnh cho tôi là Đại Đội Trưởng Chỉ Huy tập hợp các Vị Sĩ Quan Tham Mưu lại để viết hàng trăm thiếp chúc xuân của Tiểu Đoàn với Phù hiệu Trâu Điên có kèm tờ giấy bạc 50 đồng mới tinh với chữ ký của Anh Năm trên đó. Đúng sáng ngày mùng 1 Tết nguyên đán, Tiểu Đoàn Trưởng Thái Dương Nguyễn Xuân Phúc đích thân đi thăm phòng tuyến từng Đại Đội và thân ái gởi đến từng Chiến Sĩ của mình bao thơ có thiếp chúc Xuân và tiền lì xì Năm Mới.
Khi Tiểu Đoàn về nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ Sóng Thần, tiệc liên hoan được tổ chức thật tưng bừng với sự giúp vui văn nghệ của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hoặc Hoa Tình Thương. Chương trình chỉ đến màn sexy shown là chấm dứt! Hoàn toàn không có nhảy đầm khiêu vũ gì hết với lý do là Anh Năm không muốn " Quan dzui mà Lính buồn " khi phải cầm súng canh gác cho Sĩ Quan nhảy nhót! Thôi các cậu chịu khó kéo về Sài Gòn mà nhảy cho cuồng chân bằng thích đi chứ ở đây không tiện!
Đối với CỐVẤN Mỹ của Tiểu Đoàn thì Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc rất giữ khoảng cách để cho “ cái thằng mọi gọi Anh Năm bằng Sir và buộc CốVấn Mỹ phải chịu khó nghe tiếng Việt. CóVấn Mỹ luôn được Anh Năm mời nhậu nhẹt nhưng đừng để cho Lính Trâu Điên đói đấy nhé. Nếu Lính tao đói là mày phải đói theo luôn và tao sẽ không cho mày ăn cơm với tao nữa đâu nghe rõ chưa! Cho nên bất cứ thời tiết nào, CốVấn cũng phải gọi máy bay tiếp tế hay tải thương cho con cái là tiên quyết chứ Anh Năm không bao giờ nhờ vả CốVấn mua giúp cái gì ở PX đâu. Đó là lý do tại sao sau khi xuống núi, CốVấn Mỹ phải xin phép Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc lái xe jeep về Phú Bài, Huế mua du thứ đồ nhậu mang ra hành quân để đáp lễ những cảm tình mà Anh Năm đã dành cho Họ.
Đầu Tháng 5 năm 1972 khi Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên thành lập tuyến Mỹ Chánh chặn địch ngay tại cầu Mỹ Chánh trên Quốc Lộ 1 thì bỗng dưng có một phi tuần phản lực Mỹ từ phía Nam bay tới bất thần liệng 4 trái bom hạng nặng xuống cầu Mỹ Chánh khiến 1 Trung Đội tác chiến đang phòng thủ bên bờ phải lọt xuống sông. Đại Úy CốVấn Rey Smith sợ xanh mặt và được cố vấn Sư Đoàn cho biết là Phi công cứ tưởng cầu Bến Đá là cầu Mỹ Chánh cho nên đội bom lầm??? Thế rồi chỉ hai ngày sau từ ngoài biển Đông, Hải Pháo 400 ly của Hạm Đội 7 lại rớt hàng chục quả vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 2 và đào sâu một hố bom lớn ngay bên cạnh hầm của Tiểu Đoàn Trưởng sát Nhà Thờ Mỹ Chánh. Đại Úy CốVấn Smith sợ xanh cả máu mặt cứ tưởng sẽ bị Anh Năm gõ gậy lên đầu nhưng chẳng thấy Anh Năm nhúc nhích gì hết cho nên hắn ta lại vui miệng hát Quốc Ca Việt Nam và Tình khúc Diễm xưa của Trịnh công Sơn... Không hiểu đã bao năm qua, Trung Tướng hồi hưu Smith còn nhớ lại kỷ niệm của 32 năm về trước không?
Tôi vẫn nhớ giữa Tháng 5 khi Anh Năm chính thức bàn giao Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên cho người Khóa 19 đàn Em Tiểu Đoàn Phó lên làm Tiểu Đoàn Trưởng. Cũng như người Khóa đàn Em 20 Đại Úy Phạm Văn Tiền Sĩ Quan Ban 3 Lên làm Tiểu Đoàn Phó thì tôi cũng đã được Anh Năm nâng đỡ cho làm Sĩ Quan Ban 3 để học hỏi thêm. Nhân đây tôi cũng xin được nhớ ơn Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc vì nhờ sự giúp đỡ của Anh mà tôi đã trưởng thành thật sự trong khói lửa với nhiệm vụ Đại Đội Trưởng, tôi có thể tự mình gởi bản văn trên Hệ thống Không Lực xin chiến đấu cơ của Không Quân Hải Quân Hoa Kỳ đánh bom vào mục tiêu mà không cần Đại Úy CốVấn Carlock nữa.
Tuy nhiên đối với tôi, Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc có hai cái tật mà sau này tôi rất mừng và nể phục Anh vì Anh đã bỏ bớt và bỏ hẳn luôn cái thành kiến phi lý mà Anh đã mang nó kể từ khi còn Thiếu Uý. Tôi không tin lời kể của một người nói về một tân Sĩ Quan mới tốt nghiệp Á Khoa một Khóa nổi tiếng của Trường Võ Bị lại có thể uống rượu say khướt với người bạn rồi ôm nhau “ trang rung xuống cầu “ nhảy xuống kênh ướt như con chuột lột??? Thế rồi sau đó chui vào "động" chị em ta ngủ chung với Họ, bỏ Đơn Vị không chịu về với thuộc cấp???? Nhưng thực tình tôi thấy Anh Năm đã nhậu quá chén vào một ngày cuối năm 1971 với Thiếu Tá CốVấn Mỹ trong hầm chỉ huy tại căn cứ Hỏa lực Sarge với một chuyện đáng tiếc xảy ra làm Anh chợt tỉnh. Và kể từ ngày hôm đó Anh đã thực tình chỉ nhậu cho say khướt rồi lặng lẽ đi ngủ không một ai biết! Trước Vong Hồn Anh Năm ngày hôm nay, thằng em xin cảm ơn Anh Năm đã biết nghe lẽ phải để Tự Thắng lấy mình. Cái thành kiến thứ hai mà Anh Năm bỏ được là các Vị Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn. Số là khi còn Thiếu Uý, Anh Năm bị thương khá nặng được tản thương về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Khu Ngoại Thương không còn một giường trống cho nên Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phúc và một số Thương Binh phải nằm ngoài hành lang chờ đợi. Đến khi có một giường trống thì Y tá hỏi Bác Sĩ trực là nên đưa Ai vào trước. Tức thì viên Bác Sĩ trực trả lời ngay “ Ai thuộc Corps Medical thì cho vào trước “. Anh Năm tuy bị thương nặng hơn một ông Bác sĩ nhưng đành phải nằm lại ngoài hành lang! Thế là Anh mang thành kiến từ đấy mà giận lấy cả giới Y Bác Sĩ cho đến ngày Anh làm Tiểu Đoàn Trưởng . Quả thực Anh Năm đã căm thù luận điệu quá kỳ thị của một Đốc tờ Gian Y kiêm ác mẫu nào đó tại Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày hôm đó! Đây cũng là lý do tại sao Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc đã công khai đối xử “ không đẹp “ với tất cả các Bác Sĩ đã không may là Y Sĩ Trưởng của Tiểu Đoàn. Thí dụ như Bác Sĩ Phương trong cuộc hành quân Hạ Lào đã không được tưởng thưởng gì hơn lại còn bị phạt 15 ngày trọng cấm vì lý đó vắng mặt bất hợp pháp! Sau đó Bác Sĩ Phuơng đã phải thuyên chuyển về Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ...Cho đến khi Bác Sĩ Hồng râu về thay thế. Nhờ là Dân Bắc với tính tình hiền lành cởi mở, hiếu khách lại thêm hàng hai trong nhiệm vụ tải thương và biết lễ độ tôn trọng Thượng cấp. Hơn nữa nhờ phước đức Ông Bà để lại cho nên Bác Sĩ Hồng râu đã làm thay đổi con tim và Khối óc của Anh Năm. Kể từ đó Anh Năm không còn ghét bỏ Y Sĩ Trưởng nữa và Bác Sĩ Hồng Râu thường xuyên được Anh Năm mời hợp, mời nhậu... khi cần.
Tôi không muốn đề cập đến “ thiên tài Quân Sử “ của Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc mà nhiều người đã hết lời ca ngợi! Tôi chỉ xin nhắc nhở lại một thời kỷ niệm với Anh Năm, với Thái Dương, với Robert Lửa, với 216 Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Xuân Phúc mà tôi đã từng được hân hạnh phục vụ dưới quyền Anh Năm qua các nhiệm vụ Trung Đội Trưởng Trung Đội 16/ Đại Đội 1, Đại Đội Phó Đại Đội 5, Đại Đội Trưởng Đại Đội Chú Huy, Sĩ Quan Ban 3 Tiểu Đoàn và Đại Đội Trưởng Đại Đội 1.
Nói về một Con Người thì Ai cũng có cái tốt và cái xấu. Nhưng đối với một cấp Chỉ Huy trong Quân Lực mà cái tốt nhiều hơn cái xấu là tư cách lắm rồi huống chi cấp Chỉ Huy đó lại biết phục thiện như Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc là điều thật đáng Vinh Danh. Nhân Kỷ Niệm 39 năm Ngày Quân Lực, đàn Em xin được thắp cho Anh Năm Nguyễn Xuân Phúc một nén hương lòng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước Vong Linh Anh, một Tiểu Đoàn Trưởng Trâu Điên với Tác Phong đúng đắn, Kỷ Luật Nghiêm minh, cố gắng trong sạch, và Công Bằng khi Chỉ Huy nổi tiếng trong Binh Chủng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.
West San Jose, Ca Ngày 19 Tháng 6 năm 2004
Mũ Xanh Trâu Điên 117
Trần Văn Loan
Subscribe to:
Posts (Atom)
Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975
Green Forest (New Orleans) ngoài khơi Vũng Tàu ngày 30-4-1975 đang bốc những người tỵ nạn từ những xa lan. Đoàn tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ngo...
-
Viên Linh (hồi ký và dịch tài liệu CIA) Ngày 18 tháng 4, 1975: Tổng Thống Gerald Ford thành lập Ủy Ban Ðặc Nhiệm Liên Bộ, Interagency T...
-
Chuyện một người Chiến binh trong cuộc chiến Bắc Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn nhân đánh dấu 35 năm ngày 30-4-1975 Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn là...
-
NGÀY THỨ BẢY 26 THÁNG 4/1975 Soạn Thảo Kê Hoạch chiếm Sài Gòn: Khởi Sự Tấn Công vào Ngày 27-4 Về phía Cộng sản, trong cuốn Đại thắng Mùa Xuâ...